Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017
Những tiếng nói ngược chiều với cụ Tổng
Những tiếng nói ngược chiều với cụ Tổng
Đăng bởi Ha Tran on Saturday, May 6, 2017 | 6.5.17
Hội nghị TƯ 5 bắt đầu khai cuộc. Vẫn chiếc loa rè của cụ Tổng Trọng yêu cầu chấn chỉnh doanh nghiệp nhà nước để tiếp tục đẩy mạnh nền kinh tế thị trường có cái đuôi “định hướng XHCN”, bất chấp khối doanh nghiệp ăn hại khổng lồ này trong bao nhiêu năm đã tha hồ tự tung tự tác, xả láng vay mượn, xả láng đầu tư, đi kèm với hàng trăm nghìn phi vụ của đám quan chức sân sau… làm cho kinh tế cả nước rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, triền miên, dai dẳng và mỗi năm một chìm sâu xuống đáy lũ, với những con số nợ nước ngoài tăng chóng mặt, ai nghe cũng kinh hồn.
Trong khi chấn chỉnh doanh nghiệp nhà nước là chuyện ảo tưởng không bao giờ hoặc chưa biết bao giờ mới thực hiện được, thì một mục tiêu cụ thể của Hội nghị TƯ 5 – tuy không nói trắng ra trong lời khai mạc – là xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên BCT, nguyên Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PVN trong thời gian 2009-2015 – mà theo nhận định của UB kiểm tra TƯ đảng CS, là người chịu trách nhiệm toàn diện việc thất thoát khổng lồ tiền bạc của Tập đoàn này.
Rất nhiều phản ứng khác nhau đã rộ lên kể từ khi bản đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng được công bố ngày 27/04/2017. Mới đây nhất là nguồn tin rò rỉ về việc Thành ủy TP HCM có gửi lên Ban bí thư TƯ đảng một công văn “không chấp nhận bản tự kiểm điểm và xin nhận hình thức kỷ luật khiển trách” của ông ĐLT, đi kèm với kiến nghị “không áp dụng hình thức kỷ luật với đồng chí Đinh La Thăng”. Nhưng oái oăm hơn là công văn gửi Ban Bí thư TƯ đảng của Thành ủy HCM lại đồng thời được gửi đến tận tay tất cả các Ủy viên TƯ đảng trong cả nước ngay trước Hội nghị TƯ 5, khiến cho Ban Bí thư TƯ phải lật đật gửi ngay một công văn khác, yêu cầu các Ủy viên TƯ “không bóc bản công văn của Thành ủy HCM” và chuyển ngược lên Ban bí thư, theo nguyên tắc mới là “nơi nhận”. Đúng là ly kỳ. Chứng tỏ, đằng sau một cái án kỷ luật, còn rất nhiều góc khuất. Cũng chứng tỏ, trong thời buổi hỗn mang hôm nay, ý muốn của một người hay vài người, dù quyền lực tối cao, cũng chưa chắc đã thuyết phục được người khác trong cùng phe đảng.
Bauxite Việt Nam không đứng về phía ông Trọng, cũng không tán thành bao che cho tội lỗi của ông Đinh La Thăng. Tuy nhiên theo chúng tôi, bất kỳ tổ chức nào cũng vậy, muốn xử lý kỷ luật một người trong tổ chức, để được tiếng công minh chứ không nhằm thỏa mãn ân oán cá nhân, thì đều phải xem xét công tội của người đó một cách khách quan trên suốt cả một quá trình, sao cho thấu tình đạt lý.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn các dư luận trái chiều xung quanh sự việc nóng bỏng về ông Đinh La Thăng hiện đang được các vị Ủy viên TƯ ĐCS trong hội nghị TƯ 5 bàn thảo, ngoài bài viết quan trọng của Kỹ sư Bùi Quang Vơm đăng trên BVN hôm nay, chúng tôi cũng xin đăng lại dưới đây hai ý kiến khác, của các cây bút quen thuộc trong XHDS, có nắm được ít nhiều về một vài mảng công việc ông Đinh La Thăng đã từng phụ trách, cũng như về tác phong làm việc của ông Đinh La Thăng.
***
Trên góc nhìn khác, hiện tượng bất tuân TƯ của Đảng bộ Sài Gòn chứa đựng bản chất bất tín nhiệm Bộ chính trị của đảng bộ cơ sở, nếu không phải chỉ ở Đảng bộ Sài Gòn, thì khủng hoảng chia rẽ đã tới mức tan rã của toàn hệ thống. Tất cả các đảng bộ địa phương đều bất tín nhiệm Ban bí thư? Các quết định của Ban bí thư sẽ không tự động có hiệu lực?
Đảng bộ Sài Gòn, đầu tàu kinh tế cả nước, nơi cọ xát từng ngày với năng lực cạnh tranh quốc tế, nơi mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển và nhu cầu thích ứng của thể chế chính trị luôn bộc lộ lớn nhất và gay gắt nhất. Chính ở đây, đòi hỏi bứt phá, giải phóng khỏi những tư duy giáo điều, lạc hậu, cản trở tiến bộ, là động lực đẩy Đảng bộ Sài Gòn tách xa dần lối mòn tư duy của TƯ, đặc biệt là của Tổng bí thư. Sức ép của mâu thuẫn giữa tăng trưởng với tư duy giáo điều sẽ buộc Đảng bộ Sài Gòn thành nhân tố cách mạng.
Con sóng ngầm từ Sài Gòn đang mở màn sự tan rã không có gì cản được. Hãy nhìn xem toàn cảnh Việt Nam. Nông dân và những cuộc bùng nổ ruộng đất sẽ tiếp tục với trung tâm từ đồng bằng Bắc Bộ. Formosa sẽ là rốn của vùng lũ miền Trung. Công nhân sẽ tiếp tục đốt cháy nhà máy công xưởng Tàu từ khu vực miền Nam. Phong trào tự chủ và tự do tín ngưỡng của đồng bào Công giáo, Phật tử, dân tộc thiểu số Tây nguyên… sẽ tiếp tục lan rộng trên cả nước. Tổng biểu tình tuy không rầm rộ nhưng không tắt, âm thầm chờ lửa, sẽ bùng lên bất cứ lúc nào. Ban bí thư và Bộ chính trị bị cô lập, mất tín nhiệm, mất khả năng kiểm soát.
Nếu sự tan rã của đảng cộng sản đang là hiện tượng có thật, thì một biểu hiện gắn liền với nó có tính quy luật là hiện tượng tập quyền của bộ máy lãnh đạo. Sự hoang mang, hoảng sợ sẽ càng đẩy đảng tới độc tài.
Chúng ta vừa nhắc đến một hiện tượng tập quyền thông qua tiểu xảo, như động tác giành quyền kỷ luật đảng viên của Ban Bí thư bằng cách sửa nghị quyết 46-QĐ/TW năm 2011 thành 30-QĐ/TW năm 2016 một cách mập mờ. Đó là phương pháp «biển thủ» quyền lực một cách vụng trộm. Cũng là một sự «sa đoạ, suy thoái đạo đức».
Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc vận động nhất thể hoá sắp tới, tại hội nghị TƯ 6 vào cuối năm. Đảng sẽ tràn sang nắm Chính phủ. Khi không thể kiểm soát được bằng các biện pháp thông thường, ít nhiều được che đậy bằng dân chủ hình thức
Bauxite Việt Nam
________________
Bây giờ là những ngày ngày cuối tháng 4 lịch sử. Lịch sử hôm qua đầy thương đau, và hôm nay cũng không khác mấy…
Đến giờ này, ai cũng biết Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng, đang đứng trước nguy cơ có thể phải nhận một án kỉ luật liên quan đến trách nhiệm của ông khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, hôm thứ 5 đã kết luận, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu trong việc góp vốn vào Ocean Bank, việc đầu tư xây dựng các nhà máy xơ sợi, xăng sinh học; chịu trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ làm lãnh đạo PVN, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp…
Trước đó, suốt từ cuối 2016 đến nay, trên facebook, có những cá nhân cho rằng, ông Đinh La Thăng là nguyên nhân gây ra những khoản thất thoát, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng, phải chịu trách nhiệm về những dự án đầu tư không hiệu quả, trong đó có dự án đầu tư nhiên liệu sinh học, dự án hợp tác khai thác dầu ở Venezuela.
Việc xử lý ông Đinh La Thăng, đến hôm nay đang ở bước đề xuất xem xét kỉ luật của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Hình thức kỉ luật ra sao sẽ phải chờ Hội nghị Trung ương 5 quyết định bằng bỏ phiếu. Trong trường hợp sau khi có quyết định kỉ luật, ông Đinh La Thăng sẽ rời vị trí Bí thư thành uỷ TP.HCM hay không thì phải chờ Bộ Chính trị họp rồi quyết định. Đến giờ, nhiều thông tin cho rằng, ông Thăng sẽ phải rời vị trí ấy.
Những cơ sở để dẫn đến đề nghị kỉ luật, hầu hết báo chí đã đưa tin đầy đủ. Cũng đã có facebooker thay mặt toà tuyên án Đinh La Thăng. Tôi không lấy mất thời gian của các anh chị đang đọc bài viết này bằng việc nhắc lại những thông tin mà mọi người đều đã biết. Tuy nhiên, tôi sẽ cung cấp thêm một số thông tin mà báo chí và các facebooker khi kết án ông Đinh La Thăng, vì lý do nào đó mà không thông tin chi tiết.
Đầu tiên là về dự án hợp tác khai thác dầu khí ở mỏ Junin-2 tại Venezuela. Vốn đầu tư của dự án khoảng 1,8 tỉ USD, trong đó phía Việt Nam góp 40%. Khi mới chỉ giải ngân được một phần thì dự án phải dừng lại vào năm 2014 do những bất ổn về chính trị, tình hình lạm phát không thể kiểm soát và chênh lệch quá lớn giữa tỉ giá chính thức và tỉ giá chợ đen ở Venezuela.
Chính vì phải dừng dự án, chưa biết khi nào có thể thực hiện được nên có ý kiến cho rằng ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm về việc chôn tiền ở Venezuela. Thực tế, đây không phải là dự án mang dấu ấn của cá nhân Đinh La Thăng. Khai thác dầu khí ở mỏ Junin-2 chính xác phải gọi là dự án tiêu biểu cho cái gọi là “ngoại giao dầu khí” của Việt Nam với Venezuela.
Cụ thể như sau:
Việc hợp tác khai thác mỏ Junin-2 được ký kết vào ngày 20-11-2008 nhân chuyến thăm chính thức Venezuela của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Trong thời kỳ đàm phán để chuẩn bị đầu tư, cứ 2-3 tháng lại có một đoàn của Tổng bí thư (lúc ấy là ông Nông Đức Mạnh), chủ tịch nước, phó Thủ tướng… sang Venezuela và làm việc với đại diện PVN.
Việc đàm phán hợp đồng khai thác Junin-2 không phải chỉ cá nhân Đinh La Thăng hay PVN quyết định, mà [đó là] các đàm phán thuộc tầm Chính phủ. Ông Hoàng Trung Hải lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng đã 4 lần sang Venezuela đàm phán.
Dự án khai thác mỏ Junin-2 cũng đã được Quốc hội phê duyệt. Chủ tịch Quốc hội lúc ấy là ông Nguyễn Phú Trọng bây giờ. Nhiều đại biểu Quốc hội khi ấy giờ chắc cũng nắm những vị trí cao trong bộ máy chính quyền.
Ngày 29-6-2010, hợp đồng thành lập và quản lý công ty liên doanh khai thác và nâng cấp dầu tại mỏ Junin-2 được ký kết tại Venezuela cũng có sự chứng kiến của đại diện Chính phủ Việt Nam là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cùng đại [diện] các bộ ngành ngoại giao, công thương, kế hoạch và đầu tư….
Đó chỉ là một trong những ví dụ cho thấy, chỉ nói chung chung việc thất thoát của một dự án với cá nhân ông Đinh La Thăng là chưa đủ, nếu không xem xét đầy đủ các khía cạnh và vai trò của ông Thăng cũng như các cá nhân khác, đặc biệt là phải đặt trong bối cảnh ngoại giao dầu khí.
Quay trở lại đề xuất kỷ luật, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm vì là người đứng đầu. Đây là lần hiếm hoi khái niệm trách nhiệm người đứng đầu được sử dụng quyết liệt.
Với cơ chế được tiêu tiền không phải của mình, thì thật khó để tìm kiếm được một doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả, cũng thật là khó để tìm thấy một doanh nghiệp không làm sai, nếu không có những đặc quyền. Nhưng, dù chúng ta có nói PVN phá hoại, thì cũng phải nhìn nhận thực tế là suốt nhiều năm ròng rã, ngành dầu khí phải làm cả nhiệm vụ kinh tế, chính trị, ngoại giao. Họ phải gánh cho GDP của cả đất nước này. Ví dụ vào năm 2011, PVN đóng góp tới 26% GDP, và năm 2010 là 24%.
Tôi không bình luận gì về việc kỉ luật một quan chức trong hệ thống chính quyền. Trong thể chế chính trị này, khi bản kê khai tài sản của quan chức là tài liệu mật, thì tôi chẳng tin có một quan chức nào liêm khiết. Và thể chế kinh tế này, khi một cá nhân ngồi vào vị trí quản lý kinh tế thì có lẽ họ đã là một tội phạm dự bị khi cần!?
Khi xem tivi phát thông tin về đề nghị xử lý trách nhiệm Đinh La Thăng, bỗng dưng tôi chợt nhớ, ông này này đã từng lớn tiếng phản ứng và trảm nhà thầu Trung Quốc và phía Mỹ, Nhật đều có chỉ dấu chọn ông Thăng chứ không phải những cá nhân khác trong chính quyền Hà Nội.
Nhưng, xét về trách nhiệm người đứng đầu, thì PVN đã là gì, nếu so với tương lai của cả dân tộc này?
Bạch Hoàn
(Bauxite Việt Nam)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét