Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016
Đã đến lúc Đảng CSVN cần phải tách thành 2 đảng?
Kami - Đã đến lúc Đảng CSVN cần phải tách thành 2 đảng?
Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Ba, ngày 26 tháng 1 năm 2016 | 26.1.16
Đa số người dân ở Việt Nam có chung hy vọng rằng, Đại hội Đảng 12 sẽ bầu ra một ban lãnh đạo mới, có xu hướng cải cách để đưa đất nước phát triển và thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Dạo qua mạng xã hội hay các tụ điểm đông người, thì dễ thấy mọi người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội rất quan tâm, theo dõi các tin tức liên quan đến Đại hội đảng 12.
Lãnh đạo Đảng CSVN đã tan hàng
Sự phân hóa trong nội bộ Đảng CSVN, đã chứng tỏ trong nội bộ đảng CSVN đã có đủ các yếu tố đa nguyên về chính trị. Đúng như GS. GS Carl Thayer mới đây đã nhận định rằng: "Theo tôi trong nội bộ đảng cũng có đủ sự đa đảng để tôi có thể nói là có thể sẽ có sự ngạc nhiên vào cuối đại hội.".
Nội bộ Đảng CSVN đã phân hóa sâu sắc
Từ trước đến nay, các Đại hội của Đảng CSVN diễn ra chỉ mang tính hình thức, nhằm phô diễn. Còn mọi chủ trương, đường lối, các quyết sách lớn cũng như nhân sự lãnh đạo chủ chốt đã được Bộ Chính trị hoạch định xong và được thống nhất cao tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Tuy nhiên, đến Đại hội Đảng lần thứ 12 thì mọi thông lệ đã bị đảo lộn, khi mà đến giờ phút này - khi thời gian làm việc của đại hội chỉ còn lại 3 ngày, với 2 ứng viên cho chức vụ Tổng Bí thư là ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, thì tên ai sẽ là vị Tổng Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII vẫn còn để ngỏ.
Điều đó cho thấy, nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN đã đánh mất đi tính thống nhất và sự đoàn kết vốn có từ trước đến nay. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng CSVN, tại đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 thành phần ban lãnh đạo khóa mới đã không được sắp đặt theo sự chỉ đạo của ban lãnh đạo khóa 11.
Các tin đồn đoán liên quan đến việc tranh giành quyền lực giữa các phe phái trước đại hội, được phát tán và chia sẻ rất nhiều trên mạng internet và được cho rằng xuất phát từ trong nội bộ đảng đưa ra. Đó là các tài liệu nội bộ, đơn thư tố cáo của các đảng viên và cán bộ cao cấp thuộc loại tuyệt mật... dùng đế tố cáo, bôi nhọ lẫn nhau giữa các phe nhóm bất chấp thủ đoạn. Điều đó đã cho thấy sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN.
Và ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đã phải lên tiếng trấn an rằng: Trong Ban lãnh đạo Đảng có sự đoàn kết rất lớn, không hề có sự phân tán, không hề có sự lo lắng như những thông tin xấu, độc đưa ra. Tuy vậy, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương đã buộc phải thừa nhận rằng "Tôi không loại trừ nguyên nhân do những phần tử xấu, thậm chí do “lợi ích nhóm”. Họ muốn bảo vệ ông này thì nói xấu ông kia. Ngay như cá nhân tôi cũng bị có người đến gửi văn bản đề nghị ký ủng hộ nhóm này, nhóm kia nhưng tôi trả lời là “không”. Đó là những bằng chứng không thể bác bỏ được.
Chính vì thế mà Tiến sỹ Nguyễn Quang A đã khẳng định rằng: "Tôi nghĩ rằng, bất luận là ông Dũng hay là ông Trọng thắng trong cuộc này, thì Đảng Cộng sản Việt Nam sau Đại hội này cũng sẽ không còn là cái đảng cộng sản trước Đại hội nữa."
Sự khác biệt cơ bản về các đường lối, chính sách
Hiện nay, nội bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt nam có sự chia rẽ sâu sắc ở mức cao. Đó là mâu thuẫn giữa phe "bảo thủ" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một bên là phe "cải cách" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây không chỉ là sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa các cá nhân lãnh đạo đảng CSVN, mà là việc mâu thuẫn về chủ trương, chính sách và đường lối giữa 2 thế lực chính trị khác biệt, thậm chí là trái ngược nhau hoàn toàn.
Điều này đã thể hiện rất rõ như: về chính sách Kinh tế: trong lúc phe "cải cách" chủ trương Kinh tế thị trường đầy đủ, coi trọng kinh tế tư nhân, thì phe "bảo thủ" với chính sách Kinh tế thị trường Định hướng XHCN, với kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo. Hay như về chính sách đối ngoại, khi phe "cải cách" chủ trương ngả về phương Tây với Hoa kỳ là trung tâm, điều đó khác với chủ trương của phe "bảo thủ"là thặt chặt quan hệ với TQ để bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội và bảo vệ sự ổn định chính trị là những ví dụ.
Cụ thể hơn là, dư luận trong nước và quốc tế đã thực sự thất vọng với báo cáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trình bày tại Đại hội toàn quốc Đảng CSVN lần thứ XII và đánh giá rằng sẽ không có một sự đổi mới hay cải cách nào sau Đại hội 12. Vì ông Trọng đã khẳng định rằng: “Trước hết phải kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội; kiên định đường lối đổi mới”
Tuy vậy, bài phát biểu của ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch đầu tư tại Đại hội toàn quốc của ĐCS Việt Nam lần thứ 12 hôm 22/01/2016, được dư luận xã hội đánh giá rất cao. Vì không chỉ phê phán các tồn tại của Đảng CSVN trong 70 năm qua mà yêu cầu người lãnh đạo cao nhất của đất nước cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chỉ rõ "Nền chính trị phù hợp với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển. Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách.".
Đồng thời vạch ra 06 mũi chuyển đổi lớn bao gồm:
Xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại với nền KTTT đầy đủ và XH dân chủ phát triển ở trình độ cao.
Thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân.
Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm.
Bảo đảm công bằng XH cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy XH trung lưu phát triển.
Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.
Gia tăng mật độ kinh tế trong quá trình đô thị hóa và tăng cường tính kết nối giữa các thành phố và vùng lân cận.
Không phải vô tình mà dư luận xã hội trong những ngày qua, đã bày tỏ chính kiến một cách rõ ràng. Đó là số đông ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng, vì chủ trương cải cách và họ cũng không ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng cũng vì họ lo lắng rằng các chính sách của phe ông Dũng sẽ có nguy cơ sẽ thay đổi nếu như ông Trọng giữ chức Tổng BT. Điều đó cho thấy, hơn bao giờ hết, người dân Việt nam đã sẵn sàng để tham gia định đoạn quyền lực chính trị của đất nước, thông qua việc lựa chọn các đảng chính trị phục vụ cho quyền lợi của quốc gia cũng như bản thân họ.
Sự cần thiết
Thứ nhất, về mặt nguyên tắc, thì mỗi đảng chính trị thường chỉ có một đường lối và chính sách chung của đảng mình, được thể hiện tại cương lĩnh của đảng. Đó là điều cam kết của chính đảng đó đối với dân chúng và đồng thời là cơ sở cho việc vận động tranh cử tranh cử. Sự khác biệt về quan điểm về các chính sách, đường lối cũng như chủ trương của đảng giữa các thành viên là điều không thể tránh khỏi. Song trong nội bộ các đảng chính trị phải thảo luận để đi đên thống nhất, do vậy sẽ không có chuyện cho đến khi ra đến đại hội toàn quốc mà đường lối còn chưa thống nhất. Trường hợp bất đòng trong các chủ trương và chính sách như trường hợp của Đảng CSVN tại Đại hội XII là một ví dụ hiếm hoi và buồn cười.
Thứ hai, việc chọn ai hay đảng chính trị nào lãnh đạo đất nước, thì phải thuộc về nhân dân. Vì theo Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã được Quốc hội thông qua đã quy định:
Điều 2 - khoản 2: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Điều 69: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 6: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
Điều 4- khoản 3: Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Có nghĩa là nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước và việc lựa chọn các chức danh lãnh đạo của nhà nước là công việc của quần chúng nhân dân, và chắc chắn quyền đó phải thuộc về người dân. Bất kể điều 4 của bản Hiến pháp này đã quy định rằng, Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng tại điều 4- khoản 3 đã quy định rằng "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.". Song từ trước đến nay, Đảng CSVN đã thông qua bạo lực để tự ý lựa chọn những người lãnh đạo quốc gia chỉ trong nội bộ đảng của mình, đây là việc vi phạm hiến pháp và cũng là hành động cướp quyền của người dân.
Thứ ba, nguyên nhân chính của việc các phe trong nội bộ đảng tố cáo lẫn nhau, là do cơ chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực trong đảng đã bị vô hiệu hóa và tê liệt. Vì thế các vụ việc không được điều tra làm rõ, hay giải quyết thỏa đáng theo đúng pháp luật. Cho nên, với hệ thống 2-3 đảng chính trị được tách ra từ Đảng CSVN sẽ giải quyết được sự bế tắc này và tăng cường tính cạnh tranh. Khi đó đa số nhân dân sẽ là người công tâm nhất, sử dụng quyền lực của mình để lựa chọn một chính đảng có các chính sách cũng như đường lối sẽ mang lại quyền lợi cho đất nước và bản thân người dân. Còn chính đảng còn lại sẽ làm nhiệm vụ kiểm soát theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Và sau 4-5 năm một lần, sẽ tiến hành tổ chức bầu cử để người dân tiếp tục lựa chọn.
Kết
Bên cạnh sự khủng hoảng về các đường lối, chính sách của Đảng CSVN là sự mất đoàn kết và chia rẽ ở mức trầm trọng, với các bất đồng gay gắt của nội bộ lãnh đạo đảng. Đó là tình trạng kéo bè kéo cánh để tranh giành quyền lực lãnh đạo. Điều đó được thể hiện rõ nét qua Đại hội Đảng lần thứ XII.
Chính vì vậy, đã đến lúc ban lãnh đạo Đảng CSVN, cần nghĩ tới chuyện tách thành 2-3 đảng với các cương lĩnh, đường lối và chính sách khác nhau để làm cơ sở cho người dân quyết định lựa chọn người lãnh đạo đất nước. Chứ không thể để kéo dài tình trạng Đảng CSVN bên ngoài thì nói đoàn kết thông nhất, song bên trong thì đấu đá tơi bời để tranh giành quyền lực như hiện nay. Điều mà đã làm cho dân chúng hết sức chán nản, từ đó uy tín của đảng cũng sẽ xuống thấp đến mức không thể thấp hơn như hiện nay.
Hơn nữa, đây cũng là giải pháp cần thiết mang tính hòa bình, trước khi các mâu thuẫn trong đảng lên đến cực đỉnh và trở thành mâu thuẫn đối kháng. Nhất là trong trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng có khả năng rất cao là sẽ ngã ngựa trong cuộc đua vào chức vụ Tổng Bí thư của khóa XII. Thì lúc đó nguy cơ cho Đảng CSVN sẽ tan rã là điều khó có thể tránh khỏi.
Ngày 25/01/2015
© Kami
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét