Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016
Đánh giá thảm họa và đạo đức lãnh đạo
Mẹ Nấm - Đánh giá thảm họa và đạo đức lãnh đạo
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Bảy, ngày 30 tháng 4 năm 2016 | 30.4.16
Ông Trần Hồng Hà, tân Bộ trưởng Bộ TN&MT.
Chiều 28/4/2016, từ Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thừa nhận sự cố cá chết tại 4 tỉnh ven biển miền Trung là “thảm họa môi trường hết sức nghiêm trọng lần đầu xảy ra tại Việt Nam”.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TNMT cũng thừa nhận: “Các Bộ ngành mặc dù có những sự nỗ lực nhưng việc điều phối triển khai sự cố chưa có kinh nghiệm, lúng túng, việc xử lý còn chậm chưa đáp ứng được kỳ vọng của bà con cũng như giới truyền thông. Với tư cách là bộ trưởng tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này.”
Đại họa cá chết tại 4 tỉnh ven biển miền Trung bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế được phát hiện từ ngày 6/4/2016 cho đến tận 22/4/2016 mới thấy vài phát ngôn của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương.
Tại Hà Tĩnh, nơi có nhà máy Formosa và nghi vấn xả thải thì các quan chức bận kiện toàn cơ cấu.
Bộ trưởng Bộ TNMT cũng bận nhận nhiệm vụ kiêm nhiệm chức Bí thư ban cán sự Đảng bộ Bộ TNMT ngày 26/4.
Ai cũng bận.
Và kết quả là buổi họp liên ngành của 7 bộ được đúc kết thành hai bản A4 ngắn ngủi trong buổi công bố nguyên nhân thảm họa có thời gian lịch sử là 7 phút trước sự mong đợi sự thật của báo chí và toàn dân.
Người dân mất niềm tin và trở nên nghi ngờ mọi thứ.
Họ có quyền đó bởi hai nhóm nguyên nhân được công bố sau cuộc họp kín của liên ngành gặp phải sự phản đối của các chuyên gia.
Hiện tượng tảo nở hoa hay còn gọi là thủy triều đỏ có lẽ được chuyên gia truyền thông nào đó tư vấn lần này đã gặp thất bại khi hai tấm ảnh được cho là sử dụng photoshop trên báo Dân Trí và trang tin Soha lần lượt được gỡ xuống.
Cái người dân cần là sự minh bạch và công khai các kết quả kiểm nghiệm.
Đó đâu phải là bí mật quốc gia?
Ông Bộ trưởng kết luận "chưa tìm thấy bằng chứng gì về mối quan hệ giữa nước thải và thảm họa môi trường, nhưng chúng tôi cho rằng về gián tiếp thì có những vấn đề liên quan".
Thế nào là gián tiếp, và mức độ tác động gián tiếp ấy có hại thế nào lại đang còn bỏ ngỏ.
Tại Đà Nẵng, sau khi có thông tin tìm thấy cá chết trên biển, các cơ quan chức năng đã công bố công khai kết quả xét nghiệm 4 chỉ tiêu mẫu nước để khẳng định nước biển ở đây đảm bảo an toàn để phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước.
Việc này lại quá khó ở Hà Tĩnh?
Nơi ngư dân thông báo cho các cơ quan chức năng thời gian xả thải qua quá trình phát hiện ra ống xả ngầm dưới biển.
Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh phụ thuộc vào việc báo cáo kết quả quan trắc của công ty Formosa 3 tháng 1 lần?
Dân có quyền nghi ngờ!
Và các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải tỏa các nghi ngờ ấy một cách công khai, minh bạch nhất.
Tại sao các cơ quan chức năng đứng ra kêu gọi dân hãy ăn cá và tắm biển bình thường lại từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến việc phát hiện vũng biển có cá chết tại Thừa Thiên Huế bị nhiễm kim loại nặng?
Câu hỏi đó có gì là “tổn hại cho đất nước”?
Đất nước là ai nếu không phải là những người dân địa phương sinh sống và bảo tồn không gian mình đang ở?
Ở Việt Nam, mọi ngã đường thông tin đều dẫn đến Ban Tuyên giáo.
Chính vì thế, chiều nay lại có họp báo do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin truyền thông chủ trì sẽ có thông tin cho toàn dân.
23 ngày sau khi thảm họa xảy ra, đã có người chết (3) tại khu vực đầy nghi vấn, và mọi nỗ lực trấn an dân dường như đã thất bại.
Với Internet, sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội hiện nay, thì việc bưng bít thông tin và cố tình ngu dân bằng nhiều hình thức mập mờ đánh lận khác rồi sẽ nhận được sự phán xét của lịch sử.
Đánh giá thảm họa lần này cùng đạo đức, trách nhiệm của các lãnh đạo là quyền của toàn dân.
Bên cạnh đó với công bố rằng: “đối với pháp luật Việt Nam, hệ thống ống thải, xả thải ngầm là không cho phép” của Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà sau buổi kiểm tra hệ thống xử lý nước thải là khẳng định cuối cùng về đường ống xả ngầm tại Formosa.
Các vị tự nhận mình là tinh hoa bẩn bựa hãy câm mồm lại, và để chúng tôi lên tiếng vì môi trường cho đời sau!
Hãy lên tiếng để bảo vệ môi trường biển - đó là trách nhiệm của thế hệ chúng ta!
Mẹ Nấm
(FB Nguyễn Ngọc Như Quỳnh)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét