Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

- Báo chí được (bị) qui hoạch ra sao?


Trương Duy Nhất - Báo chí được (bị) qui hoạch ra sao?

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 26 tháng 9 năm 2015 | 26.9.15



Sáng nay 25/9/2015, Bộ Thông tin- Truyền thông chính thức công bố nội dung bản “qui hoạch báo chí”. Những qui định ngặt nghèo nhằm siết chặt, dẹp bỏ bớt đầu báo trong bản qui hoạch này đã ít nhiều khiến dư luận hoang mang. Bởi nếu vậy, ngay cả tờ báo lớn như Tuổi Trẻ cũng phải đóng cửa.

Tuy nhiên, trả lời MGNK tối nay, Thứ trưởng Thông tin- truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Với những tờ báo có số lượng công chúng và sức ảnh hưởng lớn như Tuổi Trẻ tất nhiên không thể đóng cửa, mà sẽ theo cách chuyển lên cấp chủ quản cao hơn.

Còn với những tờ khác như Pháp luật TP HCM, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Thể thao TP HCM… có được phép tồn tại không, bởi qui định cấp địa phương TP HCM chỉ được phép tồn tại 1 tờ báo in của Thành uỷ. Chẳng lẽ xoá hết các báo này, hay gộp chung hết vào tờ Sài Gòn Giải Phóng?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Tuấn cho hay: Sắp tới Bộ TTTT sẽ bàn tính với TP HCM, nhưng cũng có thể các tờ báo này sẽ chuyển thành những phụ bản chẳng hạn.

Các Bộ ngành và địa phương khác cũng vậy, nhiều toà báo sẽ phải xoá tên đóng cửa, hoặc may mắn thì chuyển sang một dạng khác: những tờ phụ bản!

Nhiều nhà báo sẽ thất nghiệp hoặc chuyển sang viết… blog!

Bài của nhà báo Huy Đức:

GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG

“Quy hoạch” cho thấy não trạng bao cấp hoặc cho thấy sự sợ hãi, thù ghét báo chí của các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, điều này chỉ làm suy yếu báo chí nhà nước, một công cụ mà thực ra dẫu có mạnh thì cũng chỉ có lợi cho chế độ.

Nếu tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận đã ghi trong Hiến pháp thì việc quy hoạch báo chí nhà nước là rất cần và phải dựa trên nguyên tắc: Những cơ quan đã nắm giữ các quyền lực nhà nước (các bộ, tòa án, VKS, Chính phủ…) thì không nắm các cơ quan ngôn luận. Chính phủ, Quốc hội có thể có một cơ quan thông tin (chứ không phải ngôn luận).

Không nói các bộ, ngành khác, thử xem: Công an vừa bắt người, báo chí của Công an đã mô tả người bị bắt như tội phạm; tòa án vừa có quyền kết án hình sự, phán quyết dân sự lại có quyền ra “bản án công luận…” thì làm sao còn có thể tiến hành tố tụng khách quan, công lý làm sao còn tồn tại.

Đặc biệt, điều quan trọng hơn, ngân sách chỉ được chi để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, tuyệt đối không được chi cho các cơ quan ngôn luận của các đảng phái, tổ chức chính trị và kể cả các cơ quan quyền lực khác.

Nếu theo nguyên tắc này thì các tờ báo đang trực thuộc các cơ quan quyền lưc nhà nước hiện nay sẽ được bán, ưu tiên bán cho những người đang trực tiếp làm những tờ báo đó. Những tờ báo khác không thuộc diện phải từ bỏ cơ quan chủ quản thì cắt ngân sách ngay, ai có khả năng tự hạch toán kinh doanh thì tồn tại, ai không có khả năng thì phá sản.

Quốc hội rất cần chất vấn về những khoản ngân sách đã được sử dụng cho các cơ quan báo chí né tránh sự thật và không nói tiếng nói của người đóng thuế.

Nguồn: facebook Trương Huy San

NỘI DUNG BẢN QUI HOẠCH BÁO CHÍ CỦA BỘ TTTT:


Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước có thể có 1 cơ quan tạp chí in


Định hướng quy hoạch đối với báo in và tạp chí in là sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan báo in có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 1 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm phụ).

Các cơ quan báo in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, cơ quan cấp Bộ, ngành cấp trung ương (trừ các quân khu, quân chủng), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý.

Các cơ quan báo chí in được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo in chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định. Đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng miền.

Về phương án sắp xếp: Ban chấp hành trung ương (đảng) có báo Nhân Dân, tạp chí Cộng sản và giữ nguyên số ấn phẩm hiện có. Mỗi ban của đảng có 1 cơ quan tạp chí in làm chức năng chỉ đạo, thông tin lý luận, khoa học và nghiệp vụ.

Văn phòng quốc hội có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in.

Bộ, cơ quan ngang Bộ có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Cơ quan thuộc Chính phủ có 1 cơ quan tạp chí in. quân khu, quân chủng có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Tổng cục thuộc Bộ có 1 cơ quan tạp chí in. Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có 1 cơ quan tạp chí in khoa học chuyên ngành.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân, báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 cơ quan báo in thuộc đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí in chuyên ngành. Các sở, ngành không có cơ quan báo in.

Mỗi tổ chức chính trị – xã hội trung ương có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam có 1 cơ quan báo in trực thuộc liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên.

Hội nhà báo Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Mỗi tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 1 cơ quan tạp chí in.

Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có thể có 1 cơ quan tạp chí in.

Cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có 1 cơ quan tạp chí in.

Lộ trình thực hiện là trước năm 2017 tiến hành sắp xếp thí điểm tại một số cơ quan, địa bàn để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trong cả hệ thống. Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.

Đến năm 2020, các đài truyền hình địa phương tự chủ về tài chính


Định hướng quy hoạch đối với phát thanh, truyền hình như sau:

Hệ thống phát thanh, truyền hình đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm các chương trình sản xuất trong nước đạt tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng. Việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình truyền hình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao, giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng.

Đến năm 2020, các đài truyền hình địa phương tự chủ về tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền.

Đối với truyền hình trả tiền, số lượng kênh truyền hình nước ngoài được phép khai thác nguyên kênh trên hệ thống không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác.

Các kênh truyền hình Thông tấn xã Việt Nam (chủ quản Thông tấn xã Việt Nam), kênh truyền hình đài Tiếng nói Việt Nam (chủ quản đài Tiếng nói Việt Nam), kênh truyền hình Công an nhân dân (chủ quản Bộ Công an), kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam (chủ quản Bộ Quốc phòng), kênh truyền hình Quốc hội (chủ quản đài Tiếng nói Việt Nam), kênh truyền hình Nhân Dân (chủ quản báo Nhân Dân) không xây dựng hệ thống truyền dẫn, phát sóng riêng biệt.

Về phương án sắp xếp: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 đài phát thanh truyền hình. Mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền. Bảo đảm chương trình sản xuất trong nước đạt tối thiểu 70% thời lượng phát sóng.

Riêng đài Hà Nội và đài TP.HCM có cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, phạm vi thông tin, nên mỗi đài có tối đa 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền.

Các trung tâm truyền hình khu vực của đài Truyền hình Việt Nam chỉ thực hiện chức năng sản xuất chương trình cho đài Truyền hình Việt Nam tại khu vực đó, không phát sóng riêng kênh chương trình khu vực.

Đến năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình trên cả nước hoàn thành việc sắp xếp theo phương án này.

Nhà nước hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực

Định hướng quy hoạch đối với báo và tạp chí điện tử cũng đã được công bố cụ thể. Theo đó, định hướng sắp xếp hệ thống báo điện tử cơ bản tương tự như báo in.

Cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo in thì được xuất bản báo điện tử. Các cơ quan tổ chức được xuất bản tạp chí in thì có thể có phiên bản điện tử (đăng đúng nội dung của tạp chí in). Quản lý chặt chẽ phiên bản điện tử của tạp chí in để không hoạt động như báo điện tử.

Các cơ quan, tổ chức dưới cấp Bộ, ngành, tỉnh (là cấp không được có báo in) mà hiện có báo điện tử thì sắp xếp theo hướng chuyển cơ quan báo điện tử sang trực thuộc cấp Bộ, ngành, tỉnh.

Các tổ chức, xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước chỉ có tạp chí điện tử, không có báo điện tử. Tạp chí điện tử chỉ được thể hiện đúng tính chất tạp chí, tránh tình trạng sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

Các báo điện tử hiện có thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước thì sắp xếp lại theo hướng thay đổi cơ quan chủ quản cho phù hợp với quy hoạch.

Về cơ bản, các báo điện tử tự cân đối tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài).

Sắp xếp hệ thống các báo điện tử gắn với đổi mới công nghệ, quản lý nhằm phát huy tối đa lợi thế về bao phủ thông tin, khả năng tương tác, tìm kiếm thông tin và xâu chuỗi sự kiện, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ đa phương tiện, trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin mạng.

Về lộ trình thực hiện, các cơ quan nào vừa có báo in và báo điện tử thì sắp xếp theo lộ trình của báo in. Các cơ quan báo chí có báo điện tử sắp xếp trước năm 2017.

Nguồn: Infonet

Trương Duy Nhất

(Một Góc Nhìn Khác Blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét