Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017
Tổng quát đất nước: thất bại từ hạn chế trình độ nhận thức
VNTB - Tổng quát đất nước: thất bại từ hạn chế trình độ nhận thức
Reply
Anh Văn, Bộ Công Thương, công nghiệp hoá, công nghiệp nặng, news, nội địa hoá,opposite, rút kinh nghiệm, VNTB
30.5.17
Anh Văn (VNTB) Sau khi năm Công nghiệp hóa – hiện đại hóa được Đảng dời từ 2020 sang 2030, thì mới đây nhất – Bộ Công thương thừa nhận mục tiêu ngành công nghiệp ô tô thất bại trong đó có giá bán và tỷ lệ nội địa hóa.
Nội địa hoá oto thất bại nằm trong chuỗi thất bại của nhiều ngành công nghiệp - dịch vụ được cho là mũi nhọn.
Con số biết nói
Với những con số biết nói như mục tiêu nội địa hóa đặt ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 nhưng đến nay chỉ đạt bình quân mức 7-10%. Trong khi người bạn Thái Lan đã đạt mức 80%, và trung bình khu vực cũng đã ở ngưỡng 70%. Vì tỷ lệ nội địa hóa thấp, nên dẫn đến 80% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện oto phải nhập khẩu.
Công nghiệp oto thất bại là thừa nhận cay đắng nhất về nội lực và khả năng phát huy tiềm lực phát triển kinh tế quốc gia của Đảng và nhà nước ta. Các con số, những mục tiêu đầy hoa mỹ đề ra trong Nghị quyết và các văn bản thuộc các kỳ ĐH Đảng trước đó trở thành những mục tiêu, con số trơ trẽn. Bởi nó hoặc đề ra quá cao so với năng lực làm kinh tế của đội ngũ Đảng viên, hoặc nó đã bị cán bộ - đảng viên phá nát bằng những phương hướng chung chung và tâm thế vô trách nhiệm đối với đất nước.
Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Vinaxuki ở Hóa cũng hoang hóa vì ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay. Ảnh: Nguyễn Dương
Tin nội địa hóa ngành oto thất bại ra đời ngay sau khi nợ công được công bố ở con số 2,5 triệu tỷ. Và trong thời gian sắp tới, ít nhất là trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngân sách chi cho đầu tư và phát triển sẽ tiếp tục co thắt lại để dành cho “trả nợ”, điều đó đồng nghĩa với việc, nội địa hóa tiếp tục sẽ là một giấc mơ… sâu, xa vời của người Việt và những nhà làm chính sách. Người Việt sẽ phải tiếp tục chơi sang bằng cách chi tiền để nhập khẩu ôtô nguyên chiếc với giá thành cao hàng top khu vực.
Những thất bại liên hồi
Công nghiệp oto thất bại, trước đó, công nghiệp đóng tàu cũng thất bại gắn với con tàu chìm Vinashine cũng như khả năng cho phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất; công nghiệp hóa dầu cũng thất bại với Dự án lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất đang phát triển theo phương trình “lỗ theo kế hoạch”;công nghiệp boxite thất bại gắn với sự uy hiếp môi trường và lỗ, như: Dự án bô xít - nhôm Lâm Đồng được báo cáo lỗ 3.700 tỷ đồng gần đây; ngành thủy hải sản cũng thất bại khi mà những yếu tố xoay quanh Formosa vẫn bao phủ xuất khẩu sang các nước, đồng thời “biển từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá” như cách Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Minh thừa nhận; giáo dục Việt Nam – quốc sách hàng đầu vẫn thất bại khi mà mỗi đời Tân Bộ trưởng là một lần cải cách tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách, mới đây nhất - Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tiếp tục khiến học sinh - giáo viên tiếp tục quay cuồng trong vòng xoay tập huấn - dạy và đổi mới học.
Trước đó, kết quả dự án mô trường trường học mới (VNEN) và Thông tư 30 về đánh giá kết quả học tập học sinh THPT đã để lại một bài học đáng quý về sự duy ý chí, chủ quan và nóng vội của Bộ Giáo dục… Ngành nông nghiệp vốn thế mạnh về truyền thống và điều kiện nay bị chết lâm sàng qua các đợt “giải cứu nông sản” cũng như qua nỗi “đau” của ông Bí thư tỉnh ủy Bến Tre – xứ dừa phải đi… nhập khẩu dừa.
Và sẽ thật thiếu sót nếu không nêu ra thất bại mang tính dấu ấn của Việt Nam trong 2-3 năm gần đây là môi trường – bị hủy hoại nghiêm trọng làm ảnh hưởng không chỉ sinh kế người dân mà cả trong hệ thống phát triển du lịch quốc gia, làm xáo trộn xã hội và uy hiếp trực tiếp đến sự ổn định về mặt chính trị.
Những “tổng quát” nêu trên đã chứng minh cho cái câu nói của người đứng đầu Đảng rằng: đất nước có bao giờ được thế này không?
Thẳng thắn nhìn thẳng sự thật
Một điểm đáng cần trong thể chế chính trị Việt Nam hiện tại là nhìn thẳng vào thất bại và thừa nhận nó. Cách Bộ Công thương làm là hợp lý, nhưng đáng lý ra nó nên được công bố sắp hơn, và quan trọng là đằng sau đó phải có những hoạch định hợp lý để tác động tích cực vào ngành công nghiệp oto.
Cần nhấn mạnh rằng, Việt Nam dưới chế độ XHCN từng phạm nhiều sai lầm, nhưng các sai lầm được “kiểm nghiệm” và thừa nhận thất bại khá lâu.
Trong lịch sử, mục tiêu phát triển Công nghiệp nặng tại Việt Nam cũng theo một mô-tuýp tương tự như sự thất bại của các ngành hiện nay. Trong ĐH III (1960) của ĐCSVN, đã đặt nhiệm vụ trung tâm của “cảthời kỳ quá độ ở miền Bắc nước ta là công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, mà mấu chốt là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng” nhằm biến “nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện đại”.Kết quả 16 năm sau, hiệu quả mang lại là lãng phí nguyên vật liệu, sản phẩm kém chất lượng, năng suất không cao – đẩy cả nền kinh tế - xã hội vào khó khăn.
Vấn đề là ĐH IV (1976) của Đảng lại tiếp tục đề ra đường lối phát triển đất nước trên sự kiên định “phải thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa”, dựa trên nguyên tắc “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”, nhưng về thực chất vẫn nặng về xây dựng và phát triển công nghiệp nặng.Kết quả là sau ĐH IV, lương thực – thực phẩm và hàng tiêu dùng rơi vào thiếu thốn – khủng hoảng như cách Venezuela đối diện hiện nay, khiến cho xã hội – kinh tế rơi vùng khủng hoảng nặng.
Và mãi đến ĐH V (1982), tức sau 22 năm thì Đảng mới nhận thức được tình hình, và chuyển hướng tập trung sang “phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Nó khác gì với cách mà Đảng ngày nay đang chủ trương đưa khu vực kinh tế tư nhân, về nông nghiệp chất lượng cao vào đúng vị trí của nó, sau hàng chục năm mò mẫm với khai niệm “công nghiệp hóa”?
Duy ý chí, chủ quan, nóng vội và bất chấp quy luật khách quan xuất phát từ hạn chế trình độ nhận thức vấn đang – đã và sẽ là rào cản lớn cho sự phát triển của Việt Nam trong hiện tại lẫn tương lai về sau. Thừa nhận mục tiêu ngành công nghiệp ô tô thất bại chỉ là một ít trong số “tổng quát” thất bại đó.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét