Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016
Nhân vật của năm
Tuấn Khanh - Nhân vật của năm
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Tư, ngày 06 tháng 1 năm 2016 | 6.1.16
Cuối tháng 12/2015, tờ báo điện tử Infonet có một cuộc bình chọn tổng kết Nhân vật của năm hết sức thú vị. Trong danh sách năm người được tờ báo này đề cử, cuối cùng thì một thầy giáo vô danh ở Bình Thuận lại là người được bạn đọc bình chọn, với số phiếu bầu chọn thắng áp đảo.
Nhà giáo Nguyễn Thận
Thật ngạc nhiên, trong thời gian chỉ có một tuần, thầy giáo Nguyễn Thận nhận được hơn 9000 bình chọn, bỏ xa người đứng thứ hai đến hàng ngàn phiếu. Kết quả này đem lại nhiều thắc mắc: ông thầy giáo già ấy là ai mà nhận được mến mộ nhiều như vậy, vượt xa các nhân vật là vận động viên thành đạt, tướng công an, cảnh sát chữa cháy và bí thư thành phố Đà Nẳng?
Cuộc bình chọn gợi nhớ lại câu chuyện của người tù oan Huỳnh Văn Nén, với 17 năm đau đớn, vừa được trả lại quyền công dân vào đầu tháng 12/2015. Người kiên trì theo đuổi vụ án và nhất mực kêu oan cho ông Nén, chính là người thầy cũ của ông Nén, thầy giáo Nguyễn Thận.
Khi án được giải oan, cả hai người ôm nhau khóc. Cả hai bạc đầu như nhau, một người thì bạc đầu vì uất hận trong ngục tối, một người thì bạc đầu vì công lý trên đất nước mình.
Điều đáng nói là một ông thầy giáo già lẻ loi ở Bình Thuận khi đọc mọi thứ về vụ án của ông Huỳnh Văn Nén, đã tìm ra những dấu hiệu của khuất tất, ngược lại cả một hệ thống công an, toà án hùng hậu lại thản nhiên chấp nhận, đồng loã cùng những chứng cứ bị tráo đổi, những tình tiết bị bẻ cong để đổi trắng thay đen, tàn hại một đời người.
Ông Nguyễn Thận, con người đó bỏ ra 15 năm, tấm lòng như bồ tát, ngược xuôi kêu oan cho người học trò cũ, bất kể gặp vô vàn khó khăn từ việc người dân bị tác động bởi thông tin báo chí nhà nước “khép tội” cho đến nan ải ở cửa quan. Hơn nữa, trên giấy tờ thì ông Huỳnh Văn Nén do bị nhục hình nặng nề và dài ngày đến mức phải nhận tội giết người, bất chấp điều tra viên Cao Văn Hùng từng tiếp đơn tố cáo tội phạm thật sự, nhưng lại muốn hoàn hảo công việc của mình nên đã hăm doạ người tố cáo, là anh Nguyễn Phúc Thành (cùng địa phương với ông Nén) khiến anh này sợ hãi quay về.
Vậy mà ông thầy giáo đó, vẫn giữ trong mình một ước mơ vĩ đại rằng phải cứu cho được một con người. Ôi, câu chuyện hiện thực được viết lại, mà sao nghe như cổ tích răn đời của tổ tiên Việt Nam. Trong chuyện có đủ kẻ ác, có thối nát quan lại, có nhân quả, có người khổ nạn và có trái tim Việt Nam bừng sáng với sự tử tế với nhân gian. Câu chuyện như nhắc lời dạy của người xưa “miệng nhà quan có gang có thép” – mọi thứ ghê gớm của kẻ có quyền đều có thể, ngoại trừ sự thật và tình người.
Trong phim tài liệu Chuyện tử tế của Đạo diễn Trần Văn Thuỷ, chỉ vì đi tìm lời giải cho một xã hội Việt Nam đang cạn kiệt sự tử tế, mà phim làm từ năm 1985, bị kiểm duyệt đắn đo đến hai năm, đến 1987 mới được công chiếu. Trong đó, một vị cao niên đã giải thích về tử tế rằng “Tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. “Tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ”.
Nếu tử tế được kế thừa và gìn giữ, có lẽ án oan ở Việt Nam không bùng nổ nhiều như bây giờ. Án oan gấp rút đưa tội nhân ra pháp trường đến mức cả xã hội sôi sục, lời kêu than xuất hiện khắp nơi, đại biểu quốc hội cũng phải lên tiếng. Người bị tạm giam chết thảm khắp nơi. Sự tử tế vắng mặt ở những nơi đây dẫy con người giới thiệu mình qua bằng cấp, chức vị, qua bảng hiệu quốc gia đệ nhất hạnh phúc. Sự tử tế bị đánh tráo khái niệm với những kẻ như điều tra viên Cao Văn Hùng: tử tế với danh và lợi riêng của bản thân mình.
Làm sao có thể nghe thấy đủ được nỗi đau của con người Việt Nam, để hy vọng thức tỉnh sự tử tế mà tổ tiên đã gửi lại cho con cháu? Năm 1940, các bác sĩ James D. Hardy, Harold G. Wolff và Helen Goodell của trường đại học Cornell (Mỹ) chỉ mới sáng chế ra dụng cụ thử đo độ đau đớn trên cơ thể của con người, tên gọi là Dolorimeter, với các chỉ số gọi là Dol. Nếu mai sau, số đo nỗi đau tinh thần có thật và là một nguồn năng lượng, ắt hẳn đất nước này có thể sẽ rực sáng bất tận cho những gì mà chúng ta đã biết, hoặc còn chưa biết.
Số phiếu thắng tuyệt đối của người dân về ông thầy giáo già đầy tình người ấy, vượt lên mọi thứ đồ sộ khác trong danh sách bình chọn, cho thấy người dân Việt có qua ngàn đời vẫn vậy: họ biết khóc, biết đau cùng đồng bào của mình, biết cảm mến những người còn dùng lòng tử tế của mình gột rửa thế gian, dù cô độc. Những lá phiếu im lặng không khác gì hình ảnh những người dân Việt Nam lặng lẽ đứng về phía kẻ yếu, đã và đang bị chà đạp.
Câu chuyện này nhắc tôi nhớ về sự kiện bình chọn nhân vật của năm do báo Time tổ chức, tháng 12/2006. Nhân vật được chọn chính là nhân dân. Tờ báo gọi tên người được chọn là “You”, và giải thích rằng không ai khác hơn chính bạn – người đang đọc những dòng này, sẽ làm thay đổi thế giới.
Ông thầy giáo già đáng kính trọng Nguyễn Thận ấy – là nhân vật của năm để chúng ta ngưỡng trọng. Thầy giáo Nguyễn Thận là ông nhưng cũng chính là ta. Ông là mầm, là chồi thức tỉnh từng người dân Việt phải học lại cách đứng lên, cất tiếng nói đòi công lý, không chỉ vì oan khiên của mình, mà còn của đồng bào mình. Ông là ngày, là giờ của chúng ta mở mắt nhìn nhau. Ngày đó, ngày Việt Nam.
Tuấn Khanh
(Blog RFA)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét