Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017
Nỗi day dứt của Bộ trưởng Nhạ hay là một quy trình chuột bạch mới?
VNTB - Nỗi day dứt của Bộ trưởng Nhạ hay là một quy trình chuột bạch mới?
Reply
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cải cách, chuột bạch, forums, Kỳ Lâm, news, Phùng Xuân Nhạ,VNTB
28.5.17
Kỳ Lâm (VNTB) Với nỗi “day dứt” về thu nhập giáo viên, và cho đây là món nợ cần phải trả trong nhiệm kỳ của mình, cùng với tự chủ giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bảo vệ cho cái gọi là đề xuất chuyển giáo viên từ biên chế sang hợp đồng trong ngành giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Vẫn đánh vào tâm lý “nâng cao chất lượng và giữ được giáo viên giỏi thông qua đãi ngộ lớn”. Ông Phùng Xuân Nhạ có thực sự chủ quan?
Biên chế và quyền lực hiệu trưởng
Điều đầu tiên, chính xác phải nhìn nhận nghề nhà giáo là nghề độc hại, không chỉ là về mặt thời lượng dành cho công tác giáo dục, mà cả về mặt tâm lý trong việc “quản trò”, cũng như áp lực đối với các cuộc tập huấn của phòng, sở, Bộ đưa ra. Do đó, định hình sự toàn tâm về mặt giáo dục không chỉ là ở mức lương, mà đảm bảo sự an toàn về mặt công việc, sẽ không có giáo viên nào thực sự toàn tâm với nghề độc hại khi mà họ dễ dàng bị đẩy ra ngoài vì mác “hợp đồng”. Lý do sự đẩy này không nằm ngoài vấn đề “quyền lực” trong tay Hiệu trưởng (dưới mác tự chủ phổ thông) trở nên quá lớn. Cần nhớ rằng, các trường hợp tiêu cực tại hệ thống trường phổ thông – trung học Việt Nam ở hiện nay là xuất phát điểm từ chính sự buông lỏng – tiếp tay của nhóm lãnh đạo trường. Sẽ không quá khi nhìn nhận hiện tượng người dạy giỏi không bằng người chạy giỏi, thậm chí người chạy giỏi sẽ không bằng người nhà – người thân (thiếu chuyên môn) của Hiệu trưởng đưa vào.
Do đó, quan điểm “Các trường mới là nơi có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu ra sao nhưng lại bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên” mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt ra là hoàn toàn thiếu cơ sở, bởi bản chất thực tiễn cho thấy, chính các trường (mà đứng đầu là Hiệu trưởng) mới là nơi quyết cuối cùng số lượng giáo viên vào trường, đặc biệt là đối tượng nào được vào trường trên cơ sở đề xuất và chia suất của Phòng/ Sở Giáo dục.
Cần nhấn mạnh rằng, hiện tượng “chia suất” nêu trên xảy ra công khai thời kỳ “biên chế” – là gốc của “vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ”, nếu chuyển ngạch sang “hợp đồng” thì nạn chạy này sẽ tiếp tục, thậm chí rầm rộ hơn.
Khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt ra chấm dứt biên chế giáo dục, thì ai/ bộ phận nào có thể giám sát được quyền lực của Hiệu trưởng? Khi mà vai trò của Hiệu trưởng ngay trong thời biên chế đã là ông vua con/ bà hoàng con tạo nên một không gian dân chủ… im lặng? Bởi ngay cả danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” dành cho giáo viên cũng đã là một thể hiện quyền lực của Hiệu trưởng (cho hoặc không cho).
Thứ hai, biên chế thực chất cũng chỉ là một hợp đồng lao động dài hạn. Ai không đủ năng lực, đạo đức thì ở công việc hay vị trí nào cũng đều có thể loại bỏ, kỉ luật, lương thưởng trừ hay cho thôi việc. Nhưng từ bao năm qua, đã có ai hay bộ phận – thậm chí cơ chế nào tạo điều kiện cho việc “sa thải” này?
Do đó, đổi mới giáo dục có nhiều cách, chứ không phải quyết tâm khoét sâu vào cái cách mà bản thân nó đã là một lỗ hổng tiêu cực to tướng trước đó.
Điều cần làm: cơ chế chứ không phải biên chế
Để đảm bảo người giỏi, hay thậm chí là nâng cao chế độ đãi ngộ của giáo viên, thì cách tốt nhất là tạo ra một cơ chế gốc để đáp ứng 2 điều kiện: nâng cao chất lượng giáo viên – đáp ứng yêu cầu xã hội; và tăng đãi ngộ.
Để làm được điều này, cần thiết nhất là phải tăng cường, nâng cao chất lượng đầu vào của ngành Sư phạm, chấm dứt tình trạng 3 môn 10 điểm mà có thể đứng lớp; chấm dứt vai trò tuyển sinh ồ ạt tại các tỉnh thành nhằm tạo điều kiện cho giảng viên “dạy” lấy tiết/ kiếm them thu nhập; đưa điểm chuẩn vào ngành sư phạm ngang bằng Y – dược, và tiến hành một chương trình dạy kỷ luật trong suất 4 năm đó. Đồng thời, cũng nâng cao hệ thống chất lượng chương trình (sách giáo khoa) trong ngành sư phạm, tin học hóa tư liệu dạy để tránh sự lạc hậu,...
Chỉ khi làm được điều đầu tiên nêu trên, thì số lượng người giỏi thật sự và tâm huyết thật sự mới xuất hiện và phân bố đều. Đồng thời, cắt giảm hoàn toàn hiện tượng sư phạm được đào tạo ra mà không có việc làm như hiện nay; hay lượng cử nhân sư phạm ra trường nhiều hơn nhu cầu xã hội dẫn đến tiêu cực “chạy việc, chạy suất biên chế”.
Nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không muốn đi theo cách đó, sau khi người tiền nhiệm lấy học sinh ra làm chuột bạch cho cải cách giáo dục và tạo dấu ấn nhiệm kỳ thì tới đời Bộ trưởng, ông đem giáo viên ra khảo nghiệm. Ông tấn công vào những người giáo viên, những người thường xuyên chịu đựng sự quá tải từ Bộ Giáo dục giao xuống với hàng tá chuyên đề, học tập, tập huấn, thao giảng, dự giờ, thi giáo viên giỏi, thi đoàn đội giỏi,… Ông tấn công vào chế độ của một ngành độc hại dựa vào thâm niên và lương hưu, với đồng lương còn thấp. Ông tấn công vào cái cao quý của người thầy là dạy chữ, và biến nó trở thành một ngành đặc thù mang tính “kinh doanh” – viết chữ thuê.
Chính ông, nếu thực hiện đề xuất này, sẽ tạo ra không chỉ “Hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lâm cảnh khốn cùng”, mà là hàng ngàn giáo viên khác lâm vào sự khốn cùng và bế tắc mà không ai đứng ra bảo vệ lợi quyền cho họ (ngay cả tổ chức Công đoàn Giáo dục cũng là thứ tổ chức hữu danh vô thực). Do đó nếu không thay đổi cơ chế trong đào tạo – tuyển dụng giáo viên thì không nên thực hiện để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét