Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Việt Nam: Cái chết rình rập trên từng mâm cơm gia đình


Việt Nam: Cái chết rình rập trên từng mâm cơm gia đình

Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Năm, ngày 25 tháng 8 năm 2016 | 25.8.16

Các loại thực phẩm tại Việt Nam từ thịt cá đến rau đậu, trái cây, cà phê, đều có những hóa chất độc hại gây ung thư và các loại bệnh nguy hiểm khác.



Hình minh họa

“Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ,” Ông Hoàng Đình Chân, giám đốc bệnh viện ung bướu Hưng Việt phát biểu tại buổi Diễn Đàn “Đón sóng thực phẩm sạch” diễn ra sáng 23 tháng 8 năm 2016 và được tường thuật trên tờ Dân Trí.


Người ta từng thấy có những lời kêu ca trên mặt báo trong nước là người Việt Nam đang tự đầu độc chính mình. Tuy lời kêu gào khẩn thiết này dù đã được lập lại nhiều lần, vẫn có vẻ như ném đá ao bèo. Nhà cầm quyền với đủ mọi bộ ngành ban bệ xuống tận từng ngõ ngách của xã hội nhưng lại tỏ ra bất lực.


Tại diễn đàn nói trên, ông Hoàng Đình Chân cho biết, “Đối với ngành thực phẩm, chúng ta thấy có 40/120 mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; 455/ 735 mẫu thịt gia súc, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.”


Ông Chân cũng dẫn báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật, “Hơn 2,000/11,000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; hơn 2,500/11,000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,” nguồn tin trên kể lại.


“Việc tham gia vào quản lý, sử dụng các sản phẩm sạch sẽ rất quan trọng vì điều đó quyết định tới sức khỏe, nòi giống, tương lai của chúng ta. Bởi chỉ chưa tới 30% mắc ung thư là do kém may mắn còn lại là tỉ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%. Trước chỉ thấy ở người già, trên 45 tuổi mắc ung thư, giờ trẻ hóa, như vậy không còn là yếu tố về tuổi tác nữa, nó liên quan rất nhiều tới yếu tố môi trường.” Lời ông Chân được báo trên dẫn lại.


Đùi heo chỉ có lớp da, còn lại là nạc,
được cho ăn chất tạo nạc – gây ung thư
cho người tiêu dùng. (Hình: VnExpress)

Dịp này, đại diện phía doanh nghiệp, bà Thái Hương – chủ tịch Tập Đoàn TH nhấn mạnh, minh bạch là nguồn gốc của mọi vấn đề trong xã hội và là cội nguồn của bất kỳ nhà sản xuất nào.


Dẫn số liệu của Bộ Y Tế, bà Thái Hương cho biết, mỗi năm Việt Nam có hơn 75,000 người chết vì ung thư, nghĩa là trung bình một ngày có 250 người chết. Bộ Y Tế cũng thống kê, chỉ với 6 loại ung thư phổ biến: ung thứ vú, ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, tổng chi phí trực và gián tiếp đã lên tới gần 26,000 tỷ đồng, chiếm 0.22% GDP của Việt Nam (năm 2012).


Đầu tháng 5, 2016 vừa qua, ông thủ tướng mới Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị “ngay trong năm 2016 phải tạo chuyển biến rõ nét trong quản lý nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y và xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Người đứng đầu bộ ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.”


Nếu có “chuyển biến rõ nét,” các báo tại Việt Nam đã được lệnh đồng ca rầm rộ về các thành tựu đã đạt được và không có lời kêu gào ai oán “Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình.”


Ngày 12 tháng 7, 2016 vừa qua, Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam vừa công bố bảng báo cáo khảo sát cà phê trên thị trường một số tỉnh và thành phố trong thời gian qua. Sau 3 đợt khảo sát từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2016, trên các mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, Sài Gòn, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng, kết quả cho thấy “tổng cộng có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine.”


Chúng chỉ là bột bắp, bột đậu nành rang cháy pha thêm hương liệu hóa chất độc hại để đánh lừa vị giác của khách hàng.


Hồi giữa tháng 11 năm ngoái, một đại biểu quốc hội sau khi nghe ông Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát điều trần đã kêu rằng “Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!”


Ông Cao Đức Phát báo cáo rằng tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm,


Năm ngoái, nhiều báo đã có những bản tin, ký sự khá dài về tình trạng sử dụng các loại chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là “thuốc tạo nạc” giúp cho thị heo nhiều nạc ít mỡ đế bán được nhiều tiền hơn dù người ta biết đây là chất bị cấm, độc hại cho con người vì dẫn đến các chứng bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư.


Nông dân trồng rau đậu hoa quả sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật rất độc, trái cây ngâm trong các thùng hóa chất, kể cả thuốc trừ sâu. Người bán thịt ở chợ dùng một ít bột hóa chất “không rõ nguồn gốc” biến thịt ôi thiu thành thịt “xịn,” biến thịt heo sề thành thịt bò “xịn” để lừa người tiêu thụ. Những tin loại này không hiếm trên báo chí tại Việt Nam.


(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét