Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Giải oan cho một bài viết bị ném đá


Giải oan cho một bài viết bị ném đá

Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Năm, ngày 21 tháng 4 năm 2016 | 21.4.16



Hình minh họa
GIẢI OAN CHO MỘT BÀI VIẾT BỊ NÉM ĐÁ


Bài viết dưới đây của tác giả Mai Tú Ân có hai ý chính. Một là ông cho rằng nguyên nhân khiến phong trào dân chủ chưa thành công là do thiếu sự đoàn kết. Hai là ông kêu gọi những người đấu tranh hãy đoàn kết lại bằng cách tham gia tổ chức. Nội dung chính chỉ có vậy nhưng tác giả đã bị một số người đấu tranh chỉ trích dữ dội.


Một bài viết với nội dung kêu gọi sự đoàn kết đã phơi bày sự thiếu đoàn kết. Điều đó cho thấy đoàn kết là một việc rất khó chứ không dễ như người ta tưởng. Nhưng nếu không có sự đoàn kết thì phong trào dân chủ không thể nào giành được thắng lợi.


Kinh nghiệm cho thấy chỉ những người có cùng mục tiêu và phương pháp hành động mới có thể đoàn kết với nhau trong một tổ chức. Đó là lí do tại sao mặc dù mọi người đều có cùng mục tiêu là dân chủ hóa đất nước nhưng vẫn chưa thể có sự đoàn kết bởi vì vẫn còn sự khác biệt về phương pháp đấu tranh.


Có những người muốn đấu tranh theo lối cá nhân trong khi những người khác cho rằng đấu tranh là phải có tổ chức. Có người thì cho rằng phải có một cuộc cách mạng nhưng người khác lại cho rằng chỉ cần cải tổ chế độ v.v. Vả lại, ngay cả mục tiêu dân chủ hóa đất nước cũng rất chung chung vì chưa chắc mọi người đã hiểu như nhau về cùng một khái niệm. Đó là chưa kể trong quá trình đấu tranh còn có những mục tiêu mang tính giai đoạn cần đạt được trước khi đi đến thắng lợi cuối cùng.


Do đó, nếu đọc kĩ những ý kiến chỉ trích về bài viết của tác giả Mai Tú Ân thì chúng ta sẽ thấy phần lớn là do sự khác biệt về cách nhìn nhận mục tiêu và phương pháp hành động. Không thể có chuyện “hãy liên kết, hãy đưa tay cho nhau bất kể chính kiến có sự khác biệt” như tác giả kêu gọi.


Để thúc đẩy sự đoàn kết của phong trào dân chủ, việc quan trọng nhất cần làm lúc này chính là tăng cường thảo luận giữa những người đấu tranh để đi đến sự thống nhất về mục tiêu và phương pháp hành động. Những ý kiến như “cứ hành động đi, đừng nói nhiều” chỉ có tác hại là cản trở sự thảo luận nghiêm chỉnh và do đó phá hỏng mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy sự đoàn kết của phong trào dân chủ.


Hồng Việt


Mời các bạn tham khảo bài viết của tác giả Mai Tú Ân!
______________________


Mai Tú Ân: BÀI HỌC CHO NHỮNG NGƯỜI ĐẤU TRANH DÂN CHỦ


Việc hầu như tất cả các UCV tự ra ứng cử đã bị đánh rớt sạch sành sanh ngay từ vòng giữ xe, khi cuộc bầu cử Quốc Hội còn cả tháng nữa mới bắt đầu cho thấy một điều rằng, chính quyền vẫn không chấp nhận cho sự đối lập, dù nhỏ nhoi ở trong Quốc Hội. Họ vẫn y sì như cũ với nỗi sợ hãi hiển nhiên của những kẻ luôn sợ mất phần bánh quyền lực, nên phải sống chết để giữ lại và không chia sẻ cho ai cả. Đó là điều rõ ràng và họ sẽ làm điều này kéo dài mãi cho đến lúc tận thế, nếu có thể.


Điều đó giúp cho những người đấu tranh dân chủ một bài học cũ rích. Đó là không bao giờ tin những gì CS nói. Không bao giờ. Không có phần ăn nào miễn phí cả, và cái bánh dân chủ tự do thì rất đắt. Và chúng ta thì chỉ chấp nhận thì chơi, không nửa vời nữa..


Nhưng những điều trên không phải là vấn đề quan trọng nhất, vì vấn đề quan trọng nhất ấy lại nằm ở trong chính nội bộ những người đấu tranh dân chủ. Chúng ta cần can đảm nhìn lại mình và nhận rằng chúng ta đã thất bại, không phải bởi vì chúng ta yếu mà bởi vì chúng ta thiếu sự đoàn kết.


Các cá nhân hầu như đều tự thân mình đứng ra lo cho công việc đăng ký của mình. Các chương trình thì nhàm chán, hoặc cực đoan quá hoặc hiền lành amateu quá. Sự ủng hộ của những người đồng quan điểm thì ít, rời rạc, lẻ tẻ…Các cá nhân nổi bật không liên kết với nhau hay không quan hệ chặt chẽ với nhau, không giúp đỡ nhau. Những người có danh nhưng không ra tranh cử thì không giúp, hay giúp chẳng là bao cho những người ra ứng cử độc lập. Nên dù có bao nhiêu fans thì người ấy cũng chỉ như một sứ quân tách biệt khỏi cộng đồng, tự sướng với mình mà không quan tâm giúp đỡ những người khác.


Nên chẳng có gì lạ khi những người cầm quyền đã chẳng khó khăn gì để cho tất cả trở về đơn vị gốc một cách nhẹ nhàng êm ái trước khi bầu cử. Chỉ có những phản đối nhỏ lẻ, nặng phần bất mãn vang lên trong số những người thua cuộc. Tôi không có ý coi thường ai hết nhưng chúng ta giống như những đứa trẻ con vụng dại, hay những ông già khó tính đang trong một cuộc chơi nhàn hạ, lẻ tẻ...đòi đấu với một đối thủ quá mạnh, quá đầy đủ mọi thứ vũ khí và đươc tổ chức tốt. Cho dù ai cũng hiểu rằng, có vài người dân chủ vào được trong Quốc Hội cũng chẳng làm nên non nước gì. Nhưng đấy chính là điểm cần phải làm được vì đấu tranh nghị trường là một phần của cuộc đấu tranh bất bạo động để đòi hỏi các quyền dân chủ, dân sinh…


Chúng ta không thể chờ đến Quốc Hội khóa sau, mà cũng chẳng cần đến QH khóa sau mà ngay bây giờ cần phải thay đổ, thay máu mạnh mẽ. Không cho đấu tranh ở nghị trường thì đấu tranh trên đường phố. Hãy liên kết, hay đưa tay cho nhau bất kể chính kiến có sự khác biệt. Hãy thành lập các Hội Đoàn riêng cho mình hoặc tham gia các hội đoàn khác. Hãy đoàn kết lại. Vì thiếu sự đoàn kết thì chúng ta sẽ không thể thành công.


Chưa bao giờ chúng ta cần tiếng ấy cùng tinh thần ấy như lúc này. Đoàn Kết giờ đây là sức mạnh cho tất cả các lực lượng đấu tranh dân chủ trên đất nước. Đoàn Kết khiến cho chúng ta trở thành một khối sắt đá thì chúng ta mới mạnh lên và không để đối thủ chèn ép.


Chúng ta cũng không chờ đến khi chính quyền ban cho quyền lập hội, quyền biểu tình…mà hãy tự đứng lên để làm việc ấy. Hoặc mạnh mẽ tham gia các hội đoàn hiện đang hoạt động công khai. Các tổ chức tôn giáo cùng với các lãnh đạo tôn giáo không quốc doanh cũng là nơi chúng ta đặt niềm tin vững chắc. Hãy đứng lên bên cạnh một hay vài nhân vật nổi bật nhất, xứng đáng nhất.


Cuộc đấu tranh ôn hòa bất bạo động còn có nhiều, có nhiều hơn nữa các phương cách để đấu tranh. Những cuộc xuống đường, biểu tình nằm, ngồi cùng các cuộc đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa, bãi sinh..v..v...Cá cá nhân nổi bật phải can đảm đứng lên mạnh mẽ để hiệu triệu người dân. Họ chứ không ai hết sẽ phải là người chấp nhận hy sinh đầu tiên, bởi trong cuộc đấu tranh này phải chấp nhận có sự mất mát, bắt bớ liên tục đến với những người lãnh đạo. Hãy nhớ đến bài học của những M. Gangdhi, Nelson Mandela, Lex Valenja, Us Sang Sui Ky… những lãnh tụ hàng đầu của đấu tranh bất bạo động trên thế giới này. Họ đã hy sinh bản thân mình để đưa dân tộc họ đến thắng lợi cuối cùng.


Chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải quăng bỏ nỗi sợ hãi đi để đoàn kết lại, phải thay đổi, phải chấp nhận mọi hy sinh thì dân tộc chúng ta mới được cập bến nơi bình yên hạnh phúc…


Mai Tú Ân


(FB. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét