Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Lồng nhốt quyền lực và vai trò của giám sát xã hội!


Lồng nhốt quyền lực và vai trò của giám sát xã hội!


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế" (Ảnh: infonet.vn).
Tiến sĩ Trịnh Tiến Dũng

(GDVN) - Đề cao và phát huy vai trò giám sát xã hội không chỉ thực sự giúp"nhốt" quyền lực vào lồng quy chế pháp luật, mà rộng lớn hơn là vào lưới trời của nhân dân.

Hệ thống chính trị Việt Nam trên nguyên tắc "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", xét về bản chất thì quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, ủy quyền cho Nhà nước.

Tuy nhiên khi ủy quyền, nếu không có kiểm soát quyền lực rất dễ dẫn đến tha hóa, vụ lợi, do đó cần sự đồng lòng kiểm soát của các lực lượng trong xã hội.

Mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về giải pháp kiểm soát quyền lực là "phải nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp".

Hưởng ứng điều này, Tiến sĩ Trịnh Tiến Dũng (Nguyên Trợ lý Giám đốc, kiêm Trưởng Ban Quản trị Quốc gia UNDP Việt Nam) đã có bài viết bình luận cho rằng

"lồng quy chế" đó chính là giám sát xã hội.


Chiều 17/10 trong đợt tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “phải nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”.

Tiếp đó, sáng 26/10/2016 bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Phạm Minh Chính (Trưởng ban tổ chức trung ương Đảng) cũng nói: “Trung ương đang xây lồng quy chế để nhốt quyền lực”.

Đó là chủ trương đúng đắn và được cử tri và người dân khắp cả nước ủng hộ vì vấn nạn lạm dụng quyền lực đã lên đến đỉnh điểm, thách thức nghiêm trọng cả hệ thống chính trị và dư luận xã hội.


Khi vấn nạn này được các chính các vị lãnh đạo Đảng nói ra trước công luận thì vấn đề sẽ được quan tâm hơn nhiều.


Thực ra cơ chế “nhốt” quyền lực không phải bây giờ mới được quan tâm xây dựng.

Khuôn khổ chính sách và pháp luật, các thiết chế, bộ máy trong Đảng, Nhà nước và cả trong xã hội đã được xây dựng và đưa vào thực hiện cách đây trên mười năm.



Chẳng hạn: Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội 2003, năm 2015 Quốc hội sửa đổi thành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Luật khiếu nại tố cáo, Pháp lệnh dân chủ cơ sở (2007)…


Mặc dù khuôn khổ pháp luật còn chưa hoàn thiện, đồng bộ và cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi nhưng đó không phải là căn nguyên chính của vấn nạn lạm dụng quyền lực.

Vấn đề cốt lõi là hiệu lực và hiệu quả của công tác giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền.

Rõ ràng là hiệu lực và hiệu quả giám sát thông qua hệ thống thiết chế chính thống còn rất hạn chế.

Vậy đâu là giải pháp hữu hiệu nhất để có thể “nhốt” quyền lực trong điều kiện một đảng cầm quyền như ở Việt Nam?

Việc chỉ “đi bằng một chân”, tức giám sát bởi các cơ quan dân cử, kể cả với sự hợp sức của các tổ chức chính trị - xã hội liệu có thể chặn đứng được vấn nạn lạm dụng quyền lực hay không?

Kinh nghiệm thế giới và ở Việt Nam cho thấy việc giám sát bởi hệ thống các cơ quan dân cử là kênh quan trọng, có tính nền tảng, không thể thay thế và đã phát huy hiệu quả cao, nhất là ở thời gian đầu khi “dân trí” còn thấp.

Tuy vậy, thực tiễn đã cho thấy “kênh” này còn nhiều hạn chế như: không thể bao quát hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chi phí giám sát cao, không tương xứng với lợi ích thu được và trong một số trường hợp có thể bị xung đột lợi ích.



Chẳng hạn, một vị trưởng ngành lại vừa là Bí thư đảng ủy cơ quan Bộ lại vừa là đại biểu Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia. Vậy “lồng” nào có thể “nhốt” được quyền lực khi cái chung và cái riêng xung đột với nhau?


Kinh nghiệm ở Việt Nam chỉ ra rằng giám sát xã hội có thể bổ sung cho khiếm khuyết nêu trên của hệ thống giám sát chính thống (tương tự như thị trường có thể làm rất tốt nhiều việc thay cho những việc mà trước đây chỉ có Nhà nước làm).

Nó có vai trò to lớn trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, nhất là ở cấp cơ sở nhằm kiểm soát và chế ngự việc lạm dụng quyền lực để tham ô, tham nhũng các nguồn lực công.

Chẳng hạn: tiền Chính phủ hỗ trợ thủy lợi phí cho nông dân ở thôn Ngọc Nha Hạ (xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) bị cán bộ thôn ỉm đi suốt 16 năm nay [2]

Ví dụ này tuy không lớn nhưng thông điệp của nó không hề nhỏ: cần đề cao và phát huy vai trò của giám sát xã hội thì mới có thể thực sự “nhốt” quyền lực vào không chỉ lồng quy chế pháp luật, mà rộng lớn hơn… vào lưới trời lồng lộng, qua hàng chục triệu tai, mắt của người dân.

Hoạt động giám sát xã hội được quy định chung trong Hiến pháp 2013 [3] và được quy định cụ thể trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015).

Đặc biệt Luật Mặt trận Tổ quốc dành hẳn Chương V (từ Điều 25-31) nói về hoạt động mang tính chất xã hội này.

Tư liệu tham khảo:

Có thể định nghĩa giám sát xã hội (GSXH) là hoạt động tập thể của cộng đồng công dân nhằm mục đích tăng cường tính giải trình trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ công trong việc thực thi trách nhiệm của họ đối với công dân, trước hết là trong lĩnh vực cung cấp.

http://vtv.vn/trong-nuoc/hung-yen-tien-ho-tro-thuy-loi-noi-dong-bi-im-suot-16-nam-20160912082249459.htm

Điều 2, 8...


Tiến sĩ Trịnh Tiến Dũng

Nguồn: Theo GDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét