Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Chánh án TAND Tối cao và em học sinh lớp 10


Chánh án TAND Tối cao và em học sinh lớp 10





Đông Đô Phạm (Danlambao) - Trước câu hỏi liên quan tới việc bồi thường 17 năm tù oan cho ông Huỳnh Văn Nén (ngụ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều ngày 11-11- 2016, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho các phóng viên báo chí biết như sau: Việc yêu cầu nạn nhân bị tù oan (Huỳnh Văn Nén) nộp hóa đơn, chứng từ để được xem xét bồi thường 17 năm tù oan là của Bộ Tài chính và “TAND Tối cao là đơn vị chấp hành” (!?). Quy định này có lý để nhằm phòng tránh tiêu cực, ông Bình nói như vậy (1).



Câu trả lời của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật, đại biểu Quốc Hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khiến cho một số Phóng Viên báo chí “đảng ta” bất ngờ và lợm giọng muốn chạy ngay vào toilet vì... buồn nôn. Bởi lẽ chức năng của TAND Tối cao không thể là đơn vị chấp hành chỉ đạo của một Bộ, là Chánh án TAND Tối cao và cũng là ĐBQH ông trả lời như tụt quần “đại tiện” vào một nguyên tắc chủ đạo quan trọng nhất trong bộ Luật tố tụng đó là “Độc lập khi xét xử”.



“Tôi tuyên thệ: “TAND Tối cao là đơn vị chấp hành” của Bộ Tài Chính (!?)


Nguyên tắc độc lập khi xét xử có nghĩa: Đòi hỏi sự độc lập của hội đồng xét xử với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các cá nhân. Khi xét xử, không ai khác “Luật Pháp là cấp trên của quan tòa” (Các Mác). Trong tiến trình tố tụng Thẩm phán chánh án và Hội thẩm nhân dân không bị ràng buộc, không bị chi phối bởi bất kỳ ý kiến của ai. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp hoặc tác động vào các thành viên của Hội đồng xét xử để ép họ phải xét xử vụ án theo ý chủ quan của mình. Cơ quan xét xử phải tâm niệm rằng mọi hành động can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào đều làm ảnh hưởng tới tính khách quan của vụ án trong hoạt động xét xử, khi xem xét vụ án Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có thể tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nhưng đó không phải là yếu tố bắt buộc làm căn cứ khi phán quyết, Trong xét xử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải thể hiện bản lĩnh bằng trình độ chuyên môn cao với cái tâm trong sáng, tôn trọng sự công bằng nghiệm suy mọi vấn đề một cách độc lập, không được để cho các ý kiến khác làm ảnh hưởng tới bản chất khách quan của vụ án.


Đó là nguyên tắc hiến định được ghi trong Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 được sửa đổi bổ sung năm 2001 và Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS) năm 2003.


Việc ông Nguyễn Hòa Bình nêu lý do: “Bộ tài chính yêu cầu nộp hóa đơn, chứng từ là điều kiện cần để được bồi thường 17 năm tù oan là có lý, để nhằm phòng tránh tiêu cực và TAND Tối cao theo đó mà chấp hành” là khập khiểng phi chân lý... “Tiêu cực” theo ông chánh án Nguyễn Hòa Bình khi ông võ đoán chủ quan nói ở đây là 3 người (bố ruột ông Nén, ông Nguyễn Thận thầy giáo cũ của ông Nén là cựu chủ tịch xã... và một Luật sư tự nguyện tư vấn miễn phí). Ông Chánh án khẳng định rằng: “3 người đề cập nói trên không có liên quan đến chuyện bồi thường nhưng tư vấn các tài liệu cho ông Nén đòi bồi thường thêm 5 tỉ đồng vì tổn hại sức khỏe trong 17 năm tù là muốn tranh thủ câu chuyện này để có một chút hưởng lợi” (lời ông chánh án nói với báo chí). Người ta không biết dựa trên cơ sở chứng cứ nào mà ông võ đoán như thế?


Liên quan 2 nhân vật mà ngài Chánh Án cho là tiêu cực “có một chút hưởng lợi” mời ngài tham khảo qua hệ thống truyền thông - Chiều 15/1/2016 tại Sài Gòn, báo điện tử Infonet đã tổ chức buổi gặp gỡ, trao giải “Nhân vật của năm 2015” do bạn đọc báo này bình chọn cho ông Nguyễn Thận – người có 15 năm kiên nhẫn kêu oan cho học trò mình “người tù 2 thế kỷ” Huỳnh Văn Nén.


Được biết, báo điện tử Infonet khởi động cuộc bình chọn “nhân vật của năm 2015” Có 5 nhân vật tiêu biểu của cuộc bình chọn gồm: 1) thầy giáo Nguyễn Thận, người kiên trì kêu oan cho học trò mình (ông Huỳnh Văn Nén); - 2) thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng cục cảnh sát hình sự, Bộ công an; - 3) vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên, - 4) hạ sĩ PCCC Trương Duy Tùng và 5) Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Kết quả: Ông Nguyễn Thận được bình chọn nhiều nhất, kết quả bình chọn của báo điện tử Infonet đối với nhân vật Nguyễn Thận đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn từ rất nhiều bạn đọc, dư luận xã hội..- Mời ngài chánh án Nguyễn Hòa Bình xác minh nguồn tại đây (2)


Nếu còn thấy chưa khả tín thì ngài Chánh Án tham khảo tiếp nguồn này (Người Lao Động Online) - Nếu khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén, dự kiến sẽ có gần 200 luật sư đăng ký tham gia. Chiều 13-9-2016, luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP HCM) - một trong những luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho "Người tù thế kỳ" Huỳnh Văn Nén, cho biết hiện đã có gần 200 luật sư trong cả nước liên lạc với gia đình ông Nén để tham gia bảo vệ miễn phí cho ông Nén nếu ông Nén buộc phải kiện ra tòa để đồi bồi thường oan sai. Số luật sư đăng ký tham gia vẫn đang tiếp tục tăng lên (3).


Nhân đây, cũng liên quan chuyện “bồi thường “ mà xét thấy nếu còn nhân cách và liêm sỉ thì cũng cần lắm ông Chánh án TAND Tối cao nên liên hệ với em học sinh lớp 10 (dưới đây) để mong em này dạy thêm cho ông về lòng tự trọng: “tự nguyện xin bồi thường vô điều kiện vì trách nhiệm” trước những hậu quả do mình gây ra….


Cùng thời gian với ông Nguyễn Hòa Bình phát biểu với báo chí nói trên (ngày 11/11), trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một mảnh giấy dán vào cửa kính chiếc xe ô tô đời mới ghi kèm nội dung: “Do vô tình cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi. Liên hệ với cháu qua số điện thoại 0949… để cháu đền ạ. Do cháu không biết chủ ô tô là ai”. Ngay sau đó đã có hàng ngàn lượt phản hồi “thích” và bình luận ngợi khen hành động của em học sinh và cho rằng em còn nhỏ nhưng đầy lòng tự trọng rất có trách nhiệm không trây ì trả treo điều kiện với hậu quả việc mình gây ra.





Phóng Viên báo chí lần theo số điện thoại được biết vụ việc như sau: Nguyễn Thế T… học sinh lớp 10, trường THPT Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng, học sinh gây ra vụ tai nạn nêu trên kể, khoảng gần 12h ngày 11/11, sau giờ học, em điều khiển xe đạp điện về nhà. Khi em chạy xe điện đến một con ngõ ở phố An Dương đã bất ngờ va vào chiếc gương của ô tô đỗ bên đường. Sau va chạm, chiếc gương bị gãy, vỡ mặt gương.“Khi đó em không thấy chủ của chiếc ô tô đâu cả nên đã viết nội dung kèm số điện thoại ra giấy để khi chủ xe ra sẽ liên lạc lại với em và em xin đền tiền chiếc gương” - em học sinh này thú nhận.


Anh Nguyễn Hữu Trung, bác sĩ làm việc tại Hội châm cứu TP. Hải Phòng, chủ của chiếc xe ô tô Mazda 3 này cho hay, trưa cùng ngày anh dự đám giỗ người thân ở ngõ 185 Tôn Đức Thắng, phường An Dương, quận Lê Chân (Hải Phòng). Chiếc xe cá nhân đậu gần cổng trường THPT Trần Nguyên Hãn.


"Ăn xong ra xe thấy gương bên lái bị vỡ, kính xe dán mảnh giấy viết vội cùng số điện thoại, tôi chỉ nghĩ rằng ai đó trêu đùa", anh kể. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều, gọi vào số điện thoại ghi trên giấy anh rất bất ngờ khi biết đó là một nam học sinh lớp 10 trường THPT Trần Nguyên Hãn. Cậu học trò lễ phép chân thành xin lỗi nhận trách nhiệm, và xin đền tiền chiếc gương vỡ (gương Mazda 3 từ 2,5 đến 4 triệu tùy loại) "Nghe cháu thành thực xin lỗi, tôi rất cảm động vì trong xã hội ngày nay không ít người lớn gây hậu quả nhưng không dám nhận lỗi, thậm chí thoái thác trách nhiệm, đổ cho người khác. Đây là hành động dũng cảm, thể hiện em được gia đình và nhà trường giáo dục rất tốt", anh Trung nhận xét.


Chia sẻ với VnExpress, cậu học trò cho hay "Chiều cùng ngày, bác chủ xe (Anh Trung) đã gọi điện, nhưng thật lạ là bác ấy không cáu gắt, cũng không hề bắt đền chiếc gương vỡ mà chuyện trò rất vui vẻ, dặn dò em lần sau đi cẩn thận hơn. Trước khi cúp máy bác còn động viên em học tập cho tốt. Trước một người tốt như bác ấy, em thực sự cảm kích và thấy càng phải có trách nhiệm với bản thân hơn", nam sinh lớp 10 này nói với phóng viên.


Hai bài học thực tế rõ ràng đầy sinh động phơi bày giữa xã hội.


Bài học thứ nhất - Em học sinh lớp 10 vô tình chạy xe va vào một chiếc ô tô đang đỗ bên đường làm vỡ kính chiếu hậu dù không có chủ xe tại hiện trường nhưng em cũng tự động thể hiện tinh thần trách nhiệm để lại lời xin lỗi và số điện thoại cá nhân để chủ xe liên hệ cho phép em được bồi thường khắc phục hậu quả.


Bài học thứ hai - Cơ quan điều tra và tòa án Tỉnh Bình Thuận đã làm tàn tạ cuộc đời một nạn nhân trong 17 năm tù oan mang bản án giết người cướp tài sản... Đến khi bồi thường thì trả treo như hàng tôm hàng cá ngoài chợ (Ban đầu ông Nén yêu cầu bồi thường 18 tỉ đồng, sau đó ông Nén chủ động giảm xuống còn hơn 14 tỉ đồng, lần thương lượng thứ 3 TAND tỉnh Bình Thuận đồng ý bồi thường 10,2 tỉ đồng. Tuy nhiên trong buổi thương lượng lần thứ 4 TAND tỉnh Bình Thuận lại đổi ý chỉ chấp nhận bồi thường cho ông Nén 2,6 tỉ đồng, ông Nén không thể chấp nhận).


Bây giờ tới phiên ông chánh án TAND Tối cao cũng bước theo cái dấu chân võ đoán chủ quan là phải có hóa đơn chứng từ như vậy nhằm phòng tránh tiêu cực, dù di chứng 17 năm lao tù đã biến nạn nhân từ một thanh niên thành ông già đang bệnh hoạn héo hắt cuối đời... Tàn nhẫn hơn, trong buổi thương lượng lần thứ 4 TAND tỉnh Bình Thuận lại đổi ý chối bỏ lời đề nghị của chính mình trước đó đồng ý bồi thường 10,2 tỷ mà phủi tay chỉ chấp nhận bồi thường cho ông Nén 2,6 tỉ đồng cho 17 năm tù oan, riêng ông chánh án Nguyễn Hòa Bình như cầm con dao đằng cán hổ trợ cho Tòa án Bình Thuận bằng lối nói úp mở: Trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì gia đình ông Nén có thể khởi kiện TAND tỉnh Bình Thuận để phân định tiền bồi thường. “Phân Định” ở đây chỉ là lời nói sáo rỗng điểm phấn tô son, bởi vì hơn ai hết ông chánh án Nguyễn Hòa Bình biết rất rõ Tòa án cấp dưới luôn phải phục tùng chỉ đạo từ tòa án cấp trên, trước tòa án mọi người đều nhìn thấy sự tranh luận dù đủ và đầy chân lý của hàng trăm Luật Sư thì cũng như gió vào nhà trống, bản án đã nằm sẵn trong túi quan tòa như Robot lập trình.


Gõ tới đây thì kẻ viết bài này chợt tủm tỉm cười khi liên tưởng lại lời nói của ông chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: “Việc Bộ Tài Chính yêu cầu nạn nhân bị tù oan (Huỳnh văn Nén) nộp hóa đơn, chứng từ để được xem xét bồi thường 17 năm tù oan là có lý để nhằm phòng tránh tiêu cực”...


Vậy thì ông “Hà Bá biển Đông” tiêu cực quá nặng rồi khi không chịu cấp cái “Hóa đơn chứng từ nào” cho ngư dân 4 tỉnh miền trung thì làm sao Bộ Tài Chính chi trả tiền bồi thường cho ngư dân nhỉ? Thưa ông chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.


13.11.2016



Đông Đô Phạm
danlambaovn.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét