Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Bạo lực học đường


Bạo lực học đường

Written By Hai Hoang Van on Thứ Năm, ngày 26 tháng 3 năm 2015 | 26.3.15




Một cảnh học sinh đánh nhau trước cổng trường học. Clip-from youtube

Trong vòng chưa đầy một tháng, có đến hơn một chục video clip nữ sinh đánh nhau, cấu xé nhau được tung lên mạng và có đến vài chục video clip nam sinh lập thành bằng nhóm, dàn trận đánh nhau, chém nhau theo kiểu xã hội đen. Tất cả những video clip này đều do học sinh tải lên. Đó là chưa kể đến hơn 6000 vụ đánh nhau gây thương tích, chết người kể từ Mồng Một Tết đến nay. Và tất cả những vụ xô xát, đánh nhau trong giới trẻ Việt Nam đều có liên quan đến vấn đề giáo dục, học đường và tính dục, bạo lực do văn hóa xuống cấp.

Tính dục và giáo dục bị chằng chéo

Ông Vận, cựu giáo viên một trường phổ thông trung học tại thành phố Sài Gòn đưa ra nhận xét:“Do cái nghiệp quả của tiền duyên nhiều đời. Nó muốn làm anh chị, nó muồn làm anh hùng nên nó tranh nhau, nó cấu xé nhau, tranh nhau vậy đó. Nó muốn làm thì nó làm, mình can đâu có được. Nói nó cũng như không. Không nói được, không thể nói hết nổi!”.

Theo thầy Vận, là một giáo viên dạy qua hai chế độ chính trị, trước 30 tháng 4 năm 1975, ông vừa tốt nghiệp đại học và đi dạy chưa đầy hai năm thì thành phố có sự thay đổi lớn, ông về quê làm ruộng một thời gian dài và năm 1980, ông quay trở lại Sài Gòn, tiếp tục nộp đơn xin dạy học. Sau gần một năm chờ điều tra lý lịch, không có thành phần gia đình dính đến chế độ cũ nên ông được nhận vào dạy môn toán trở lại với điều kiện chỉ được dạy toán và không được bàn luận gì về chính trị dù bất cứ với ai.

Ông Vận chấp nhận điều kiện và đi dạy mãi cho đến năm 1990 thì về hưu. Trong suốt quá trình dạy học, ông nhận ra bầu không khí dạy và học trước và sau 1975 có thể nói là khác nhau một trời một vực. Và quá trình dạy giữa những năm trước 1988 và sau 1988 cũng khác nhau đáng kể. Càng về sau, nền giáo dục càng có dấu hiệu lụn bại, hết phương cứu chữa.

Giải thích thêm, ông Vận cho rằng hình ảnh người thầy giáo thời trước 1975 có những đặc thù mà hiện tại không có được. Sự uy nghiêm, tính mẫu mực cũng như lương tâm nhà giáo, luôn sẵn sàng cống hiến hết mình vì sự nghiệp dạy học, lấy viên phấn trắng và tấm bảng đen làm cảm hứng của cuộc đời. Chính vì thế, người thầy dạy cấp hai và cấp ba thời đó đã được gọi là giáo sư, họ được học trò và phụ huynh coi trọng, kính nễ.

Chính tình trạng bệ rạc của nền giáo dục bởi nạn mua quan bán chức, chạy bằng giả, kinh doanh kiến thức, lạm dụng tình dục học đường đã đẩy nhiều thế hệ đến chỗ thực dụng, máu lạnh và bạo lực học đường diễn ra như cơm bữa
Sự kính nễ này một phần nhờ vào cơ chế giáo dục coi trọng tính người, coi trong nhân cách và mỗi người thầy bắt buộc phải là một tấm gương về nhân cách trong xã hội đã giúp cho học trò có cảm hứng trong việc học tập, kính trọng thầy cô và luôn noi gương thầy cô như một trách nhiệm mà con người phải làm trong cuộc đời. Chính nền giáo dục với triết lý nhân bản xuyên suốt của thời đó đã tạo ra nhiều thế hệ học trò vừa thành đạt lại vừa có nhân cách lớn trong xã hội. Điều đó hiếm có và hầu như không có trong hiện tại.

Chỉ riêng không khí dạy và học trước và sau năm 1988 cũng đã có quá nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Trước năm 1988, nền giáo dục bao cấp, dù không thể so sánh với nền giáo dục nhân bản trước 1975 nhưng dù sao nó cũng không phải là một cái thị trường giáo dục lộn xộn như thời kỳ giáo dục thị trường sau này. Kể từ sau 1988, nền giáo dục Việt Nam rơi vào tình trạng mua bán chữ, hoạt động dạy thêm dạy kèm nở ra rầm rộ. Sau đó là thời kỳ mua bằng cấp, đút lót trong giáo dục, và gần đây nữa là tình trạng hối lộ bằng tình dục giữa học sinh và thầy giáo, giữa hiệu trưởng với các quan chức.

Chính tình trạng bệ rạc của nền giáo dục bởi nạn mua quan bán chức, chạy bằng giả, kinh doanh kiến thức, lạm dụng tình dục học đường đã đẩy nhiều thế hệ đến chỗ thực dụng, máu lạnh và bạo lực học đường diễn ra như cơm bữa. Điều đáng buồn nhất là hiện tại, những danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, giáo sư tiến sĩ… đều không được trọng vọng như những giáo viên cấp trung học thời xưa. Theo thầy Vận, đây là một vấn đề cần đặt dấu hỏi lớn về cơ chế giáo dục hiện tại.

Bạo lực tới sau

Một cô giáo tên Hà, sống tại Gò Vấp, Sài Gòn, chia sẻ thêm: “Khó nói lắm, mà về nguyên nhân thì không lẽ mình đổ thừa hết cho giáo dục nó cũng không đúng. Nói chung là do môi trường. Khó nói lắm!”.

Chuyện các nữ sinh đánh nhau, các nam sinh dàn trận chém nhau ngày càng có nguy cơ phát triển và lan rộng là một bằng chứng về nền giáo dục mua bán bằng chấp, chạy chọt và hối lộ trong nghề nghiệp đã chuyển hóa thành một thứ tệ nạn và kéo theo hàng triệu hệ lụy phía sau
Theo cô Hà, vấn đề bạo lực học đường ở Việt Nam hiện nay có thể nói là vô phương cứu chữa, nó có thể bùng phát bất kì giờ nào và lan rộng đến mức khó mà lường được. Tiếng nói của giáo viên đối với học trò hiện tại không phải là tiếng nói của một vị thầy trước lớp học mà là tiếng nói của một người bán chữ trước đám đông các thượng đế mua chữ.

Trong các thượng đế mua chữ này, có nhiều thành phần khác nhau, cũng có thể là thượng đế con nhà bình dân, cũng có nhiều thượng đế con nhà quí tộc, trọc phú, đại gia. Và yêu cầu của các thượng đế đối với người bán chữ cũng khá gắt gao. Không thiếu học sinh yêu cầu phải đổi cô giáo vì cô giáo không đủ đẹp để mình học. Đương nhiên là chuyện này hiếm nhưng đã từng xãy ra tại Sài Gòn. Thậm chí có nhiều nam sinh cấp trung học trêu ghẹo cô giáo, viết thư rủ cô giáo cùng đi phòng trọ, nhà nghỉ, khách sạn.

Khi cô giáo nhận lá thư, chỉ biết run rẩy và khủng hoảng, không dám tố cáo sự việc vì sợ trả thù. Nhiều cô bỏ trường, chuyển trường. Nhưng cũng có nhiều cô chấp nhận điều kiện của học sinh để được nhận một khoản thù lao béo bở. Chính vì môi trường giáo dục hết sức kì quặc này mà nhiều nam sinh, nữ sinh và thầy cô giáo trở thành bạn tình với nhau. Mà một khi thầy cô giáo trở thành bạn tình của học sinh thì tiếng nói của họ với nhau không còn là tiếng nói của giáo dục, nó thành tiếng nói của tình dục và luyến ái. Mối quan hệ thầy trò bị phá vỡ ngay tức khắc sau khi vào nhà trọ, vào khách sạn với nhau.

Không dừng ở đây, nhiều đường dây mua bán dâm trong học đường xuất hiện, nhiều thầy giáo, cô giáo kiêm thêm nghề tú ông, tú bà chăn dắt các nữ sinh đến với khách hàng là các quan chức thèm của lạ, thèm gặm cỏ non. Và khi điều này trở thành một thế lực ngầm, một hoạt động ngầm trong học đường thì học đường đó có thể trở thành một kiểu nhà thổ trá hình. Vấn đề giáo dục trở nên khủng hoảng và bế tắc.

Theo cô Hà, chuyện các nữ sinh đánh nhau, các nam sinh dàn trận chém nhau ngày càng có nguy cơ phát triển và lan rộng là một bằng chứng về nền giáo dục mua bán bằng chấp, chạy chọt và hối lộ trong nghề nghiệp đã chuyển hóa thành một thứ tệ nạn và kéo theo hàng triệu hệ lụy phía sau. Cho đến thời điểm hiện nay, có thể nói rằng không còn cách nào để cứu chữa được nữa.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
2015-03-25


(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét