Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Từ 'gương sáng' Gia Lai: Tham nhũng và chuyện bỏ “vốn” ra phải thu lại


VNTB- Từ 'gương sáng' Gia Lai: Tham nhũng và chuyện bỏ “vốn” ra phải thu lại
Reply
Lê Mẫn, news, opposite, Từ 'gương sáng' Gia Lai: Tham nhũng và chuyện bỏ “vốn” ra phải thu lại, VNTB
25.3.17
Lê Mẫn

(VNTB) - Mới đây, dư luận quốc nội lại được phen dậy sóng với con số tham nhũng 67 tỷ đồng ở Sở Y tế tỉnh Gia Lai, trong khi vài năm trước, cũng tại Sở này đã có 9 lãnh đạo từ Giám đốc đến kế toán phải hầu tòa cũng vì các “chiêu” “móc túi” người bệnh và ngân sách nhà nước.



Không biết đích xác được ông Mai Xuân Hải (người đứng) đã bỏ bao nhiêu tiền để mua được cái vị trí Giám đốc Sở của mình, nhưng chắc chắn số tiền phải lên đến con số hàng tỷ đồng.


67 tỷ đồng thì so với những vụ nghìn tỷ như Vinashin, Vinalines, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như… chẳng bõ bèn gì. Vậy nhưng, vụ việc cũng đã gây “nóng” dư luận, bởi những cách thức tham nhũng ở tỉnh được xem là nghèo ở Việt Nam. Khi những nạn nhân là những bệnh nhân đang quằn quại đau đớn trên giường bệnh, thậm chí là những người đang mang những căn bệnh nan y mà phải bán nhà, bán tài sản để chạy chữa… và nhiều người trong số họ là những người đồng bào dân tộc thiểu số.


Mặt khác, vào năm 2013, cũng tại Sở Y tế tỉnh Gia Lai, đã có 9 lãnh đạo chủ chốt (gồm cả Giám đốc Sở) đã phải lãnh án tù cũng vì tội tham nhũng, “móc túi” bệnh nhân khi các lãnh đạo này đã chủ trương “biến” thuốc nội thành thuốc ngoại, thuốc sản xuất ở Châu Á thành Châu Âu…. Và sau khi 9 cán bộ này “hạ cánh” không an toàn thì những người mới lên thay thế lại tiếp tục “kế thừa” và “phát huy” các “chiêu” tham nhũng của người đi trước.


Vì vậy, bắt đầu từ năm 2013, những lãnh đạo mới được thay thế của Sở Y tế tỉnh Gia Lai do ông Mai Xuân Hải làm Giám đốc, sau khi ngồi vào vị trí mới đã “bắt tay” ngay vào “công cuộc” tham nhũng. Và chỉ khoảng 4 năm sau nhận chức, đến nay ông Hải và “đồng bọn” của mình không may bị “sờ gáy”, với số tiền tham nhũng được công bố là khoảng 67 tỷ đồng được thực hiện từ năm 2013-2015.


Thật ra thì dư luận ai cũng thừa biết, làm quan ở Việt Nam thì ai mà chẳng tham nhũng, không tham nhũng thì sống bằng gì? Đến chức sắc nhỏ nhất là Trưởng thôn thôi thì cũng đã móc ngoặc với cấp phường, xã để ăn chặn các khoản tiền của người dân lao động. Vì vậy, không tham nhũng sao cho được? Còn việc bị phát hiện của các lãnh đạo ngành Y tế ở Gia Lai chỉ là mấy ông, bà này “gặp hạn” hoặc là ngành đã có “dớp” sẵn. Bởi, họ đã bỏ tiền ra để mua được cái “ghế”, mà nhiệm kỳ thì chỉ có 5 năm, nên khi mới ngồi vào được “ghế” mới thì phải nhanh tay tìm đủ mọi cách để lấy lại “vốn” và lãi trước khi hết nhiệm kỳ. Đó là chuyện đương nhiên ở Việt Nam! Chứ không phải ông Hải và “đồng bọn” của mình là điếc không sợ súng, không sợ luật pháp.


Chúng ta không biết đích xác được ông Hải đã bỏ bao nhiêu tiền để mua được cái vị trí Giám đốc Sở của mình, nhưng chắc chắn số tiền phải lên đến con số hàng tỷ đồng. Nên khi ngồi vào ghế mới, ông Hải và “đồng bọn” có lẽ đã phải tính toán “nát óc” đủ đường để lấy lại “vốn”, lấy lại lãi, mà lãi thì phải nhiều hơn vốn gấp nhiều lần để còn có tiền mà quà cáp cho các sếp cấp trên, rồi tiền chi trả cho các cuộc ăn chơi, nuôi gia đình, và lên sếp rồi thì đồ dùng như ô tô, điện thoại… phải “xứng” với chức vụ… và cuối cùng là phải có khoản để dành, khoản tiền để giữ ghế khi hết nhiệm kỳ hoặc là mua chức cao hơn… chứ tiền lương cao lắm cũng chỉ bằng lương Thủ tướng với mức hơn 10 triệu đồng thì sao đủ sống với những “cơn bão” lạm phát đang diễn ra (?!) Vì vậy, không tham nhũng sao cho được?


“Trước đây tôi công tác ở huyện nghèo, tôi được mời về một Sở để cơ cấu lên chức Phó Giám đốc Sở và sau đó thì có thể hơn… Tôi đồng ý về, được bố trí ở một chức vụ Trưởng phòng và nằm trong danh sách “lãnh đạo nguồn” để chờ lên chức Phó Giám đốc Sở... Nhưng gần 10 năm qua, tôi vẫn giữ chức vụ Trưởng phòng, vì tôi không có tiền để “mua ghế”, mà thật ra là tôi sẽ không bao giờ bỏ tiền để mua chức vụ này. Nếu họ xét năng lực, trình độ của tôi để bổ nhiệm cho tôi lên làm lãnh đạo thì tôi vui vẻ chấp nhận, còn nếu phải bỏ tiền để có chức vụ thì tôi không bao giờ bỏ tiền ra. Bởi nếu bỏ tiền ra để mua chức thì khi ngồi vào sẽ không còn thời gian, tâm trí để làm chuyên môn nữa, mà chỉ có mưu toan tìm mọi cách để lấy lại “vốn” đã bỏ ra và thêm tiền lãi, rồi chuyện đối phó với việc sợ bị phát hiện nữa…”, một cán bộ nhà nước chia sẽ với người viết.


Chính vì thế, làm “đày tớ” (làm cán bộ- phóng viên) ở Việt Nam có ai không tham nhũng không ạ? Chỉ biết rằng, chức vụ càng to thì tài sản càng nhiều, tài sản không chỉ có rất nhiều ở Việt Nam mà còn được tẩu tán sang cả ở các nước tư bản “dãy chết”. Bởi chức cao thì “vốn” bỏ ra phải nhiều, các “chi phí” quà cáp phải nhiều, nên sau khi “mua” được thì phải ra sức vơ vét thật nhiều. Đó là lẽ đương nhiên trong công cuộc làm “công bộc” ở xứ “thiên đường xã hội chủ nghĩa” Việt Nam.



Và hậu quả là người dân phải gánh chịu, khi khoảng cách giàu nghèo càng gia tăng, khi những đứa trẻ ở vùng cao, vùng nông thôn không có lấy một cái áo ấm để chống chọi với thời tiết rét căm căm vào mùa đông; một em học sinh lớp 6 (cũng ở Gia Lai) phải tự tử vào ngày đầu tiên của năm học mới vì không có quần áo mới đến trường; một học sinh lớp 3 (10 tuổi, ở Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã nhịn đói đến trường vì nhà không còn thứ gì để ăn và em đã chết sau khi buổi học kết thúc vì… quá đói; khi một người nông dân đã chết ngay trên chính mảnh ruộng đang cày của mình vì đói, vì kiệt sức… Và còn biết bao em bé, người lớn chết vì đói nghèo, vì không có tiền chữa bệnh mà chưa được báo chí đưa lên mặt báo? Chắc chắn “danh sách” này còn rất rất nhiều, và tất cả họ đều là nạn nhân của tham nhũng. Vì tham nhũng vẫn tiếp tục hoành hành, mà như vị đại biểu Quốc hội nào đó đã từng nói “họ ăn không từ thứ gì”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét