Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016
Trung Quốc có can thiệp được đại hội của ‘đảng ta?’
Phạm Chí Dũng - Trung Quốc có can thiệp được đại hội của ‘đảng ta?’
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 18 tháng 1 năm 2016 | 18.1.16
“Cầu viện Trung Quốc”
10 ngày trước khi đại hội 12 đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức khai mạc, lần đầu tiên trên mạng xã hội xuất hiện một bài viết ẩn danh tính về hành động “cầu viện Trung Quốc” của nhóm hai ông Nguyễn Phú Trọng - Nguyễn Sinh Hùng. Theo đó, quân đội Trung Quốc có thể mượn cớ “chống khủng bố ở nước ngoài” để điều binh “bảo vệ đại hội đảng 12.”
Bài viết này, với nhiều thông tin nội bộ về cuộc bỏ phiếu và số phiếu cụ thể của Bộ Chính Trị đối với các chức danh trong “tứ trụ” trước khi Hội Nghị Trung Ương 14 diễn ra vào ngày 11 Tháng Giêng, 2016, rất nhiều khả năng xuất phát từ một lực lượng nào đó chính trong lòng đảng.
Tác giả Việt Dũng của bài viết trên là người đã có “quá trình” ủng hộ nhiệt tình Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bài viết trên cũng hiện ra hai tuần sau khi Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng bất thần tiến hành chuyến công du lên Bắc Kinh, trong đó ấn tượng đặc biệt là ông Hùng đến viếng mộ Mao Trạch Đông và được “khách mời của Quốc Hội Việt Nam - ông Tập Cận Bình - tiếp đón khá trang trọng.”
Một lần nữa sau vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 tung hoành ở Biển Đông vào giữa năm 2014 và hiện tượng “biến mất” của Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh vào giữa năm 2015, những dấu hiệu rõ ràng về ý chỉ can thiệp của Bắc Kinh đối với nội bộ đảng Cộng Sản và đại hội đảng 12 đang tái hiện.
Cùng lúc, vẫn đang tồn tại dấu hỏi về khả năng Bắc Kinh muốn và đã can thiệp đến mức nào vào đại hội 12 của “đảng ta.”
Lời thanh minh chưa từng có tiền lệ “Tôi khẳng định Trung Quốc không thể tác động vào Đại hội 12 của Đảng” của Trưởng ban tuyên giáo trung ương Đinh Thế Huynh trên trang báo điện tử trang VietnamNet, ngay sau chuyến công du Bắc Kinh Tháng Mười Hai 2015 của ông Nguyễn Sinh Hùng kéo theo tuyên bố đột ngột “KIÊN quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động, âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước” của chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng, càng khiến dư luận đinh ninh với tục ngữ “không có lửa sao có khói.”
Quy luật và những câu hỏi
Mặc dù chẳng hề tồn tại một kết quả khảo sát hoặc con số thống kê nào, nhưng cho tới nay nhìn chung khá nhiều dư luận vẫn cho rằng phe thân Trung ở Hà Nội đang chiếm ưu thế. Một luồng quan điểm khác - dư luận có lẽ chiếm số ít hơn - lại cho là thực ra Trung Quốc chưa thể tiến sâu vào nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nhưng nói gì thì nói, không phải ngẫu nhiên mà vào cuối năm 2015 và càng gần đến đại hội 12 của đảng cầm quyền, Trung Quốc càng gia tăng gây hấn trên vùng biển và cả vùng trời Việt Nam. Hiện tượng tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, đặc biệt một ngư dân Việt bị tàu nghi là của Trung Quốc bắn chết, cùng gần năm chục lần máy bay Trung Quốc vi phạm không phận Việt Nam chắc chắn đã tái hiện hình ảnh tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 vào cuối năm 2011.
Nếu lấy mốc từ năm 2011 đến nay, có thể nhận ra khá rõ quy luật là những khoảng thời gian sóng yên bể lặng giữa “Môi - Răng” đều diễn ra vào lúc chính thể Việt Nam có những hoạt động ngoại giao gần gũi với Trung Quốc. Ngược lại, nhũng va chạm và xung đột do Bắc Kinh gây ra đến vào thời gian phía Việt Nam gia tăng hoạt động ngoại giao với Mỹ và phương Tây.
Mặc dù chưa có bằng chứng rõ rệt cho thấy Bộ Chính Trị Việt Nam không phụ thuộc vào Bộ Chính Trị Trung Quốc, nhưng hai vụ việc Hải Dương 981 và việc Trung Quốc “mất” tướng Phùng Quang Thanh chỉ nửa năm trước đại hội 12 cho thấy có vẻ như hàng loạt cố gắng của Bắc Kinh nhằm can thiệp vào nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam, đặc biệt vấn đề nhân sự cao cấp, vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Tuy chưa có gì chứng minh là giới lãnh đạo Việt Nam đã tỏ ra can đảm dù chỉ một chút trước Trung Quốc, nhưng sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, hẳn tâm lý e sợ đến mức phải dần ngãng ra mối quan hệ với “đồng chí tốt” đã trở nên khá phổ biến trong Bộ Chính Trị Hà Nội.
Một biểu hiện mang tính tín hiệu đáng lưu ý và phân tích sâu là trước khi tổ chức chiến dịch gây áp lực bằng các vụ đâm tàu cá và dùng máy bay xâm phạm vùng trời Việt Nam, phía Trung Quốc cũng đã từng thể hiện thái độ bực bội với đảng cầm quyền ở Việt Nam bởi chính diễn viên Tập Cận Bình. Câu chuyện này xảy ra vào Tháng Mười Một năm 2015. Lúc đó Tập Cận Bình được giới lãnh đạo Việt Nam mời sang thăm và còn bố trí cho Tập phát biểu trước 500 mái đầu ngoan ngoãn của Quốc Hội. Nhưng chỉ vài ngày sau khi đã rời Việt Nam và nói chuyện tại một trường đại học ở Singapore, Tập Cận Bình đã xác quyết rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của... Trung Quốc.
Tất nhiên dư luận có thể đặt câu hỏi: Nếu đã phủ dụ và can thiệp đáng kể được nội bộ Việt Nam, tại sao Tập Cận Bình phải tỏ ra bực bội với lời tuyên bố về Hoàng Sa - Trường Sa như thế?
Nếu chuyến “báo cáo” của ông Nguyễn Sinh Hùng với Trung Quốc vào Tháng Mười Hai 2015 đã khiến ồn ào dư luận về khả năng ông Hùng được Tập Cận Bình “chọn” làm tổng bí thư Việt Nam, có thể hiểu như thế nào về thực tế Trung Quốc đã không giữ được ông Nguyễn Sinh Hùng khi ông này đành phải rút không tái cử Bộ Chính Trị - theo những tin tức chưa chính thức trước và sau khi diễn ra Hội Nghị Trung Ương 14?
Hai lời giải trái ngược
Một dấu hiệu khác cho thấy dường như Tập Cận Bình vẫn chưa thể hài lòng về công tác “sắp xếp nhân sự Việt Nam”: Trước đại hội 12, nghe nói những khuôn mặt gần gũi với Trung Quốc như Đinh Thế Huynh, Phạm Quang Nghị, dù được Nguyễn Phú Trọng giới thiệu ứng cử chức vụ tổng bí thư, đã không được số đông trong Ban Chấp Hành Trung Ương tán thành.
Những dấu hiệu trên, mặc dù chỉ được xét đoán trên bề mặt mà chưa thể phản ánh chiều sâu của mối quan hệ thực chất giữa giới chính khách “thân Trung” ở Việt Nam với Bắc Kinh, có thể dẫn ra một giả thiết là đa số trong Bộ Chính Trị Việt Nam vẫn đang ngang ngửa hớ hênh với chính sách “đu dây” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và trong thực tế phe “thân Trung” không hoàn toàn áp đảo trong nội bộ, cũng như Bắc Kinh chưa nắm quá nhiều ưu thế trong công cuộc can thiệp và tiến tới thôn tính Việt Nam.
Một trong những giải đáp sẽ đến ngay sau đại hội 12 ở Việt Nam: Nếu sau đại hội này, Trung Quốc vẫn tiếp tục gây hấn, thậm chí gây hấn nặng nề hơn đối với Việt Nam, đó sẽ là bằng chứng mang tính khẳng định hơn về việc Bắc Kinh đã ngày càng tỏ ra bất lực hơn trước “công tác nhân sự” không biết đường nào mà lần của “tình đồng chí” trong Bộ chính trị Việt Nam, đồng thời ngày càng đẩy giới lãnh đạo co cụm và hèn nhát của Việt Nam vào sâu trong vòng tay người Mỹ.
Còn sau đại hội 12, nếu Trung Quốc lại đồng ca “Bốn Tốt” và “Mười sáu chữ vàng” với Bộ Chính Trị mới, đó sẽ là tai họa đối với dân tộc Việt Nam.
Phạm Chí Dũng
(Người Việt)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét