Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Mỹ: 'Cú đòn mạnh' giáng vào hai đảng


Mỹ: 'Cú đòn mạnh' giáng vào hai đảng
Reply
world
13.11.16



BBC

Image captionGiáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ là 'một cú đòn dáng mạnh' vào lãnh đạo cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Hoa Kỳ.
Việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống sau khi đánh bại đối thủ, bà Hillary Clinton, trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 08/11/2016 là một cú đòn giáng mạnh vào giới lãnh đạo của Mỹ, thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, theo một học giả từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ.
Nêu quan điểm riêng về sự kiện đang gây chú ý trên khắp toàn cầu này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia chính trị và bang giao quốc tế, đồng thời là nhà nghiên cứu khách mời tại viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nói với bàn tròn trực tuyến tuần này của BBC:

Liệu ông Đinh Thế Huynh có cần quay lại Mỹ?
Tân Tổng thống Trump và điều chỉnh chính sách của VN
Bầu cử Mỹ 2016: 5 lý do Donald Trump thắng cử

"Trước hết, nhận xét tiên khởi của tôi, tôi thấy đây là một 'cái tát' vào mặt giới lãnh đạo Hoa Kỳ, kể cả bên Dân chủ lẫn bên Cộng hòa. Nó là hiện tượng mà tôi gọi là từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình.
"Người dân bầu ra cho mình, thì mình phải đại diện họ. Họ kỳ vọng rằng mình là người tài giỏi hơn họ, hiểu biết, thì mình có thể hướng dẫn họ, nhưng mấy ông này không chịu hướng dẫn dân và chỉ (dùng) giải pháp giản dị là mị dân.
"Tôi thấy hiện tượng đó xảy ra ở cả Âu châu và nước Mỹ nữa, Brexit (rời khỏi Liên minh châu Âu) của nước Anh là một trường hợp, ông lãnh đạo (nước) Anh đâu có cần đi ra khỏi cộng đồng, không phải hỏi ý kiến ai, nhưng ông thấy các thăm dò dư luận bất lợi với ông, là ông đổ cho dân bắt buộc phải theo, nếu nhân dân chống lại, thì ông buồn, ông thua và cả nước Anh cũng thua.
"Trong trường hợp của nước Mỹ cũng vậy, những ông đảng Cộng hòa bảo thủ thì không thích ông Trump, nhưng lại không dám đả động, đụng tới khối người thầm lặng chống đối, những phần tử cực đoan của ông Trump.
"Thành ra không dám đoàn kết lại 'đánh' ông Trump từ đầu, hy vọng rằng ông sẽ ngã ngựa trước đường, bởi vì cử tri, chính tình trạng đó gây chuyển động cho ông Trump," học giả từ Đại học George Masson nói.
Đối phó với lời hứa


Image copyrightAFPImage captionĐã và đang xuất hiện các cuộc biểu tình, xuống đường phản đối việc ông Donald Trump đắc cử.
Tuy nhiên, vẫn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump của nước Mỹ tới đây sẽ phải đối diện thách thức với chính những điều mà ông đã hứa hẹn trong quá trình tranh cử, ông nói:
"Bây giờ ông Trump sẽ phải đối phó rất nhiều với những lời hứa của ông ấy, mà lời hứa rất là khó thực hiện.
"Thí dụ như xây bức tường và rồi bắt Mexico phải trả tiền. Thứ hai, giải quyết làm sao vừa giải quyết, vừa đuổi được 11 triệu người di dân không có giấy tờ hợp lệ, toàn những điều khó cả.
"Ngoài ra ông lại còn hứa sẽ tăng ngân sách quốc phòng, giảm thuế, thì trường hợp này đúng như trường hợp của ông (Ronald) Reagan và ông George Bush, đã đưa đưa nước Mỹ đến khủng hoảng kinh tế trầm trọng, vì thế bây giờ ông ấy rất là khó khăn, không phải là dễ.
"Nhìn về đối nội, đối ngoại, đối nội, tôi thấy ông sẽ có khả năng bổ nhiệm được một số (nhân sự) cao cấp (vào) Tối cao Pháp viện, do đó trong rất nhiều năm, có thể các thế hệ nước Mỹ về chính sách đối nội sẽ đi vào con đường bảo thủ.
"Về phương diện đối ngoại, chúng ta thấy ngay tờ Wall Street Journal nói rằng ông Trump chưa chuẩn bị, bởi vì trong cuộc tranh cử, thường thường người ta đưa ra rất nhiều tài liệu chính sách và chính sách rất rõ rệt, dài tràng giang, ông này, cố vấn của ông chỉ đưa ra những điểm luận bàn khoảng vài ba trang..."
Trong một chia sẻ thêm ngay sau khi tham gia Bàn tròn thứ Năm của BBC, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng bình luận thêm về khía cạnh chính sách đối ngoại của vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ, ông nói:
"Ông Trump tuyên bố trong ngày đầu tiên sẽ làm một số việc, trong đó có tuyên bố sẽ điều đình lại Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)."
Cũng học giả này trên truyền thông quốc tế bằng tiếng Việt nhận định: "Đây là một quyết định có hệ quả quan trọng đối với chính sách xoay trục của chính quyền Obama. Làm được việc ấy, ông Trump có cái thích thú là phá bỏ một di sản ngoại giao quan trọng của Obama, nhưng đồng thời ông Trump cũng phản bội lại quyền lợi chiến lược của Mỹ.
"TPP không chỉ là một hiệp ước kinh tế mà nó còn có một ý nghĩa chiến lược quan trọng. Nó là xương sống của chính sách xoay trục của Mỹ về Á Châu. Bỏ TPP, chính sách xoay trục bị giảm rất nhiều hiệu lực," học giả nói với đài RFI hôm thứ Sáu.
Và học giả này đặt câu hỏi với BBC về chính sách của ông Trump với cả NAFTA lẫn TPP: "Có ai nghĩ được giải pháp cho vấn đề này chưa?"
Nước Mỹ sẽ chấp nhận?

Image captionNhà báo Đỗ Dũng từ California bình luận về việc nước Mỹ chấp nhận ra sao việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống.
Còn từ tiểu bang California, nhà báo Đỗ Dũng của tờ Người Việt chia sẻ thêm với Bàn tròn của BBC hôm 10/11 về phản ứng của nước Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử, ký giả nói:
"Nước Mỹ theo thống kê, hơn 50 triệu người bầu cho bà Clinton và cũng gần hơn số đó bầu cho ông Trump, chúng ta có thể nói là nửa này, nửa kia, tất nhiên những người hài lòng, người ta rất là vui khi thấy ông Trump thắng và ủng hộ.
"Còn những người không hài lòng, tôi thấy cũng nhiều và ngày 9/11, chúng ta theo dõi tin tức thấy rằng hơn mười thành phố lớn ở nước Mỹ đã ra biểu tình, họ thể hiện sự không hài lòng đó.
"Và chúng ta thấy người thể hiện đa số là người trẻ..., họ đốt cờ v.v... Tất nhiên phải mất một thời gian họ mới chấp nhận kết quả này, bởi vì nó quá sốc, không phải chỉ với dân Mỹ mà cả thế giới.
"Mặc dù ông Obama và bà Clinton cũng kêu gọi mọi người bỏ qua mọi chuyện và tiếp tục đưa nước Mỹ đi lên và chấp nhận Tổng thống mới sẽ là ông Donald Trump, nhưng nó quá bất ngờ, thành ra đối với một số người còn 'đau đớn lắm'. Và điều đó là dễ hiểu."
Về sự chia rẽ của nước Mỹ, nhìn từ góc độ của người dân và từ cộng đồng, nhà báo Đỗ Dũng cho rằng đây chỉ là phản ứng nhất thời và ông nói thêm:
"Cái mà tôi thấy rõ ràng nhất là qua tám năm của Tổng thống Barack Obama, có nhiều người cảm thấy cuộc sống của họ bị đe dọa, nhất là những người Mỹ da trắng ở những vùng nông thôn hoặc những vùng kỹ nghệ, những tiểu bang mà vừa rồi ông Donald Trump bất ngờ thắng như là ở Michigan, Pensylvania... mà người ta gọi là vùng Rust Belt.
"Đây là cái mà người ta nói là nếu bà Clinton lên thì sẽ tiếp tục (chính sách) của ông Obama trong 8 năm thành 12 năm, thậm chí thành 16 năm, thành thử họ phản ứng như vậy, và chúng ta thấy rằng trong cuộc bầu cử này, khi người dân Mỹ phản ứng (phản đối), thì nhóm nào đi bầu nhiều nhất, nhóm ấy thắng và cuối cùng nhóm phản ứng (phản đổi) bà Clinton (đã) đi bầu nhiều hơn nhóm ủng hộ bà, chuyện rất đơn giản như vậy,"nhà báo Đỗ Dũng nói với BBC từ California, Hoa Kỳ.
Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi thêm các bài vở mà BBC Việt ngữ đã giới thiệu ý kiến trao đổi tại Bàn tròn hậu bầu cử Mỹ tại đây hay tại đây.
Quý vị cũng có thể bấm vào đây để theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm Bàn tròn trực tuyến với sự tham gia của các học giả, nhà báo từ Việt Nam, hải ngoại và Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét