Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Dọn đường cạnh tranh với công đoàn độc lập


Dọn đường cạnh tranh với công đoàn độc lập

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Tư, ngày 24 tháng 8 năm 2016 | 24.8.16



Tài xế hãng taxi Sao Sài Gòn tại Hà Nội đình công hôm 31/7/2008.AFP photo

Trong 15 năm qua, Việt Nam xảy ra hơn 7.000 cuộc đình công tất cả đều được mô tả là trái luật, đặc biệt tổ chức công đoàn độc quyền do nhà nước thành lập không hề tổ chức bất kỳ một cuộc đình công nào để tranh đấu cho quyền lợi của người lao động.


Cái "khó" của công đoàn


Điểm chung của các cuộc đình công tự phát ở Việt Nam là đòi quyền lợi lương bổng, phúc lợi và chế độ làm việc của người lao động. Hầu như sau các cuộc đình công tự phát và bị coi là trái pháp luật, hầu hết giới chủ doanh nghiệp đều phải đáp ứng toàn phần hoặc một phần yêu sách của người lao động.


Các cuộc đình công bị coi là trái pháp luật vì công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên không đứng ra lãnh đạo và tổ chức đình công. Đây là điều kiện bắt buộc ghi trong các Bộ Luật Lao động 2006 và được sửa đổi trong Bộ Luật Lao động 2012. Như vậy Việt Nam có luật pháp về đình công, tuy nhiên Tổng Liên đoàn Lao Động và hệ thống trực thuộc là tổ chức độc quyền chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và Nhà nước. Một điểm đáng chú ý là tất cả cán bộ công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp là do chủ doanh nghiệp trả lương. Luật sư Lê Văn Luân từ Hà Nội phân tích vấn đề này:


“Một người được sinh ra và trả lương bởi một ông chủ mà đứng ra bảo vệ người đối nghịch, thì đó chính là mâu thuẫn từ trước đến nay chưa giải quyết được. Cho nên tính độc lập của tổ chức công đoàn để bảo vệ người lao động hầu như không có.

Khi không phát huy được vai trò của công đoàn thì đương nhiên người lao động khi bị xâm phạm đến quyền lợi của mình, cho rằng là như thế, thì chắc chắn họ phải tự mình chứ không thể nhờ công đoàn được…với TPP Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương nếu Việt Nam gia nhập thì có yêu cầu tổ chức công đoàn độc lập.


Đây chính là điểm cực kỳ tiến bộ, phù hợp nhất đối với việc điều chỉnh liên quan đến công đoàn, khắc phục điểm yếu của nó, đó là phải độc lập với người sử dụng lao động, không do người sử dụng lao động trả lương hoặc lập ra mà do trực tiếp người lao động…hoặc phải là tổ chức công đoàn được thành lập hợp pháp theo luật Việt Nam, có được quyền bảo vệ tính độc lập với doanh nghiệp. Đây chính là yếu tố quyết định đến phát triển.”
Một người được sinh ra và trả lương bởi một ông chủ mà đứng ra bảo vệ người đối nghịch, thì đó chính là mâu thuẫn từ trước đến nay chưa giải quyết được. - Luật sư Lê Văn Luân
Báo chí Việt Nam trong đó có Tuổi Trẻ Online và Dân Trí Online ngày 23/8 đưa tin, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đề nghị Liên đoàn Lao động TP.HCM mạnh dạn tổ chức cho cán bộ công đoàn lãnh đạo công nhân đình công theo luật, nếu việc này đem lại kết quả tốt cho người lao động. Ông Đinh La Thăng đã nói như thế khi thăm Khu Chế xuất Tân Thuận hôm 23/8/2016 và được giới chức Liên đoàn Lao động TP.HCM xác định rằng, từ trước tới nay công đoàn chưa bao giờ tổ chức đình công để tranh đấu cho người lao động.


Ông Đinh La Thăng là Ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên phê phán vai trò không hiệu quả của tổ chức công đoàn, khi mà công nhân những người là thành viên công đoàn lại không coi cán bộ công đoàn là thủ lĩnh của họ.


Trao đổi với chúng tôi, LS Lê văn Luân nhận định rằng tư tưởng của ông Thăng không phải là mới mà chỉ phù hợp với xu hướng Việt Nam hội nhập quốc tế, tham gia TPP Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương. LS Lê Văn Luân tiếp lời:


“ … Trong một môi trường có một tổ chức công đoàn khác và độc lập, anh muốn cạnh tranh được thì cũng phải thể hiện được vai trò của mình trong vấn đề bảo đảm quyền lợi người lao động. Ông Thăng đề cập vấn đề đó cũng là một bước cực kỳ mạnh dạn đối với thứ người ta coi là hoàn toàn nhạy cảm và rất khó để thực hiện. Tôi thấy đây là bước đầu tiên dọn đường cho việc ở cơ sở….”


Quyền tự do lập hội



Công ty may 10 ở ngoại ô Hà Nội hôm 20/10/2015. AFP photo

Công đoàn độc lập và sự liên kết giữa các tổ chức công đoàn là điều chưa hề có ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chìa khóa của vấn đề là quyền tự do lập hội. Quyền này tuy được ghi trong tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam, nhưng chưa bao giờ có luật để thi hành. Dự luật Lập hội vẫn cứ ì ạch ở Quốc hội từ khóa trước sang khóa sau. Luật sư Lê Văn Luân nhận định:


“ …Chưa có Luật Lập hội thì đúng là một vấn đề vướng mắc, tất nhiên khi tham gia TPP Nhà nước có nói rằng sẽ phải thay đổi một loạt các văn bản luật để tương thích với vấn đề công đoàn độc lập, vấn đề liên quan đến lao động ở trong TPP. Tôi tin rằng sớm muộn cũng phải ban hành, phải đặt lên bàn dự thảo Luật Lập hội, khi đó mới bảo đàm quyền thành lập công đoàn độc lập theo TPP…”
Tôi tin rằng sớm muộn cũng phải ban hành, phải đặt lên bàn dự thảo Luật Lập hội, khi đó mới bảo đàm quyền thành lập công đoàn độc lập theo TPP… - Luật sư Lê Văn Luân
Trong dịp trả lời chúng tôi, Phó Giáo sư Ngô Trí Long hiện sống và làm việc ở Hà Nội tỏ vẻ băn khoăn về khả năng tiến tới tự do nghiệp đoàn ở Việt Nam:


“Triết lý chính trị cũng như quan điểm của họ chưa thay đổi thì tôi nghĩ vấn đề này khó thay đổi lắm. Thực chất đó là vấn đề tối tế nhị, một mặt đây là vấn đề nhạy cảm, vấn đề nóng và bức xúc hiện nay mà người ta đang quan tâm. Nhưng để triển khai và thực hiện được những vấn đề đó, tôi nghĩ là còn phải chờ đợi một quá trình không phải là đơn giản…”


Hiến pháp hiện hành của Việt Nam minh thị những quyền cơ bản của công dân như lập hội, biểu tình, hội họp, dù nhà nước cộng sản trì hoãn ban hành những bộ luật về vấn đề này. Tuy vậy với xu hướng hội nhập để phát triển, giới học giả cho rằng đã tới giai đoạn mà Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam phải chấp nhận hé mở cánh cửa hẹp về dân chủ hóa, ít nhất là vấn đề quyền lựa chọn nghiệp đoàn ở cơ sở.


Đề nghị của ông Đinh La Thăng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM về việc Công đoàn phải gánh vác trách nhiệm của mình, đứng ra lãnh đạo và tổ chức đình công tranh đấu cho quyền lợi của công nhân, được giới quan sát xem như một sự chuẩn bị cho tương lai đó.


Nam Nguyên


(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét