Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Hãy tránh xa ra


Hãy tránh xa ra

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 28 tháng 9 năm 2015 | 28.9.15


Chuyện ông Lê Phước Hoài Bảo, con trai của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam, được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh, khi mới tròn 30 tuổi, đang khiến dư luận xôn xao./ GĐ Sở KH-ĐT trẻ nhất nước.




Ông Lê Phước Hoài Bảo (SN 1985), vừa được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.


30 tuổi, cũng không sao, vấn đề là người được bổ nhiệm đó có thực sự có tài năng hay không? Và việc bổ nhiệm đó có đúng quy trình, quy định không?


Quyết định số 82/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 của Bộ Nội vụ có ghi rõ ở mục 6, là về chuyên môn nghiệp vụ, người được bổ nhiệm Giám đốc Sở hoặc tương đương ở các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương phải có trình độ ngạch chuyên viên chính trở lên… và tốt nghiệp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính trở lên.


Ngoài ra, để đảm bảo chặt chẽ về năng lực chuyên môn, quyết định trên còn quy định người được bổ nhiệm phải có 5 năm công tác trở lên trong ngành, trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao… Cho đến nay, chưa có quyết định nào thay thế cho quyết định 82/QĐ-BNV cả.


Một người phải có 9 năm giữ ngạch chuyên viên, mới có thể được cử đi thi chuyên viên chính. Ông Lê Phước Hoài Bảo tốt nghiệp đại học Đà Nẵng năm 22 tuổi. Sau khi tốt nghiệp đại học, nếu được tuyển vào làm công chức ngay và muốn trở thành chuyên viên, phải qua 2 năm tập sự. Nghĩa là phải đến năm 24 tuổi, ông mới có thể trở thành chuyên viên.


Từ đó, ông lần lượt trải qua các chức vụ trưởng phòng xúc tiến đầu tư Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai, Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, sau đó mất 2 năm đi làm Thạc sỹ ở nước ngoài, rồi được đề bạt làm Phó giám đốc Sở KH-ĐT vào tháng 5/2015 và 4 tháng sau đó làm Giám đốc Sở.


Tính ra, ông hoàn toàn không thể trở thành chuyên viên chính, và cũng không đủ 5 năm công tác, trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành tại Sở KH-ĐT, theo quy định tại quyết định trên của Bộ Nội vụ.


Dư luận đặt câu hỏi: Nếu không có bố làm Bí thư Tỉnh ủy, thì ông Lê Phước Hoài Bảo có được đề bạt cấp tốc, bất chấp các quy định như vậy không?


Cách đây 6 thế kỷ, vua Lê Thánh Tông đã ban hành luật “Hồi Tỵ” (nghĩa là tránh xa ra), trong đó quy định rằng những người có cùng quan hệ huyết thống, quan hệ đồng hương hay quan hệ thầy trò, bạn bè, thì không được cùng làm quan hay cùng làm việc trong cùng một địa phương, một công sở. Nếu có, thì phải báo lên để triều đình điều chuyển những người đó đi các địa phương khác.


Thời Minh Mạng triều Nguyễn, nhà vua tiếp tục hoàn thiện luật “Hồi Tỵ” này. Ngoài việc tránh những mối quan hệ như trên, người làm quan còn không được làm quan ở quê gốc, quê ngoại, ở nơi trú quán, nơi học hành. Đây là một điều luật rất quan trọng, nó bảo đảm cho người làm quan không sa vào, hay không bị chi phối bởi những mối quan hệ riêng tư, có thể làm ảnh hưởng đến việc cai trị, dẫn đến bẻ cong chính sách, pháp luật của triều đình.


Người xưa đã sáng suốt vậy, sao người nay không biết học theo?


Vũ Hữu Sự


(Nông Nghiệp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét