Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

“Bôi trơn” lắm thế, người dân không chết mới lạ!


“Bôi trơn” lắm thế, người dân không chết mới lạ!
Reply
society
6.1.1

Dân trí


(Dân trí) - Những doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải xà xẻo, bớt xén và tìm đủ mọi mánh khóe… cuối cùng là làm gian, nói dối, đạo đức kinh doanh nghiệp ngày càng sa sút. Và thế là mọi sự đổ cả vào đầu dân vì “cuối cùng, dân chịu hết anh ạ!” như lời của một doanh nghiệp.



(Minh họa: Ngọc Diệp)

Vn Economy ngày 30/12, một bài báo đặt thẳng câu hỏi ngay trên tít: “Vì sao doanh nghiệp Việt không lớn được?”. Tại hội thảo vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 29/12, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã trả lời còn thẳng hơn. Đó là cứ làm được một đồng thì doanh nghiệp phải chi cho "bôi trơn” cho tham nhũng 0,72 đồng, thậm chí có lúc phải chi đến 1,02 đồng thì doanh nghiệp Việt làm sao mà lớn được?
Đã rõ, làm được một đồng, “biếu” một đồng, làm một tỉ, biếu một tỉ thì không chỉ không lớn mà không chết đã là lạ.
Thế nhưng doanh nghiệp Việt không chỉ phải chịu phí “bôi trơn”, một loại phí không có ở những nước tiến tiến nhưng đặc biệt phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Song, thậm chí ở Hà Nội, theo lời Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thì “bôi nhưng vẫn không trơn”. Thế tức là mất, mất trắng và nói trắng ra là mất cướp, bị cướp trắng.
Ai cướp? Chẳng ai cả.
Nói chẳng ai cả vì vừa rồi, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều báo cáo không phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ, công chức các ngành Thuế, Hải quan cam kết 100% không nhận hối lộ, tham nhũng…
Thế thì “bôi trơn” cho ai nhỉ?
Hay là “bôi trơn” cho mấy ông bà nông dân đang lam lũ trên những cánh đồng? Dễ lắm vì cán bộ không nhận thì chỉ có dân nhận chứ chả nhẽ người nước ngoài sang ta tham nhũng chắc?
Không chỉ có “phí bôi trơn”, Việt Nam ta còn nhiều loại thuế, phí khác. Bà Phạm Chi Lan còn cho biết một con số không mấy ai có thể tin, đó là theo kết quả điều tra của WB thì thuế và phí đang chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp.
“Ban đầu có nhiều người không tin nhưng sau đó trong cuộc họp hội đồng cạnh tranh, tôi đã đặt câu hỏi và Thứ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận con số trên là đúng”. Bà Lan than thở.
Vẫn chưa hết. Theo ông Hồ Xuân Hiếu - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị - cho biết, trong năm 2015 đã có 45 đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc tại doanh nghiệp của ông.
45 đoàn/12 tháng, tức là thiếu 3 đoàn nữa thì mỗi tháng, doanh nghiệp này phải “cung đón” gần 4 đoàn, tức là hơn một tuần có một “thanh cha, thanh mẹ, thanh dì…” đến thăm hỏi.
Chỉ việc tiếp đón các đoàn đã hết năm, còn đâu thời gian làm ăn nữa.
Thế nên doanh nghiệp “chưa chết” cũng là… lạ.
Thật ra thì có chết, chết khá nhiều rồi. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê năm 2015, có đến hơn 71.000 doanh nghiệp phải dừng hoạt động.
Trong số 71.000 doanh nghiệp ấy, không biết có bao nhiêu cái chết tức tưởi bởi “bôi trơn”, thuế phí và do “cung đón” các đoàn thanh tra?
Đó là chưa kể, những doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải xà xẻo, bớt xén và tìm đủ mọi mánh khóe… cuối cùng là làm gian, nói dối, đạo đức kinh doanh nghiệp ngày càng sa sút. Và thế là mọi sự đổ cả vào đầu dân vì “cuối cùng, dân chịu hết anh ạ!” như lời của một doanh nghiệp.
Sang năm 2016 này, một loạt các hiệp ước với quốc tế và khu vực có hiệu lực, nếu như không “đổi mới thể chế” như thông điệp 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì sẽ còn nhiều và thậm chí có thể rất nhiều doanh nghiệp phải chết trong tức tưởi, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét