Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016
Cho điểm 'Tứ trụ mới' - tại sao không?
Vũ Cao Phan: Cho điểm 'Tứ trụ mới' - tại sao không?
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 01 tháng 2 năm 2016 | 1.2.16
Tác giả đánh giá và cho điểm dàn lãnh đạo được cho là 'Tứ trụ' mới của Bộ Chính trị ĐCSVN tại Đại hội 12 và xem xét 'cơ hội' tự làm mới của TBT Nguyễn Phú Trọng.
Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đại hội rất được trông đợi và diễn ra trong giông bão dư luận đã đi vào lịch sử sau hơn một tuần làm việc. Tôi đã theo dõi nhiều kỳ Đại hội nhưng chưa chứng kiến một Đại hội nào lại ở trong hoàn cảnh như vậy.
Có một nguyên nhân: kỷ nguyên Internet với sự hoành hành cả đáng yêu lẫn đáng ghét của báo mạng đến nỗi các nhà chức trách, các nhà quản lý cũng không thể làm gì. Thậm chí họ vừa tham gia trò chơi thông tin ngầm vừa la làng, dọa nạt. Rất vui.
Nếu nói rằng người dân thờ ơ với Đại hội là không đúng sự thật. Các báo ngày hết veo từ rất sớm khi đăng tải kết quả nhân sự.
Phải thừa nhận là cuối cùng Đại hội đã thành công trong con mắt những người tổ chức và cả trong dư luận.
Lịch sử các Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như chưa xảy ra cuộc đấu tranh quyết liệt về mặt đường lối nhưng trong một số Đại hội – Đại hội 6, Đại hội 9 – đã có sự tranh chấp không khoan nhượng về vấn đề nhân sự và vì điều này, dân chủ đã bị hạn chế hoặc bị tước đoạt
TS. Vũ Cao Phan
Cũng không thể không thừa nhận, Đại hội đã sử dụng các biện pháp dân chủ và thực tế đã được thực hiện trong một tiến trình dân chủ có thể chấp nhận được. Một chuyện cũ cần kể lại.
Tại một kỳ Đại hội không xa lắm, người ta bầu bán, hoàn thành tất tật công việc nhân sự trong các phiên trù bị. Khi Đại hội chính thức khai mạc, một ông Ủy viên Bộ Chính trị (vừa mới được bầu “ngầm” nhưng chưa được công bố) bất ngờ trúng gió “hy sinh”. Đảng loay hoay không biết nên “cáo phó” ông này (GS. Nguyễn Đình Tứ, ĐH8 - BBC) dưới chức danh nào, cuối cùng rồi vẫn phải hứng chịu sự buồn cười.
Lịch sử các Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như chưa xảy ra cuộc đấu tranh quyết liệt về mặt đường lối nhưng trong một số Đại hội – Đại hội 6, Đại hội 9 – đã có sự tranh chấp không khoan nhượng về vấn đề nhân sự và vì điều này, dân chủ đã bị hạn chế hoặc bị tước đoạt.
Như trong Đại hội 6, người ta đưa hầu hết các phiên họp toàn thể về “thảo luận tổ” để chia cắt thông tin, hạn chế tiếng nói chung, đến nỗi công thần quốc gia Võ Nguyên Giáp vừa mới Đại hội trước (Đại hội 5) còn ngồi trên ghế Đoàn Chủ tịch thì lúc đó từ hàng ghế đáy đứng lên chất vấn: “Chúng ta tổ chức đại hội hay tiểu hội?” thì cũng bị át đi và phải bất lực ngồi xuống.
Hiện tượng nhân vật Y?
Đại hội 12 'minh bạch' hơn nhiều các Đại hội khác trong quá khứ của Đảng CSVN và Đại hội này mang dấu ấn 'Nguyễn Phú Trọng', theo tác giả.
Đại hội 12 minh bạch hơn hẳn. Đại hội này cũng có vấn đề nhân sự, thậm chí thu hút rất đông sự quan tâm của dư luận trong và ngoài Đảng cùng những nghi ngại về sự cản trở dân chủ nhưng cuối cùng, tất cả đã được vượt qua tương đối êm thắm.
Cũng không có cả đấu tranh quyền lực như được chờ đợi. Khá ngạc nhiên đối với nhiều người. Những dích dắc của nó không thể ngày một ngày hai được bày ra trước công luận, nhưng cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Có một hiện tượng có vẻ như khó phân tích là, tại sao ở Đại hội này một nhân vật(xin tạm gọi là Y) được dư luận chỉ ra có dính líu đến tham nhũng nhưng vẫn được nhiều đại biểu và nhất là quần chúng ủng hộ ngồi lên chiếc ghế cao nhất?
Có hai tầng nhận thức. Tầng nổi (mang tính hình thức) là người ta ủng hộ một con người cụ thể. Tầng chìm (mang tính bản chất) người ta muốn ủng hộ một quan điểm, một đường lối. Đường lối nào? Đường lối cải cách.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng từng được dư luận đánh giá không cao thì cũng phải thừa nhận ông đã “lớn” lên nhiều sau Đại hội 12, một Đại hội mang dấu ấn Nguyễn Phú Trọng
TS. Vũ Cao Phan
Đây là phân tích của tôi. Một, mong muốn triệt để của dư luận quần chúng là xây dựng một xã hội công bằng. Việt Nam đang phấn đấu cho điều đó, trong khi tham nhũng hoành hành càng ngày càng nặng.
Người ta không trị được, nói đúng hơn người ta đã không trị đươc bằng cơ chế, thể chế này (xin chưa trả lời câu hỏi tại sao). Vậy thì phải cải cách, phải đổi mới nó để có một thể chế đủ minh bạch, đàn áp được tham nhũng.
Hai, anh bảo ông Y tham nhũng nhưng anh không công khai được bằng chứng, anh không xử lý được trước pháp luật, vậy thì ông ấy vô can. Thông điệp cần phải cải cách mà tôi từng đề cập chính là từ những nguyên nhân đó.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng từng được dư luận đánh giá không cao thì cũng phải thừa nhận ông đã “lớn” lên nhiều sau Đại hội 12, một Đại hội mang dấu ấn Nguyễn Phú Trọng.
Chưa rõ ông sẽ ở lại bao lâu trong nhiệm kỳ này nhưng rõ ràng bằng việc được tái cử ông đã có một cơ hội tốt để làm mới mình. Xin hãy bắt tay vào đổi mới chính trị, cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Được như vậy, đất nước này ở bên ông.
Đánh giá và cho điểm
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (thứ 3 từ trái), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội được dân quý mến, theo tác giả.
Với sự dè dặt, tôi cũng đánh giá tương đối tích cực những người được dự kiến sẽ sát cánh với ông Trọng trong một nhiệm vụ khó khăn nhưng khả thi.
Tôi chấm bà Kim Ngân điểm 6 trên thang 10. Bà có được tiếng tốt khi làm việc ở Bộ Thương mại, và đặc biệt là trong thử thách trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Dân ở đấy vẫn nói những lời quý mến về bà.
Tôi chấm ông Trần Đại Quang điểm 5 cộng (5+). Chắc chắn, kiệm lời nhưng có vẻ nhìn được xa. Những người từng làm công tác tình báo thường nắm được bản chất của thời đại, bản chất của thế giới, như Putin chẳng hạn.
Ông Nguyễn Xuân Phúc có thể 4 cộng (4+) được không? Ấy là ông từng dũng cảm phát biểu “30% sáng vác ô đi tối vác ô về”, ngoài ra thì chưa thấy được gì dù nói hơi nhiều. Tạm thế đã.
Tôi chấm bà Kim Ngân điểm 6 trên thang 10. Bà có được tiếng tốt khi làm việc ở Bộ Thương mại, và đặc biệt là trong thử thách trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Dân ở đấy vẫn nói những lời quý mến về bà
TS. Vũ Cao Phan
Cuối cùng, trong tình hình quốc tế hiện nay, bất kỳ một nước lớn nào, nếu có điều kiên đều muốn tác động vào tiến trình phát triển của một quốc gia có tầm quan trọng như Việt Nam theo hướng có lợi cho họ.
Nhưng nếu cho rằng Trung Quốc vừa qua lại đưa giàn khoan HD981 vào gần vị trí họ từng hạ đặt năm 2014, là nhằm gây áp lực để Đảng Cộng sản Việt Nam phải bầu ra một Ban lãnh đạo thân Trung Quốc (và đã làm được) thì có lẽ hơi đánh giá thấp họ.
Trung Quốc thừa hiểu rằng, họ không thể đạt được điều mong muốn bằng cách ấy. Đã không thể đạt được thì tội gì chuốc thêm căm phẫn từ nước láng giềng?
Nhưng tại sao Trung Quốc đưa đến giàn khoan cũng như đã công bố sớm việc ông Tập Cận Bình cử Đặc phái viên sang Việt Nam ngay khi Đại hội 12 còn đang tiến hành (Việc các Đảng Cộng sản cử Đặc phái viên đi chúc tụng nhau sau mỗi kỳ Đại hội đã trở thành thông lệ, không có gì lạ).
Đơn giản, cả hai việc cùng một mục đích: đó là cuộc biểu diễn, là sự khẳng định với thế giới (cách mà Trung Quốc thích làm) rằng Trung Quốc có một vai trò ở đây, trong sự kiện này.
Vậy thôi. Nhiều người Việt vướng phải hội chứng nhãn khoa: mắt ngược lên bắc mỗi khi cảm thấy bất an. Tự chúng ta gán cho họ nhiều quyền quá. Đừng làm thế.
TS. Vũ Cao Phan
Nhà nghiên cứu, Đại học Bình Dương
(BBC)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét