Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Phải diệt những ‘con sâu làm rầu nồi canh’


Cao Huy Huân - Phải diệt những ‘con sâu làm rầu nồi canh’

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Ba, ngày 19 tháng 4 năm 2016 | 19.4.16




Trung úy Nguyễn Văn Bắc xin lỗi chị Trần Tú Anh tại trụ sở Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội (ảnh chụp từ trang Vietnamnet)


Mấy hôm nay dư luận vẫn chưa hết xôn xao về video clip với tiêu đề “Công an nhổ nước bọt vào người dân” được lan truyền trên mạng xã hội lẫn báo chí Việt Nam. Xem qua chỉ biết thở dài: lại thêm một “con sâu” làm rầu nồi canh, làm sầu luôn những người trong bàn tiệc.


Người quay video clip này là chị Tú Anh, một người dân thủ đô Hà Nội. Chị thuật lại trên báo: Rạng sáng hôm ấy, Trung úy Nguyễn Văn Bắc, cảnh sát khu vực phường Trung Liệt đã tìm đến căn hộ chị Tú Anh đang thuê, bấm chuông yêu cầu kiểm tra hành chính. Tuy nhiên chị Tú Anh không mở cửa vì cho rằng thời gian đang là ban đêm, cán bộ công an không trình ra giấy tờ đầy đủ để thuyết phục được người dân. Khi hai bên đang lời qua tiếng lại, chẳng biết thế nào mà ông Bắc gí sát mặt vào cửa nhà và chị Tú Anh nói lớn: “Anh nhổ nước bọt phải không… tôi sẽ gửi hình ảnh này lên công an để xem hành động anh nhổ nước bọt vào mặt tôi như thế nào…”. Người cán bộ công an này không nói gì và một lúc sau thì cùng với một người đàn ông lớn tuổi khác mặc sắc phục của lực lượng bảo vệ dân phố đi vào thang máy.


Công an quận Đống Đa đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Trung uý Bắc để làm rõ vụ việc. Chính ông Bắc cũng thừa nhận hành vi chưa chuẩn mực của mình và công khai xin lỗi chị Tú Anh, và được chị Tú Anh “tha thứ”. Không biết rốt cuộc vị trung úy này sẽ bị xử ra sao, nhưng chuyện tưởng chừng nhỏ qua đoạn clip này lại mở ra nhiều vấn đề lớn về cách hành xử của công chức với người dân.


Thứ nhất, tôi chẳng thể hình dung một cảnh sát, với hàm trung úy, lại gõ cửa dân mà lại không thể thuyết phục dân bằng giấy tờ, bằng chứng hợp pháp (theo lời chị Tú Anh) khi làm nhiệm vụ. Chẳng phải Việt Nam đang hướng tới một nhà nước pháp quyền, tức thượng tôn pháp luật, hay sao? Làm gì có chuyện công an muốn gõ cửa dân lúc nào thì gõ; kiểm tra lúc nào thì kiểm… Tôi còn chưa nói đến chi tiết kiểm tra hành chính giữa ban đêm, khoảng thời gian nghỉ ngơi của dân, cũng là khi cái xấu, cái ác trong xã hội “tỉnh giấc” và dễ hành động nhất. An ninh trật tự tại Việt Nam nói chung và Hà Nội mấy năm quả là rất phức tạp. Tỷ lệ tội ác gia tăng, các vụ án cướp của giết người kinh hoàng, đâu phải các nhân viên công an không biết. Việc làm nhiệm vụ giữa ban đêm không sai luật nếu các nhân viên công an có đủ lý do và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo luật định. Kiểm tra theo kiểu Trung úy Bắc, thử hỏi làm sao người dân không quy chụp cho công an cái tội nhũng nhiễu dân lành?


Thứ hai, cần phải xem xét và xử lý nặng hành vi của Trung úy Bắc. Không thể chấp nhận một cảnh sát lại có hành vi kiểu nhổ nước bọt vào dân. Tôi từng nghe vài người bạn của tôi học ở Đại học an ninh, Đại học cảnh sát nhân dân ở Việt Nam kể về quá trình đào tạo đạo đức lẫn nghiệp vụ của họ. Những người bạn làm cảnh sát của tôi khiêm tốn, cẩn thận và chu đáo. Họ lễ độ và chấp pháp tuyệt đối. Có lần ra Hà Nội chơi, đứa bạn tôi chạy về nhà gần chục cây số để lấy mũ bảo hiểm chứ quyết không chở bạn với cái đầu trống không. Nó bảo: “Dân chúng thấy hết, mình không đội mũ bảo hiểm thì đòi phạt được ai”. Nó nói vậy giữa một tuyến đường Hà thành đầy rẫy những người chạy vượt đèn đỏ và không đội mũ bảo hiểm.


Có vậy mới thấy cái đạo đức với người công an quan trọng biết chừng nào. Họ không chỉ phải chấp pháp, mà bản thân họ phải làm gương trước khi điều tra hay ngăn chặn những hành vi sai luật của bất kỳ người dân nào. Tôi tin chắc ông Bắc cũng được đào tạo về việc ứng xử khi xảy ra mâu thuẫn với dân (tôi cố tin như vậy). Dù thế nào thì khi hành vi ứng xử cơ bản về mặt đạo đức và nghiệp vụ không được tuân thủ, nếu không có những lý do xác đáng thông cảm được (mà tôi thấy trường hợp của ông Bắc là không) thì phải xử lý thật nghiêm khắc. May cho ông Bắc là chị Tú Anh, một người dân điển hình Việt Nam vốn hiền lành, không thích va chạm, “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”. Ở Mỹ, người ta có thể kiện ông Bắc và ông phải hầu tòa vì tội “đe dọa và hành hung” (assault and battery) người dân. Ngay cả khi dân có tha thứ, thì cơ quan cũng có thể đuổi việc ông bởi ông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của ngành cảnh sát.


Chuyện của Trung úy Bắc không phải là mới trong một loạt rất nhiều các vụ bê bối liên quan đến ngành công an nói chung trong những năm qua. Nó không gây chấn động dư luận, nhưng nó dẫn đến những tiếng thở dài bất lực, sự mất niềm tin kéo theo mất tín nhiệm, kèm theo những cái lắc đầu tặc lưỡi ngao ngán đến khó chịu. Vẫn có hàng ngàn cảnh sát ngày đêm làm việc, thậm chí mất cả sức khỏe và mạng sống để phục vụ cho nền an ninh, sự an toàn của người dân. Họ xứng đáng được tôn vinh, khen ngợi hơn là gộp chung với nhóm những cảnh sát vừa thiếu nghiệp vụ, chấp pháp có vấn đề, vừa coi khinh dân thường, hành động sai quấy gây hại cho hình ảnh người cảnh sát. Thế nên không có lý do gì không xử công khai để làm gương cho những người khác, xử thật nghiêm khắc để răn đe những ai manh nha tư tưởng làm việc thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức nghề nghiệp, thiếu cả sự tôn trọng đối với người dân. Đừng để người dân đã mất niềm tin, lại kéo dài cái cảm giác đi làm đóng thuế để trả lương cho những người chỉ biết nhũng nhiễu họ mà thôi.


Blog Cao Huy Huân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét