Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016
VÌ SAO VN NHIỀU TIẾN SĨ, ÍT THÀNH TỰU?
GS. Nguyễn Đăng Hưng: VÌ SAO VN NHIỀU TIẾN SĨ, ÍT THÀNH TỰU?
Việt Nam nhiều tiến sĩ, ít thành tựu:
Sao lại bất ngờ?
Nguyễn Đăng Hưng Blog
Ngày 26/4/2016 vừa qua, phóng viên Nguyễn Thanh Huyền đã qua internet phỏng vấn tôi và đăng tải trên báo điện tử Đất Việt sau khi biên tập lại.
http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/viet-nam-nhieu-tien-si-it-thanh-tuu-sao-lai-bat-ngo-3306842/
Tôi quyết định đăng lại sau đây nguyên văn bài phỏng vấn:
PHÓNG VIÊN: Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống kê ở Việt Nam đang có hơn 24.000 tiến sĩ. Thế nhưng, theo thống kê Viện thông tin khoa học (ISI), trong 15 năm qua (1996-2011) Việt Nam mới có 13.172 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt, bằng khoảng một phần năm của Thái Lan, một phần sáu của Malaysia, và một phần mười của Singapore.
Ông có bất ngờ trước thực trạng trên hay không? Theo ông, vì sao chúng ta có nhiều tiến sĩ mà lại ít công trình công bố như vậy?
GS.TS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG: Là người đã bỏ ra 20 năm lo giúp Việt Nam đào tạo các lớp thạc sỹ, tiến sỹ quốc tế cho Việt Nam, rất am hiểu tình trạng giáo dục tại Việt Nam, tôi không hề bất ngờ trước những thông tin trên…
Tại Việt Nam số tiến sỹ chân chính, có trình độ thực thụ quá ít ỏi so với số lượng tiến sỹ “dỏm”…
Mới đây có mấy ngày, dư luận Việt Nam xôn xao về một Học viện Khoa học xã hội tại Hà Nội có khả năng cho ra lò mỗi ngày 1 tiến sỹ. Rồi những luận án tiến sỹ với các đề tài khôi hài, ngớ ngẩn vẫn nhan nhản ra đời từ gần nửa thế kỷ nay… Thử hỏi một đất nước cho phép tồn tại những chuyện “oái oăm” như vậy thì làm sao có công bố khoa học, có phát minh công nghệ được? Một nền giáo dục từ trung đến cao cấp đã đi lạc đường từ lâu, dựa trên quan điểm giáo dục sai lầm từ gốc: Dùng cơ sở giáo dục làm chỗ để tuyên truyền chính trị, thì nếu không có những biện pháp cải cách giáo dục đổi mới triệt để, nếu không thay đổi triết lý giáo dục một cách can đảm và quyết đoán, khoa học công nghệ sẽ khó có cơ may phát triển… Tôi đã có nhiều kỳ vọng, thậm chí trực tiếp “xăn tay” tham gia chạy chữa từ những năm 90, mà nay tôi cũng phải nói là bó tay… Một vài cánh én không thể làm nên mùa xuân…
PHÓNG VIÊN: Thực tế, những việc rất cần sự tham gia của các tiến sĩ thì lại không có kết quả, cụ thể, như vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), theo đó là cá biển chết dạt vào bờ khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế đến nay chưa có kết quả, thậm chí phải mời chuyên gia nước ngoài tìm nguyên nhân.
Thêm vào đó, nhiều vụ việc khác như khi làm giống cây trồng, nhiều tiến sĩ nhưng không hiểu được cấu trúc đặc tính của từng loại để xây dựng chọn tạo giống nên đã đưa ra giống không có tính mới, không có hiệu quả kinh tế. Chúng ta phải nhìn nhận nghịch lý trên ra sao, thưa ông?
GS.TS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG: Vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng thật ra cũng chẳng cần chuyên gia. Công ty Đài Loan Formosa là một công ty đã từ lâu có nhiều tai tiếng về những việc làm bừa bãi của mình bất chấp môi trường, sinh thái. Chính họ cũng đã chấp nhận tác hại đến từ nhà máy và tuyên bố thẳng thừng là Việt Nam phải chọn lựa thép hay cá tôm, không thể có cả hai. Vấn đề là lãnh đạo phía Việt Nam đã chọn lựa hướng sai trái bất chấp tác hại cho người dân Việt Nam. Còn thép thì nay rất ế ẩm trên thị trường thế giới, sẽ chẳng đem lại lợi lộc gì cho Việt Nam..
Trở lại với điểm chính của câu hỏi, nghịch lý là ở chỗ không phải Việt Nam không có nhà chuyên môn, nhà khoa học thực thụ tài ba mà lớp người này không có chỗ đứng trách nhiệm cho công việc cần thiết. Các chuyên gia Việt Kiều càng không có chỗ đứng tại quê nhà. Chế độ cơ cấu cán bộ chuyên môn theo chỉ tiêu thân hữu, lý lịch, phe nhóm, đã trở thành phổ biến một cách có hệ thống thì tai họa sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Những điều nhà báo nhắc đến chỉ là chuyện nhỏ. Sẽ có những tai họa lớn hơn…
Cũng nói ngay vụ Vũng Áng chính là một tai họa lớn. Nếu những ngày đầu, đảng và chính phủ giao quyền quyết định cho các chuyên gia thực thụ, không ham hố không trục lợi, có tri thức và am tường thông tin, thì Formosa làm gì có thể có hợp đồng, làm gì vào đươc Vũng Áng.…
PHÓNG VIÊN: Trong khi đó, theo các NCS, nếu tính theo mức học phí qui định thì tổng chi phí cho một nghiên cứu sinh chỉ khoảng 50 triệu đồng, bằng 1/10- 1/20 so với chi phí thực tế. Mức chi phí thực tế để có tấm bằng tiến sỹ ở Việt Nam tùy theo ngành, ngành hot như kinh tế hơn 1 tỷ đồng, kém hot hơn thì vài trăm triệu. Có bằng nhưng lại không áp dụng được vào với thực tế, theo ông, có phải là lãng phí hay không? Vì sao ạ?
GS.TS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG: Từ lãng phí là quá nhẹ trong trường hợp này. Phải nó đây là hành động phá hoại, phá hoại môi trường học thuật, phá hoại tương lai của đất nước… Tại sao tôi dung từ “phá hoại”, bởi vì các tiến sỹ này sẽ hiển nhiên chiếm lĩnh những vị trí trọng yếu theo con đường cơ cấu và sẽ không làm được gì mà thậm chí còn làm hại cho xã hội, ngăn cản những người tài đóng góp giải quyết những vấn đề thực tế, giúp xã hội phát triển.
PHÓNG VIÊN: Thực tế hiện nay, chúng ta có tới 9000 tiến sĩ không tham gia giảng dạy nghiên cứu, chúng ta phải nhìn nhận thực tế này ra sao? Đây có phải là nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam tuy nhiều tiến sĩ nhưng lại ít công bố khoa học hay không? Vì sao ạ?
GS.TS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG: Trên thế giới có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có tình trạng này. Các quan chức muốn có cái “mác” tiến sỹ để “lòe” dân đen, để che đây mặc cảm dốt nát của mình… Ở các nước phát triển, tiến sỹ là một yêu cầu trình độ cần thiết trong việc giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học…
Việt Nam làm ngược đời và hậu quả là sau 42 năm hòa bình, Việt Nam ngày càng tụt hậu và theo các nguồn khảo sát quốc tế, Việt Nam đang dứng sau Campuchia và cả Lào. Thảo nào các chuyên gia kinh tế quốc tế bảo Việt Nam là nước “không muốn phát triển..” Họ muốn nói Việt Nam có rất nhiều điều kiện nhưng đã lãng phí tất cả và cam chịu với nỗi nhục thua kém triền miên…
Lev Tolstoy đã nói: “Không sợ sự dốt nát, mà đáng sợ sự hiểu biết giả. Tất cả cái ác trên thế giới đều bắt đầu từ đó”. Tôi tự hỏi các nhà lãnh đạo Việt Nam có biết điều đó hay không?
Liège ngày 26/4/2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét