Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017
Chính quyền huyện cho xe phát loa 'bêu xấu' doanh nghiệp
Chính quyền huyện cho xe phát loa 'bêu xấu' doanh nghiệp
Đăng bởi Elvis Ất on Wednesday, May 31, 2017 | 31.5.17
Chính quyền huyện phát loa kêu gọi người dân không thuê ki ốt vì cơ quan chức năng nhận được đơn tố cáo chủ đầu tư.
Dự án chợ Hiệp Hòa hiện đã xây lên tầng 2. ẢNH: THÁI SƠN
Từ 18.5, UBND H.Hiệp Hòa (Bắc Giang) liên tục cho ô tô chạy quanh TT.Thắng và khu vực dự án xây dựng chợ trung tâm H.Hiệp Hòa, phát loa kêu gọi người dân không thuê ki ốt vì cơ quan chức năng nhận được đơn tố cáo chủ đầu tư.
Chủ đầu tư bức xúc
Theo trình bày và hồ sơ do ông Hà Văn Hải, đại diện Công ty TNHH bất động sản đầu tư thương mại Hiệp Hòa (gọi tắt Công ty Hiệp Hòa) cung cấp cho Báo Thanh Niên, vợ chồng ông quê ở Bắc Giang, đang sống và làm việc tại TP.HCM. Tháng 5.2015, vợ chồng ông tham dự buổi kêu gọi xúc tiến đầu tư của tỉnh Bắc Giang tại TP.HCM và hưởng ứng đầu tư dự án xây dựng chợ trung tâm H.Hiệp Hòa (gọi tắt là chợ Hiệp Hòa). Đến tháng 3.2016, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định 131 chấp thuận Công ty Hiệp Hòa làm chủ đầu tư dự án chợ Hiệp Hòa. Dự án có tổng diện tích xây dựng khoảng 5.600 m2, thuộc khu 2, TT.Thắng, H.Hiệp Hòa, tổng mức đầu tư hơn 65,8 tỉ đồng. Tháng 8.2016, UBND tỉnh Bắc Giang ký hợp đồng cho Công ty Hiệp Hòa thuê đất dự án để xây chợ, thời gian thuê 50 năm.
Trong thời gian rất ngắn, Công ty Hiệp Hòa lần lượt được cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang cấp phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường... Tuy nhiên, từ cuối năm 2016, sau khi nhận bàn giao mặt bằng dự án, chủ đầu tư phản ánh liên tục gặp trở ngại. Theo đó, từ tháng 10.2016 đến tháng 5.2017, UBND H.Hiệp Hòa đã ban hành 12 văn bản, nội dung yêu cầu chủ đầu tư phải ký hợp đồng đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý chợ với UBND H.Hiệp Hòa; không được ký hợp đồng đặt cọc, đấu giá cho thuê ki ốt với người dân; chủ đầu tư thực hiện cam kết ủng hộ 10 tỉ đồng cho địa phương...
Ngày 17.5, đoàn công tác của UBND H.Hiệp Hòa do Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Chính cùng công an, quản lý đô thị đến công trình yêu cầu mở cửa để vào kiểm tra, cho xe phát loa tuyên truyền về các sai phạm của chủ đầu tư... Ngày 23.5, Chủ tịch UBND H.Hiệp Hòa Phạm Văn Thịnh ký 2 văn bản thành lập tổ tuyên truyền về một số nội dung vi phạm của Công ty Hiệp Hòa; văn bản yêu cầu người dân không đăng ký, đặt cọc, góp vốn mua, thuê ki ốt tại chợ Hiệp Hòa...
“Tuyên truyền cho dân biết doanh nghiệp vi phạm” (?)
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Văn Thịnh xác nhận đã ký các văn bản liên quan, đồng thời cho rằng những việc UBND huyện đang làm là nhằm bảo vệ quyền lợi người dân. Theo ông Thịnh, dự án chợ Hiệp Hòa chưa hoàn thành nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng đặt cọc với hơn 60 người là hình thức huy động vốn trái phép bởi chưa được cơ quan chức năng phê duyệt. Ông Thịnh cho biết thêm nhà thầu đang kiện chủ đầu tư vì chưa thanh toán tiền thi công, một số người dân tố cáo chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo khi huy động vốn trái phép.
“Nhà nước quản lý trên địa bàn khi phát hiện hành vi không đúng thì chúng tôi phải tuyên truyền thông báo rõ hành vi đấy, để người dân không nộp tiền cho chủ đầu tư nữa”, ông Thịnh nói.
Đề cập việc chủ đầu tư ủng hộ 10 tỉ đồng cho ngân sách huyện, ông Thịnh cho biết đây là cam kết của doanh nghiệp, đến nay vẫn chưa thực hiện. Lý giải việc chính quyền huy động công an kiểm tra công trình, ông Thịnh cho biết do doanh nghiệp có biểu hiện bất hợp tác nên “công an phải đứng ra bảo vệ cơ quan hành chính làm việc”. Ông cũng xác nhận đã gọi điện cho một số nhà thầu yêu cầu không cung cấp bê tông cho dự án với lý do: “Chủ công ty bê tông là bạn tôi, họ có hỏi tình hình hoạt động thì tôi cũng trình bày những sai phạm và khuyên anh em lưu ý”.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 29.5, ông Hà Văn Hải cho biết Công ty Hiệp Hòa không huy động vốn mà chỉ ký hợp đồng đặt cọc cho thuê ki ốt với người dân. Mặt khác, Nghị định về phát triển và quản lý chợ (Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BCT ngày 23.1.2014 của Bộ Công thương) không có quy định nào về việc doanh nghiệp xây chợ phải lập phương án huy động vốn trình UBND huyện phê duyệt. Cũng theo ông Hải, việc UBND H.Hiệp Hòa yêu cầu lập phương án huy động vốn là căn cứ theo Quyết định 192/2012 của UBND tỉnh Bắc Giang, trong khi Nghị định về phát triển và quản lý chợ yêu cầu các văn bản về phát triển, quản lý chợ của các ngành, UBND các cấp trước khi có nghị định này phải bãi bỏ. “Giả sử chúng tôi có vi phạm gì thì cơ quan chức năng ra quyết định xử lý chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính rồi vác loa đi bêu xấu doanh nghiệp giữa chợ như vậy”, ông Hải bức xúc.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cho biết các cơ quan chức năng đang sửa đổi Quyết định 192/2012 của UBND tỉnh. Theo Nghị định về phát triển và quản lý chợ thì nhà đầu tư có quyền huy động vốn trên cơ sở thỏa thuận với người dân nhưng phải theo quy định pháp luật và hướng dẫn của UBND tỉnh; trong trường hợp này UBND tỉnh đã ủy quyền để UBND huyện thực hiện.
Ông Tấn cũng từ chối bình luận về một số biện pháp UBND H.Hiệp Hòa áp dụng với doanh nghiệp.
Hành xử không đẹp
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), việc chính quyền thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh như đề nghị công an vào cuộc hay bêu xấu doanh nghiệp là những cách hành xử triệt hạ nhà đầu tư, đi ngược với chủ trương Chính phủ đang phát động về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vi phạm pháp luật.
Thái Sơn
(Thanh Niên)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét