Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Bảo hiểm Y tế bắt buộc: Chuyện ngược đời


VNTB - Bảo hiểm Y tế bắt buộc: Chuyện ngược đời
Reply
1+, BHYT, Phương Thảo, VNTB, Xã hội, y tế bắt buộc
20.9.15


Phương Thảo (VNTB) Một năm học mới, phụ huynh phải đóng hàng chục thứ phí khác nhau bên cạnh học phí, trong đó có những thứ phí rất ngớ ngẩn như phí dọn vệ sinh, phí nước uống. Thêm vào đó năm nay thầy cô giáo còn lại được khuyến khích đi thu bảo hiểm y tế của học sinh, và phải coi “tỉ lệ mua BHYT của HSSV là mục tiêu thi đua.”



Đảng và nhà nước rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe của nhân dân, vậy thì phải bắt đầu từ khâu bảo vệ sức khỏe. Ảnh: minh họa

Mục tiêu thi đua?

Ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT đã tuyên bố rằng: “Một số trường coi tỉ lệ mua BHYT của HSSV là mục tiêu thi đua. Tôi cho rằng đây là giao ước rất có trách nhiệm. Chính phủ đã chấp nhận chỉ tiêu tham gia BHYT được xem là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương, là một trong các chỉ tiêu tính vào thi đua các ngành, địa phương.”


Như vậy ngành giáo dục đã được làm chuột bạch cho đợt thi đua truy thu bảo hiểm trên toàn quốc. Một em học sinh phải đóng hơn 543.700 tiền bảo hiểm cho một năm và đóng một lần vào đầu năm học. Cũng có tin cho rằng các trường được trích hoa hồng 4% khi thu BHYT bắt buộc của học sinh. Việc được 4% tiền hoa hồng này là “ để chi trả tiền thù lao thu BHYT cho các cơ sở giáo dục (được quy định tại Thông tư số 134/2011/BTC của Bộ Tài chính) cũng là sự động viên các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo.” Như vậy mỗi một lớp học 40 học sinh khi truy thu đủ tiền BHYT thì thầy cô giáo cũng được hưởng gần 870 nghìn. Nếu tính theo số học sinh trong cả nước, số tiền hoa hồng này sẽ là bao nhiêu?


Chỉ tiêu tham gia BHYT được xem là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương và được tính vào thi đua. Thi đua để làm gì? Nhận cờ luân lưu, nhận huân chương hay nhận tiền thưởng? Vậy thì phải hỏi ngược lại ông Phạm Lương Sơn, tiền BHYT sẽ giúp phát triển kinh tế -xã hội địa phương như thế nào? Phải chăng tiền BHYT sẽ được sử dụng để xây bệnh viện, trang bị các thiết bị y tế, mua thuốc, đào tạo y bác sỹ và dược sỹ? Có lẽ là vậy vì bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc BHXHVN đã phân trần “Các bạn đi bệnh viện có thấy nhếch nhác không, bác sĩ của ta rất giỏi nhưng cứ phải bó tay thế, rồi chuyện người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh,.. Nếu không ủng hộ thì bao giờ có nền y tế tốt được?”


Chuyện ngược đời


Bảo hiểm y tế ở các nước châu Âu là bắt buộc nhưng không muốn mua cũng không ai thúc ép đến từng người phải mua. Người không mua bảo hiểm sẽ phải tự chịu mọi rủi ro khi cần sử dụng các dịch vụ y tế mà nếu không có tiền bảo hiểm sẽ không bao giờ trả nổi các chi phi đắt đỏ. Bù lại học được hưởng các dịch vụ y tế tốt và không ai cảm thấy phiền về điều này. Muốn được bảo hiểm ở mức nào là tùy chọn, và nếu là các gia đình có thu nhập thấp sẽ được cơ quan thuế vụ hoàn trả lại khoản tiền vượt quá mức bảo hiểm y tế căn bản.


Bà Minh cũng đã dẫn dụ ra các nước Úc, Thái lan, Singapore phải đóng BHYT như thế nào, nhưng dường như bà quên mất một điều là trẻ em được miễn phí bảo hiểm y tế . Ở Âu châu trẻ em đến 18 tuổi được miễn bảo hiểm y tế hoặc chỉ phải đóng một mức bảo hiềm tượnng trưng rất thấp chung với bố mẹ. Vậy ai là người trả tiền chi phí thăm khám sức khỏe cho trẻ em? Đó là dân chúng, và bằng tiền thuế họ đóng vào. Còn trẻ em Việt Nam lại bị bắt buộc đóng BHYT?


Nếu so sánh với Việt nam khi cho là mức BHYT thấp hơn nhiều so với nước ngoài. Và cho rằng phải ủng hộ nền y tế nước nhà bằng cách đóng tiền BHYT là một tuyên bố rất ngớ ngẩn. Người phải xây và trang bị các dụng cụ hiện đại cho các bệnh viện là nhà nước và từ tiền thuế của nhân dân. Tiền BHYT chỉ để trang trải cho chi phí khám chữa bệnh, tiền thuốc men, tiền công cho các bác sỹ, nha sỹ hay các chuyên viên. Tiền BHYT không phải là tiền đóng góp để xây dựng xã hội, mà là tiền trả trước cho dịch vụ mà người dân sẽ sử dụng khi cần.


“Nâng cao chất lượng y tế thì đương nhiên phải nâng mức đóng”



Mức chất lượng phục vụ y tế có tương ứng với tiền bảo hiểm? Các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm phải đi khám đúng tuyến và chỉ ở các bệnh viện công, nơi cơ sở trang thiết bị và cơ ngơi vẫn y nguyên như 40 năm về trước. Người nghèo hay người có thẻ BHYT phải luôn chờ đợi rất lâu mới tới lượt và các bác sỹ, y tá vẫn than phiền mức thù lao có vài chục ngàn đồng cho một ca mổ hay một ca khám chữa bệnh. Tăng phí lên để có chất lượng tốt là một lý luận không có cơ sở.


Nếu muốn so sanh hãy so sánh với Mỹ, Âu châu. Người nghèo được hỗ trợ tiền BHYT nhưng khi thăm khám, chữa bệnh thì mọi người như nhau, không phân biệt người nghèo hay không, người đóng đầy đủ bảo hiểm hay người được trợ giá BHYT dù nhân viên y tế họ biết tất cả mọi thông tin của bệnh nhân từ nhà ở cho đến số an sinh xã hội.


Đảng và nhà nước rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe của nhân dân, vậy thì phải bắt đầu từ khâu bảo vệ sức khỏe, sau đó đến việc cải thiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT cũng được hưởng dịch vụ tốt và đối xử như người bình thường ở các bệnh viện. Đến lúc ấy, không cần các vị phải đi kêu gọi phong trào thi đua “thu tiền BHYT”, giáo viên phải đi làm nhiệm vụ thu BHYT để nhận 4% hoa hồng, mà người dân sẽ tự nguyện đóng tiền BHYT một cách vui vẻ bởi họ biết họ sẽ nhận được điều xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét