Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017
Nguyễn Phú Trọng người của phe ưu tú
Nguyễn Phú Trọng người của phe ưu tú
Đăng bởi Tiểu Nhi on Monday, November 20, 2017 | 20.11.17
TBT Nguyễn Phú Trọng như ngôi sao trong lá cờ VN. Nguồn: New Mandala
Nguyễn Tấn Dũng là loại chính trị gia có nhiều giai thoại. Lấy bài báo này do Mike Ives của tờ New York Times viết năm ngoái:
Không lâu sau khi trở thành đại sứ Mỹ tại Việt Nam vào năm 2007, Michael W. Michalak đến gặp Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng mới của nước này tại một buổi dạ tiệc và nói rằng, nhân quyền là những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Mỹ tại Việt Nam.
“Bạn có thể nhìn thấy khuôn mặt của ông ta sạm lại”, ông Michalak, hiện là phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, nhớ lại với nụ cười mĩm. Ngay lập tức, ông Michalak nói chữa với ông Dũng rằng, ông muốn nâng cốc chúc mừng sức khỏe của ông ấy và đưa ra một gợi ý thân thiện: Những người phục vụ tiệc nên đãi món thịt bò Mỹ tại sự kiện ngoại giao như thế này lần tới.
Ông Michalak nói: “Ông ấy chỉ huênh hoang và chúng tôi bắt đầu uống rượu vodka. Và kể từ đó, trong mỗi bữa ăn tối như thế này, ông ấy luôn uống một ly vodka với tôi”.
Tôi phải lướt nhanh ra khỏi cảnh này nhưng nó tiết lộ về việc quyền con người được nêu ra rồi sau đó bị vội vã xua đi khỏi cuộc nói chuyện như thế nào, một điều trái ngược với chuyện đáp trả không kịp thời vốn thành tiêu biểu mối quan hệ Việt – Mỹ hiện nay.
Tuy nhiên, điều cơ bản là không có những chuyện như vậy về Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể ông ta đã từng hớp rượu với các đại sứ ở những dạ tiệc sang trọng nhưng những dịp như vậy vẫn chưa được công bố công khai. Theo hầu hết các nhận xét, không thấy có chút hóm hỉnh, thậm chí hài hước nào ở ông ta. Tôi được cho biết, ông ta có vẻ rầu rĩ và ù lì—Tóm lại, có thể trông mong gì từ một lão già cộng sản máy móc. Và có thể nói, có thể trông mong gì từ một lãnh đạo muốn Đảng quay trở lại thời kỳ các quyết định được đưa ra bởi đồng thuận, bởi các lãnh đạo không quan tâm tới người dân và một đảng không có chỗ cho dân – một đảo ngược từ chỗ mà ông Dũng đã dẫn dắt nó. Thật vậy, cựu thủ tướng dân tuý, thu hút và nhất là rất được ủng hộ (nhờ mạng lưới ô dù của ông) mạo hiểm muốn trở nên lớn hơn Đảng, thậm chí có thể lãnh đạo nó đến chỗ mà những người anh em cộng sản của họ bây giờ tự thấy mình là những chương phẳng lặng trong sách lịch sử.
“Gì cũng được trừ Dũng”
Tiến tới Đại hội Đảng lần trước, được tổ chức hồi tháng 1 năm 2016, đã có nhiều suy đoán về cuộc tranh giành quyền kiểm soát của các phe phái đối địch, cũng như thói quen của những người theo dõi tình hình Việt Nam. Chẳng hạn, Alexander L. Vuving, từ lâu đã xác định ba nhóm tách biệt: “bảo thủ”, “trục lợi” và “hiện đại hoá”. Một số khác lại thích nêu hai khối đối lập “thân Tàu” và “thân Mỹ” hơn. Nhưng đến nay, việc phân nhóm quan trọng nhất hồi năm ngoái là liên minh “gì cũng được trừ Dũng”, một cụm từ hình như do David E. Brown, cựu viên chức ngoại giao Mỹ đưa ra. Nhiều người dự đoán rằng Dũng, từng là thủ tướng từ năm 2006, sẽ trở thành Tổng bí thư của Đảng. Thay vào đó, liên minh “gì cũng được trừ Dũng” đã chắc chắn ông ta không những thất bại trong việc thăng tiến, mà còn bị bãi nhiệm. Thay vào đó là Trọng, được dự kiến sẽ rút lui trong vai trò Tổng Bí thư đương nhiệm vì quá hạn tuổi, lại được cho phép tiếp tục thêm 5 năm nữa. Ngay lập tức, điều này đã được thể hiện như là một thắng lợi cho phe “bảo thủ” và một thất bại cho phe “cải cách”. Tuy nhiên, mọi chuyện phức tạp hơn thế.
Trong một bài viết năm 2015, Lê Hồng Hiệp cho rằng, cơ cấu quyền lực của Đảng vào lúc đó giống như “một hình tháp ngược”. Tổ chức chính trị mạnh mẽ nhất là Ban Chấp hànhTrung ương (cơ quan lớn nhất về số thành viên), tiếp theo là Bộ Chính trị, và sau đó là văn phòng của Tổng Bí thư. Nếu đúng —và có những bất đồng về ý kiến của Hiệp—nó đã là một điều hoàn toàn trái ngược với giai đoạn cuối thập niên 1980. Vào lúc Lê Duẩn mất hồi năm 1986, cho đến lúc đó cơ quan quyền lực nhất là Bộ Chính trị hoặc Văn phòng Tổng bí thư Đảng. Sự thay đổi đó không phải Dũng làm tất cả, nhưng ông đã đóng một vai trò chính yếu trong đó. Quyền lực của ông dựa vào một mạng lưới ô dù đáng kể mà ông đã xây dựng, chắc chắn được sự trợ giúp của các tay nhà giàu mới đang cuốn xoáy khắp Việt Nam. Mạng lưới này gồm nhiều mảng lớn thuộc khu vực tư nhân và một đội quân trung thành từ các doanh nghiệp nhà nước quan trọng. (Nhiều cựu giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước hiện đang bị truy tố vì tội tham nhũng sau các cuộc điều tra của Ủy ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, một cơ quan chống tham nhũng đặt dưới sự kiểm soát của Trọng vào năm 2012, trước đây nó do Văn phòng Thủ tướng kiểm soát). Dũng đưa thêm vào mạng lưới này một số quan chức tỉnh. Hiệp viết: “Việc Dũng có vai trò quan trọng trong phân bổ ngân sách nhà nước cho các chính quyền địa phương, đồng thời cũng có quan hệ tốt với doanh nghiệp vốn thường giữ quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo các tỉnh, cũng góp phần tạo ra cho ông một mức độ đáng kể sự trung thành về chính trị”.
Kết quả là, quyền lực lớn hơn được củng cố ở văn phòng Thủ tướng. Và Ban Chấp hành Trung ương, trở thành cơ quan có ảnh hưởng nhất, như Hiệp khẳng định, đã được lấp đầy với những người trung thành với ông. Hai sự kiện sau đây cho thấy mức độ ảnh hưởng của Dũng đối với các uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 10 năm 2012, Bộ Chính trị rõ ràng đã bỏ phiếu loại bỏ ông khỏi chức vụ thủ tướng (hoặc ít nhất kỷ luật ông nặng vì quản lý kém kinh tế, nghe đồn là ông có dính líu trong xí nghiệp đóng tàu nhà nước Vinashin, lỗ lã nhiều tỉ đô la). Theo lệ thường, lẽ ra ông đã phải lặng lẽ ra đi. Ngược lại, ông đã chống lại và Ban Chấp hành Trung ương đã đảo ngược quyết định. Năm ngoái, ông David Brown viết: “Ông ta đã trả món nợ chính trị và đã thành công trong việc đảo ngược đáng kinh ngạc quyết định của Bộ Chính trị tại cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương hai tháng sau đó”. Vài tháng sau, Trọng hậu thuẫn hai đảng viên—Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ—vào Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Trung ương Đảng đã chọn ứng cử viên của chính mình, được cho là ưu ái theo lệnh của Dũng.
Việt Nam dưới quyền của Dũng: ô dù và vai trò cá nhân
Lướt qua nhiều bài báo đăng tải vào khoảng thời gian Đại hội Đảng năm ngoái và mắt của bạn sẽ liên tục nhìn thấy cụm tính từ “ủng hộ doanh nghiệp” trước tên của Dũng. Chắc chắn, ông là một nhà lãnh đạo thân thiện với doanh nghiệp. Nhưng điều này không có nghĩa là Trọng và những người cùng phe là “chống doanh nghiệp”. Ngay sau Đại hội Đảng, một cây bút của trang Nikkei Asian Review cho rằng trong khi những thay đổi nhân sự “sẽ làm cho các quyết định dân chủ hơn, một số người khác cho rằng nó sẽ nhấn chìm cải cách và cản trở việc hoạch định chính sách linh hoạt”. Dân chủ ở đây phải được hiểu một cách lỏng lẻo. Một “kiểu dân chủ” gồm một vài chục, thay vì năm ba tiếng nói, không xứng đáng với tiền tố demos (dân chúng). Tuy nhiên, nhận xét thứ hai là chính xác. Có thể đó là ý định của “liên minh chống Dũng” nhằm làm chậm tốc độ cải cách kinh tế, vì nó vượt quá khả năng của Đảng trong việc tự thay hình đổi dạng của mình cho thích ứng với những thay đổi. Tư nhân hoá DNNN là một ví dụ điển hình. Tư nhân hoá quá nhanh và rủi ro không chỉ làm giảm thu nhập quốc gia nếu không áp dụng các hình thức thay thế khác để bắt kịp với tốc độ. Nó cũng sẽ làm suy yếu triết lý xã hội chủ nghĩa đang kiên định. Để cho việc tư nhân hóa tương thích, một kiểu cách làm khác phải cần tới (quá nhanh, và không có kiểu cách như vậy được thay thế).
Một danh hiệu khác mà một số nhà báo chọn để gán cho ông Dũng là “tiến bộ”, và một số thậm chí còn chọn là “nhà cải cách”. Danh hiệu cuối này trái ngược thực tế, nếu được hiểu theo mặt chính trị hay xã hội. Nhân quyền tệ hại trong nhiệm kỳ của ông Dũng và phong trào ủng hộ dân chủ bị vây hãm. “Tiến bộ” thì có thể tạm chấp nhận nhưng chỉ khi đề cập đến ngoại giao. Chắc chắn, Dũng rất muốn hướng tới Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, để tìm kiếm sự ủng hộ, một sự khác biệt với các nhà lãnh đạo trước đây. Quả vậy, nhiệm kỳ của Dũng chứng kiến sự xích lại gần với Washington nhiều hơn, một điều mà gia đình ông là điển hình. Một con trai học tại Đại học George Washington; một con [rể] khác mang thương hiệu McDonalds vào Việt Nam. Nhưng bao nhiêu trong điều này là do ý đồ của Dũng và bao nhiêu là do các lực đẩy tự nhiên còn phải tranh cãi. Một số chuyên gia dự đoán quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ giảm đi sau khi Dũng ra đi, một dấu hiệu cho thấy ông là thế lực lãnh đạo. Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra, ngay cả sau khi Donald Trump rút Mỹ ra khỏi TPP. Thủ tướng hiện tại Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng của Trump hồi tháng 5, ở đó ông cam đoan sẽ cho phép các doanh nghiệp Mỹ nhiều tự do hơn trong nền kinh tế. Trong chuyến thăm châu Âu vài tháng sau đó, Phúc cam kết sẽ cải cách kinh tế hơn nữa, mở cửa nền kinh tế của Việt Nam thậm chí nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: New Mandala
Vì vậy, khó có thể xem Dũng là một lãnh đạo tiến bộ, và chắc chắn không phải là nhà cải cách. Tuy nhiên, ông gần như là một nhà lãnh đạo dân tuý mà Việt Nam chứng kiến trong những thập kỷ gần đây. Là thủ tướng Việt Nam trẻ tuổi nhất (đảm nhận chức vụ lúc 56 tuổi), ông có một sự tương phản rõ rệt với các đồng nghiệp xám xịt của mình, đặc biệt là với vẻ bề ngoài chải chuốt của ông. Và phát biểu ngang ngạnh chống Trung Quốc của ông đã giúp ông giành được sự ủng hộ của đa số công chúng Việt Nam. Khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bùng nổ vào năm 2014, Văn phòng của Dũng đã gửi một tin nhắn cho hàng triệu người dân. Tin cho biết, tin nhắn đó ghi “Thủ tướng yêu cầu và kêu gọi mọi người dân Việt Nam hãy đề cao tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc bằng những việc thiết thực, đúng pháp luật”. Nhưng lời nói đó cũng cản trở khả năng của Đảng trong việc thương thảo với Bắc Kinh đằng sau hậu trường, như được thực hịện ở hầu hết các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Chắc chắn, một số đảng viên cũng sợ rằng việc khuyến khích bất cứ hình thức biểu tình quần chúng nào, ngay cả đối với Trung Quốc, là không khôn ngoan trong một quốc gia bị áp bức nặng nề như thế.
Dù bất kỳ cách nào, nhiều nhân vật quan trọng của Đảng sẽ lo ngại rằng, lời kêu gọi mang tính cá nhân của Dũng có thể kích động một làn sóng các lãnh đạo dân túy. Một ví dụ là Đinh La Thăng, là người được cử làm Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh hồi Đại hội năm ngoái. Ông ta cũng là người rành rẽ báo chí và có xu hướng ăn nói làm hài lòng đám đông. Báo Diplomat trích dẫn từ một nguồn tin: “Mỗi khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, ông trông lịch lãm. Dũng cũng vậy”. Không chỉ vậy, Thăng được cho là tay chân của Dũng và việc ông thăng tiến vào Bộ Chính trị năm ngoái được đồn là kết quả của việc Dũng hứa rút lui, đổi lại người trung thành của ông đi lên. Tuy nhiên, hồi tháng 5 này Thăng đã bị bỏ phiếu loại ra khỏi Bộ Chính trị, là người đầu tiên bị hất cẵng kể từ năm 1996, và bị tước chức Bí thư TP.HCM. Về mặt chính thức, điều này là do ông chịu trách nhiệm về việc lỗ lã hàng trăm triệu đô la trong vai trò Tổng giám đốc công ty quốc doanh PetroVietnam trước đây. Tuy nhiên, theo đồn đoán thì ông lại là nạn nhân của việc thanh lọc của phe chống Dũng đang được thực hiện. Tuy nhiên, một khả năng khác là giống như Dũng, kiểu cách lãnh đạo của ông ta đã làm cho người thuộc phe theo truyền thống khó chịu.
Hơi thở cuối cùng của người bảo thủ
Thay vì là một cuộc tranh đua giữa “phe tiến bộ” và “phe bảo thủ”, như thường được mô tả về những phe phái trong đảng, có lẽ một sự đối chọi giữa “phe dân túy” và “phe ưu tú” đúng hơn. Về mặt này, Trọng là thủ lãnh phe ưu tú. Năm 1999, khi còn là một uỷ viên Bộ Chính trị, ông mô tả Đảng Cộng sản là “trí tuệ, danh dự, hệ quả của thời đại chúng ta; đảng là hiện thân của sự khôn ngoan, chất lượng, tinh hoa của đất nước”. Kiểu cách dân túy của Dũng, nếu như không được kiểm soát, có thể đã chuyển theo hướng đáng lo ngại trở thành tệ sùng bái cá nhân. Hơn nữa, nó chắc chắn chống lại truyền thống của Đảng, mà với tư cách một nhà lý luận kiên định, Trọng phải giữ gìn.
Trong mắt Trọng, sự nguy hiểm của một nhân vật chính trị có ảnh hưởng đang củng cố quyền lực, nhiều đến nỗi kiểm soát và cân bằng bình thường trong nội bộ Đảng không còn tác dụng, không chỉ là một mối đe dọa đến lợi ích riêng ông. Xét cho cùng, Dũng đã ngăn chặn Trọng đi theo cách của mình nhiều lần. Quan trọng hơn, nó có thể gây nguy hiểm cho bản thân Đảng. Kết quả là, từ khi Trọng tái đắc cử làm tổng bí thư, ông đã cố gắng đưa Đảng quay trở lại phong cách lãnh đạo dựa trên đồng thuận truyền thống. Theo một cách nào đó, điều này là một mâu thuẫn rõ ràng; ông đã biến thành một nhân vật (hoặc đúng hơn là phải trở thành) để trừ khử những ai muốn làm cá nhân [nổi trội] trong Đảng. Bỏ điều đó sang một bên, ông không chỉ một mình. Phúc được biết đến như một điều phối viên có năng lực và, giống như Trọng, khó là người có viễn kiến.
Cựu nhà báo Anh, Philip Bowring từng viết về Việt Nam rằng “dủ có sự chế ngự của chế độ quốc gia độc đảng, sự đồng thuận được đánh giá cao và quyền lực ít tập trung bằng ở các hệ thống cộng sản khác”. Thật vậy, đảng Cộng sản Việt Nam tách rời khỏi những người anh em xã hội chủ nghĩa của họ qua nỗ lực phối hợp không tạo dựng tệ sùng bái cá nhân, ngoại trừ sự sùng bái được khắc hoạ đậm nét cho Hồ Chí Minh, cần thiết trong thập niên 1980 khi Việt Nam rời xa chủ nghĩa xã hội, hướng về thị trường tự do. Nhưng điều này không có nghĩa là vẻ bề ngoài đồng thuận của công chúng luôn phản ánh đúng thực tế.
William J. Duiker, trong cuốn Ho Chi Minh: A Life, viết rằng HCM “không là một nhân vật, chi phối như nhiều nhà lãnh đạo cách mạng hiện đại khác như Lenin, Stalin, hay Mao Trạch Đông; ông ta có vẻ lãnh đạo bằng cách thuyết phục và đồng thuận hơn là bằng cách áp đặt ý chí của mình thông qua sức mạnh của cá nhân”. Ngay cả trong Đảng Cộng Sản Việt Nam, và dù có triết lý mang tên ông được xây dựng sau này, ông ít lên giọng về lý tưởng và lý luận bằng những người tương tự như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và đặc biệt là Lê Duẩn. Trên thực tế, ông đã dành hầu hết những năm gần cuối đời để dung hoà các lập trường đối kháng trong Đảng. Tháng 5 năm 1969, bốn tháng trước khi mất, ông viết một lá thư cho các đồng chí, nhấn mạnh rằng, “đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta”. Ông kêu gọi các đồng chí “từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. (Tôi muốn giới thiệu cuốn sách của Thái Quang Trung 1985: “Lãnh đạo tập thể và bè phái: tiểu luận về di sản của Hồ Chí Minh”, để biết thêm thông tin về giai đoạn này).
Tất cả những người cộng sản giỏi đều hiểu phép biện chứng. HCM hy vọng rằng, biện chứng nội bộ của Đảng, tại một lúc giữa phe “Bắc trên hết” và phe “Nam trên hết”, theo cách nói của Trung, sẽ được giải quyết bởi “hợp đề” của sự đồng thuận. Triết lý tương tự (và lo sợ tương tự về những điều sẽ xảy ra nếu nó không được tuân theo) chắc chắn là ý của chính quyền hiện tại. Việc Trọng xây dựng sự đồng thuận không phải là cuộc thanh lọc đơn giản về cách suy nghĩ phe phái hoặc cách suy nghĩ khác. Điều đó là bất khả, và đi ngược lại ý định ông ta. Chính xác hơn, đó là cuộc thanh trừng các thành viên gây nguy cơ cho sự đồng thuận. Nhưng, có thể nói là điều này phải làm với phong cách và lòng trung nhiều hơn là với ý thức hệ hoặc triển vọng. Thủ tướng Phúc là một ví dụ điển hình. Ông là Phó Thủ tướng của Dũng, chia sẻ nhiều niềm tin của người tiền nhiệm trong cải cách kinh tế và quan hệ với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông thiếu uy tín của Dũng, và có nhiều khả năng ông mong mình để trở thành một nhân vật có cá tính nằm trên phần chóp bu của một đảng không cá tính.
Một cân nhắc cuối cùng là tất cả những việc này sẽ dẫn tới đâu. Có khả năng câu trả lời là năm 2021, khi Đại hội Đảng kế tiếp diễn ra. Một bài báo của Economist năm ngoái đã cho thấy, điều đó tốt hơn là tôi cố tìm cách diễn đạt:
[Tới năm 2021], nhóm các đảng viên nói tiếng Nga, được giáo dục căm ghét nước Mỹ, sẽ tới hạn nghỉ hưu. Những người kế tục họ rất có thể là các nhà kỹ trị, học ở phương Tây, vốn hiểu rằng niềm hy vọng tốt nhất cho đảng tồn tại nằm ở việc làm cho nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn, và thuyết phục người Việt trẻ … rằng đảng hết sức quan tâm tới họ.
Cho rằng Đại hội năm 2021 sẽ như vậy, ít người thắc mắc việc phe ưu tú trong Đảng muốn làm tiến trình này vững chắc trước khi nó đến. Đối với Trọng, điều đó có nghĩa là việc loại bỏ những kẻ muốn thể hiện cá tính và những kẻ hãnh tiến, có thể do họ tự thấy chính mình, không phải do Đảng, như là tương lai. Người ta có thể tưởng tượng một nhân vật như Dũng tồn tại trong một khung cảnh chính trị mà Đảng Cộng sản không tồn tại trong đó. Điều như vậy không thể nói cho Trọng.
David Hutt - New Mandala
Dịch giả: Song Phan
(Tiếng Dân)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét