Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Việt Nam - thế đất và thế nước


VNTB - Việt Nam - thế đất và thế nước

Nguyễn Văn Thạnh (VNTB) Nhà bác học Albert Einstein có nói “tôi may mắn hơn con kiến, khi đi trên đường, tôi biết là đường cong” (vì trái đất có địa cầu). Không chỉ con kiến mà rất ít người trong chúng ta khi đi trên đoạn đường ngắn lại nghĩ là đường cong. Ngụ ý của câu nói này là người người có trí tuệ, có hiểu biết thường thấy được điều xa mà người bình thường không thấy.




Hiện nay con người tìm ra hai thuyết lớn chi phối đời sống con người trên quả đất: thuyết trôi dạt các lục địa và thuyết va chạm giữa các nền văn minh.

Chúng ta sống trên vỏ quả đất tưởng chừng như rất cứng, trên đó chúng ta xây nhà, làm đường, dựng nhà máy,….nhưng thật ra chúng ta đang sống trên các mảng kiến tạo đang trôi dạt trên vỏ quả đất. Các mảng kiến địa trôi dạt với tốc độ rất chậm nhưng ở những nơi chúng tiếp xúc nhau sẽ gây ra hiện tượng động đất hoặc núi lửa.

Có một dân tộc không may mắn sống nơi tiếp giáp giữa hai mảng kiến địa là người Nhật. Để có thể thịnh vượng, xây dựng được nhà cửa, đường xá, cầu cống, thậm chí là nhà máy điện hạt nhân, đòi hỏi người Nhật phải thấu hiểu đất mẹ và người Nhật đã làm được điều này.

Tất nhiên trí tuệ con người vẫn chưa qua được mẹ thiên nhiên nên năm 2013, người Nhật chịu tai họa kép động đất, sóng thần làm nổ cả nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhưng người Nhật với trí tuệ của mình đã khắc phục sự cố rất nhanh.

Từ khi con người thoát thai từ con khỉ, cách đây tầm 2 triệu năm. Trong hai triệu năm tiến hóa, loài người đã lan tràn khắp địa cầu và sống tương đối ổn định với những nền văn minh khác biệt. Chúng ta có thể thấy các nền văn minh: Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo,… Các nền văn minh này khi tiếp xúc nhau sẽ có sự va chạm lẫn nhau. Sự va chạm này có thể gây ra hiện tượng xáo trộn xã hội, thay đổi xã hội thậm chí là chiến tranh. Chúng ta có thể phân ra làm hai loại nền văn minh chính theo thể chế chính trị là dân chủ và độc tài.

Người Việt Nam chúng ta may mắn hơn người Nhật là sống trên một mảnh đất mẹ ổn định, không có họa động đất, núi lửa nhưng chúng ta lại là nơi tiếp giáp giữa hai nền văn minh: dân chủ và độc tài. Càng đi về phía bắc, chúng ta đi về phía độc tài: Hà Nội, Bắc Kinh, Maxtcova,….Trung Quốc và Nga là xứ sở độc tài của những đế quốc to lớn. Hai đế quốc này, người dân có niềm tự hào dân tộc (lòng tự hào dân tộc thường có xu hướng bị lớp cầm quyền khai thác để xây dựng chính quyền trung ương mạnh) cũng như chịu sự cai trị chặc chẽ của chính quyền vì nhu cầu chống loạn trong xã hội.

Do hai đặc điểm trên nên hai xứ Trung Quốc và Nga là hai xứ rất khó để tiến lên dân chủ. Càng đi về phía nam (ở nước ta) không khí dân chủ càng tốt hơn. Miền Nam chúng ta liên kết với khối Asean, thông ra biển với giao thương buôn bán tự do từ hàng trăm năm trước. Chúng ta dễ dàng thấy và cảm nhận một điều: càng đi về hướng nam, tâm hồn con người cũng cởi mở, dân chủ hơn.

Cũng như sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo, hai nền văn minh dân chủ và độc tài cũng có sự dịch chuyển lẫn nhau.

Giai đoạn 1945 - 1975 gió độc tài rất mạnh, vì con người mới thoát khỏi chiến tranh thế giới, nhiều nước phong kiến đói nghèo mới giành được độc lập lại bị hấp lực của chủ nghĩa cộng sản. Luồn gió này thổi từ Kremlin, Bắc Kinh qua Hà Nội, thổi vô Sài Gòn. Gió độc tài thổi bay miền nam tương đối dân chủ dù người Mỹ ý thức điều này họ đã không tiếc tiền của, sinh mạng để giữ nhưng không giữ nổi. Xin nói thêm là người Mỹ đã thành công ở Hàn Quốc vì thế đất Hàn Quốc là bán đảo nên chỉ cần giữ chặt biên giới ở khu phi quân sự là gió độc tài bị chặn lại. Sự xâm nhập người và phương tiện chiến tranh qua đường biển rất khó. Ngược lại nước ta có rừng rậm và biên giới với các nước Lào, Campuchia. Trong thời chiến tranh, phần lớn con người và vũ khí thẩm lậu qua hai nước này để từ bắc vào nam.

Tuy nhiên, từ năm 1995 đến nay (2015), ngược lại, gió dân chủ lại thắng thế. Gió độc tài suy yếu đi vì lý tưởng chủ nghĩa cộng phá sản tại chính quê hương của nó là nước Nga (Liên Xô, Đông Âu tan rã) và con người bước vào toàn cầu hóa với phát minh ra internet. Gió dân chủ bắt đầu thổi ngược lại các miền độc tài.

Các mảng kiến địa di chuyển qua lại sẽ sinh ra tai họa động đất, núi lửa; sự yếu mạnh của các nền văn minh sẽ sinh ra sự vận động và va chạm giữa chúng. Khi các nền văn minh va chạm với nhau như nói ở trên sẽ sinh ra bất ổn xã hội.

Các bạn sẽ hỏi tôi có mảnh đất nào trên quả địa cầu này giống Việt Nam không. Tôi xin trả lời là Ucraina. Đây cũng là mảnh đất tiếp giáp giữa hai nền văn minh: đông giáp Nga là xứ độc tài, Tây giáp liên Âu là mảnh đất dân chủ. Đất nước này cũng chịu sự va chạm giữa các nền văn minh. Năm 2004, nữ thủ lĩnh tóc vàng Tymoshenko thực hiện cách mạng nhung đưa gió dân chủ lên cao nhưng sau đó bị tổng thống Yanukovych dựa vào Nga lật được thế cờ, tức gió độc tài thắng thế. Đến năm 2014, một lần nữa gió dân chủ thổi mạnh làm Yanukovich bỏ chạy sang Nga.

Nơi bạn sống, nếu thay đổi nóng lạnh một cách từ từ, bạn sẽ thích nghi mà không sinh bệnh. Nếu thay đổi đột ngột, bạn sẽ bị cảm, thậm chí sinh bệnh nặng. Tương tự như vậy nếu các luồn gió này (dân chủ và độc tài) thay đổi từ từ thì xã hội sẽ thay đổi trong trật tự. Ở xứ Ucraina, có lẽ gió dân chủ đã thổi quá mạnh khi gió độc tài cũng còn khá lớn nên sinh ra đổ vỡ xã hội, chiến tranh. Tất nhiên thời nay con người đi vào văn minh internet (với tốc độc truyền tin nhanh chóng) và nhân tính lên cao nên không có cảnh chiến tranh tàn khốc như ở nước ta giai đoạn 1945-1975.

Nói như thế để chúng ta thấy thế đất chúng ta sống. Sau 40 năm làm chiến sĩ đi đầu cho phe cộng sản, hôm nay rất có thể chúng ta lại làm chiến sĩ đi đầu cho phe dân chủ. Rõ ràng, câu chuyện dân chủ không chỉ là câu chuyện của riêng người Việt Nam mà còn là câu chuyện của văn minh nhân loại. Con người đang tiến dần lên từ nền văn minh độc tài đến nền văn minh dân chủ.

Trong cái thế vận động này, không may dân tộc lại ở tiến đầu, lại kẹt cứng giữa hai nền văn minh lớn: một bên là Trung Quốc (có đồng minh là Nga) và một bên là khối dân chủ với thủ lĩnh là Hoa Kỳ.

Trong cái thế đất và thế nước như vậy, để có thể kiến tạo được xã hội hạnh phúc, đòi hỏi người Việt Nam phải có đủ trí tuệ và bản lĩnh như người Nhật. Và trước hết, chúng ta phải làm sao cho dân tộc chúng ta hiểu được thế đất và thế nước mình đang sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét