Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016
Nước mắt của biển
Nước mắt của biển
HÀ VĂN THỊNH
Đã hơn hai tuần – nỗi đau cá chết, biển vắng, thuyền nằm bờ…, đã và đang làm cho cuộc sống của hàng vạn ngư dân (cùng tất cả những ngành nghề kinh doanh liên quan đến hải sản) 4 tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khốn khó đến vô cùng… Điều xót xa là các cơ quan chức năng thì xử lý y như cách đủng đỉnh đi… ăn cưới, còn các nhà khoa học thì lặng im giống như cá chép!
Nỗi bi hài càng thấm thía hơn khi hôm nay - chúng ta cùng với cả loài người “chung sức” cho Ngày Trái Đất!
Năm ngoái, khi cá chết hàng loạt, kết luận chính thức là do… thủy triều đỏ(?) Năm nay, “kết luận” đầu tiên đã được đưa ra từ Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh là “cá chết ở Vũng Áng không do ô nhiễm”, còn Sở NN&PTNT thì nói rằng cá chết không do virus gây bệnh (http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ca-chet-o-vung-ang-khong-do-o-nhiemlai-tai-ong-troi-3306230/ )!
Không do ô nhiễm, không có virus, tức là lại đổ cho ông… Trời!
Nguồn ô nhiễm mà dư luận nghi ngờ nhiều nhất là Khu Công nghiệp Vũng Áng thì các cơ quan chức năng không có quyền… kiểm tra, cho dù đó là thanh tra của ngành chức năng có thẩm quyền cao nhất là Vụ Nuôi trồng thủy – hải sản thuộc Bộ NN&PTNT (http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tam-diem/300746/vu-ca-chet-chung-toi-khong-the-vao-kiem-tra-kcn-vung-ang.html )?
Cha ông dạy “nhất thủy, nhị hỏa” – tai nạn do nước (lũ) gây ra còn nguy hơn cả cháy nhà; đằng này không phải là nước lũ – chỉ ảnh hưởng nhất thời, mà là nước biển. Xử lý chậm ngày nào thì tai ương, hệ lụy phải nhân lên không biết bao nhiêu ngày.
Cả một nền kinh tế quan trọng ở Bắc miền Trung bị đe dọa, cả một hệ thống xã hội bị tổn thương, bất an; vì sao cứ đủng đỉnh sửa soạn như là đi… ăn cưới?
Tại sao không thiết chế một chế tài để cơ quan chức năng có thể vào cuộc bất kỳ lúc nào, tại bất cứ địa điểm nào, với bất kỳ cấp độ nào; một khi xảy ra nguy cơ nghiêm trọng đối với đất nước?
Chẳng lẽ cá chết trên diện rộng, dài ngày như thế mà chỉ là “cái móng tay”; hay, chẳng lẽ, các quan chức liên quan đang kinh doanh ngành chăn nuôi nên không buồn khi thấy cá chết?
Tại sao không ra quân thanh tra đồng loạt tại tất cả mọi điểm nghi vấn về xả thải – không riêng gì Vũng Áng, để đến lúc này, sau khi… được báo động(!) nếu có xả độc hại thì “người ta” cũng đã dừng thải từ khuya rồi?
Cái cách loay hoay lấy nước biển chỗ này, lấy mẫu chỗ kia chẳng khác gì mò kim đáy biển bởi lượng chất thải có nhiều đến mấy cũng đã tan biến sau bấy nhiêu ngày… Đại dương chứ có phải cái ao làng đâu mà cá chết ở Quảng Bình thì cứ nhất thiết lấy mẫu nước ở Quảng Bình?
Sao không tính đến hải lưu, không tính rằng cá bị nhiễm độc nơi này rồi trôi dạt vào nơi kia cách hàng trăm, hàng ngàn cây số? Rất nhiều người vẫn nhớ sau trận sóng thần khủng khiếp ở Myiaghi, Nhật Bản ngày 11.3 năm 2011, nước biển đã cuốn cả một chiếc xe máy trôi dạt vào bờ biển… Hoa Kỳ!
Chuyện nhân viên chữa cháy chỉ đến sau khi nhà cháy xong rồi, chuyện hàng ngàn TS không tìm ra nguyên nhân của thảm họa nào đó, chuyện của các cơ quan chức năng có cái câu cửa miệng “Hà Nội không vội được đâu”…; đã gần như là chuyện thường ngày ở ta.
Cách tư duy và lề thói làm việc đó là không thể chấp nhận được. Cả nước có bao nhiêu trường đại học có ngành sinh vật học, môi trường; có bao nhiêu GS, PGS.TS – sao không dựng họ dậy để họ vào cuộc tức thời để giúp ngư dân, cứu đất nước? Mà, đây cũng không hẳn là “giúp” – nên coi, hiểu việc đó là bổn phận của lương tâm, trách nhiệm của bất kỳ nhà khoa học nào có lương tâm…
Sáng nay, báo chí “bật mí” cho biết có nguồn tin nói rằng từ 4.4.2016, đã có ai đó “phát hiện” ra cái cống ngầm xả thải khủng từ Khu công nghiệp Vũng Áng xả thẳng ra biển(!)
Nếu đúng thế thì chẳng có gì để bàn: Cả một vùng biển bị tàn phá mà ta chẳng có quyền biết rõ, biết đúng chuyện đang xảy ra trong chính vườn nhà mình!
Đó đúng là cái “lý” của ngô nghê, tắc trách, tham si…
Cần phải tìm cho ra, càng nhanh càng tốt nguyên nhân làm cho cá chết. Chẳng có “ông trời” nào lại đối xử bạc bẽo riêng với… cá ở 4 tỉnh Bắc miền Trung. Chỉ có sự tắc trách, kém cỏi của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học nên tai họa mới “bí ẩn” và thảm họa, mới khôn lường như thế…
Bấy lâu nay, ngư dân đã phải chảy rất nhiều nước mắt bởi cả nhân tai, địch họa, thiên tai. Đừng để cho nước mắt của ngư dân mặn hơn cả biển, chát đắng hơn cả mọi nỗi đắng cay trong nỗi sinh tồn…
Huế, 22.4.2016
Nguồn: Theo Văn Hóa Nghệ An
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét