Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Việt Nam phải chấp nhận sự tham gia của mọi người để chống tham nhũng


Việt Nam phải chấp nhận sự tham gia của mọi người để chống tham nhũng

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Năm, ngày 28 tháng 1 năm 2016 | 28.1.16



Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế, bà Edda Mueller trong cuộc họp báo ở Berlin vào ngày 27 tháng 1 năm 2016.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế có trụ sở tại Berlin, Đức, hôm 27 tháng 1 công bố báo cáo mới về tham nhũng toàn cầu năm 2015. Theo báo cáo mới, Việt Nam được xếp thứ 112 trong số 168 nước được đánh giá trong báo cáo. Về thang điểm, Việt Nam được 31 trong thang điểm từ 0 đến 100, trong đó 100 được coi là trong sạch và 0 điểm được coi là có nhiều tham nhũng. Báo cáo cũng cho thấy vấn đề tham nhũng trong năm qua vẫn là một vấn nạn toàn cầu dù có một vài điểm sáng ở một số nước. Tổ chức Minh bạch Quốc tế nhân dịp này cũng đánh giá cao sự tham gia của mọi tầng lớp người dân và của các tổ chức xã hội dân sự trong việc chống tham nhũng thành công. Việt Hà phỏng vấn bà Samantha Grant, điều phối viên phụ trách khu vực Đông Nam Á của Tổ chức minh bạch Quốc tế.

Trước hết bà Samantha Grant cho biết:

Nhìn chung toàn thế giới và khu vực Đông Nam Á nói riêng, xu hướng chung là làm việc cùng nhau giữa người dân, lãnh đạo công ty ở khu vực tư nhân và chính phủ để chống tham nhũng dù đó là ở nước có điểm số về nhận thức tham nhũng giảm hay giữ nguyên như năm ngoái.

Đây là nhân tố quan trọng cho thành công. Khi nhìn vào khu vực châu Á, chúng tôi thấy Trung Quốc có những chương trình chống tham nhũng rất có tổ chức nhưng những chương trình này lại do chính phủ điều hành và không có sự tham gia của các thành phần khác nên những gì đạt được còn hạn chế.

Và theo chúng tôi thì thành công của các chương trình sẽ tiếp tục hạn chế nếu quá trình này không được mở rộng hơn. Australia năm nay cũng bị hạ điểm so với năm trước. Theo tôi điều quan trọng đối với Australia là đóng vai trò lớn hơn trong việc chống tham nhũng trong khu vực, đặc biệt là đối với nạn hối lộ xuyên quốc gia.

Việt Hà: Xin bà cho biết tham nhũng tại Việt Nam trong năm qua được đánh giá trong báo cáo này ra sao?


Samantha Grant: Việt Nam vẫn ở vị trí cũ như trong suốt 4 năm qua nếu nói về điểm số là 31. Cho nên nếu bạn hỏi là liệu Việt Nam có trì trệ hay không thì câu trả lời là có.

Trong vòng hai năm qua chính phủ Việt Nam cũng có làm được một só điều như thông qua luật hình sự sửa đổi, xem xét điều luật về tham nhũng trong thành phần nhà nước, thảo luật về tiếp cận thông tin, giới thiệu các chính sách làm tăng cường tính minh bạch trong giới lãnh đạo và khu vực công.

Rõ ràng đây là những điều đã được chứng kiến nhưng ở Việt Nam vẫn còn tồn tại thách thức lớn. Tất nhiên các luật thì có thể được sửa đổi và cải thiện nhưng điểm lớn nhất là việc thực thi các luật này.

Cho nên việc Việt Nam gia nhập công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (UNCAC) và đưa vào các luật chống tham nhũng là tốt nhưng điều quan trọng là việc thực hiện các luật này. Chúng tôi không thấy những luật này được thực thi vì nguyên nhân là thiếu các cơ quan hoạt động độc lập để đảm bảo thực thi các luật, bên cạnh đó là việc thiếu các nguồn lực và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp.

Nếu tôi có thể chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ của Việt Nam trong công tác chống tham nhũng thì tôi có thể nói đó chính là không có đủ những khuyến khích cho các thành phần không thuộc nhà nước tham gia vào các hoạt động chống tham nhũng.

Ở đây chúng ta lại thấy một điểm đã được nói đến trước đó là làm việc cùng nhau. Những gì mà chúng tôi đã và đang làm tại Việt Nam theo chiều hướng này là làm việc với các đối tác để thiết lập các nhóm thuộc lĩnh vực tư nhân để xem xét xem liệu họ có thể làm gì để giúp chống tham nhũng, bên cạnh đó là đưa các tổ chức xã hội dân sự tham gia cùng.

Cho nên để có sự thay đổi thực sự tại Việt Nam thì cần phải có sự làm việc cùng nhau của tất cả mọi người. Đó là điều chúng tôi muốn thấy, nó không chỉ là luật trên giấy mà phải là hành động của chính phủ cho phép sự tham gia của mọi người trong xã hội vào công cuộc chống tham nhũng vì tham nhũng có ở khắp mọi nơi, mọi khu vực trong xã hội.

Việt Hà: Theo nhận định của Tổ chức Minh bạch Quốc tế các yếu tố then chốt dẫn đến xã hội và chính phủ trong sạch là tự do báo chí, thông tin về chi tiêu công được minh bạch, sự liêm chính của những người có quyền lực và hệ thống tư pháp không thiên vị. Theo bà thì Việt Nam có được những yếu tố nào trong những yếu tố này?

Samantha Grant: Yếu tố tự do báo chí ở Việt Nam nhìn chung có thể nói là rất thấp vì chính phủ vẫn quản lý toàn bộ báo chí. Liên quan đến minh bạch thông tin trong chi tiêu công, chúng tôi đã theo dõi chỉ tiêu này và thấy là việc tiếp cận với các thông tin này ở Việt Nam là rất khó. Dự thảo luật về tiếp cận thông tin của Việt Nam vẫn còn thiếu những thành tố quan trọng đảm bảo việc tiếp cận thông tin chủ động. Cho nên sẽ tốt cho Việt Nam hơn nếu Việt Nam có thể theo được các tiêu chuẩn quốc tế về tiếp cận thông tin để đảm bảo người dân thực thi quyền này của mình.

Hiện tại thì người dân Việt Nam vẫn chưa được đảm bảo quyền này. Nói về lĩnh vực tư pháp thì như tôi đã nói là Việt Nam thiếu những cơ quan độc lập và các cơ quan trong lĩnh vực này còn chịu nhiều áp lực từ chính phủ. Chính vì sự thiếu minh bạch nên chúng ta không thể biết được thực sự những gì đang diễn ra. Liên quan đến tính liêm chính của những người có vị trí cao, chúng tôi đã thấy 8 trường hợp bị truy tố trong năm qua, đó là một điểm khích lệ.

Để có một xã hội và chính phủ trong sạch chúng tôi cần nhìn thấy những trường hợp lạm dụng chức quyền để tham nhũng hay lấy đề bạt cho gia đình, bạn bè mình phải bị đưa ra công lý.
- Bà Samantha GrantTuy nhiên, theo tôi, đối với phần lớn những người dân thường thì phần đông những người có chức có quyền vẫn tham nhũng. Cho nên chúng tôi cần thấy nhiều người hơn nữa đứng lên, cam kết về tính liêm chính và cho thấy sự liêm chính thực sự ở mức cá nhân bao gồm việc công khai ti chính và những thông tin liên quan đến xung đột về lợi ích.

Việt Hà: Trong báo cáo mới, Tổ chức Minh bạch quốc tế cũng nói đến vấn nạn lạm dụng quyền lực để làm lợi cho gia đình và người thân và thường không bị trừng phạt. Vấn đề này được nhìn nhận tại Việt Nam ra sao?


Samantha Grant: Tổ chức minh bạch quốc tế xem xét vấn đề về việc lạm dụng quyền lực để làm lợi cho gia đình và bạn bè. Ở Việt Nam có xảy ra tình trạng này tức là những người có quyền lực lạm dụng chức quyền làm lợi cho cá nhân và bạn bè của mình. Chúng tôi biết về điều này và 8 trường hợp vừa bị truy tố cũng có yếu tố này và họ đã bị trừng phạt.

Điều quan trọng là công lý được thi hành trong những trường hợp này. Để có một xã hội và chính phủ trong sạch chúng tôi cần nhìn thấy những trường hợp lạm dụng chức quyền để tham nhũng hay lấy đề bạt cho gia đình, bạn bè mình phải bị đưa ra công lý. Tôi hiểu là vấn đề lạm dụng chức quyền để làm lợi cho mình và bạn bè là điều xảy ra trên khắp thế giới, và có người nói đó thậm chí là một văn hoá ở một số nơi.

Tôi lấy ví dụ Hong Kong, nơi này đã đẩy lùi tham nhũng trong 2 năm qua mà không hề phá vỡ tính văn hoá truyền thống. Rõ ràng là có sự khác nhau giữa việc tặng quà cho bạn mình với việc lạm dụng quyền lực của mình để đưa hối lộ hoặc làm những việc không nên làm.

Việt Hà: Việt Nam đã đàm phán tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo bà điều này có tác động thế nào lên công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam?


Samantha Grant: Có hai điểm liên quan đến hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước hết quá trình liên quan đến đàm phán TPP bị cho là không minh bạch. Có rất nhiều các bên liên quan, bao gồm các nhóm dân sự xã hội , chưa thực sự biết được hết những gì được đưa ra trong bản hiệp định có liên quan đến họ, và vấn đề tham nhũng là một trong số những yếu tố đó.

Tuy nhiên nếu nói về một hiệp định thương mại quốc tế, thì bản hiệp định đã tạo cơ hội cho mọi người làm việc cùng nhau trong đó có chống tham nhũng. Đã có những tiến bộ ngay trong khu vực ASEAN, trong thượng đỉnh trước họ đã thiết lập được cuộc họp cấp bộ trưởng về chống tham nhũng.

Ngoài ra trong tháng 2, các lãnh đạo ASEAN gặp với Tổng thống Mỹ Obama để thảo luận các vấn đề về thương mại. Chúng tôi hy vọng là vấn đề tham nhũng cũng được đề cập ưu tiên. Cho nên có rất nhiều những cơ hội tích cực cho khu vực cộng đồng kinh tế ASEAN, và cho các thành viên thuộc TPP để tìm cách chống tham nhũng khi làm việc cùng nhau để chống lại tham nhũng xuyên quốc gia.

Việt Hà: Lúc này Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang tổ chức hội nghị toàn quốc và một Tổng Bí Thư Đảng mới sẽ được bầu. Vị Tổng Bí Thư cũ đã luôn lên tiếng kêu gọi chống tham nhũng và có nhiều lời đồn cho rằng ông ta sẽ tiếp tục ở lại vị trí này. Theo bà thì vấn đề tham nhũng sắp tới tại Việt Nam sẽ có hy vọng gì hay không?

Samantha Grant: Điều quan trọng là đại hội đảng lần này phải coi vấn đề tham nhũng là hàng đầu. Việt Nam đã phát triển kinh tế và Việt Nam phải cho thấy sự cạnh tranh công bằng đối với các doanh nghiệp nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài. Theo tôi đại hội đảng có thể nhìn nhận được vấn đề này.

Như tôi đã nói là Việt Nam đã có những tiến triển trong ưu tiên chống tham nhũng. Với thực tế là trong suốt 4 năm qua Việt Nam vẫn giữ cùng một xếp hạng về chống tham nhũng, thì tôi hy vọng tại đại hội lần này, đảng cộng sản Việt Nam sẽ thấy cần phải có một sự tiếp cận hơi khác trong chống tham nhũng. Tức là họ cần đảm bảo việc thực thi luật và cho phép sự tham gia của các nhóm, tổ chức không thuộc nhà nước vào công cuộc chống tham nhũng. Chính phủ không thể tự làm một mình

Nếu đại hội đảng chấp nhận ý tưởng làm việc cùng nhau này thì đây là một bước tiến lớn. Chúng tôi đã thấy sự hợp tác về mặt quốc tế, nhất là trong công ước chống tham nhũng UNCAC. Điều quan trọng là người dân, và phía tư nhân có thể hợp tác với chính phủ để chống tham nhũng vốn là điều quan trọng đối với họ.

Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Việt Hà

(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét