Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Ngập úng danh hiệu “ưu tú” và “nhân dân”


VNTB- Ngập úng danh hiệu “ưu tú” và “nhân dân”

Giang Nam





(VNTB) - Ấy là chưa nói đến chuyện “nhân dân” bị lạm dụng trong lãnh vực chính trị như “công an ND, quân đội ND, ủy ban ND, tòa án ND, báo Nhân Dân”. v.v… Danh chẳng như thực !


Mấy tuần nay dư luận ồn ào bàn bạc chưa ngớt trên các diễn đàn lề phải và lề trái về việc ban xét danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và nghệ sĩ nhân dân dành cho nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc Nhiều cuộc phỏng vấn nghệ sĩ. Phần lớn tỏ ra oán trách hoặc mỉa mai nhà cầm quyền Bộ văn hóa, về tiêu chí, tiêu chuẩn, về cách thức bầu chọn, về thủ tục xin-cho, về nạn “chạy” danh hiệu. v.v…


Nhân đây chúng tôi trình bày một nghiên cứu nhỏ về chuyện đó.


Mọi chuyện bắt đầu từ Liên Xô cũ.


Ngay từ quốc hiệu “cộng hòa XHCN” cũng từ đó mà ra. Kể cả khi “mẫu Liên Xô” đã vứt bỏ quốc hiệu đó.


Danh hiệu “anh hùng” cũng từ Liên Xô, nước ta còn chơi bạo hơn: phong cả xã anh hùng, huyện anh hùng, tổ đội anh hùng nữa.


Liên Xô cũ có Giải thưởng Lê Nin, Stalin thì Việt Nam có Giải thưởng Hồ Chí Minh.


Và hàng nghìn điều bắt chước khác nữa, không kể xiết.


Danh hiệu nghệ sĩ xuất sắc từ tiếng gốc Liên Xô là лауреат артист, nhưng được dịch bắc cầu qua tiếng Trung Quốc là “nghệ sĩ công huân”. Sang Việt Nam gọi là Nghệ sĩ ưu tú.


Danh hiệu nghệ sĩ dân tộc ở Liên Xô, tiếng Nga là народный артист. Chuyển sang Việt Nam là Nghệ sĩ nhân dân.


Nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ ưu tú là hai danh hiệu phổ biến ở Liên Xô, Đông Âuhệ thống xã hội chủ nghĩa trước kia. Hiện nay hai danh hiệu này vẫn còn được trao tặng cho nghệ sĩ tại ba nước: CHLB Nga, Thổ Nhĩ KỳViệt Nam.
Nhà nước Việt Nam dịch chệch đi một tý, gọi là “nghệ sĩ nhân dân” (ý chừng tránh chữ “dân tộc” vì sợ rằng ở Việt Nam sẽ lẫn với từ “dân tộc thiểu số” vốn quen nói/viết tắt là “dân tộc”, ví dụ trong Quốc hội có “ủy ban dân tộc” (thiểu số)[1].


Ở nước ta có “Ủy ban thi đua khen thưởng” do phó chủ tịch Nứớc cầm trịch. Lại còn có một cơ quan gọi là “Viện huân chương” trực thuộc chính phủ. Trong hai cơ quan đó có họa sĩ chuyên việc “vẽ vời” các hình mẫu giấy khen, bằng khen, huy hiệu, huy chương, huân chương và các mẫu kỷ niệm khác.


Ở Việt Nam, cũng như Liên Xô cũ, phải trải qua “NS.ưu tú” mới được xét “NS dân tộc/NS nhân dân”.


Việt Nam đổi khác Liên Xô một tý, tặng luôn cho cả thầy giáo và thầy thuốc.


Chúng tôi nhận thấy Liên Xô, Việt Nam đều mắc sai lầm cơ bản khi đặt ra hai danh hiệu không dùng một thang đo.


Bàn về thang đo năng lực và danh hiệu


Đánh giá học lực: thường dùng điểm số từ 1 đến 10 hoặc chữ cái ABCD.
Phân hạng: Nhất, Nhì, Ba hoặc ABC.
Đánh giá bằng tính từ: xuất sắc, giỏi, ưu tú (mức thấp hơn là khá, trung bình, yếu).
Phân loại huy chương dựa trên chất liệu kim loại là: vàng, bạc, đồng.
Phân loại huân chương: nhiều tiêu chí đặt tên khác nhau, tiêu chí chung là vật bằng kim loại, hợp kim.


Các tiêu chí đó đều dễ hiểu với mọi người. Nghe qua là biết ngay mức nào cao, mức nào thấp hơn.


Nhìn chung, danh hiệu phải dùng chung một cái thang đo.


Liên Xô đã dùng lẫn lộn thang đo giữa hai danh hiệu: “công huân” (ưu tú) và “dân tộc” (nhân dân) thì biết ai cao hơn, giỏi hơn?


“Ưu tú” là tính từ chỉ phẩm chất (người).“Nhân dân” là danh từ chỉ tập hợp số lượng đông người.


Tréo ngoe!


Lẽ thường, người ta nghĩ ngay “ưu tú” là cao hơn “nhân dân” rồi. “Ưu tú” nghĩa là “tốt đẹp hơn người”. Còn “nhân dân” dù sao nghe cũng có vẻ “bình dân”, bình thường, kém hơn ưu tú. Hóa ra ngược lại !


Ấy là chưa nói đến chuyện “nhân dân” bị lạm dụng trong lãnh vực chính trị như “công an ND, quân đội ND, ủy ban ND, tòa án ND, báo Nhân Dân”. v.v… Danh chẳng như thực !


Than ôi, biết bao nhiêu từ ngữ, ý niệm ở Việt Nam bị lạm dụng khiến loạn ngôn từ và thiếu chính danh, kể sao cho xiết !


Một ngày nọ, xem TV thấy bản tin ngắn “Viện huân chương được tặng thưởng huân chương lao động hạng Ba”. Tivi chiếu cảnh bà phó chủ tịch nước tươi cười nghiệp vụ trao huân chương cho lãnh đạo Viện huân chương. Tôi chợt băn khoăn tự hỏi “sao không tặng huân chương hạng Nhất, hạng Nhì cho họ?”. Rồi tự đáp: có lẽ cái Viện này sản xuất được ít mẫu huân huy chương, không đạt chỉ tiêu năng xuất, và vẽ xấu chăng?


Thực sự, trao danh hiệu chẳng phải nhà nước thực lòng vinh danh nghệ sĩ, mà chỉ để chứng tỏ quyền lực nhà nước quản lý nghệ sĩ mà thôi.


“Nghệ sĩ nhân dân” thì phải do nhân dân phong chứ. Nói cách khác, phải lấy ý kiến thăm dò của nhân dân mới gọi là dân chủ.


Hãy xem hai cấp xét duyệt là Hội đồng Bộ văn hóa và Hội đồng cấp Nhà nước hành hạ “người xin” như thế nào:


Theo báo mạng Zing.vn, “NSƯT Minh Thu đang từ Italy nhưng có những chia sẻ rất thẳng thắn với Zing.vn. Nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát Chèo Việt Nam cho hay, "Hồ sơ xin xét duyệt danh hiệu NSƯT của tôi được gửi lên Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch từ năm 1994 và tới năm 1997, tôi được trao danh hiệu NSƯT. Kể từ đó tới nay, tôi đạt thêm được 2 HCV và 2 HCB và hàng chục giải thưởng khác, trong đó có cả giải Quốc tế dành cho thành tích dàn dựng chương trình nghệ thuật cho đoàn dân gian UNESCO Việt Nam đi tham dự liên hoan văn hóa tại Hàn Quốc.


Gia đình tôi có 3 đời gắn bó với nghệ thuật chèo. Bản thân tôi trong 40 năm làm nghề luôn nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp, sự yêu quý của khán giả. Lý lịch của tôi hoàn toàn trong sạch. Vậy dựa theo tiêu chí xét duyệt, tôi đủ tư cách để được phong tặng danh hiệu NSND. Tuy nhiên, đây là lần thứ 2, tôi bị từ chối".


Bàn thêm về “Nhà giáo ưu tú và Nhà giáo nhân dân”


Ngành giáo dục thường chả mấy ai để ý đến chuyện phong danh hiệu. Một phần khá lớn lo việc dạy thêm, làm thêm. Ngoài ra cũng chả ai bàn tán thắc mắc gì.


Giả sử có phong danh hiệu cho ai đó cũng chẳng mấy người biết. Hóa ra áo gấm đi đêm. Nghệ sĩ là người của công chúng nên thiên hạ quan tâm bàn tán hơn cũng phải.


Chưa bao giờ thấy cơ sở trường học đề xuất tặng danh hiệu, mà đều do ý kiến chỉ đạo từ một cấp trên nào đó, cơ sở chỉ lo lăng xăng làm thủ tục. Cuối cùng, phần lớn cán bộ lãnh đạo giáo dục lại “ẵm” hai danh hiệu đó (tình trạng này giống như bên danh hiệu nghệ sĩ).


Khi công bố cán bộ GV nào đó được phong tặng danh hiệu, chả ai phàn nàn gì, chả ai thắc mắc gì. Có lẽ cái sĩ khí phong cách nhà giáo cơ bản là không háo danh nên chẳng ồn ào. Sự im lặng của họ chứng tỏ cái việc đó chẳng đáng bàn bạc chi. Khi nghe nói ai đó là “NG. ưu tú” hay “NG. nhân dân”, người ta bảo “thế à” rồi thôi.


Rút cục, tôi muốn chuyển ý kiến tới bà phó chủ tịch Nước: “thi đua như rứa có ích lợi, hiệu quả tích cực thực không? Nếu không, thì nên cải tiến như thế nào ?”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét