Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Thượng bất chính, hạ tất loạn: Lập bốt thu phí vào… cổng làng Khoai *


Thượng bất chính, hạ tất loạn: Lập bốt thu phí vào… cổng làng Khoai *


Reply
Hưng yên, hạ tất loạn, loạn thu phí, làng Khoai, thượng bất chính, Xã hội
27.9.15


Đầu làng, cuối làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đều có bốt thu phí, mỗi xe từ 10-15 nghìn đồng. Sự việc diễn ra hàng chục năm.


Chuyện lập bốt thu phí vào cổng làng, ngỡ chỉ có ở các vùng quê cách đây mươi, mười lăm năm hay trên các bộ phim hài. Lạ thay, câu chuyện ấy vẫn đang diễn ra ở làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Đầu làng, cuối làng đều có bốt thu phí, mỗi xe từ 10-15 nghìn đồng. Sự việc diễn ra hàng chục năm, nhưng khi được hỏi, từ lãnh đạo thị trấn cho tới UBND huyện đều lắc đầu: “Không nắm được thông tin, để chúng tôi kiểm tra”.






Vé được in cả xấp, tự ký, tự xé rồi thu tiền

Không xe nào thoát Làng Khoai hay còn gọi là thôn Minh Khai nhiều năm nay được mệnh danh là thủ phủ rác của cả nước. Cả thôn hơn 1.000 hộ dân thì hơn 90% làm nghề tái chế nhựa, rác thải. Con đường nhỏ từ QL 5 dẫn vào làng nườm nượp xe tải, ba gác. Trời nắng, bụi mù mịt, mùi xú uế bốc lên không khí ngộp thở. Cách cổng chào “Làng văn hóa thôn Minh Khai” có một chiếc bốt nhỏ bằng tôn xanh, lố nhố mấy người đàn ông ngồi trò chuyện như pháo rang. “Tít, tít, tít…”.


Từng chiếc xe tải đi về phía cổng làng, bật xi-nhan tấp vào cạnh chiếc bốt. Một thanh niên da đen nhẻm, đầu đội mũ cối, uống vội chén nước vối, nhổm dậy chạy lại. Nhanh thoăn thoắt, anh này lấy bút ghi biển kiểm soát (BKS) xe vào chiếc vé bé bằng hộp diêm đưa cho tài xế. Tay kia cầm nhanh tiền nhét vào túi quần. Xe loại nhỏ thu 10 nghìn đồng, 15 nghìn đồng với xe to. Cứ thế, từng đoàn xe ra vào tấp nập như hội. Qua tìm hiểu, thanh niên này tên Tuấn, người làng Khoai.


Đang ngồi uống nước, bỗng một xe tải màu trắng BKS Hà Nội phóng vù qua chốt. Tuấn đứng phắt dậy gọi với “này…”. Chiếc xe vẫn lao qua cổng làng. Ghi lại BKS, Tuấn điện báo cho bốt cuối làng để thu phí. Xong việc, Tuấn vào trong bốt, cầm ra một tập vé dày cộm, tươi màu mực mới, xỉa xỉa ra đếm rồi ký tên. Tập vé in rõ dòng chữ “Thu phí ra vào cổng làng”, không hề có con dấu hay đơn vị cấp phát. Cuối buổi chiều, xe tải về làng Khoai đổ hàng càng đông. Mặc nguy hiểm, thanh niên này lao ra giữa đường, xé vé đưa qua cửa kính cho cánh lái xe rồi cầm tiền. Liên tục như vậy, trong một buổi chiều, xấp vé cứ mỏng dần, mỏng dần. Còn tại bốt thu phí cuối làng, cũng luôn có một người đàn ông túc trực. Xe nào ra có vé thì cho đi.


Xe nào không có vé, muốn đi bắt buộc phải thò tiền ra. Không một xe nào thoát. Tự thu, tự chi? Để tìm hiểu rõ sự việc, PV NNVN tìm gặp ông Nguyễn Như Cánh, Trưởng thôn Minh Khai. Sau nhiều cuộc điện thoại, ông Cánh cho biết rất bận, không thể trao đổi trực tiếp. Qua điện thoại, ông Cánh cho biết, việc thu lệ phí vào làng là phong tục đã nhiều năm “từ thời các cụ”. Từ khi làng Khoai phát sinh nghề tái chế nhựa, rác thải, xe cộ, lượng công nhân từ địa phương khác đổ về, tình hình có nhiều bất ổn. Xã Như Quỳnh (nay là thị trấn Như Quỳnh) liền thành lập một tổ 5 người có nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ an ninh trật tự địa bàn làng Khoai.


Theo ông Cánh, vì ngân sách có hạn, mỗi tháng, xã chỉ chi trả phụ cấp cho một bảo vệ số tiền 400 nghìn đồng. Thu nhập trung bình của công nhân ở đây là 160 nghìn đồng/ngày. Trong khi, mức phụ cấp của bảo vệ, nếu chia ra chỉ được 13 nghìn đồng/ngày. Cũng theo ông Cánh, do tiền công bèo bọt, đội bảo vệ muốn bỏ việc. Không còn cách nào khác, thôn ban hành quy định khoán trắng cho đội bảo vệ. Theo đó, số tiền thu được từ 2 bốt, cuối năm sẽ tổng hợp lại. Không cần biết được bao nhiêu, thôn thu 80 triệu đồng cho vào ngân sách. Còn bao nhiều, đội bảo vệ tự chia với nhau.


Mọi khoản đều tự thu, tự chi, không cần báo cáo thị trấn. “Chúng tôi chỉ thu xe nơi khác về thôi. Nhưng nhiều trường hợp người làng vẫn nhảy lên lái để trốn thu phí. Đó là những tay bố láo, bố lếu”, ông Nguyễn Như Cánh, Trưởng thôn Minh Khai. Khi được hỏi, ai là người cung cấp, phát hành vé thu tiền, ông Cánh cho biết, cái này do đội bảo vệ tự đi in. “Chúng tôi giờ chỉ thu những xe từ các địa phương khác đến chở hàng thôi. Xe máy, ô tô người dân trong làng đứng tên, bảo vệ tuyệt đối không được thu. Xe nhỏ dưới 2,5 tấn thì 10 nghìn, trên 2,5 tấn thì 15 nghìn. Xe to hơn 3,5 tấn, chúng tôi không cho vào làng, nếu bảo vệ nào thu tiền rồi cho vào làng sẽ bị xử phạt”.


Về mục đích của việc thu phí, ông Cánh cho biết, thôn sẽ dùng số tiền đó vào việc tu bổ, sữa chữa đường trong thôn. Mới đây, do bức xúc vì bị thu phí quá nhiều lượt, một người dân đã to tiếng, thậm chí xô xát với người thuộc đội bảo vệ thôn. Một người dân cho biết, việc thu phí ở đây diễn ra lâu lắm rồi. Xe nào chở gần, một ngày quay đầu chục lần thì “ăn” luôn cả chục vé. Tài xế chỉ biết kêu trời. Để làm rõ hơn sự việc, PV NNVN “gõ cửa” các lãnh đạo UBND thị trấn Như Quỳnh và UBND huyện Văn Lâm. Tại UBND huyện Văn Lâm, sau khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Hào, Chánh văn phòng liền rút điện thoại gọi cho ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh. Qua điện thoại, ông Thắng cho biết, chưa nắm được bất kỳ thông tin gì về vụ xô xát liên quan tới “phí vào làng”.


Về câu chuyện thu “phí vào làng”, ông Hào cho biết, rất cảm ơn PV đã thông tin, đến thời điểm này, huyện chưa nắm được. Cũng theo ông Hào, việc thu tiền vào làng là tục lệ xa xưa. “Tuy nhiên, nếu muốn thu phí, làm vé bắt buộc phải đăng ký với Chi cục Thuế huyện. Đây sẽ là đơn vị cấp phép cũng như in ấn vé. Nếu như đúng luật, muốn thu vé phải đăng ký kinh doanh, có mã số thuế và phải đóng thuế cho Nhà nước. Làm như thế này thì không ổn rồi”, ông Hào khẳng định. Không chỉ lập bốt thu phí, tại nhiều con đường trong làng Khoai, nhiều tấm biển cấm ô tô loại gì, trọng tải bao nhiêu cũng được dựng lên. Dù lượng tiền thu được từ phí “tu bổ, bảo dưỡng” rất lớn, nhưng những con đường ở làng Khoai ngày một xuống cấp. Duy chỉ có con đường dẫn từ làng nghề ra đình được trải bê tông sạch đẹp, còn lại là đá dăm trơn trượt.


Theo Kế Toại (báo Nông Nghiệp Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét