Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Từ chiếc đồng hồ của Obama đến cá kho tộ


TS Lê Đăng Doanh: Từ chiếc đồng hồ của Obama đến cá kho tộ
Reply
chuỗi cung ứng, công nghệ, economy, obama, TS Lê Đăng Doanh
20.1.16

Hy vọng từ 3 chữ C. Đó là Chất lượng – Công nghệ – Chuỗi giá trị, có lẽ là thứ ta cần trong thế giới không còn “phẳng” mà “nhanh”, các ứng dụng mới sẽ thay đổi lối sống và nhịp sống của con người như hiện nay.





Chúng ta hãy bắt đầu từ những chuyện rất nhỏ để nâng cao chất lượng, công nghệ của mình. Ở Sài Gòn, có chị chuyên làm cá kho tộ, đã xuất khẩu cả bông lau, cá lóc, cá bống mú. Mỗi tộ chị nấu với hương vị khác nhau. Nấu xong thổi một luồng khí nitơ rất lạnh vào, rồi đóng giấy bạc.


Hàng bán chạy ở nước ngoài. Người Việt Nam ở Mỹ, Canada đi làm cả tuần, cuối tuần gặp nhau mua cá kho tộ về, mở ra thơm lừng, mừng như được trở lại quê nhà. Một công nghệ nhỏ đã làm cho người mua và người kinh doanh đều tốt đẹp.


Quê tôi có một anh nông dân thương binh thời kháng chiến chống Trung Quốc. Trở về làng, anh kinh doanh bonsai… Mới gặp lại, anh nói anh là nông dân không cần đất.


Từ người trồng trọt bình thường, nhờ internet, anh có thể liên lạc được với toàn thế giới để tìm khách hàng. Tự tìm kiếm đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản qua internet, trồng bonsai theo hình dáng khách hàng đặt. Qua đó thấy rõ tạo được liên kết, sản phẩm có sự khác biệt, độc đáo, là có thể vươn ra thế giới.


Bước tiến vũ bão của công nghệ


Nhìn ra thế giới, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp dẫn đầu cũng xoay quanh ba chữ C này đề tồn tại và phát triển. Về công nghệ, Samsung nỗ lực rất lớn để vượt lên Sony ngay thời điểm khủng hoàng kinh tế toàn cầu, nhảy vào thị trường điện thoại thông minh.


Đằng sau Samsung có hẳn bộ máy đồ sộ của nhà nước và các tổ chức nghiên cứu Hàn Quốc, từ bộ Thông tin, bộ Thương mại, các viện… giúp Samsung sớm đưa điện thoại vào thị trường. Trong khi đối diện khủng hoảng, Sony lại sai lầm khi giảm chi tiêu, cho các kỹ sư về nghỉ sớm. Samsung đã mời các kỹ sư ấy về làm với họ, và kết quả điện thoại thông minh của Samsung vượt lên rất nhiều so với Sony.


Bước tiến vũ bão của công nghệ đang làm thay đổi cục diện của kinh doanh hàng ngày, hàng giờ. Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng thống Mỹ Obama nói chuyện trong Nhà Trắng, theo lịch trình chỉ làm việc 45 phút, nhưng hai người đã kéo dài đến 75 phút.


Ông Obama sau đó đã lấy đồng hồ của mình ra khoe với ông Nguyễn Phú Trọng về chức năng mới của nó, đo được nhịp tim, lượng mỡ trong máu, cả nhịp thở… Đồng hồ của Obama kết nối được với vệ tinh, bác sĩ riêng của Obama cứ nhìn lên màn hình, có gì bất thường lập tức có biện pháp liền. Google đang tiếp tục theo hướng phát triển công nghệ về sức khoẻ.


Những đột phá như vậy đã mở ra những bước tiến quan trọng. Google còn có xe tự lái, đã bắt đầu chạy trên phố. Thiết bị này đã được gắn với Mercedes và Toyota rồi. Với công nghệ ấy dịch vụ taxi chắc phải thay đổi hoàn toàn, taxi cổ điển chắc sẽ không thể tồn tại trước làn sóng công nghệ.


Sự giàu có của thế giới tập trung vào các trung tâm sáng tạo và các quốc gia phát triển khoa học công nghệ sáng tạo. Thế giới không phẳng mà “nhanh”, các ứng dụng mới sẽ thay đổi lối sống và nhịp sống.


Phải thu hút nhân tài


Với tốc độ công nghệ hiện nay, bài toán đặt ra cho mọi quốc gia là phải thu hút nhân tài. Người nêu tấm gương sáng trọng dụng nhân tài là Lý Quang Diệu. Ông từng chủ trương nếu ai viết bài nói xấu Singapore thì mời sang Singapore diện kiến ngay.


Điển hình là ông Paul Krugman, giải Nobel Kinh tế học đại học Princeton, người đã viết hai bài nổi tiếng. Bài thứ nhất ông tiên đoán kinh tế Liên Xô sẽ sụp đổ, dựa trên các thông số kinh tế ông phân tích đường cong GDP ngày càng bé đi, tỷ lệ nghịch với tốc độ phát triển. Liên Xô viết mấy bài chửi bới ông.


Ông phân tích kinh tế Singapore đầu tư kém hiệu quả, tốc độ GDP tăng trưởng chậm lại do tốc độ năng động linh hoạt yếu. Lý Quang Diệu lập tức mời ông sang.


Tôi đã gặp ông ở đại học Princeton, và nói với ông rằng hai bài nghiên cứu ấy đã giúp tôi phân tích và hiểu kinh tế Việt Nam tốt hơn. Ông Paul Krugman kể cho tôi nghe Lý Quang Diệu đã đón ông như thượng khách, hỏi ông cần gì và làm việc trực tiếp với ông.


Phải hết sức tôn trọng sự đa dạng. Ý kiến khác nhau không phải chống lại nhau. Nước mình lại quá đề cao việc mọi người phải nói giống nhau. Giống nhau thì làm sao có cái mới, phải phân biệt cái khác biệt và cái chống lại nhau. Bí quyết của Lý Quang Diệu rất thực dụng, luôn lấy thực tế là cái động, không tìm kiếm bất cứ lý thuyết nào. Điều thứ ba là ông sẵn sàng thay đổi nếu thấy cần thiết, không cứng nhắc, không giáo điều.


Muốn hợp tác được, tham gia vào chuỗi giá trị và trở thành đối tác giá trị, yêu cầu tối thiểu với doanh nghiệp là phải tôn trọng người lao động, tạo sự bình đẳng giữa nam và nữ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.


Đối tác Mỹ, Nhật Bản sắp tới sẽ ào ạt sang Việt Nam, nhưng điều kiện ký kết hợp đồng sẽ ngày càng khắt khe hơn, họ sẽ nhìn tận mắt xem nhà vệ sinh có giấy đi cầu không, có sạch sẽ không, công nhân có được đi khám sức khoẻ định kỳ không, có ai bị bệnh truyền nhiễm không?


Mình cứ nói doanh nghiệp FDI đối xử với công nhân Việt bất công, thực ra không phải vậy. Ví dụ Samsung ở Thái Nguyên sử dụng 86.000 công nhân, trong đó cứ một người sáu mét vuông nhà ở. Tầng trệt có cửa hàng bách hoá, phòng tập thể dục, phòng gội đầu. Trong khi nữ công nhân Việt Nam trong ngành may Hải Phòng 20 người chen chúc trong một phòng, ai kéo người yêu về là phải quây tấm vải che lại.


Nhìn vào bức tranh chung, tăng trưởng có khá lên nhưng chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài, nhưng nguồn thu ngân sách thì thấp hơn nhiều, vì người ta chuyển hết lợi nhuận về đất nước họ.


Tôi không hiểu đất nước sẽ đi về đâu khi ngân sách chỉ còn 45.000 tỷ? Thế giới đã và đang thay đổi nhanh chóng. Cuba và Venezuela đã chuyển mình, Myanmar cũng có bước tiến ngoạn mục. Đã đến lúc Việt Nam phải cải cách để tránh lâm vào cảnh vỡ nợ công và tiếp tục tụt hậu, lạc lõng với thế giới.


Theo TGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét