Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Chúc mừng anh Bên Thắng Cuộc


Chúc mừng anh Bên Thắng Cuộc

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Hai, ngày 18 tháng 1 năm 2016 | 18.1.16





Anh Huy Đức thân mến

Đọc xong bài Tứ Trụ của anh, tôi thất vọng. Nỗi thất vọng không đến từ việc anh “dồn phiếu ảo” cho người này, tôi “dồn phiếu ảo” cho người kia, mà nó xuất phát từ nội dung của bài viết. Cho phép tôi được trình bày.

Khôn ngoan trong đối ngoại

Anh viết: “Ông Trọng là một người khôn ngoan trong đối ngoại”.

So những nước đang tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông thì Việt Nam chịu thiệt nhiều nhất: mất ngư trường, mất tài nguyên, mất lãnh hải, mất đảo, mất an ninh quốc gia, mất mạng. Thế nhưng, Việt Nam phản ứng yếu nhất nếu không nói là nhu nhược. Dư luận nổi nóng đã xếp ông Trọng vào hàng Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc. Lẽ nào anh gọi đó là sự “khôn ngoan”?

Hay anh muốn nói tới chuyến đi Mỹ của ông Trọng vào tháng bảy 2015. Nếu Việt Nam không nằm trong vị trị yết hầu phía Nam của Trung Quốc, nếu Việt Nam không trải qua một lịch sử kinh nghiệm chống ngoại xâm Trung Quốc, nếu Mỹ không xoay trục về châu Á, thì liệu Mỹ có cần tới ông Trọng không?

Theo thiển nghĩ của tôi chỉ riêng thành tích bất hảo về nhân quyền của Việt Nam hiện nay thì ông Trọng khó có được visa du lịch vào nước Mỹ chớ nói gì đặt chân vào phòng Bầu Dục. Thiết tưởng ông Trọng không nên quá tự hào về thành tích này.

Hết thảy mọi hoạt động của ông Trọng, từ đối nội đến đối ngoại, từ việc lớn đến việc nhỏ đều dựa trên nguyên tắc: Giữ vững Chủ Nghĩa Xã Hội, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê. Hay nói một cách khác, những gì có lợi cho khối Xã Hội Chủ Nghĩa, cho Đảng Cộng sản Việt Nam, và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều được ông ưu tiên lên hàng thứ nhất.

Càng cuối nhiệm kỳ ông Trọng càng bộc lộ rõ thái độ này. Ông sẵn sàng hy sinh quyền lợi đất nước để giữ vững Chủ Nghĩa Xã Hội. Tổ quốc có bị thiệt thòi về lãnh thổ lãnh hải, về tài nguyên tài sản, không quan trọng bằng việc giữ vững tình đoàn kết trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa. Ngư phủ có thể bị cướp bóc, sách nhiễu hay thiệt mạng chỉ là tiểu cục, ông Trọng lờ đi. Nhân quyền không đáng để ông quan tâm. Trung thành với ý thức hệ Mác – Lê quan trọng hơn nhiều.

Có lẽ phải nói thế này mới đúng anh Huy Đức ạ. Ông Trọng là một người khôn ngoan trong đối ngoại để mang lợi về cho các Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc và cho khối Xã Hội Chủ Nghĩa, bất chấp dân tộc Việt Nam chịu thiệt trăm bề.

Đáng xấu hổ

Đề cập đến sự kiện Trung Quốc đưa Giàn khoan HD 981 vào Biển Đông, anh ca ngợi: “Ông Trọng cho nhóm họp Bộ Chính trị và đưa ra những kết luận và nguyên tắc ứng xử rất rõ ràng.”

Thưa anh, giặc vào trong nhà rồi. Ông nhóm họp. Đó là bình thường nếu không nói là tầm thường. Thiết tưởng, ai ở vào vị trí của ông Trọng lúc đó phải họp nội các. Có gì đặc biệt mà anh ca tụng.

Nếu anh đem ông Trọng so sánh với Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật, Tổng thống Benigno Aquino của Phillipine, thậm chí với Thủ tướng Hunsen của Cambodia thì còn nghe được. Đằng này anh ca ngợi ông Trọng bằng cách so sánh ông với người tiền nhiệm Nông Đức Mạnh.

Trong cuốn Bên Thắng Cuộc, tập II, Quyền Bính mà anh là tác giả, có một chương về Nông Đức Mạnh. Anh mô tả ông Mạnh là “một người vô danh trên chính trường bỗng chốc được đặt vào ghế chủ tịch Quốc hội.” Anh viết: Ông Mạnh “lúc nào cũng mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, nhưng ăn nói nhạt nhẽo và rất ít quyền lực… ở nhiều địa phương khác nhau, với gần như chỉ có một câu “Các đồng chí phải tìm ra thế mạnh của địa phương là trồng cây gì và nuôi con gì.”

Anh kể: Người lập hồ sơ để đưa ông Mạnh vào Trung ương là Nguyễn Đình Hương, phó Ban Tổ chức Trung ương, nhận xét “Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì Đảng ta có một tổng bí thư như vậy. Nông Đức Mạnh chỉ có trình độ ở tầm cán bộ cấp huyện.” Phan Văn Khải nhận định “Ông Mạnh trình độ yếu lại thiếu bản lĩnh nên gần như không có tác dụng gì.” Bản thân ông Mạnh tự nhận “Em biết thân phận em rồi, người dân tộc chỉ có thể làm đến thế.”

Ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Truởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, nói: “Ngay từ Đại hội VI chọn ông Nguyễn Văn Linh là không đúng. Ông ấy không phải là người đổi mới. Ông Linh chọn ông Đỗ Mười cũng không đúng. Ông Mười chọn Lê Khả Phiêu cũng không đúng. Đến khi chọn Nông Đức Mạnh thì sai.”

Anh mang đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra so sánh với một Tổng Bí thư “vô danh”, “nhạt nhẽo”, “trình độ yếu”, “thiếu bản lĩnh”, “gần như không tác dụng”, “đáng xấu hổ” thì kể ra người được so sánh cũng đáng xấu hổ thiệt.

Chiếm đoạt thể chế – Độc tài – Tham nhũng – Cha truyền con nối

Trong bài Tứ Trụ, anh ca ngợi ông Trọng đánh đổ được ông Dũng là ông Trọng đã thành công đánh đổ được một nhà độc tài và tham nhũng.

Anh định nghĩa thế nào là “độc tài” và anh có bằng chứng gì chứng minh ông Dũng là một nhà lãnh đạo độc tài? Anh cũng có bằng chứng gì để thuyết phục bạn đọc rằng ông Dũng tham nhũng?

Anh viết: “Tôi nhìn thấy một khả năng đen tối hơn đó là sự chiếm đoạt thể chế cho một kế hoạch lâu dài mang tính cha truyền con nối.”

Thưa anh,
Ông Dũng lớn lên từ ngành an ninh. Ông hiểu rõ an ninh có mặt tại từng con hẻm, mỗi góc phố, từng quán café. Chỉ cần ông nhúc nhích là bị còng tay. Hơn nữa ông Dũng chẳng cần “chiếm đoạt” của ai vì ông đang nắm “thể chế” trong tay. Chẳng dại gì mà ông manh động.

Ông Dũng cũng thừa khôn ngoan nhìn thấy tấm gương của những bậc đàn anh: Trường Chinh mới kiến trúc lên một lộ trình đổi mới đã bị loại ngay đêm trước Đại hội VI. Trần Xuân Bách vừa thai nghén ra những bước canh tân, phải chết bất đắc kỳ tử. Võ Văn Kiệt có tư tưởng phóng khoáng bị đuổi ra khỏi sân chơi không thương tiếc.

Bằng những quan sát cá nhân, tôi không tin ông Dũng có gan nổi loạn, phần “trung thành” với Đảng của ông nổi trội hơn nhiều.

Quả thực, việc con ông Dũng nằm ở vị trí lãnh đạo là khó coi. Nhưng đó chỉ là một trong hằng hà sa số các trường hợp con ông cháu cha lan tràn trong Đảng. Không thể kết luận đó là một âm mưu “chiếm đoạt thể chế cho một kế hoạch lâu dài mang tính cha truyền con nối.” Nghe rùng rợn, đao to búa lớn, nặng mùi vu cáo chính trị quá anh Huy Đức à.

Nếu như một cây bút không chuyên, tơ lơ mơ, ưa chém gió, thích bình loạn như tôi mà viết câu này thì chẳng đáng nói làm gì. Đằng này, anh là một phóng viên chuyên nghiệp đã thành danh, nhiều bạn đọc, khá cẩn trọng.

Anh nhìn thấy “một khả năng đen tối” trong gia đình ông Dũng. Còn tôi thì không thấy sáng sủa hơn khi đọc xong bài viết của anh.

Chúc mừng anh

Vài ngày nữa thì Đại hội XII khai mạc. Chính trường nhốn nhao. Dân tình ngơ ngác. Ai ở ai về? Ai thắng ai thua? Ai là “trường hợp đặc biệt” được ông Trọng nhắc tới nhiều lần trong cả ba kỳ Hội nghị 12, 13, 14. Ông Trọng lấp lửng không dám nói thẳng rằng “trường hợp đặc biệt” là chính Tôi – Nguyễn Phú Trọng muốn ở lại để giữ vững Đảng và khối XHCN.

Ngược dòng thời gian, nhìn lại trận đánh của Lê Đức Thọ nhằm vào Trường Chinh trước Đại hội VI. Gần hơn, là trận đánh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người Bắc, có tư tưởng bảo thủ, nhằm vào Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người miền Nam, có tư tưởng đổi mới.

Tôi nghĩ về trân đánh mà chúng ta đang chứng kiến. Ông Trọng, cũng người Bắc, hiện thân của giáo điều, nhằm vào ông Dũng, người Nam, có chút tư tưởng canh tân. Tôi thấy ông Dũng không còn một cơ may nào ở lại Bộ Chính trị chớ đừng nói gì trở thành Tổng Bí thư.

Cú dụ, nhử, vờn, bẫy rồi ra đòn của ông Trọng rất hiểm. Ông Dũng bị lừa đến tận phút cuối. Vây cánh và uy tín trong Đảng, trong dân, kinh nghiệm trân mạc của ông Dũng thua ông Kiệt mà ông Kiệt còn không chịu nổi. Ông Dũng không thể sống sót.

Lê Đức Thọ kết hợp với Phạm Văn Đồng để đánh Trường Chinh. Kết thúc cả ba cùng về. Ông Linh tự rút lui, không tái cử nhiệm kỳ hai để đọ găng với ông Kiệt. Nguyễn Phú Trọng đánh gục đối thủ nhưng vẫn tái cử giành chiến thắng. Đủ biết ai cao tay hơn ai. Người mà anh Huy Đức ủng hộ sẽ thắng. Tôi chúc mừng anh.

Có lương thiện không?

Cuối bài viết, anh Huy Đức kêu gọi “bảo vệ những người lương thiện”. Vậy ông Trọng có là người lương thiện không?

Khi không kỷ luật được đồng chí X, ông Trọng khóc, như chưa bao giờ được khóc. Nhưng ông không một giọt nước mắt cho những ngư phủ xấu số. Ông chẳng phiền lòng cho những công dân chết trong đồn công an. Ông không xót thương cho những nông dân mất đất. Ông không trắc ẩn cho những người cầm bút bị mất việc hay vào tù vì dám viết khác ông. Ông nghĩ gì khi thấy những cụ già ở tuổi ông lang thang khắp nẻo đường bán vé số hay xin ăn. Ông có cắn rứt khi thấy nạn côn đồ đỏ đang tràn lan. Ông có xót xa cho những trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng không giường bệnh. Ông có dằn vặt khi thấy những con em cháu gái đất nước ta vì nghèo đói mà phải cưới những tên ma cô nước ngoài?

Tôi chỉ thấy ông Trọng kẻ cả, hỗn hào khi trả lời cử tri.

Anh kêu gọi “chúng ta phải góp phần loại bỏ độc tài bạo chúa”, “tẩy chay cái ác, cái xấu”. Vâng! Tôi tin vào lời kêu gọi của anh.

Độc tài, bạo chúa, chiếm đoạt thể chế, cha truyền con nối, cái ác, cái xấu sẽ đội nón về quê sau Đại hội XII. Nạn lưu manh, côn đồ đỏ sẽ không còn đất sống. Đảng của ông Trọng chỉ còn lại toàn những người lương thiện.

Ôi vậy thì may mắn cho dân tộc này quá. Tôi cũng muốn cắp nón theo anh đi dồn phiếu ảo cho những người lương thiện.

Kính thư.
Một lần nữa chúc mừng anh.

Thứ Bảy, ngày 16 tháng Giêng 2015

© Trần Hồng Tâm
(Đàn Chim Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét