Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Nên rũ bỏ cái áo khoác Việt Nam là đàn em của Trung Quốc


VNTB - Nên rũ bỏ cái áo khoác Việt Nam là đàn em của Trung Quốc
Reply
Âu Cơ, Đào Đức Thông, Lạc Long Quân, news, politics, Trung Quốc, Việt Nam, Việt Thường, VNTB
5.11.17

Đào Đức Thông (VNTB) Còn sử sách của ta, trước thế kỷ 15 cũng chưa thấy dòng nào ghi chép rằng tổ tiên ta có dòng dõi từ phương Bắc, là anh em với tổ tiên người Trung Hoa.




Tổng quan


Trong lịch sử của bất cứ một quốc gia - dân tộc nào trên thế giới thời cổ đại, đều có hai mốc lịch sử quan trọng. Thứ nhất là sự xuất hiện của con người trên lãnh thổ nước đó, mốc mở đầu lịch sử gắn liền với cuộc sống của con người. Thứ hai là sự hình thành nhà nước đầu tiên khi cư dân nước đó bắt đầu tập hợp lại thành cộng đồng quốc gia, mở đầu lịch sử dựng nước và giữ nước.


Lịch sử Việt nam có hai phần: phần sử truyền thuộc về huyền sử, phần sử chép thuộc về lịch sử, cả hai loại đều có chuyện thật và chuyện không thật. Tất cả những gì lịch sử ghi chép không phải hoàn toàn đáng tin, mỗi triều đại đều có thể xuyên tạc lịch sử theo ý đồ của họ. Mưu đồ Chính trị có thể sử dụng lịch sử thành công cụ phục vụ lợi ích của nó.


Hiện nay, các tài liệu nghiên cứu lịch sử về giai đoạn thời Hồng Bàng - giai đoạn lịch sử thời thượng cổ của lịch sử Việt Nam có nhiều điểm chưa tương đồng. Một số cuốn sách khi đề cập tới cội nguồn của người Việt, đất nước Việt Nam ngày xưa đều bắt đầu bằng việc nhắc tới vua Kinh Dương Vương nhưng thông tin cụ thể về xuất thân của vị vua này gần như không có gì.


Theo truyền thuyết vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông. Đế Minh truyền ngôi cho 2 con trai là Đế Nghi và Lộc Tục. Đế Nghi làm vua phương Bắc (Trung Hoa bây giờ), Lộc Tục làm vua phương Nam (Việt Nam bây giờ). Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương. Lộc Tục là bậc thánh trí có tư chất thông minh, tài đức hơn người, sức khoẻ phi thường.


Nhà nước Việt Nam do Kinh Dương Vương hình thành sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất (2879 Tr.CN), đặt quốc hiệu là Xích Quỷ (tên một vì sao có sắc đỏ rực rỡ), đóng đô ở Hồng Lĩnh ( ngày nay là Ngàn Hống, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Sau đó dời đô ra Ao Việt (Việt Trì). Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân (huý là Sùng Lãm) (Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi).Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra 100 con. Con cả là Hùng Quốc Vương. Kinh Dương Vương tạ thế ngày 18/1 tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (Bắc Ninh ngày nay).


Từ các thông tin sử sách đáng tin cậy để lại cho hậu thế chúng ta thấy Kinh Dương Vương ngày xưa có thể là danh hiệu đời sau người dân truy tặng cho một tù trưởng bộ lạc đã góp công vào việc thống nhất tộc người Lạc Việt, có thể là tù trưởng bộ lạc Văn Lang trước Hùng Vương. Sự nghiệp của ông được tiếp nối bởi Lạc Long Quân và Hùng Vương đời thứ nhất. Niên đại của Kinh Dương Vương là trước thế kỷ VII TCN, theo các bằng chứng khảo cổ học thì nhà nước đầu tiên Văn Lang được thành lập vào thế kỷ VII TCN.


Những thông tin nghi vấn


Căn cứ ghi chép trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bộ sử chính thống của ta, được hoàn thành vào đời vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 10 (1479) thì Kinh Dương Vương là Cha Đẻ của Lạc Long Quân, và là Ông Nội của Hùng Vương thứ nhất, mà Kinh Dương Vương lại là em (cùng cha khác mẹ ) với Đế Nghi, một vị vua phương Bắc, vậy thì dòng dõi của người Việt ta là “đàn em” của người Trung Quốc ở phương Bắc?


Nếu chúng ta chịu khó để tâm tìm hiểu, nghiên cứu các bộ sử của Trung Quốc thì sẽ thấy tuyệt nhiên không có bộ sử nào của người Trung Quốc xưa ghi chép những điều tương tự về Kinh Dương Vương như trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Mối quan hệ giữa người Trung Quốc và Việt Nam rất xa lạ.


Sách Thông Chí của Trịnh Tiều đời Tống chép: Vào đời nhà Tấn, Đào Hoàng, một viên thứ sử người Tàu sang cai trị nước ta, còn gửi thư về cho Tấn Vũ Đế: “Giao Châu là dải đất chưa mở mang, ở một phương trời xa cách , phải hai, ba lớp thông ngôn mới hiểu, liên tiếp với mấy hòn đảo giữa biển, bề ngoài cách nước Lâm Ấp chỉ vài ngàn dặm…”





Ở đây, Đào Hoàng cũng phải dùng đến 2, 3 lớp thông ngôn, tức là “trùng dịch” , hay là “nhiều lần thông dịch” như ghi chép của người xưa. Vậy thì làm sao có chuyện anh em cùng một gốc được?


Đó là sử sách Trung Quốc. Còn sử sách của ta, trước thế kỷ 15 cũng chưa thấy dòng nào ghi chép rằng tổ tiên ta có dòng dõi từ phương Bắc, là anh em với tổ tiên người Trung Hoa.


Đại Việt sử lược, cuốn sử xuất hiện vào thế kỷ 14, đời Trần, trong phần Diên cách thời quốc sơ, có ghi:’Xưa, Hoàng Đế đã dựng xong vạn nước, thấy Giao Chỉ ở xa ngoài Bách Việt không thể chế ngự được, bèn vạch địa giới cho ở góc Tây Nam, gồm 15 bộ lạc… Đến đời Chu Thành Vương, Việt Thường Thị mới dâng chim trĩ trắng, sách Xuân Thu gọi Việt Thường Thị là Khuyết Địa, sách Đái Kỷ gọi là Điêu Đề. Đến đời Trang Vương , ở bộ Gia Ninh có một người dị kỳ biết dùng ảo thuật khuất phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, gọi nước là Văn Lang, , lấy sự thuần chất làm phong tục, buộc dây làm chính sự, truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”


Trước đó, vào đầu thế kỷ 14, An Nam Chí Lược của Lê Tắc trong phần Tổng Tự cũng ghi chép như sau: “Từ xưa, nước An Nam thông giao với Trung Quốc, thời vua Chuyên Húc phía Bắc đi tới U Lăng, phía Nam đi tới Giao Chỉ. …Qua đời Chu Thành Vương (1115 – 1079 Trước Công nguyên), họ Việt Thường qua 9 lần thông ngôn, tới cống hiến mà nói rằng: “Trời không có gió bão, không mưa dầm, ngoài biển không nổi sóng dữ đã ba năm nay, có lẽ ở Trung Quốc có đấng thánh nhân trị vì, sao chẳng tới chầu?”


Vậy thì, không nghi ngờ gì nữa, chuyện Tổ tiên người Việt ta là “em” của Tổ tiên người Tàu, chỉ là chuyên tưởng tượng của mấy nhà viết sử thế kỷ 15, tác giả của Đại Việt sử ký toàn thư mà thôi..


Nguyên nhân nào các nhà sử học thế kỷ 15 sáng tác ra câu chuyện “anh em”?


Thử nhìn lại lịch sử vào đầu thế kỷ 15, sau khi đánh đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi, nhà nước Đại Việt ta đang ở vào thời kỳ phát triển thịnh vượng. Qua các đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, chế độ phong kiến phát triển cực thịnh. Với ý thức độc lập, tự chủ, tự cường, các sử thần nhà Lê, tự thấy rằng, nước ta không thua kém gì bậc “đàn anh” Trung Hoa. Để cho Đại Việt “sánh ngang” với Trung Hoa, các sử thần Đại Việt đã cóp nhặt, đào bới trong sử sách, tạo ra một lịch sử tổ tiên mình với mong muốn là không thua kém gì Trung Hoa, có thua chăng chỉ tý chút. Tuy nhiên sự sáng tác đó chứa đựng nhiều điều phi lý, mâu thuẫn, trái ngược với logic của Lịch sử.





1. Trái với truyền thuyết. Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân vốn là giống Rồng, Âu Cơ là giống Tiên, chứ đâu phải là gốc Trung Hoa như trong “phả hệ” sáng tác của các nhà viết sử thế kỷ 15


2. Trái với thư tịch. Nếu người đứng đầu Việt Thường Thị là Kinh Dương Vương, đã là anh em cùng một gốc Trung Hoa thì tại sao khi đoàn sứ giả của ta sang Trung Quốc sứ lại phải qua nhiều lần dịch mới hiểu được nhau ?.


3. Trái với logic lịch sử.Lạc Long Quân – Âu Cơ phản ánh thời kỳ chế độ thị tộc Mẫu quyền, còn Việt Thường Thị thì đã phát triển thành quốc gia, đã từng cử sứ sang thông hiếu với nước ngoài. Có lẽ nào lịch sử Việt Nam đang là nhà nước lại quay về chế độ thị tộc Mẫu quyền , một bước thụt lùi xa đến hàng ngàn năm lịch sử ?


Kết


Tóm lại, việc các sử gia thế kỷ XV khoác cái áo anh em với Tàu cho các vị thủy tổ Lạc Long Quân – Âu Cơ phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp trí thức, sĩ phu, mong muốn rằng dân tộc Việt Nam ta không thua kém Trung Hoa. Tuy nhiên, hiệu quả của nó không như ý muốn mà lại gây ra những quan niệm hết sức sai lầm, lệch lạc về nguồn gốc dân tộc, dai dẳng mấy trăm năm nay, cho đến hiện tại vẫn chưa rũ bỏ được mà hệ lụy nhất là tư tưởng tự ti dân tộc, sợ Tàu, bị cái bóng của Trung Quốc bao trùm.


Chúng ta phải nhanh nhóng rũ bỏ cái áo khoác này để trả lại sự thật cho lịch sử Việt Nam, trả lại niềm tin vào bản thân cho dân tộc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét