Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Nạn đói, nạn miễn phí và hỗn loạn


VNTB - Nạn đói, nạn miễn phí và hỗn loạn

(VNTB) - Một cảnh tượng kinh hoàng – nhiều người tham gia tắm miễn phí tại công viên nước Hồ Tây (Tây Hồ - Hà Nội) trong sáng ngày 19/04 thừa nhận trên báo giới như vậy. Nhưng những hình ảnh, video ghi lại cảnh hàng nghìn con người xô đẩy, giẫm đạp, trèo cổng sắt, phá rào, rồi chen chúc trong bể nước khiến người xem lẫn người tham gia phải xấu hổ.



Bất chấp nguy hiểm, nam thanh nữ tú leo rào sắt để được tắm miễn phí
Xấu hổ không phải vì tham gia một trò chơi không mất tiền, mà xấu hổ vì có những người liều mình lao qua rào sắt để được tham gia. Xấu hổ vì cái bể bơi và tính thú vật của đám con trai người Việt khi quây lấy những cô gái và có hành động giật tụt nội y của họ.

Sự miễn phí có phải để vạch trần bản chất hám lợi của con người Việt và sự liều mạng của họ bởi lợi ích nhỏ đó?



Từ chui rào để nộp hồ sơ cho con đi học


Đến xô lấn, đạp ngã cổng sắt để nộp hồ sơ cho con cháu và lớp 1.
Cũng tại thủ đô nghìn năm văn vật, vào tháng 10/2013, cũng xảy ra việc chen lấn nhau để giành suất ăn sushi miễn phí của một cửa hàng trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) hay sẵn sàng chen lấn, xô đẩy để có được áo mưa miễn phí do Đại sứ quán Hà Lan tài trợ tại UBND quận Ba Đình, Hà Nội.

Trước đó, dù không phải miễn phí, nhưng sức hút của trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) cũng từng khiến dư luận ngán ngại, khi các vị phụ huynh của những em bé chuẩn bị vào lớp 1 sẵn sàng đạp cổng, chui rào để vào giành giật nhau nộp hồ sơ.

Vấn đề đặt ra là, chiến tranh và nạn đói đã qua bao nhiêu năm rồi. Nhưng sao dân Việt vẫn cứ giữ cái tính bon chen, chụp giựt, xô đẩy, đạp lên nhau để sống? Đáng lưu ý hơn nữa là những người sẵn sàng chen lấp, xô đạp nhau có không ít là nam thanh nữ tú? Và chắc hẳn, hơn 99% những con người sẵn sàng đạp lên nhau mà sống đó xuất phát từ những khối xóm được gắn bảng đạt chuẩn về văn hóa.



Xô đẩy nhau nộp hồ sơ cho con ở một trường mẫu giáo tại Đà Nẵng
Nạn cướp từ trong lễ hội đã diễn biến trầm trọng ngoài thực tế cuộc sống. Đâu đâu cũng thấy cướp, người người là cướp cải trang chỉ chờ cơ hội là bộc phát.

Không một lý do nào để biện hộ hành động đó ngoài việc chỉ đích danh thói vô tổ chức, lối sống bầy đàn của xã hội thời nay. Một xã hội định hướng bởi những điều chụp giật, quan thì tranh giành – đấu đá chức quyền, dự án, dân thì tranh giành – đấu đá nhau để lấy một chút quyền lợi nhỏ. Trong khi giáo dục đang truyền dạy những điều không tưởng, đạo đức cuộc sống bị thay thế bằng đạo đức chủ nghĩa với sắc màu giai cấp.

Chính môi trường xã hội, môi trường giáo dục như thế đã làm nên một tấm gương xám cho giới trẻ nhìn vào mà noi theo. Và chính nó thúc đẩy tính "con" trong phần lớn người Việt, tạo nên một đám đông đầy tính bản năng, hung hãn, hoang dã, bầy đàn.

Chính nó đã khiến cho văn hóa xếp hàng và ý thức về xếp hàng đã không thể thực hiện được.



Những con người sẵn sàng đạp lên nhau mà sống cũng đi từ những tổ dân phố văn hóa. Ảnh: minh họa
Cũng cần nhấn mạnh, bao năm nay, Đảng ta vẫn đều tay ra nghị quyết cuộc sống trong đó luôn nhấn mạnh hướng đến "mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."

Nhưng sau bao nhiêu năm, 5 yếu tố mục tiêu đó không những không đạt được mà còn trở nên tồi tệ hơn, các thang bậc về mặt giá trị bị đảo lộn. Dân không giàu, nước ngày một yếu, dân chủ kiềm kẹp, công bằng kiểu có quyền tiền, và văn minh... mọi rợ, bầy đàn.



Chen lấn, xô đẩy và một dân tộc... bầy đàn.
Trong khi đó, Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), nhận thức văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng với thứ văn hóa mà tại mỗi đám đông, mọi tập tính văn minh đều biến mất! Bởi mọi thứ thuộc về văn hóa, thể chế, tương lai hướng đến của xã hội đều mang tính hình thức, còn bản chất thì đi ngược lại.

Do đó, thứ văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc chỉ có giá trị trên văn bản định hướng và lời nói tuyên truyền.

Cả dân tộc vẫn chìm sâu vào một giấc mơ cỏn con, không lối thoát.
Một sự hỗn loạn không điểm dừng. Một "bụi đời chợ Lớn" được phóng to trong thực tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét