Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

PVN không thể tự quyết định đầu tư sang Venezuela


PVN không thể tự quyết định đầu tư sang Venezuela

Đăng bởi Ha Tran on Saturday, May 6, 2017 | 6.5.17



Giờ mới biết, hóa ra người anh em Chavez và Sadam đều nhận tiền "lại quả" từ Việt Nam :)

Tuần qua, một vài tờ báo nói rằng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chi hàng trăm triệu đô la cho dự án Junin 2 ở Venezuela mà chưa được giọt dầu nào và có nguy cơ mất trắng. Dự luận cũng rất bức xúc khi Tập đoàn Dầu khí VN đã chi nhiều tiền vào cái khoản "phi lý" mà báo chí gọi là bonus. Đây là một câu chuyện dài và hệ trọng cần được hiểu rõ ngọn ngành….



Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm các cán bộ, kỹ sư Việt Nam và Venezuela tại Dự án khai thác mỏ dầu Junin 2 ở Venezuela (2010). Ảnh: PVEP

Việc đầu tư sang Venezuela là chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam khi đang còn anh em thân thiết với Venezuela. Lúc đó, Venezuela được coi là một trong những nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới và có nền kinh tế, chính trị ổn định. ông Hugo Chavez vừa được bầu lại làm tổng thống (nhiệm kỳ 3). Tuy nhiên, để Chính phủ Venezuela ngày ấy dành cho Việt Nam (chứ không phải cho PVN) lô Junin 2 là cả một nỗ lực ngoại giao lớn của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, Nhà nước ta, trong đó không thể không nói đến tình cảm đặc biệt của Tổng thống Hugo Chavez dành cho Việt Nam. Ngày ấy, cứ 2-3 tháng lại có một đoàn cán bộ cấp cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam bay sang Venezuela để đàm phán, thương thảo về việc này. Trung Quốc đã phải cho Venezuela hàng tỷ đô la, trong đó viện trợ cho rất nhiều thiết bị quân sự mới có được một lô tương tự như vậy. Vì vậy, liên doanh khai thác dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela được coi là dự án tiêu biểu, là điển hình đẹp về "ngoại giao dầu khí" của Việt Nam. Việc này sau đó cũng đã được Quốc hội VN phê duyệt....


Bởi vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không dám và không thể tự quyết định điều hệ trọng này. Các văn bản thời đó đã chứng minh rõ việc này. Khoản tiền mà báo chí gọi là bonus là tiền hoa hồng chữ ký. Không chỉ riêng Venezuela, nhiều nước khác cũng áp dụng như vậy. Khi Việt Nam làm ăn với chính quyền Saddam Husein, tất cả hợp đồng mua hay bán đều phải có 10% hoa hồng bằng tiền mặt. Điều này không phải quá xa lạ và phi lý trong làm ăn, ký kết với các nước trên thế giới.


Cũng cần nói cho rõ, đầu tư sang Venezuela hay một số nước khác, ngay bản thân ngành dầu khí đã có ý kiến, phân tích để... bàn lùi nhưng những thứ to tát hơn như "an ninh năng lượng", "ngoại giao anh em", những thứ hiệp định có đi, có lại qua những chuyến viếng thăm của các nguyên thủ là điều mà ngành này luôn phải đứng ra gánh vác.


Việc đầu tư ra tìm kiếm, thăm dò, khai thác ở nước ngoài lúc đó được lý giải rằng: Nguồn dầu khí ở thêm lục địa Việt Nam sắp hết, đầu tư ra nước ngoài nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho các năm sau.


Khai thác dầu khí là nghề siêu lợi nhuận, nhưng cũng đầy rủi ro mà không phải ai cũng biết. Sự rủi ro trong khai thác dầu khí được tính là cao nhất trong tất cả các các ngành nghề như rủi ro về chính trị, về thời tiết, tỷ giá ngoại tệ, về sự cạnh tranh và về giá dầu... Chính vì sự rủi ro cao, mà ở Việt Nam không có doanh nghiệp tư nhân nào dám đầu tư vào lĩnh vực này. Một mũi khoan không thấy dầu là mất luôn hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đô la. Theo ông Phạm Tiến Dũng, TGĐ Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí: Thông thường khoan 10 mũi mà một mũi có dầu là may mắn rồi. Làm dầu khí, vinh quang và cay đắng đi liền với nhau là vậy....

Tại Việt Nam, nhiều tập đoàn dầu khí danh tiếng trên thế giới như BP, Total... cũng đã mất gần tỷ USD mà chưa được thùng dầu nào. Đầy kinh nghiệm và thừa khôn ngoan như BP mà cũng bị mất trắng gần 500 triệu USD để thăm dò mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh trong thời gian là 8 năm trời. Cuối cùng họ đành bỏ, và ngậm ngùi để lại cho PVN 4 tấn hồ sơ. Vậy mà PVN đã thành công rực rỡ ở dự án này với trí tuệ, ý chí và tinh thần phát huy nội lực rất cao....


Quay trở lại Dự án Junin 2 ở Venezuela. Việt Nam đã gặp phải rủi ro lớn mà không ai ngờ tới: Tổng thống Chavez chết đột ngột do căn bệnh ung thư khi mới 58 tuổi, chính trị Venezuela đảo lộn, giá dầu giảm mạnh, tỷ giá ngoại tệ chênh lệch lớn... Vì thế dự án này mới lâm vào tình trạng như hiện nay….


Tôi viết bài này bằng cả tấm lòng và nhân cách của người cầm bút, hy vọng bạn đọc có cái nhìn đa chiều để hiểu và chia sẻ với PVN trong lúc khó khăn này....


Trần Thị Sánh
FB Trần Thị Sánh


(Dân Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét