Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016
Tháng khủng bố nhân quyền Việt Nam
Võ Thị Hảo - Tháng khủng bố nhân quyền Việt Nam
Đăng bởi Ha Tran on Thứ Năm, ngày 07 tháng 4 năm 2016 | 7.4.16
Blogger Basàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự, bà Nguyễn Thị Minh Thủy, tại Tòa án Nhân dân Hà Nội ngày 23 tháng 3 năm 2016. AFP photo
Phiên tòa thù địch cho nhà báo của tiếng thở dài lê dân
Sau hơn bốn trăm ngày bị công an bắt và đưa đi biệt tích, ngày 30/3/2016, tại Sài Gòn, Blogger Nguyễn Ngọc Già (NNG) đột nhiên bị Tòa án TPHCM đưa ra trong một phiên xử bí mật, trái pháp luật, diễn ra chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ.
Những hành động đó phải được đáp trả bằng sự lên án mạnh mẽ để chính quyền Hà Nội thấy rõ rằng nếu muốn nhận được sự tôn trọng của các đối tác thương mại thì bản thân mình phải tôn trọng nhân quyền.
- Ông Phil Robertson
Ông đã phải nhận một bản án phi lý, hết sức nặng nề gồm 4 năm tù giam và 3 năm quản chế chỉ vì một số bài viết đã đăng trên mạng Internet theo quyền tự do ngôn luận mà Hiến pháp Việt Nam (VN) quy định.
NNG (Nguyễn Đình Ngọc) không chỉ là một Blogger bộc bạch tâm huyết với đất nước. Với phương pháp ôn hòa của một trí thức, ông đã dũng cảm và nhẫn nại trình bày về sự thật đang diễn ra tại VN. Ông luôn kịp thời lên tiếng và kiên trì bênh vực các tù nhân lương tâm theo quy định của pháp luật. Ông thẳng thắn và nồng nhiệt thể hiện nguyện vọng tha thiết về dân chủ và tự do cho người VN. Ông đưa ra nhu cầu cấp bách về cải cách thể chế cho dân VN thoát vòng kim cô khốn khổ để đồng hành phát triển theo thế giới.
Vì thế, việc nhà cầm quyền giam giữ NNG đã gây phẫn nộ cho nhiều người dân VN và thế giới.
Trả thù người “không lao đầu vào hố nô lệ"
Nguyễn Ngọc Già là một nhà bình luận thời sự chính trị sắc sảo. Ngòi bút của ông thể hiện sự chính trực và một tình yêu lớn với đất nước VN. Thật cảm động khi biết rằng con người có hình vóc nhỏ bé và nụ cười như bẽn lẽn và khờ khạo ấy trong nhiều năm đã dám chấp nhận thua thiệt về mình, vững vàng chính kiến, không quản hiểm nguy, luôn lên tiếng mạnh mẽ cảnh báo về những nguy cơ của đất nước, bênh vực dân oan và các tù nhân lương tâm, trong khi hầu hết những đồng nghiệp của ông và người VN thì im lặng.
NNG dám đương đầu với nỗi đơn độc trên con đường vì cộng đồng. Những điều ông viết ra là nhu cầu tự thân, không vì tiền bạc hay chỉ khi bị nhà cầm quyền gây tổn hại đến quyền lợi riêng mới lên tiếng. Có thể cảm nhận sự lên tiếng vì lương tri của ông đã cốt thiết như hơi thở cho một cơ thể sống. Nhà cầm quyền VN đã tận dụng nỗi cô đơn, sự ẩn danh của ông để bắt ông đi biệt tích trong hơn một năm và bí mật đem ra xử nhằm “thủ tiêu” sự có mặt của ông trên công luận, nhằm “hạ sát” một cây bút phản kháng để răn đe dân Việt.
Khi bị đưa ra một phiên tòa theo kiểu “trộm cắp” quyền được xét xử công khai trước công luận, NNG đã rất thiệt thòi khi không có được những đồng bào, những người trong nước và nước ngoài, báo chí kịp biết để đến bên ông, để quan sát phiên tòa, hoặc trực tiếp yêu cầu nhà cầm quyền phải trả tự do cho ông như ông xứng đáng được hưởng.
Giới tranh đấu trong nước và các tổ chức quốc tế kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Già và những tiếng nói độc lập tại Việt Nam.
Nhưng cách hành xử như vậy của nhà cầm quyền chỉ phản tác dụng, càng khiến người đọc hăm hở tìm biết về ông. Và càng đọc, người ta càng thêm cảm động và biết ơn ông.
Làm sao có thể quên những lời văn thống thiết và đầy dũng khí của cây bút ấy. Ông đã cất lên tiếng nói của một nhân sĩ, một trí thức dũng cảm, trực diện đưa ra những giải pháp bất bạo động để cứu dân cứu nước và cứu ngay cả Đảng CSVN nếu họ còn muốn tồn tại.
Người đọc không thể quên khi năm 2011, ông đã da diết lên tiếng như một “văn tế thập loại chúng sinh” về sự khốn khổ của người dân VN dưới sự tha hóa của nhà cầm quyền ngày nay:
“...Tiếng kêu đau đớn của người dân mất đất.
Những thân xác ngư dân bị bắn giết vẫn còn đó! Mái đầu trẻ thơ côi cút vẫn còn đây.
Tiếng ta thán của hàng chục ngàn công nhân cầm hơi bằng đồng lương chết đói.
Tiếng rên xé lòng: học trò măng sữa, người thân các nạn nhân chết oan khiên .
Tiếng vọng đáp lời hồn thiêng sông núi của người dân xuống đường đòi biển đảo thân yêu đã và đang mất dần vào tay giặc cướp.
Tiếng tỉ tê trĩu nặng của tâm hồn văn nghệ sĩ.
...
Tiếng thổn thức của người thân tù nhân chính trị trong vòng lao lý...
Tiếng thở dài lê dân mỏi bước trên đường mưu sinh
Tiếng gọi tri thức của các nhà giáo, nhà khoa học
Tiếng kêu lương tri thời đại của Thế giới
Tất cả những điều đó vẫn không làm Đảng CS tỉnh ngộ. Đảng CSVN tiếp tục trêu ngươi chân lý... Mười bốn người trong Bộ chính trị vẫn bình chân như vại trước hiểm họa ngoại xâm lừng lững tiến vào.
...
Không! Người VN không chấp nhận để trăm họ lao đầu vào hố nô lệ! Dân tộc VN phải giành lại quyền điều khiển đất nước để đưa trăm họ đến đỉnh Tự do - Dân chủ, nơi mà người dân Việt đạt hạnh phúc, đất nước Việt đặng phú cường. Bất kỳ ai cảm thấy bản thân là người VN cũng phải có trách nhiệm!”
(Trong bài “Đảng cộng sản cần thành tâm với dân tộc VN hơn bao giờ hết”- Danluan.org).
NNG, với năng lực của một cây bút vừa có lửa, vừa có lý luận và thực tiễn, đã ôn hòa khi kêu gọi Đảng CSVN tự nguyện trao trả lại quyền làm chủ cho nhân dân VN, tổ chức lại một thể chế chính trị theo kiểu dân chủ thực sự, trong đó không phải là hoàn toàn tẩy chay Đảng CS, mà Đảng CS cũng được phép tồn tại và cạnh tranh công bằng với các đảng phái khác và cam kết hoạt động theo pháp luật VN.
Tháng Ba khủng bố nhân quyền
Theo quy định tại điều 31 Hiến pháp 2013, người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai.
Tại điều 18 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự cũng ghi rõ, “việc xét xử của tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự”. Phiên xử người bất đồng chính kiến hay dân oan đều không thuộc diện phải xử kín. “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, “quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”.
Ông Felix Schwarz, phụ trách Chính trị và Nhân quyền của Đại sứ quán Đức và dân biểu Đức Martin Patzelt cầm biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho blogger Anh Ba Sàm và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bên ngoài tòa án.
Nhưng nhà cầm quyền VN luôn sẵn sàng chà đạp lên Hiến pháp. Những phiên tòa khủng bố nhân quyền đã được mở dồn dập trong những ngày cuối tháng 3, ngay khi Quốc hội VN đang mở phiên họp toàn thể.
Lẽ ra Quốc hội phải là nơi đầu tiên lên tiếng phản đối sự vi hiến của các phiên tòa này. Nhưng đau thương thay, người dân VN đã bị tước đoạt nhân quyền bởi Đảng, nhà cầm quyền và chính Quốc hội. Tháng 3 và đầu tháng 4/2016, bằng việc kiến tạo “bộ dàn nguyên thủ theo kiểu chỉ định để Quốc hội dán nhãn bầu cử” mà ai cũng thấy rằng thật giả dối cùng nhiều hành vi khác, Quốc hội VNcũng đang thực hiện những hành vì vi hiến thô bạo chưa từng có.
Vậy nên, chỉ trong tuần cuối của tháng 3/2016, dồn dập có tới 4 phiên tòa xử 7 công dân yêu nước vô tội với những bản án theo kiểu “trả thù”.
Ngày 23/3, tại Hà Nội có hai người yêu nước mà dân VN cũng hàm ơn như Nguyễn Ngọc Già, là anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy đã phải nhận bản án bất công, tàn nhẫn tổng cộng tới 8 năm tù giam và nhiều năm quản chế sau khi ra tù.
Ngay hôm sau, 24/3, nhà vận động chống tham nhũng Đinh Tất Thắng đã phải chịu bản oan án 7 tháng 11 ngày tù giam dù ông chỉ tố cáo tham nhũng, ông tố cáo đúng, và ông đã 73 tuổi. Được biết, ông bị công an Thanh Hóa bắt giam ngay 11 ngày sau khi ông có đơn gửi Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa tố cáo những người đã làm giả giấy tờ để nhận khống các khoản trợ cấp dành cho thương binh, trong đó có anh trai của Giám đốc công an Thanh Hóa. Thay vì ông phải được khen thưởng, họ đã vu cho ông tội “vu khống, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân của của một số lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh...”
Chưa thỏa mãn về mức độ khủng bố, tại TPHCM ngày 30/3/2016 nhà cầm quyền VN mở tới hai phiên tòa càng vi hiến nghiêm trọng đối với Nguyễn Ngọc Già và ba nữ dân oan Ngô Thị Minh Ước, Nguyễn Thị Bé Hai và Nguyễn Thị Trí. Ba nữ công dân này là những dân oan mất đất. Họ và gia đình khốn khổ tàn tạ nhiều năm vì đi kêu oan nhưng không được nhà cầm quyền giải quyết. Họ không có tội. Dù cho họ có tham gia mạng lưới “dân oan tranh đấu” như trong bản kết tội đã nêu, nhưng pháp luật VN không cấm dân oan tranh đấu đòi công bằng và tố cáo tham nhũng. Phương pháp của ba nữ công dân này là bất bạo động, chỉ cầm cờ và hô khẩu hiệu, thể hiện nguyện vọng của mình. Vậy mà họ bị kết án tổng cộng 10 năm tù giam và gần chục năm quản chế sau khi mãn tù.
Phải trả tự do ngay lập tức :
Nhận xét về những phiên tòa xử “bí mật” tại VN nói trên, ông Martin Patzelt – thành viên của Ủy ban nhân quyền Nghị viện CH Liên bang Đức – đã hết sức bất bình:
Tôi không thể nào hiểu được việc phiên xử lại được diễn ra bên trong những cánh cửa đóng kín. Nếu họ có quan điểm rằng tất cả đều phù hợp với quy định của nhà nước pháp quyền, thì họ không cần phải thực hiện phiên tòa bí mật như vậy.
- ông Martin Patzelt
“Tôi không thể nào hiểu được việc phiên xử lại được diễn ra bên trong những cánh cửa đóng kín. Nếu họ có quan điểm rằng tất cả đều phù hợp với quy định của nhà nước pháp quyền, thì họ không cần phải thực hiện phiên tòa bí mật như vậy.”
Ngày 4/4/2016, Tổ chức Nhân quyền thế giới đã mạnh mẽ lên án hành động trên của nhà cầm quyền VN. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của tổ chức này đề nghị chính quyền VN cần phóng thích ngay lập tức các nhà hoạt động và blogger nổi tiếng đang bị tù giam chỉ vì đã thực thi các quyền của mình. Qua việc siết chặt thêm vành đai kiểm soát, VN đang thách thức phản ứng của Hoa kỳ và cộng đồng quốc tế. Ông nói: “những hành động đó phải được đáp trả bằng sự lên án mạnh mẽ để chính quyền Hà Nội thấy rõ rằng nếu muốn nhận được sự tôn trọng của các đối tác thương mại thì bản thân mình phải tôn trọng nhân quyền.” (theohttps:changevietnam.wordpress.com).
Hiến pháp VN năm 2013 quy định rõ: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam giữ, khởi tố, điều tra truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”.
Người VN sẽ không để cho những tù nhân lương tâm và dân oan, người dám vì nhân quyền và dân chủ phải đơn độc. Mỗi cá nhân và tổ chức cần nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ cộng đồng lương thiện và cần mạnh mẽ lên tiếng đấu tranh để yêu cầu nhà cầm quyền phải sửa chữa sai lầm, trả tự do ngay và bồi thường thiệt hại cho người vô tội, cũng như cần đưa ra truy tố những người vi hiến.
Võ Thị Hảo Blog
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét