Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016
Nhà nước không tư cách.
Người Buôn Gió - Nhà nước không tư cách.
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Ba, ngày 19 tháng 4 năm 2016 | 19.4.16
Toà án ở đây là toà án nước CHXHCN Việt Nam, cụ thể là toà án thành phố Hà Nội mở phiên toà xét xử Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thuý vì vi phạm điều 258.
Điều 258 là một điều luật mơ hồ, khiến chế độ có thể áp dụng tuỳ tiện để trấn áp quyền tự do ngôn luận. Ví dụ việc phê phán sai lầm của lãnh đạo nhà nước CHXHCN Việt Nam sẽ dẫn đến bị quy kết là xâm phạm lợi ích cá nhân, lợi ích tổ chức. Tức phê phán cá nhân lãnh đạo ĐCSVN là phê phán tổ chức đảng CSVN. Những quy kết đó sẽ trở thành một vụ án được khởi tố và tiếp đó là một phiên toà.
Ngày 23 tháng 3 năm 2016, khi toà án Hà Nội đưa anh Vinh và chị Thuý ra xét xử. Dân biêủ của quốc hội cộng hoà Liên Bang Đức có đến Hà Nội để theo dõi phiên toà mà nhà nước Việt Nam gọi là xét xử công khai. Nhưng ông dân biểu Martin Patzelt không được bảo vệ toà án Hà Nội cho vào dự phiên toà. Lý do mà toà án Việt Nam đưa ra là hết chỗ ngồi.
Vậy mà tờ báo Nhân Dân, tờ báo đại diện tiếng nói của Đảng CSVN, hoạt động bằng ngân sách nhà nước đến 46 tỷ một năm. Tờ báo này đưa một bài viết nói rằng việc ông dân biêủ Đức Martin Patzelt không được vào vì lý do ông không có tư cách theo pháp luật Việt Nam.
Một mặt nhà nước Việt Nam nói với ông dân biểu Đức rằng phiên toà hết chỗ ngồi. Mặt khác họ giải thích với người dân Việt Nam trên báo rằng, ông dân biểu ấy không được cho vào vì không đủ tư cách. Rằng không có thế lực ngoại bang nào có đủ tư cách can thiệp vào công việc xét xử của toà án Việt Nam.
Tháng 2 năm 2008 Việt Nam và Đức ký tuyên bố chung về hợp tác pháp luật và tư pháp. Đến năm 2012 ký thêm hiệp ước đối thoại về nhà nước pháp quyền. Kèm theo hiệp ước này là hàng chục triệu euro của Đức đã cho Việt Nam để dùng vào mục đích cải thiện hệ thống pháp luật.
Tháng 1 năm 2016 Đức đã mời phái đoàn Việt Nam đến thăm trại giam giữ tù nhân Heidering ở Berlin. Nói về chuyến thăm của phái đoàn Việt Nam tới trại giam này, quan chức phụ trách chính sách nhân quyền và nhân đạo Đức cho biết chuyến thăm này nằm trong chương trình nước Đức hỗ trợ cho Việt Nam cải cách hệ thống pháp luật và nhân quyền.
Trở lại với phiên toà tại Hà Nội xét xử Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thuý, ông Martin Patzelt giải thích với ông Vũ Quốc Dụng giám đốc '' Mạng lưới những người bảo vệ nhân quyền Veto '' sau khi ông được đọc bản dịch từ bài báo của tờ báo Nhân Dân. Ông Martin Patzelt cho biết ông đến phiên toà theo sự uỷ nhiệm của quốc hội công hoà Liên Bang Đức.
Các chi tiết trên cho thấy, ông dân biểu Marin Patzelt của Đức đến phiên toà xét xử Nguyễn Hữu Vinh tại Hà Nội là nằm trong chương trình thoả thuận hợp tác cải thiện pháp luật giữa hai nước Đức Việt đã ký kết. Cũng như việc phái đoàn Việt Nam được chính phủ Đức mời sang tham quan cặn kẽ ngõ ngách nhà tù của Đức.
Việc nhà nước Việt Nam không có ông dân biểu Đức vào dự phiên toà với lý do hết chỗ ngồi là việc làm hèn hạ, không tuân thủ giao ước hai bên. Nhưng càng hèn hạ và đếu cáng hơn, báo Nhân Dân đã xuyên tạc rằng ông dân biểu Đức tự ý mò đến phiên toà và đã bị từ chối vì không đủ tư cách. Cốt để lừa bịp dân chúng rằng chế độ họ mạnh và hành xử đúng luật.
Nhà nước Việt Nam ký giao ước với Đức cải cách pháp luật, nhân quyền để nhận khoản tiền hỗ trợ từ phía Đức. Ông dân biểu Đức sẽ không đủ tư cách đòi vào quan sát phiên toà Hà Nội xét xử Nguyễn Hữu Vinh trong trường hợp chế độ Việt Nam không nhận tiền hỗ trợ tư pháp, không ký kết gì với Đức về việc này. Còn đã ký kết, đã nhận tiền của chính phủ Đức mà khước từ dân biểu Đức theo dõi phiên toà là một hành vi lật lọng trơ tráo của nhà cầm quyền Việt Nam.
Hành vi lật lọng ấy không phải là của người có tư cách hay nhân phẩm, mà nó của loại không có gì để mất. Loại có danh dự, không có tiền bạc, không có một chút giá trị nào để người ta có thể trừng phạt chúng. Hành vi này có hiệu quả đối với những người có tấm lòng nhân ái.
Lẽ ra một chế độ mạnh và có tư cách, không cần phải nhận tiền của quốc gia khác để hỗ trợ cải cách tư pháp, pháp luật. Bản thân chế độ đó tự hào nền tư pháp của mình hoàn thiện, tiến bộ để không phải nhờ cậy đến bất kỳ ai. Lẽ ra một chế độ không mạnh, vì nguyên nhân khách quan nền tư pháp và nhiều thứ khác trong đất nước không được tiến bộ, bất đắc dĩ nhận tiền viện trợ để hoàn thiện cho hệ thống pháp luật, tư phát tốt hơn. Nhưng chế độ ấy vì có tư cách, họ sẽ sử dụng đồng tiền theo đúng cam kết của người cho, và mang tấm lòng ngay thẳng.
Chế độ CHXHCN Việt Nam không mạnh và cũng chẳng có tư cách. Hành xử với các nước nhân đạo theo cái kiểu bọn vô lại đối với người tử tế. Nhận tiền hỗ trợ rồi không làm, đã không làm lại còn trơ tráo bịp bợp việc không thực hiên giao ước bằng cách xuyên tạc, vu khống người người cho tiền. Như một kẻ ăn xin sắp chết đói, hàng ngày nhận tiền của người tốt, mà giọng vẫn ba hoa người ta cho tôi vì họ thích thế, chứ tôi không cần.
Nước Đức có thể không quan tâm đến Việt Nam, không phải mất công cho chế độ Việt Nam tiền để rồi phải theo dõi, đòi hỏi Việt Nam phải tử tế hơn. Là một nước bác ái và nhân đạo, họ luôn giúp đỡ con người trong khả năng mà họ có. Chính vì sự nhân đạo ấy mà họ cưu mang cả những loại người như Hồ Ngọc Thắng, tác giả bài báo trên báo Nhân Dân. người xưng danh là Việt Kiều đang sinh sống tại Đức, giờ đang nhục mạ quan chức của Đức.
Điều trớ trêu khi tên Hồ Ngọc Thắng đang sống nhờ nước Đức lại nhục mạ quan chức Đức, trong một vụ án mà quan chức Đức bênh vực cho người Việt Nam đang bị xét xử vì tội nói xấu quan chức Việt Nam.
Nhưng một chế độ mất tư cách tất sẽ có những tên bồi bút, chủ bút mất tư cách.
Đến lúc hàng triệu người dân Việt Nam cần phải phân định rõ, cái tư cách của chế độ Việt Nam ngày nay không phải là tư cách của dân tộc Việt Nam. Đừng để cả dân tộc phải lây vết nhơ của chế độ cộng sản Việt Nam tạo ra. Hãy chứng minh cho thế giới hiểu rằng chế độ cộng sản Việt Nam vô ơn, thất tín...nhưng đó không phải là đặc tính của dân tộc Việt Nam này.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét