Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

“Tứ trụ” nào thì cũng chịu áp lực cải cách


“Tứ trụ” nào thì cũng chịu áp lực cải cách

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 16 tháng 1 năm 2016 | 16.1.16




Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI sáng ngày 11/01/2016, tại Hà Nội.


Đồng thuận – Tiền đề cho cải cách kinh tế

Không bao lâu nữa sẽ tới 21/1, thời điểm Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 chính thức khai mạc tại Hà Nội và kéo dài 1 tuần. Lúc đó, những đồn đoán về lãnh đạo cao cấp mà dư luận quan tâm sẽ được làm sáng tỏ. Nhưng trên phương diện khác có thể thấy một vài điểm rõ nét, đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận những thách thức và cơ hội mang tới, khi đồng thuận chủ trương ký kết phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Đây cũng là một tiền đề cho cải cách kinh tế để đáp ứng những điều kiện khó của TPP.

Trả lời Nam Nguyên tối 14/1/2016, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành từ Hà Nội nhận định rằng, dù lãnh đạo mới của Đảng là ai thì Việt Nam cũng phải cải cách để đáp ứng những điều kiện của TPP.

Trong cuộc chơi này Việt Nam hiểu rõ mọi điều kiện qua thời gian dài thương thảo, đã có sự đồng ý chấp nhận thì phải thực hiện, mặc dù ai làm lãnh đạo của Việt Nam cũng phải thực hiện đầy đủ Hiệp định được ký, không có cách nào khác. - Bùi Kiến Thành
“Tất nhiên đã chấp nhận hội nhập, Việt Nam là một trong 12 quốc gia thành viên, riêng Việt Nam còn xu hướng xã hội chủ nghĩa, nếu muốn hội nhập thì phải thay đổi thôi. Trong cuộc chơi này Việt Nam hiểu rõ mọi điều kiện qua thời gian dài thương thảo, đã có sự đồng ý chấp nhận thì phải thực hiện, mặc dù ai làm lãnh đạo của Việt Nam cũng phải thực hiện đầy đủ Hiệp định được ký, không có cách nào khác.”

Hầu hết báo điện tử ở Việt Nam cập nhật thông tin về Đại hội Đảng sắp tới mà tiến trình là bế mạc Hội nghị Trung ương 14 hôm 13/1/2016 vừa qua. Thông tin trên báo chí chỉ cho thấy Trung ương Đảng đã bỏ phiếu kín đề cử nhân sự chức danh 4 vị trí chủ chốt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021. Danh sách đề cử Tứ Trụ này sẽ để Trung ương Đảng khóa 12 xem xét.

Bên cạnh thông tin khá kín kẽ về vấn đề nhân sự tương lai, người đọc báo cũng tìm thấy một điểm tích cực trong sinh hoạt chính trị đặc thù của Việt Nam qua Hội nghị Trung ương 14. Theo VnEconomy, một trong hai nội dung lớn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên trong bài phát biểu bế mạc. Đó là Trung ương Đảng sau khi thảo luận đã thống nhất cao về chủ trương ký kết, phê duyệt Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

Theo VietnamNet, thông cáo báo chí về Hội nghị Trung ương 14 cho biết Trung ương Đảng nhìn nhận Hiệp định TPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, có phạm vi điều chỉnh rộng hơn và mức độ cam kết sâu hơn Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia trước đây.

Vào TPP Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm cơ hội tham gia các chuỗi sản xuất, tiêu thụ quốc tế và khu vực; góp phần tạo thêm công việc làm, nâng cao thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Trung ương Đảng nhận thức, các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa trong TPP tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn, đặc biệt với ngành nông nghiệp; một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu có thể lâm vào tình trạng khó khăn.

Đối với thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP và các FTA khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội nhận định:



TBT Nguyễn Phú Trọng (thứ ba từ trái), Chủ tịch VN Trương Tấn Sang (thứ 3 từ phải), Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng (thứ 2 từ trái), và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (phải) tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 40 ngày 30/4 tổ chức tại TPHCM hôm 30/4/2015

“Có thể coi là ngành nông nghiệp chịu sức ép cạnh tranh toàn diện trên tất cả các sản phẩm. Trước yêu cầu như thế, rõ ràng Việt Nam phải thúc đẩy mạnh mẽ cải cách nông nghiệp mà phải thực hiện một cách triệt để. Dù sao nó cũng tạo ra một cơ hội cho thấy Việt nam không thể tiếp tục phát triển nông nghiệp như từ trước đến nay được nữa mà phải buộc đi vào phát triển theo kiểu một mặt thì hiện đại hóa, một mặt phải thương hiệu hóa rất cao cách sản xuât các mặt hàng nông sản…nghĩa là phải căn cứ vào yêu cầu của thị trường để tổ chức sản xuất chứ không phải cứ làm như từ trước đến nay và xảy ra tình trạng hàng hóa nhiều khi dư thừa và bán với giá rất thấp nữa.”

Theo thông cáo báo chí, Hội nghị Trung ương 14 bày tỏ lo ngại về việc mở cửa thị trường sẽ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Về vấn đề này chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định:

“Đây là nguy cơ rất lớn cho Việt Nam, nguyên nhân là khi Việt Nam ký những hiệp định thì có chuẩn bị đầy đủ cho doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ hay không? Đấy là sự lo lắng rất lớn cho tất cả mọi người quan sát tình hình Việt Nam. Mong rằng các vị lãnh đạo Việt Nam sẽ làm những gì như đã nhiều lần tuyên bố. Nhất là vào kỳ họp Chính phủ tháng 11 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã rất là quyết liệt, làm sao tất cả mọi điều kiện phải tập trung lại cho doanh nghiệp tư doanh phát triển…quyết tâm thì đã có rồi, sắp tới chỉ việc thực hiện thôi, nếu không doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị đào thải lần lần và chúng ta sẽ mất chủ quyền kinh tế.”

Nhiều thách thức

Thông cáo Hội nghị Trung ương 14 được VietnamNet trích dẫn cho thấy Trung ương Đảng có sự trăn trở vì tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động…

Bản thông cáo Hội nghị không trực tiếp đề cập tới vấn đề công đoàn độc lập, một cách hiểu khác về tự do nghiệp đoàn và xa hơn là tự do lập hội. Tuy vậy thông cáo cho biết, Trung ương Đảng nhìn nhận việc thực hiện các qui định về lao động trong hiệp định TPP cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội đối với các hoạt động có liên quan đến quan hệ lao động, giữ vững ổn định chính trị xã hội để phát triển đất nước.
Đúng là khi vào TPP hay hợp tác với thế giới nói chung thì về luật phải phù hợp tương thích nhau thì mới làm ăn được, chuyện này đương nhiên. Thế nhưng bản thân cái ông này không chân thành gì cả, ông ấy tìm cách dối trá đánh lừa thôi. - TS Hà Sĩ Phu
Trong dịp trả lời chúng tôi, TS Hà Sĩ Phu, một nhân sĩ đã trải nghiệm những mặt trái của thực tế độc quyền cộng sản, từ Đà Lạt bày tỏ sự hoài nghi về việc Việt Nam sẽ thực hiện cải cách khi hội nhập nhanh với thế giới:

“Đúng là khi vào TPP hay hợp tác với thế giới nói chung thì về luật phải phù hợp tương thích nhau thì mới làm ăn được, chuyện này đương nhiên. Thế nhưng bản thân cái ông này không chân thành gì cả, ông ấy tìm cách dối trá đánh lừa thôi. Thứ hai, tôi nghĩ quốc tế dễ bị cộng sản lừa lắm, chỉ có người Việt Nam, người trong cuộc từng trải mới có thể biết tim đen của người cộng sản.”

Trong dịp trả lời chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng chủ tịch Hội nhà báo độc lập, một tổ chức xã hội dân sự tự phát, cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam hạn chế việc phổ biến ra công chúng vấn đề công đoàn độc lập, sự triển khai từ các điều kiện trong TPP.

“Trong bản văn được công bố về TPP, báo chí nhà nước không hề nhắc tới công đoàn độc lập mặc dù chương về lao động chương 19 trong bản văn TPP hoàn toàn rõ ràng. Nhưng đã không có tờ báo nào của Việt Nam nói về công đoàn độc lập. Điều đó cho thấy Bộ Công thương là cơ quan chủ trì đàm phán cũng như Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm động tác nào đó, ngăn không cho báo chí loan về công đoàn độc lập. Nếu như ngay từ đầu mà nhà nước đã không tôn trọng việc công khai điều khoản về định chế công đoàn độc lập cũng như ngăn truyền thông rộng rãi cho người dân được biết về công đoàn độc lập, thì sau này làm sao họ có thể tôn trọng những điều khoản cụ thể hơn về công đoàn độc lập…”

Trong thông cáo phổ biến sau khi Hội nghị Trung ương 14 bế mạc, Trung ương Đảng khóa 11 nhận định, cơ hội mà hiệp định TPP đem lại cho Việt Nam là rất lớn và cơ bản, song thách thức không nhỏ. Tuy nhiên Trung ương Đảng cho rằng các thách thức này đã được nhận diện và với kinh nghiệm 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế…Việt Nam quyết tâm vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội do hiệp định TPP mang lại để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trung ương Đảng tán thành việc Chính phủ Việt Nam cùng các chính phủ các nước ký hiệp định TPP vào đầu tháng 2/2016; giao Bộ Chính trị chuẩn bị công tác trình Quốc hội xem xét phê chuẩn hiệp định.

Người đọc báo xem vấn đề đồng thuận chủ trương ký kết và phê chuẩn Hiệp định TPP của Hội nghị Trung ương 14 là một điểm sáng. Vì như thế ban lãnh đạo mới của đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam không thể quay lưng lại với cải cách kinh tế, mà cải cách kinh tế luôn đòi hỏi phải cải cách chính trị.


Nam Nguyên


(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét