Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016
Game Show của nhóm người nhân danh Dân chủ
Mạnh Kim - Game Show của nhóm người nhân danh Dân chủ
Đăng bởi Ha Tran on Thứ Sáu, ngày 15 tháng 1 năm 2016 | 15.1.16
Đã quá quen với sự nhảm nhí của truyền thông mạng nhưng vẫn không thể không sốc với sự bệ rạc của giải trí truyền hình. Công nghiệp game show chỉ nhằm mục đích kiếm tiền của truyền hình thật ra không đáng chú ý bằng đối tượng khán giả. Không thể hiểu và không thể tưởng vì sao người ta có thể “bị kích thích” cười dễ dãi trước những màn biểu diễn kỳ cục. Cái gì cũng cười. Sân khấu của những tiếng cười vô nghĩa. Màn hình của những tiếng cười tập thể vô duyên. Cười một cách quán tính và không ý thức. Nó hệt như cái sân khấu thu hẹp của một sân khấu rộng hơn, nơi có những gương mặt giám khảo nhàm quen đến mức chẳng thèm buồn nhìn. Sân khấu chính trường cũng chẳng khác mấy so với sân khấu game show, nơi có quá nhiều khán giả vẫn tin rằng vở tuồng rồi sẽ có một cái kết có hậu.
Bất luận thế nào, hãy khoan nói đến giám khảo. Tập thể khán giả đáng chú ý hơn. Khi số đông vẫn đặt niềm tin một cách không căn cứ vào một nhân vật “chính diện” có thể mang lại tình huống thay đổi kịch tính đưa đến cái kết có hậu thì điều đó chỉ cho thấy người ta vẫn dễ bị, và “xứng đáng” bị, dẫn dắt như thế nào. Chúng ta nói nhiều đến hiện tượng sụp đổ “có qui trình” của một xã hội nơi hàng ngày xảy ra cảnh con giết cha, công an giết người, học trò đánh nhau… Chúng ta lại quên đi một thực tế bi thảm hơn: sự phân hủy của một mảng rộng trí thức, những trí thức đi lạc bởi sự dẫn dắt nào đó hoặc những trí thức thiếu tự tin lẫn tinh thần độc lập sẵn sàng phục vụ cho hệ thống cầm quyền.
Còn có những trí thức khác, những trí thức “khinh bỉ cộng sản” nhưng sống hệt như những sản phẩm “made by cộng sản”, những trí thức thích được tung hô và ảo tưởng từ sự tâng bốc của những khán giả quen vỗ tay theo quán tính. Chỉ khi nào biết cách quên đi cái tôi, xóa đi ảo tưởng bản thân và tỉnh táo trước những tiếng tung hô thì mới có thể cùng nhau bắt tay để tạo ra một sự thay đổi. Khi khán giả còn đặt kỳ vọng và “nhân tố kỳ vọng” nhầm chỗ thì bi kịch “nguồn nhân tài” của đất nước này còn kéo dài. Không có nguồn nhân tài, không thể có thay đổi.
Khi đám đông, chỉ dựa vào cảm tính, chọn ra một “tổng thống dân chủ” và “tổng thống” ấy cũng nhận lấy vai diễn mà không biết phân biệt ranh giới giữa sân khấu và thực tế đời thường thì thảm kịch chỉ tiếp nối bằng thảm kịch. Sân khấu dân chủ, nếu có, không bao giờ có chỗ cho vai độc diễn; hiểu biết về chính trị học luôn khác với “làm chính trị” - tôi từng nói như vậy với một “tổng thống”. Làm chính trị không thể bằng những status mua vui. Chính trị là một hệ thống quyền lực. Làm chính trị là giành được quyền quản lý một phần hệ thống quyền lực đó. Chính trị dân chủ luôn cần đắc nhân tâm, cần sự ủng hộ của thành phần tinh hoa chứ không chỉ đám đông – tôi cũng đã nói như vậy với “tổng thống” ấy. Đó là kiểu chính trị dân chủ mà xã hội đang cần, đang muốn hướng đến. Nếu chỉ vẫn tung hô và vẫn đắc ý đón nhận những màn tung hô vô nghĩa, điều mang lại rồi cũng sẽ như những tiếng cười nhạt nhẽo trên các chương trình game show vô bổ trên truyền hình.
Mạnh Kim
(Mạnh Kim FB)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét