Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016
'Chủ quyền quốc gia đang bị xâm phạm'
'Chủ quyền quốc gia đang bị xâm phạm'
Reply
news
2.4.16
News.Zing
Đại biểu Lê Văn Lai phát biểu trong phiên họp chiều 1/4. Ảnh: Ngọc Ý.
Đại biểu Lê Văn Lai cho rằng, thời trung cổ, dù bị treo cổ Galileo vẫn nói trái đất vẫn xoay. Còn hiện nay, nếu có một Galileo của Việt Nam, ông sẽ nói Biển Đông đang bị xâm phạm.
Thảo luận kinh tế - xã hội chiều 1/4, đại biểu Quốc hội Lê Văn Lai bày tỏ, ông rất ngạc nhiên khi tất cả báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đều đánh giá vấn đề Biển Đông là ta đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia.
Đánh giá như vậy trong khi bị lấn từ đảo ngầm thành đảo nổi, xây sân bay, đưa giàn khoan, tên lửa ra đảo, o ép dân, cướp bóc và thậm chí là giết chóc. "Người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm chủ quyềnnhư vùng nhận diện hàng không".
"Tôi đã cố gắng ép mình đồng thuận với đánh giá này nhưng ép không nổi. Những hành vi này không có từ nào khác là xâm phạm chủ quyền quốc gia" - ông Lai nói.
Tính ra, với tần suất 20 năm một lần, Trung Quốc lại xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Năm 1956 lấy đông Hoàng Sa. 1974 lấy tây Hoàng Sa. 1988 lấy đảo Gạc Ma. 2014 kéo giàn khoan vào Biển Đông. Bây giờ tần suất ngày càng dày hơn.
"Chúng ta ngồi đây điềm nhiên đánh giá bảo đảm chủ quyền quốc gia, có đúng không? Chính sách, quyết sách, đối sách vì thế có phù hợp? Tôi thiết tha đề nghị xem lại, đánh giá đúng mới có chủ trương, kế sách đúng" - đại biểu Lai băn khoăn.
"Thời trung cổ, Galileo nói trái đất vẫn xoay. Còn hiện nay, nếu có một Galileo của Việt Nam, ông sẽ nói Biển Đông đang bị xâm phạm" - đại biểu Lai khẳng khái.
Chúng ta không phát động chiến tranh, không muốn chiến tranh, chúng ta yêu chuộng và bảo vệ hòa bình, nhưng đánh giá tình hình phải đúng. Đánh giá lịch sử quan hệ, đưa vào sách giáo khoa để dạy con em đúng, đủ chưa?, ông Lai trăn trở.
Ông nêu lại nguyên tắc, trong đánh giá quan hệ với Trung Quốc, cần "phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn. Nếu không đánh giá đúng, dân không chịu."
Kết thúc phần phát biểu của mình đại biểu Lai xin lưu ý 2 điều với những người kế nhiệm: Với giặc nội xâm phải diệt được tham nhũng, với giặc ngoại xâm phải bảo vệ được chủ quyền. Nếu làm được hai điều đó thì nhân dân sẽ tôn vinh.
Tại sao cán bộ hay cho con cháu định cư ở nước ngoài
Trước đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa dành cả 7 phút thảo luận về kinh tế xã hội tại nghị trường để nói về Tổ quốc và nhân dân.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định, diễn biến trên Biển Đông có thể sẽ căng thẳng, gay gắt, phức tạp hơn, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá quyết liệt tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Đồng ý với đại biểu Võ Thị Dung (TP HCM), ông cho rằng đất nước đang có ngoại xâm và nội xâm, nghĩa là chúng ta đang bị xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm bằng sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đang bị đe dọa và thách thức nghiêm trọng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường. Ảnh: Ngọc Ý.
"Vậy thì chúng ta phải làm gì? Trước hết, tôi nhất trí với quan điểm phát triển đầu tiên nêu trong báo cáo của Chính phủ, đó là phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất", ông nói.
Rồi ông xin bổ sung vào phần quan điểm phát triển của báo cáo một đoạn: Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên lòng yêu nước của đồng bào trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Theo ông Nghĩa, câu nói này giống như một khẩu hiệu quen thuộc, ai cũng tán thành, nhưng vừa qua nhận thức về nội hàm của nó có sự không nhất trí. Do đó, có những chủ trương, biện pháp gây tổn thương đến khối đại đoàn kết dân tộc, làm ly tán lòng người.
Để thực hiện đột phá trong đổi mới tư duy phát triển nhất quán đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích người dân là mục tiêu cao nhất và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên lòng yêu nước của đồng bào trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước chúng ta phải làm gì?
Thứ nhất, phải làm cho đất nước là nơi đáng sống, người dân và người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi.
Hiện nay, không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi, một bộ phận cán bộ, công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho mình hay con cháu mình định cư ở nước ngoài, không phải vì nghèo, vì tiền mà vì cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Thứ hai, phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải có tự do dân chủ, an toàn, an ninh, công bằng, công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, có văn hóa, đạo đức tốt đẹp, làm cho người dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển.
Thứ ba, trong phát triển kinh tế và tiêu dùng hàng ngày phải động viên 90 triệu đồng bào thắt lưng buộc bụng, cần cù siêng năng, thanh niên chăm học, chăm làm, bớt nhậu nhẹt, tiêu xài phung phí.
Doanh nghiệp nội địa không vì lợi ích thiển cận ích kỷ, dìm nhau, phá nhau trên thị trường, thậm chí đầu độc nhau bằng thực phẩm, chế biến độc hại. Chấm dứt các dự án gây ô nhiễm tàn phá thiên nhiên và đã hủy hoại môi trường sống.
Cán bộ, công chức giảm bớt lãng phí và tuyên thệ không tham nhũng khi nhậm chức và trước mắt cố gắng giảm bớt tham nhũng trong quan hệ với dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, phải tăng cường thực chất khối đại đoàn kết của 54 dân tộc, đoàn kết vùng miền, đoàn kết đồng bào trong, ngoài nước, hàn gắn các vết thương của quá khứ và không khoét thêm những vết thương mới.
Nhận diện đúng bạn thù
Thứ năm, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, nghĩa là phải xác định cho đúng ta, bạn, thù. Ta là đồng bào 54 dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, ta là nhân dân ta. Bạn là những ai ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Còn thù là thế lực thù địch, đó là những thế lực cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn, an ninh của đất nước.
Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và là bạn của ta cho dù có sự khác biệt về phương pháp, về quan điểm và về nhận thức. Xác định không đúng ta, bạn, thù, có thể xảy ra tình hình thay vì thêm bạn, bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn, coi bạn là thù và coi thù là bạn, thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, ta vì tăng cường đại đoàn kết thì lại làm suy yếu đại đoàn kết dân tộc.
Hàng ngàn năm qua dân tộc ta đã luôn phải chống lại những kẻ ngoại xâm đông và mạnh hơn mình, nhưng cuối cùng vẫn luôn luôn thắng lợi, bởi vì nuôi dưỡng và tập hợp được lòng yêu nước của toàn dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
"Cuối cùng, xin nhắc lại câu thơ có ý nghĩa lịch sử sâu xa của nhà thơ Tố Hữu và xin phép điều chỉnh lại đôi chút cho phù hợp với tình hình hiện nay: "Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền cả biển sâu", đại biểu Nghĩa nói.
Theo ông, nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước và dân tộc này đã tồn tại hơn 4.000 năm qua, cũng nhờ nó mà dân tộc Việt Nam giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Quốc hội muốn Chính phủ chủ động hơn trong bảo vệ chủ quyền
Theo Công Khanh - Phương Loan ghi
News.Zing
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét