Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Giải mã 'Chính phủ kiến tạo' của Thủ tướng Phúc


Giải mã 'Chính phủ kiến tạo' của Thủ tướng Phúc

Đăng bởi Elvis Ất on Saturday, May 27, 2017 | 27.5.17



Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo bằng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, và cụ thể hóa thông qua các nghị quyết của các hội nghị trong nhiệm kỳ. Chính phủ, bộ phận cấu thành của nhà nước do Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, dựa vào đó mà điều hành nền kinh tế.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trước giờ khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 22/5 tại Hà Nội

Khi chuyển đổi kinh tế sang thị trường, từ thời điểm Đổi mới, năm 1986, diễn ra Đại hội 6 của Đảng, các nhiệm kỳ chính phủ luôn tìm và thử nghiệm phương thức điều hành sao cho phù hợp.


Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ kiến tạo này là cải cách thể chế gắn liền với tăng trưởng kinh tế
PGS. TS. Phạm Quý Thọ


Chính phủ kiến tạo được nêu ra trong thông điệp đầu năm 2014 của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng cần xác định rõ hơn mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường và nên chăng thay đổi phương thức lãnh đạo từ điều hành sang tạo điều kiện…


Tuy nhiên, trong bối cảnh 'bất ổn' kinh tế vĩ mô, có nguyên nhân do khuyết điểm về điều hành của chính phủ, 'thông điệp' trên đã được hiểu theo cách khác gắn với hình ảnh của cá nhân.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người từng là Phó Thủ tướng của nhiệm kỳ chính phủ trước, khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 7/4/2016 đã cam kết xây dựng chính phủ kiến tạo liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp. Điều đó thu hút sự chú ý với nỗi băn khoăn liệu sẽ là mô thức hoạt động thích hợp của Chính phủ.


Người ta quan sát những động thái đầu tiên của Chính phủ: Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước" đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29 tháng 4 năm 2016 với khoảng 500 doanh nhân tham gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 ban hành ngày 16/5/2016; Các bộ sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư thực hiện; Tổ công tác của Chính phủ 'làm việc' với các bộ, ngành; Thủ tướng làm việc, cùng xúc tiến đầu tư với các tỉnh thành và chỉ đạo làm rõ các vụ việc vụ thể…


Những sự kiện gần đây: Thủ tướng chủ trì phiên thảo luận của Ban chấp hành trung ương Đảng CS VN về 'phát triển kinh tế tư nhân' tại Hội nghị TƯ 5 khóa 12 (ngày 5/5-10/5/2017); Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp" tại Hà Nội ngày 17/5/2017; Ban hành Chỉ thị 20 về chấn chỉnh thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp, không quá 1 lần/năm; Những phát biểu và phong cách cá nhân Thủ tướng… đã cho thấy 'hình hài' chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết.


Đó là: trong hệ thống chính trị hiện có, với quan điểm nhìn nhận xã hội và công cụ chính sách trên phương diện một tổ chức như một hệ thống thứ bậc, tiến hành các hoạt động với niềm lạc quan về cách giải quyết vấn đề từ trên xuống, dựa trên giả thuyết là hành động của trung ương không gây ra những hiệu ứng trái ngược.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp diễn ra ngày 17/5

Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ kiến tạo này là cải cách thể chế gắn liền với tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế thúc đẩy cải cách thể chế, và cải cách thể chế làm sao tạo điều kiện cho tăng trưởng bền vững và nhanh hơn. Đây là câu hỏi xuyên suốt thời kỳ chuyển đổi kinh tế sang thị trường, nhưng chính phủ phải lựa chọn khâu 'đột phá' và lộ trình thích hợp.


'Cam kết của chế độ'


Đối với Việt Nam, tốc độ tăng GDP luôn mang tính 'pháp lệnh' với chính phủ và chính quyền địa phương trong các nhiệm kỳ, được xác định là quan trọng nhất trong hệ thống các chỉ tiêu.


Trước khủng hoảng kinh tế, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng cao (7-9%/năm), sau đó giảm sút và không ổn định. Tăng trưởng nóng, theo chiều rộng cộng hưởng với sai lầm điều hành, chậm cải cách thể chế gây nên 'bất ổn' kinh tế - xã hội.


Cải cách thể chế để hướng tới sự phát triển bền vững lâu dài. Liệu đây có thể là cơ sở của niềm tin và sự lạc quan của Thủ tướng cùng với những 'bước đi ban đầu' của Chính phủ kiến tạo?


Năm 2016 tăng GDP là 6,21%, quý 1 năm 2017 là 5,1% với những khó khăn do hậu quả từ nhiệm kỳ trước để lại, đang tạo ra những áp lực không nhỏ đối với Chính phủ. Tuy nhiên Thủ tướng vẫn kiên định mục tiêu 6,7% trong Báo cáo trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội, sau khi tham vấn với các bộ ngành về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2017 ngày 22/5/2017.


Đây là một thử thách, nhưng cải cách thể chế để hướng tới sự phát triển bền vững lâu dài. Liệu đây có thể là cơ sở của niềm tin và sự lạc quan của Thủ tướng cùng với những 'bước đi ban đầu' của Chính phủ kiến tạo?


Một trong các nguyên tắc kinh tế thị trường: Tự do kinh doanh đã được khởi động phù hợp và khá đồng bộ.



Ông Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu tại Quốc hội Việt Nam khóa 13 vào chức vụ tân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

Loại hình và chất lượng của các thể chế tạo nên sự khác biệt to lớn về mức độ mà các thành viên của cộng đồng có thể thỏa mãn khát vọng kinh tế chủ yếu thông qua các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Các doanh nhân, với những ưu tiên và các giá trị mà chính phủ 'kiến tạo' đề xuất và cam kết, là những người luôn tìm kiếm các cơ hội và sẵn sàng khai thác chúng bằng cách đầu tư kiếm lời. Đây là động lực làm thay đổi cơ cấu kinh tế, và sự thay đổi này được coi là một yếu tố quan trọng cùng với vốn, lao động, công nghệ, kỹ năng và tài nguyên cấu thành tăng trưởng GDP.


'Vì sao lãnh đạo VN chọn ông Phúc?'


Khu vực tư nhân thỏa mãn nguyên tắc nêu trên của thị trường. Chính phủ đang kiến tạo nguyên tắc này với nỗ lực cao dưới nhiều hình thức, làm thay đổi từ nhận thức đến hành động.


Chính phủ kiến tạo chỉ có thể thành công nếu song hành cải cách thể chế kinh tế với cải cách thể chế chính trị
PGS. TS. Phạm Quý Thọ


Chính phủ kiến tạo được công nhận nếu 'các bước đi tiếp theo' là duy trì động lực cho Tự do kinh doanh và cải cách thể chế kinh tế trên cơ sở các hành động mạnh mẽ theo các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường như sở hữu tư nhân, cạnh tranh bình đẳng, sự tự quyết của người tiêu dùng.


Sự chuyển đổi từ công hữu sang tư hữu sẽ là nền tảng, nhưng đồng thời là rào cản lớn nhất và lâu dài. Trước hết, cần sửa đổi luật tạo cơ chế đảm bảo quyền tài sản cá nhân, kể cả tư liệu sản xuất và đất đai, sửa và cụ thể luật cạnh tranh để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp, dễ hiểu và khả thi, xây dựng các hình thức hợp đồng kinh tế, dân sự tự nguyện trên cơ sở tôn trọng quyền công dân và ràng buộc trách nhiệm với lợi ich, trừng phạt lừa đảo…


Đối với các công dân, với xã hội các quyền tự do dân sự, kinh tế và chính trị, như lập hội, quyền tiếp cận thông tin, biểu tình, biểu đạt hòa bình… song hành với trách nhiệm cá nhân cần phải được luật hóa theo hướng văn minh.


Kinh tế thị trường đòi hỏi điều đó, nhưng chủ nghĩa cơ hội của người đại diện, chủ nghĩa cơ hội chính trị sẽ là những lực cản lớn, đang hữu hình trong hệ thống chính trị hiện nay.
Chính phủ kiến tạo chỉ có thể thành công nếu song hành cải cách thể chế kinh tế với cải cách thể chế chính trị.


PGS. TS. Phạm Quý Thọ


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một chuyên gia về chính sách công, gửi cho BBC từ Học viện Chính sách & Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam.


(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét