Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016
Lê Công Định: KÝ SỰ TRÌNH DIỆN THÁNG 1/2016
Lê Công Định: KÝ SỰ TRÌNH DIỆN THÁNG 1/2016
Ký sự trình diện tháng 1/2016
Lê Công Định
Sáng ngày 14/1/2016 tôi đến trụ sở Công an phường trình diện theo định kỳ. Bên công an chỉ có hai người, một từ Công an TPHCM và một từ Bộ Công an. Bên Ủy ban nhân dân phường vẫn anh cán bộ phụ trách tư pháp lập biên bản buổi làm việc như thường lệ.
Tôi hỏi vì sao cô Phó Chủ tịch phường kiều diễm không đến dự, các anh cho biết: “Chị ấy đi tập huấn cuối năm, các lãnh đạo phường đều đi cả.” Tôi buồn rầu đáp: “Lẽ ra cô nàng nên ở đây tập huấn cho tôi thì hơn, tôi cũng cần tập huấn,” rồi thầm nghĩ: “Tôi và nàng nên “tập huấn” nhau từ từ là vừa rồi!” Mọi người đều cười, vì lời đáp của tôi, chứ không phải vì ý nghĩ thầm kín đen tối ấy.
Mở đầu, một anh an ninh nói: “Hôm nay chưa phải là buổi trình diện cuối cùng của anh, vì ngày 5/2/2016 chúng tôi dự định gặp anh chính thức một lần nữa để trao quyết định kết thúc quản chế của Cơ quan thi hành án cho anh. Những buổi làm việc thế này chúng tôi rất vui được nghe lời góp ý thẳng thắn của anh về các vấn đề pháp luật, kinh tế và xã hội. Hy vọng trong tương lai anh vẫn tiếp tục đóng góp như vậy.”
Tôi cám ơn thiện ý của các anh và bày tỏ ý muốn duy trì mối quan hệ với chính quyền để đôi bên có cơ hội thông hiểu nhau nhiều hơn. Một anh nói: “Chúng ta sẽ gặp nhau như những người bạn và trò chuyện thoải mái hơn bây giờ, dù có thể vẫn còn nhiều khác biệt.” Tôi tán thành suy nghĩ đó của anh.
Anh khác nói: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ anh trong công việc sau này và nếu anh có bất cứ yêu cầu nào, hãy cho chúng tôi biết. Anh trở lại công việc tư vấn luật chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhà nước và doanh nghiệp. Hy vọng khi nào chính quyền cần anh góp ý hoặc tư vấn các vấn đề pháp lý, anh sẽ vui lòng cộng tác.” Tôi trả lời: “Thật sự tôi vui mừng vì đề nghị này của anh và tôi sẽ quay lại nghề luật sư dù không còn chứng chỉ hành nghề nữa.”
Anh ấy nói tiếp: “Chúng tôi sẽ giúp nếu anh chú tâm làm việc mà không dính dáng đến các hoạt động chính trị. Anh nên nghĩ đến mẹ già và các con thơ của anh nhiều hơn. Họ cần anh, còn chính trị không có lợi cho cuộc sống của anh hiện tại. Tốt hơn hết chỉ tập trung vào nghề nghiệp chuyên môn của anh thôi. Đây là lời góp ý chân thành của chúng tôi.”
Anh khác bảo: “Anh nên lấy trường hợp anh Nguyễn Văn Đài làm gương nếu còn ý định hoạt động chính trị. Đừng nghĩ rằng ai từng đi tù thì sẽ không bị bắt lại. Anh phải biết cân nhắc, vào trong đó chẳng làm được gì đâu. Nhân tiện, anh nghĩ gì về vụ anh Đài mới đây? Chúng tôi thấy anh kêu gọi trả tự do cho anh Đài nhiệt thành lắm.”
Tôi đáp: “Tôi thực sự ngạc nhiên về việc bắt lại anh Nguyễn Văn Đài theo Điều 88 của Bộ luật hình sự. Các bài viết trên facebook và nội dung trả lời phỏng vấn của anh Đài rất ôn hòa và không thể bị xem là tuyên truyền chống nhà nước. So với nhiều tiếng nói thẳng thắn công khai trên các phương tiện truyền thông gần đây, anh Đài luôn tỏ thái độ nhẹ nhàng hơn. Nếu anh ấy bị bắt theo Điều 79 về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, thì trước khi bình luận tôi cần xem tài liệu thu thập và kết quả điều tra của cơ quan an ninh. Còn đối với Điều 88, tôi có thể nói ngay rằng quan điểm ôn hòa mà anh ấy trình bày không thể cấu thành hành vi vi phạm luật. Tôi còn nghĩ anh ấy bị bắt vì lý do nào khác, chứ thực ra Điều 88 chỉ là cái cớ.”
Các anh an ninh trả lời: “Chúng tôi cũng như anh đều chưa xem tài liệu thu thập và kết quả điều tra của cơ quan an ninh để khẳng định điều gì, nhưng biết đâu do anh Đài tổ chức các lớp học truyền bá tư tưởng chống nhà nước cho các học viên tham dự, nên cơ quan an ninh đã có đủ bằng chứng trước khi quyết định bắt (?)” Tôi cắt ngang: “Tôi và mọi người đều mong cơ quan an ninh công bố các bằng chứng thật để dư luận đánh giá, và cho đến lúc đó, tôi vẫn nhận định rằng đây là sự bắt giữ tùy tiện.”
Một anh chuyển sang vấn đề ngược đãi anh Trần Huỳnh Duy Thức trong tù, hỏi tôi rằng: “Anh lấy thông tin về sự ngược đãi đó ở đâu?” Tôi bảo: “Từ facebook mang tên Trần Huỳnh Duy Thức của gia đình anh ấy.” Anh an ninh giải thích: “Chúng tôi nghe nói ở trong tù anh Thức muốn viết một bản góp ý về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội nhân sự kiện Đại hội Đảng sắp tới, nhưng giám thị trại giam từ chối, vì cho rằng anh Thức chỉ có thể góp ý về tình hình trong trại giam mà thôi, chứ chuyện Đại hội Đảng thì một phạm nhân không có quyền góp ý. Thế là anh Thức phản ứng, cho rằng như vậy là vi phạm nhân quyền, khiến đôi bên căng thẳng. Tuy nhiên anh Thức vẫn được tạo điều kiện gặp gỡ gia đình bình thường hàng tháng, và không có sự ngược đãi nào như anh phản đối!”
Tôi nhận xét: “Anh nói sao thì tôi hay vậy, vì chẳng có gì công khai, nhất là trong môi trường trại giam ở Việt Nam. Tôi nghĩ anh Thức đã phản ứng đúng, nếu quả thật như thế, và có lẽ ông giám thị trại giam đã áp đặt những biện pháp ngược đãi sau khi anh Thức tỏ thái độ chống lại. Tất nhiên ông ta chẳng bao giờ thừa nhận việc đó. Tôi luôn tin tưởng và ủng hộ mọi điều anh Thức làm.”
Anh an ninh chuyển đề tài, hỏi một câu giống ở các buổi trình diện trước đó: “Anh có nghe dư luận thế nào về nhân sự Đại hội Đảng sắp tới không?” Tôi trả lời: “Tất cả thông tin về nhân sự đều chỉ là đồn đoán. Tôi đã nêu rõ quan điểm của mình rằng đó là việc của các đảng viên cộng sản, vì người dân chẳng có quyền lựa chọn nào ở đây. Nó hoàn toàn khác và trái với các cuộc bầu cử dân chủ thông thường.”
Anh ấy hỏi tiếp: “Nhưng theo anh nghĩ ai là nhà lãnh đạo xứng đáng nhất?” Tôi đáp: “Thật khó nói vì tôi chẳng có quyền lựa chọn, vả lại cũng chẳng ai xứng đáng làm lãnh đạo quốc gia, nhưng anh hỏi thì tôi nêu ý kiến của mình. Giữa những gương mặt lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nổi trội và phù hợp với tình hình đất nước hiện nay hơn cả.” Anh an ninh quay sang anh cán bộ phụ trách tư pháp ra dấu đề nghị ghi ý kiến này của tôi vào biên bản.
Buổi làm việc kết thúc sớm hơn thường lệ. Cánh cửa hé mở, anh cảnh sát khu vực bước vào cười chúc mừng tôi: “Sắp hết quản chế, nên chắc hết bị “khủng bố” hả anh?” Ý anh ấy nhắc đến cách tôi gọi đoàn kiểm tra nhân khẩu vào nhà tôi ban đêm cách đó gần hai tuần lễ. Tôi bật cười: “Anh xem facebook của tôi cẩn thận quá!” Anh ấy trề môi: “Chúng tôi kiểm tra nhân khẩu cả khu chung cư theo đợt mà anh bảo là khủng bố (!)” Tôi đáp: “Tôi mong sau này không đến nỗi bị khủng bố như thế nữa!”
Ngày 5/2/2016 tôi sẽ đến phường trình diện lần cuối, loạt ký sự này còn một kỳ nữa cũng kết thúc, mong hôm đó cô nàng Phó Chủ tịch sẽ đến dự, mang ngọn gió xuân và chút hương hoa cho ngày gần cuối năm âm lịch. Những mong nàng cũng sẽ cùng bàn chương trình “tập huấn” với tôi sau này. Biết đâu trong tương lai tôi sẽ lại cho ra đời loạt bài “tập huấn ký sự” có nhiều pha mùi mẫn, cả những màn lâm ly bi đát, và sẽ không còn cảnh hỏi đáp, mà thay vào đó là những lời oanh vàng thỏ thẻ trao qua gửi lại, lãng mạn hơn chăng? Thỏ, hãy đợi đấy!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét