Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Một châu Á hậu-Hoa Kỳ hiển hiện ở chân trời


Một châu Á hậu-Hoa Kỳ hiển hiện ở chân trời

Đăng bởi Tiểu Nhi on Wednesday, November 22, 2017 | 22.11.17

Hình minh họa

Sự kiện ông Trump quay lưng với thương mại tự do đa phương đang xóa bỏ những yếu tố chủ chốt trong vai trò của Hoa Kỳ.


Chuyến công du kéo dài 12 ngày đáng phục của ông Donald Trump đến châu Á là một cơ hội có tính quyết định để xác định chính sách châu Á và tầm nhìn của ông cho tương lai. Không may, cả tin tốt và tin xấu, là ông đã thành công.


Cái chủ đề bao quát của ông Trump về “một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” là lấy từ ông thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông Abe đã đưa nó thành trọng tâm trong chính sách ngoại giao của ông. Nhưng với ông Abe, ý nghĩa của thông điệp đó là giữ vững và cập nhật cái trật tự dựa trên luật lệ đã tạo thuận lợi cho sự thành công kinh tế của châu Á trong hơn nửa thế kỷ qua. Với ông Trump, chủ đề này kết hợp với “nước Mỹ trên hết” – đã phá vỡ cái trật tự dựa trên luật lệ mà Hoa Kỳ đã góp phần xây dựng và thực thi, rồi thay thế nó bằng sự cạnh tranh cổ hủ giữa các quốc gia. Nhưng ông Trump dường như không hề biết tới mối mâu thuẫn cố hữu đó.

Dù sao, phần đầu chuyến công du của ông đã tuân thủ kỷ luật một cách khác thường, không dính tới mạng tweet, và được thiết kế để nhấn mạnh vào tính liên tục trong vai trò an ninh của Hoa Kỳ và mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Nam Hàn. Ông cũng đã nhấn mạnh thành công ưu tiên tăng cường áp lực quốc tế lên Bắc Hàn để giải trừ vũ khí hạt nhân. Trên bình diện an ninh, ông Trump đã gia tăng sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực, một việc mà ông Obama không làm được.


Nhưng ngay cả ở Tokyo và Seoul cũng có những lớp sóng ngầm về bất đồng thương mại; ông Trump đã khước từ lời cầu xin của ông Abe, yêu cầu Hoa Kỳ gia nhập trở lại hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); ông cũng nhắc nhở tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in phải điều chỉnh thương mại Hàn-Mỹ nhằm giảm bớt mức thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.


Mặc dù ông Trump đã cảnh báo mạnh mẽ tới nhu cầu tái cân bằng thương mại với Trung Quốc, cuộc họp thượng đỉnh với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không đưa ra kết luận rõ ràng nào về hiện trạng quan hệ Trung-Mỹ, cũng không có kết luận nào về hàng loạt các vấn đề khó khăn, từ tình hình Bắc Hàn đến chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Những lời ca ngợi hào phóng dành cho ông Tập không đồng nghĩa với một thắng lợi về chính sách. Các biên bản ghi nhớ được loan báo ồn ào rằng sẽ có tới 250 tỉ đô la vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào Mỹ trong những năm sắp tới là chuyện có thể có và cũng có thể không biến thành hiện thực.


Tuy nhiên, phần đặc sắc nhất đối với người châu Á là bài diễn văn rất đáng chú ý mà ông Trump đọc trước các nhà lãnh đạo khu vực Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Việt Nam. Ông Trump dường như không biết tới cái thực tế rằng, cơ chế thương mại khu vực và toàn cầu mà ông phỉ báng lại là chiếc chìa khóa mở ra thành công kinh tế của châu Á thời sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Thay vì vậy, tổng thống Mỹ lại than phiền về những cung cách buôn bán không công bằng đã khiến Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại; và ông tuyên bố “chúng tôi không còn chịu đựng được những sự lạm dụng thương mại kinh niên này nữa… chúng tôi sẽ không để cho Hoa Kỳ bị lợi dụng thêm nữa”.


Quan điểm về thương mại của ông Trump trái với kinh tế học. Biện pháp “thương mại công bằng, có đi có lại” mà ông đòi hỏi chỉ đơn giản là liệu Hoa Kỳ có bị thâm hụt thương mại hay không. Đừng quên rằng, thâm hụt thương mại phản ánh những thực tế kinh tế vĩ mô – tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn sản xuất. Trong khi ông Trump tỏ ra có lý về các cung cách buôn bán không công bằng, rõ ràng nhất trong trường hợp Trung Quốc chiếm đến gần một nửa số thâm hụt thương mại toàn cầu của Hoa Kỳ, ông đã không đưa ra được biện pháp thay thế hữu hiệu nào cho hệ thống thương mại hiện hành.


Điều này làm cho lời phỉ báng thiếu căn cứ của ông đối với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hệ thống thương mại đa phương càng thêm đáng lo. “Việc mà chúng tôi sẽ không làm nữa là tham gia vào các hiệp định lớn trói buộc tay chân chúng tôi,” và “hy sinh chủ quyền của chúng tôi”. Chủ quyền mà ông Trump đề cập tới là sự tấn công vào tài sản quý giá nhất của WTO: cơ chế xử lý xung đột thương mại. Ông Trump than thở rằng “chúng tôi không được WTO đối xử công bằng”. Nhưng trong thực tế Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện hơn 100 trường hợp lên WTO, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào – và đa số các vụ kiện này họ đều thắng.


Mở cửa cho Trung Quốc


Lời đề nghị của ông Trump chỉ đàm phán các hiệp định thương mại song phương với các quốc gia vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương không chỉ rơi vào những lỗ tai không muốn nghe mà còn làm dấy lên nỗi lo sợ ở Á châu rằng Hoa Kỳ đã, dù chỉ tình cờ, cung cấp một cơ hội để Trung Quốc đề ra nghị trình cho khu vực. Giờ đây chúng ta có Nhật Bản đang tiến về phía trước với hiệp định TPP trừ Mỹ, còn Trung Quốc đang thúc đẩy hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Như một dấu hiệu của thời đại, châu Á đang tiến tới mà không có Mỹ.


Ông Trump dường như không hiểu biết hoặc không công nhận thực tế rằng nền tảng và tính chính danh cho ưu thế của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương không chỉ là cái ô an ninh nâng đỡ sự ổn định và tạo thuận lợi cho tính năng động kinh tế của châu Á mà còn là sự thực thi một trật tự kinh tế và chính trị đặt căn bản trên luật lệ mà sự kiềm chế chiến lược của Mỹ và những thị trường mở là ví dụ điển hình.


Thật khó hình dung cái lô-gic “nước Mỹ trên hết” của ông Trump – và lời kêu gọi các quốc gia khác trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng nên đặt chủ quyền quốc gia lên trên hết – sẽ dẫn tới đâu, trừ con đường quay trở lại những chính sách “biến hàng xóm thành ăn mày” của thập niên 1930.


Có lẽ khiếm khuyết lớn nhất trong lối tiếp cận của ông Trump là ông ta, và nhiều người chung quanh ông ta, đang sống trong một thời khắc lệch lạc, như trong thời trước năm 1990, khi họ đánh giá quá cao sức mạnh đòn bẩy chiến lược và kinh tế của Mỹ. Ngày nay, dù căn cứ vào tỷ lệ tổng sản lượng của Mỹ với thế giới (khoảng 19%) hoặc tỷ lệ tổng khối lượng thương mại toàn cầu (khoảng 13%) thì vị thế tương đối của Mỹ so với các nền kinh tế đang phát triển đã không còn nhiều sức nặng nữa. Thay vì tìm ra một chiến lược để giới lãnh đạo Mỹ thích nghi với một thế giới thời phương Tây không còn là trung tâm, thì dường như ông Trump lại mong muốn quay về quá khứ. Hậu quả cuối cùng, như tôi tiếp tục nghe các nhà ngoại giao châu Á bày tỏ, là quan niệm về cuộc rút lui của Hoa Kỳ khỏi một châu Á đang mong đợi Washington làm đối trọng với Bắc Kinh.


Ấn tượng của tôi là nhiều người ở châu Á đang nhắc lại cái quan điểm mà thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói về mối quan hệ Hoa Kỳ-châu Âu sau cuộc gặp gỡ với ông Trump: chúng ta không còn có thể “trông cậy hoàn toàn” vào đồng minh.


Quyết định của ông Trump bỏ qua hội nghị thượng đỉnh Đông Á càng củng cố thêm những mối nghi ngờ về nước Mỹ ở một khu vực đang nổi lên nhiều vấn đề. Dù trong các thỏa thuận thương mại nội bộ châu Á như TPP hoặc về sự hợp tác về an ninh đang gia tăng trong nội bộ châu Á (chẳng hạn như phối hợp tuần tra biển giữa Nhật Bản và Ấn Độ, Nhật Bản – Việt Nam, Ấn Độ - Việt Nam, v.v…) người ta đã có thể nhìn thấy vóc dáng lờ mờ của một châu Á đang miễn cưỡng xem xét lại con đường tiến lên của mình, theo mặc định là con đường có khả năng nghiêng về phía Trung Quốc.

Robert Manning

Người dịch: Huỳnh Hoa


Nguồn: https://asia.nikkei.com/Viewpoints/Robert-A.-Manning/A-post-American-Asia-looms-larger-on-the-horizon


* Robert A. Manning là nhà nghiên cứu cao cấp của trung tâm Brent Scowcrof về An ninh quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) và sáng kiến Tầm nhìn, Chiến lược và Rủi ro của trung tâm này. Ông từng là cố vấn cao cấp cho thứ trưởng ngoại giao, phụ trách các vấn đề toàn cầu từ năm 2001-2004, thành viên bộ phận kế hoạch chính sách của bộ ngoại giao Hoa Kỳ từ 2004-2008 và của nhóm Tương lai Chiến lược thuộc Hội đồng Tình báo quốc gia từ 2008-2012.


(Viet-studies)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét