Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Miền Tây tẩy chay nhiệt điện Trung Quốc: đừng tránh vỏ dưa rồi gặp vỏ dừa


VNTB - Miền Tây tẩy chay nhiệt điện Trung Quốc: đừng tránh vỏ dưa rồi gặp vỏ dừa
Reply
news, nhiệt điện, opposite, Trúc Giang – Thảo Vy, Trung Quốc, VNTB
19.11.17

Trúc Giang – Thảo Vy (VNTB) Các nhà đầu tư Trung Quốc đang mở nhiều nhà máy sản xuất pin mặt trời ở miền Bắc Việt Nam để cung cấp cho các dự án sản xuất điện mặt trời ngay tại Việt Nam.





Tại Cần Thơ, Quỹ Đầu tư Dragon Capital đang thực hiện những bước đi đầu tiên của điện mặt trời, qua việc rót ít nhất khoảng 1.000 tỷ đồng vào một dự án với giai đoạn 1 có công suất 40 MW. Còn tại Long An, liên doanh BCG Băng Dương và tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đang xúc tiến dự án công suất 100 MW, với kinh phí đầu tư gần 100 triệu đô la Mỹ. Hay tại Hậu Giang, Công ty cổ phần Năng lượng ASEAN có kế hoạch khoảng 1 tỷ đô la Mỹ phát triển dự án tại địa phương này…


Bạc Liêu dứt khoát từ chối nhiệt điện than


Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bạc Liêu cho biết họ quyết định chọn phát triển điện gió, nên đã có đề nghị Thủ tướng chấp thuận rút Dự án Nhiệt điện Cái Cùng trên địa bàn tỉnh ra khỏi Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII. Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nói rằng, Dự án Nhiệt điện Cái Cùng là nhà máy nhiệt điện than, có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến định hướng phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản của tỉnh.


Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia mới điều chỉnh gần đây (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành khu vực có công suất nhiệt điện than lớn nhất cả nước vào năm 2030 - dự kiến vào khoảng 18.000 MW với 14 nhà máy tại các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang và Trà Vinh. Trong khi đó, nhiệt điện than là loại hình sản xuất điện cần sử dụng một lượng nước rất lớn, cứ 1MWh cần 4.163 lít nước, trong đó 95% lượng nước dùng để làm mát.


Một kết quả nghiên cứu của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), ở các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh, Hải Phòng, nước thải từ hệ thống làm mát của nhà máy nhiệt điện than thường có nhiệt độ cao hơn so với nước đầu vào từ 7,5 – 9,3 độ C làm nhiều loài thủy sản suy giảm, không thể sinh trưởng và phát triển.


Vì thế, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch được xây dựng và vận hành tại đồng bằng sông Cửu Long, mỗi ngày sẽ thải ra khoảng 70 triệu mét khối nước nóng lên tới 400 độ C. Đây sẽ là rủi ro lớn đối với hệ sinh thái dưới nước và nguồn lợi thủy sản của miền Tây Nam bộ, trong khi nước là văn hóa, kinh tế và là nguồn sống của 20 triệu người dân nơi đây.


Hiện nay, Nhà máy điện gió Bạc Liêu với công suất hơn 99MW với 62 trụ turbine tại khu vực bãi bồi ven biển Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã đi vào hoạt động.




“Chúng tôi đang triển khai giai đoạn tiếp theo cho 71 trụ turbine gió loại 2MW với tổng công suất 142MW, tổng mức đầu tư dự kiến 8.850 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2018 hoàn thành đưa vào vận hành, hòa vào hệ thống điện quốc gia, biến nơi đây thành cánh đồng điện gió lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long” - ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Dịch vụ Công Lý, chủ đầu tư Nhà máy điện gió Bạc Liêu, cho biết.


Đi sau Bạc Liêu về năng lượng tái tạo, nhưng tỉnh Hậu Giang đang có đến 4 nhà đầu tư mong muốn sẽ xây nhà máy điện mặt trời tại tỉnh này. Ông Tạ Xuân Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần năng lượng ASEAN cho biết, công ty có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Hậu Giang với diện tích 200 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, tương đương khoảng 23.000 tỷ đồng.


Hiện công ty khảo sát các vị trí để xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời để đến đầu năm 2019 sẽ phát điện. Các vị trí công ty lựa chọn xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Hậu Giang là xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp), xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy) và xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ).


Ông Trương Cảnh Tuyên, phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để công ty đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời trên địa bàn.


Cẩn trọng “rác thải made in China”


Có lẽ cũng cần biết thêm rằng đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở thị trường trong nước hiện nay là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và Đài Loan. Khác với First Solar của Mỹ chọn Sài Gòn để đặt nhà máy, các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc và Đài Loan tập trung ở khu vực các tỉnh miền Bắc Việt Nam.


Đơn cử như tập đoàn JA Solar (JA Solar Group) đang đầu tư dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, với vốn đầu tư thông báo là hơn 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó vốn đầu tư giai đoạn đầu khoảng 300 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, với chi phí thấp, vị trí địa lý thuận lợi, JA Solar đánh giá nhà máy ở Việt Nam sẽ mở ra một thị trường kép, vừa để hoàn thiện chuỗi cung ứng vừa để mở rộng thị phần toàn cầu. JA Solar Group hiện là một trong những nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn với tám nhà máy sản xuất trên thế giới cung cấp các sản phẩm điện năng cho các quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản…


Cũng tại tỉnh Bắc Giang, hồi đầu năm nay, nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Trina Solar (VietNam) Science & Technology, doanh nghiệp 100% vốn của tập đoàn Trinasolar (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên đã chính thức hoạt động. Đây là nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng vốn đầu tư 100 triệu đô la Mỹ, sản lượng thiết kế là 1GW/năm, sản xuất nhiều loại pin đơn tinh thể và đa tinh thể để xuất khẩu.


Gần đây, Công ty Vina Solar cũng đã ký hợp đồng với công ty sản xuất tấm pin năng lượng hàng đầu của Trung Quốc là GCL-SI và Công ty Trina Solar để phát triển các dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam. GCL-SI cho biết sẽ đầu tư 32 triệu đô la Mỹ vào dự án liên doanh này.


Trong lúc đó thì theo tờ South China Morning Post viết rằng ông Lu Fang, Tổng thư ký quang điện của Hiệp hội Năng lượng tái tạo Trung Quốc, trong một báo cáo mới đây cho biết khả năng tích lũy của các tấm pin năng lượng mặt trời quá hạn sử dụng của Đại lục sẽ đạt 70 GW vào năm 2034. Đến năm 2050, số lượng các tấm pin phế thải này sẽ tăng thêm 20 triệu tấn, nhiều gấp 2.000 lần trọng lượng của tháp Eiffel. Và “trong trường hợp thời tiết không tốt, chúng ta nên chuẩn bị tinh thần cho những tác động xấu của chúng tới môi trường”, Lu Fang nói.





Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc hiện sở hữu số đơn vị sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, với tổng công suất đạt gần 80 GW vào năm ngoái. Lượng lắp đặt các tấm pin mặt trời ở nước này cũng nhiều gần gấp đôi so với Mỹ. Các chuyên gia của Bloomberg dự đoán những trang trại năng lượng mặt trời mới của Đại lục được hoàn thành trong năm nay sẽ vượt quá mức kỷ lục của năm 2016.


Năng lượng mặt trời được xem như một dạng năng lượng sạch, không gây hại cho môi trường như nhiều loại năng lượng khác. Tuy nhiên, theo giới phân tích để làm ra một tấm pin, ngay từ đầu đã phải tiêu hao rất nhiều năng lượng. Cụ thể, theo bài viết đăng trên The Economic vào cuối năm ngoái, để làm tan chảy và tinh chế silicon (các tấm pin cần silicon để hấp thụ năng lượng từ ánh sáng mặt trời) phải cần nhiệt độ lên tới 1.414 độ C. Và vì thế, khi một tấm pin mới được sinh ra nó đã mang sẵn trong mình một “món nợ carbon”.


Một tấm pin sản xuất tại Trung Quốc và Việt Nam tạo ra lượng khí thải gần gấp đôi so với một tấm pin sản xuất tại châu Âu. Nguyên nhân vì doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng cung ứng cho sản xuất.


Bên cạnh việc tiêu thụ nguồn năng lượng đáng kể, các chuyên gia cho rằng quá trình sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời còn xuất ra lượng nước thải và các chất phụ gia vào khí quyển.


Một tấm pin năng lượng mặt trời thông thường chứa các kim loại như chì, đồng và có một khung nhôm. Các tế bào năng lượng mặt trời được tạo thành từ tinh thể silic tinh khiết kết tinh dưới một lớp màng nhựa dày có chức năng bảo vệ. Một số công ty ở châu Âu báo cáo rằng họ đã phát triển công nghệ tinh vi nhằm tiết giảm hơn 90% nguyên liệu sản xuất. Thế nhưng các tấm pin mặt trời từ Trung Quốc thì vẫn theo công nghệ cũ kỹ...


Tránh vỏ dưa, coi chừng vỏ dừa


Trung Quốc đã ngừng kế hoạch xây dựng hơn 100 nhà máy nhiệt điện chạy than mới trong năm nay. Tuy nhiên, theo một dữ liệu mới công bố, các công ty năng lượng của Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa sản lượng điện than sản xuất ra trong thập kỷ tới qua việc nhiệt điện than của Đại lục di cư ra nước ngoài.


Theo số liệu của Urgewald, một tổ chức môi trường có trụ sở ở Berlin, các tập đoàn Trung Quốc đang xây dựng, hoặc lên kế hoạch xây dựng hơn 700 nhà máy nhiệt điện chạy than mới tại nhiều nước trên thế giới. Số liệu của Urgewald cũng cho thấy, có tất cả 1.600 nhà máy nhiệt điện chạy than của Trung Quốc đang được lên kế hoạch, hoặc đang được xây dựng tại 62 quốc gia. Các nhà máy mới khi đi vào hoạt động sẽ tăng công suất nhà máy nhiệt điện chạy than trên thế giới lên 43%.


Đơn cử, Tổng công ty Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc không có kế hoạch phát triển điện than trong nước, nhưng lại đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất lên tới 2.200 MW ở Việt Nam và Malawi.


Trong tỷ lệ vốn từ nước ngoài đầu tư vào nhiệt điện than tại Việt Nam có đến 50% đến từ Trung Quốc, tương đương 8 tỉ USD.





Việc Trung Quốc chuyển công nghệ điện than sang các nước khác, được giải thích là làm như vậy, họ vừa xuất khẩu được công nghệ lại vừa giải ngân được vốn; mặt khác đó lại là cách mở đường cho các dự án cơ sở hạ tầng đi kèm và nhập khẩu ngược các nguồn tài nguyên khác về nước.


Một điểm mấu chốt nữa là nâng cao sức mạnh kinh tế - chính trị trong khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp Trung Quốc thường rất dễ thắng thầu vì họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế từ chính phủ, vốn vay lãi suất thấp. Khi Bộ Công thương Việt Nam hồ hỡi phê duyệt những dự án nhiệt điện than do Trung Quốc đầu tư, đúng là trước mắt giúp Việt Nam sản xuất được nhiều điện hơn, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với những rủi ro về môi trường, sức khỏe người dân. Khi môi trường ô nhiễm, du lịch và nông nghiệp cũng bị tác động dẫn đến kinh tế cũng bị ảnh hưởng.


Nghiên cứu cập nhật về ảnh hưởng của khí thải từ nhà máy nhiệt điện than tới sức khỏe cộng đồng, được các nhà khoa học Đại học Harvard công bố tại một hội thảo khoa học đã cho thấy, số người chết yểu do nhiệt điện than ở Việt Nam trong những năm qua lên đến con số 4.300 người/năm.


Việc nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ tỏ thái độ dứt khoát từ chối các dự án nhiệt điện than của Trung Quốc đang tạo hiệu ứng domino. Tuy nhiên cũng đang rất cần sự tỉnh táo trước việc các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục ồ ạt sang miền Bắc Việt Nam để mở những nhà máy sản xuất pin mặt trời, với công nghệ lạc hậu giống như Formosa Hà Tĩnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét