Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Vì sao khó thu hồi 'tài sản quan tham'?



Vì sao khó thu hồi 'tài sản quan tham'?

Đăng bởi Tiểu Nhi on Thursday, November 23, 2017 | 23.11.17



Ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia bị khai trừ Đảng và bị kết án tử hình

Việc thu hồi tài sản quan chức tham nhũng đang làm nóng nghị trường Việt Nam trong lúc một luật sư bình luận với BBC rằng "quan chức thường chuẩn bị từ trước, không bao giờ đứng tên các tài sản giá trị lớn nên về mặt pháp lý thì họ 'vô sản' khi ra tòa.


Truyền thông Việt Nam cho hay, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có nhiều quy định thay đổi với tội phạm tham nhũng. Theo Điều 40, sẽ không thi hành án tử hình đối với những người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng. Hình phạt tử hình khi đó được chuyển thành chung thân.


Báo VnEconomy hôm 21/11 dẫn lời đại biểu Nguyễn Thanh Hồng của tình Bình Dương nói: "Nên áp dụng suy đoán có tội với tài sản bất minh. Tức là nếu tài sản không chứng minh được nguồn gốc, thì có nghĩa là bất minh." Nhưng đại biểu Nguyễn Văn Chiến của Hà Nội cho biết: "Nếu suy đoán có tội để xử lý cả tài sản không xác định được do tham nhũng hay không tham nhũng, chỉ cần không minh bạch, không giải trình được là tịch thu, thì e rằng không phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền tài sản của người dân."




'Chuẩn bị từ trước'




Trả lời BBC hôm 22/11, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói: "Theo tôi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi cần có quy định không nên xem xét đặc xá, ân xá đối với các tội danh liên quan đến tham nhũng. Và cần có những quy định khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội mạnh dạn tố cáo hành vi tham nhũng. Ví dụ như: miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và được hoàn trả lại tiền đưa hối lộ nếu người đưa hối lộ chủ động tố cáo hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn; thưởng gấp đôi số tiền tang vật cho người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng... Nếu luật hóa vấn đề này thì tôi tin chắc người có chức vụ quyền hạn muốn tham nhũng cũng không dám vì khi đó họ không biết sẽ bị người đưa hối lộ tố cáo lúc nào.




Một khi chưa xác định được bản chất của hành vi tham nhũng thì rất khó có thể đưa ra được giải pháp để triệt tiêu tham nhũng.




BBC: Theo luật sư, đối với những vụ thất thoát lớn như của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) thì cơ chế thu hồi sẽ là thế nào?




Luật sư Phùng Thanh Sơn: Trước hết là phải phân biệt nguyên nhân thất thoát. Không phải mọi khoản thất thoát nào cũng có thể thu hồi được. Nếu thất thoát do quản lý yếu kém hay kinh doanh thua lỗ thì chúng ta chỉ có thể xử lý kỷ luật, miễn nhiệm, cách chức những cá nhân liên quan chứ không thể bắt họ bồi thường được. Nếu tiền thất thoát đó là tiền dùng để đưa hối lộ thì chính những người nhận hối lộ phải hoàn trả lại chứ không phải là người đưa hối lội tại PetroVietnam.




Trong trường hợp này, người nhận hối lộ có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Nếu thất thoát xuất phát từ nguyên nhân chủ quan như cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế thì nhà nước sẽ tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội.




Việc thu hồi tiền tham nhũng hiện nay còn khiêm tốn theo tôi do xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Cơ quan tiến hành tố tụng không chủ động áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài sản, tài khoản của quan chức tham nhũng dẫn đến khi án có hiệu lực pháp luật thì quan chức "không còn tài sản" để thi hành án

Các quan chức tham nhũng thường đã chuẩn bị từ trước. Họ không bao giờ đứng tên các tài sản giá trị lớn. Họ thường để người thân trong gia đình đứng tên. Do đó, mặc dù bản án tuyên buộc quan chức tham nhũng phải bồi thường nhưng về mặt pháp lý thì họ "vô sản" nên cơ quan thi hành án cũng không thể làm gì được

Tòa án không mạnh dạn tuyên tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của quan chức tham nhũng

Do đó, theo tôi, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục được các nguyên nhân nói trên trong quá trình giải quyết vụ án thì việc thu hồi tiền thất thoát tại PetroVietnam sẽ hiệu quả hơn.


Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được truyền thông ghi nhận có những phi vụ 'gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng'

BBC: Ông nghĩ gì về ý kiến của một đại biểu Quốc hội nói một khi quan chức không giải trình được tài sản tức là tài sản đó có được do tham nhũng?


Luật sư Phùng Thanh Sơn: Dù đứng ở góc độ của người dân thì tôi cũng rất muốn đề xuất này được ghi nhận trong việc sửa Luật Phòng chống tham nhũng lần này. Tuy nhiên, dưới góc độ của một luật sư, tôi không đồng tình lắm.


Nếu xét về nguồn gốc hình thành một tài sản thì nó chỉ có xuất phát từ hai khả năng: hoặc là hợp pháp hoặc là bất hợp pháp. Trong khi đó, biểu hiện của hành vi bất hợp pháp thì trên thực tế có rất nhiều như trộm cắp, lừa đảo, chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật.... chứ không đơn thuần đến từ hành vi tham nhũng. Do đó, chỉ nên quy định người có chức vụ quyền phạn có nghĩa vụ kê khai tất cả tài sản mà mình đang sở hữu, quản lý, sử dụng và chứng minh tính hợp pháp của tài sản đó. Nếu những tài sản nào không được kê khai hoặc không chứng minh được tính hợp pháp của nó thì được xem là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu sung công quỹ.




BBC: Luật Phòng chống tham nhũng có những lỗ hổng hoặc khoảng mờ nào và khi sửa thì cần chú trọng vào điều khoản nào để có hiệu quả?




Luật sư Phùng Thanh Sơn: Dự luật chỉ mới định nghĩa một cách đơn giản tại Khoản 2 Điều 1 "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi" và liệt kê 12 hành vi tham nhũng tại Điều 3 mà chưa nêu lên được bản chất của hành vi tham nhũng. Một khi chưa xác định được bản chất của hành vi tham nhũng thì rất khó có thể đưa ra được giải pháp để triệt tiêu tham nhũng.




Theo tôi, tham nhũng là hành vi có chủ đích của người có chức vụ, quyền hạn để cung cấp một số lợi thế không phù hợp với nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn và quyền lợi của người khác; sử dụng vị thế của người có chức vụ quyền hạn để thu lợi cho cá nhân hoặc người khác mà việc làm đó trái với quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Điều kiện cần và đủ để một hành vi tham nhũng xảy ra là: (I) Phải có người có chức vụ quyền hạn; và (II) Hành vi cố ý; và (III) Mục đích vụ lợi; và (IV) Hành vi đó không phù hợp với nhiệm vụ, trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn hoặc trái với quyền và lợi ích chính đáng của người khác.




Do đó, để triệt được tham nhũng trong điều kiện hiện nay thì phải có cơ chế để người có chức vụ không thể vụ lợi. Muốn làm được điều này thì dự luật cần quy định rõ người có chức vụ quyền hạn và những người thân trong gia đình (cha mẹ, vợ chồng, con cái): (i) có nghĩa vụ phải công khai minh bạch tài sản và giải trình về nguồn gốc của tài sản.




Những tài sản nào không được công khai hoặc không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì được xem là tài sản bất hợp pháp và bị sung công quỹ; (ii) giới hạn lượng tiền mặt người có chức vụ quyền hạn được phép cất giữ vào một thời điểm, tùy khu vực sẽ có mức giới hạn khác nhau và chỉ đủ mức để giải quyết nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.




Nếu tại một thời điểm mà lượng tiền mặt vượt quá mức cho phép thì xem như tiền bất hợp pháp và bị tịch thu; (iii) Mỗi người chỉ có một tài khoản ngân hàng. Mọi giao dịch đều phải thông qua tài khoản này (trừ các giao dịch giá trị nhỏ và phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày thì đươc phép giao dịch bằng tiền mặt). Những giao dịch vi phạm đều bị xem là bất hợp pháp và số tiền giao dịch sẽ bị tịch thu sung công.




(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét