Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017
Giáo sư sửa chữ Bùi Hiền: Lời ai điếu cho một nền đào tạo thiếu thực tế
VNTB - Giáo sư sửa chữ Bùi Hiền: Lời ai điếu cho một nền đào tạo thiếu thực tế
2
Bùi Hiền, Kiều Phong, news. forums, VNTB
1.12.17
Kiều Phong (VNTB) Xảy ra mấy ngày gần đây, một vị giáo sư đề xuất đổi chữ quốc ngữ sang một dạng khác. Đó là PGS.TS Bùi Hiền- từng là hiệu phó đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Chúng ta hãy cùng nhau dự đoán tính khả thi của đề xuất ấy.
Một số người cho rằng, vì vụ máy bay Trung Quốc bay vào không phận trên biển của Việt Nam, các thế lực chính trị tung tin vụ giáo sư sửa chữ để đánh lạc hướng dư luận. Đề xuất cải tiến chữ tiếng Việt, theo như giáo sư Bùi Hiền nói, thì ông đã chuẩn bị cách đây 20 năm, chứng tỏ công sức và thời gian mà ông bỏ ra cũng không ít. Hơn nữa cũng không ai lấy danh dự của cả đời mình, của cả một ngôi trường danh tiếng như Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội ra để làm vật thí thân mà đánh lạc hướng dư luận cả. Đánh lạc hướng dư luận thì không thiếu gì cách, nhưng đề xuất của ông Bùi Hiền thực sự là quá sốc.
Thêm vào đám dầu đang bốc cháy là thao tác đánh lận con đen của các mặt báo quốc doanh. Chẳng hạn như tờ Báo Mới (1) gọi việc làm của ông Bùi Hiền đối với tiếng Việt là “cải tiến”. Thực chất dùng từ “xóa bỏ” thì đúng hơn là “cải tiến”. Khi anh cải tiến một thứ thì sau khi cải tiến, người ta vẫn có thể nhìn ra được mối liên hệ giữa sản phẩm trước cải tiến và sau cải tiến, và vẫn dễ dàng sử dụng hai thứ như nhau. Còn như công trình của ông Bùi Hiền, đem mặt chữ mới cho một người đọc thông viết thạo chữ Việt vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX thì người đó sẽ không thể đọc được. Vậy đây là thao tác xóa bỏ một vật và thay vào đó một khác, hoàn toàn không có tính kế thừa. Đánh lận con đen là một thao tác mà gọi thẳng ra thì là khôn ranh. Việc làm của ông Bùi Hiền là thay thế và xóa bỏ thì cứ gọi là thay thế và xóa bỏ, cớ sao tờ Báo Mới phải chữa là “cải tiến”.
Bảng chữ cũ và cách ghép vần, đã được sử dụng cả mấy trăm năm. Cái gì thuộc về truyền thống thì rất khó đốt bỏ. Ông Bùi Hiền nói rằng làm quen với bảng chữ mới chỉ mất 1 đến 2 năm. Cho dù làm được như vậy , thì hàng triệu cuốn sách viết bằng chữ cũ, chẳng lẽ phải đốt đi? Bao nhiêu thư từ cha viết cho con, anh viết cho em, tình nhân viết cho nhau, nếu thay đổi mặt chữ thì đời sau làm sao có thể đọc được?
Theo như lời giải thích trực tiếp của ông Bùi Hiền khi được phỏng vấn hình bởi phóng viên đài lớn (2), ông bảo rằng tiết kiệm được trên 8% mặt chữ hoặc hơn nữa, từ đó tiết kiệm được số giấy tờ, từ đó nhiều người nghĩ đến việc giảm số cây gỗ rừng bị đốt. Đây là một luận điểm hết sức phản tiến hóa. Việc tiết kiệm số giấy tờ của cả nước không tùy thuộc mấy vào số chữ cái, mà là tùy vào văn hóa của nước đó, tùy vào thể chế chính trị. Thay đổi chữ, tiết kiệm chưa thấy đâu mà chỉ thấy tốn kém.
Còn nếu nói việc khắc phục một âm thanh hai chữ viết thì cũng không đúng. Ngay bản thân trong tiếng Anh, giới ngôn ngữ học nước này cũng thừa nhận rằng nhiều khi mặt chữ không phản ánh cách phát âm, tuy nhiên hội đồng khoa học hoàng gia Anh cũng không dám sửa, cũng chưa thấy đề xuất sửa, bởi vì một từ đã phổ biến trong dân chúng và biết bao nhiêu văn bản thì gần như không thể sửa được nữa. Qúa trình tiến hóa của một ngôn ngữ và một mặt chữ chủ yếu là do nhân dân quyết định.
Cách ghép vần mới mà Bùi Hiền đưa ra, theo nhiều người, thì là phản cảm, về mặt mỹ thuật. Chữ quốc ngữ phổ biến hiện nay do một số đông các nhà ngôn ngữ học của Tây phương ( mà không muốn nói là của các tổ chức lớn) thiết kế cho Việt Nam, những nhà ngôn ngữ học tài giỏi được đào tạo kỹ lưỡng. Việc sắp chữ của các nhà ngôn ngữ học này hợp lý và đẹp cả về mặt mỹ thuật. Chỉ có một nền ngôn ngữ học còn rất non trẻ như của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới có một đề xuất thay đổi xóa bỏ chữ như thế, thay xong thì chữ nhìn như chữ con cóc, cụt đầu cụt đuôi, hết sức phản mỹ thuật. Kể cả khi các nhà ngôn ngữ học phương Tây cung cấp mặt chữ rồi, các trí thức- văn nhân Việt Nam sau đó cũng phải gọt dũa trên 100 năm mới được mặt chữ đẹp như bây giờ. Nhân dân là giám khảo công bằng nhất, họ trông thấy một cách xếp chữ xấu xí thì họ chửi vào ông Bùi Hiền, mà có tờ báo quốc doanh nào bênh vực hay chữa thẹn cho ông thì cũng bênh vực không lại.
Những việc làm như thế, chỉ có các danh hiệu giáo sư- tiến sỹ ở Việt Nam mới nghĩ ra được (vì họ không có ý thức đề xuất những việc thiết thực mà chỉ thích biểu diễn). Cho nên, những người quan tâm đến chính trị mới cho rằng đây là một vụ đánh lạc hướng dư luận nhân ngày Trung Quốc cho máy bay vào đe dọa không phận biển Đông Việt Nam. Cũng có thể cả hai giả thiết đều đúng.
Khoảng vài tuần sau là muộn, có lẽ không ít cách ghép chữ tinh nghịch mà có cùng lúc hai ba nghĩa sẽ được các nhà ngôn ngữ học trẻ đưa ra để nhại ông Bùi Hiền cũng nên. Trên mạng không ít những lời nhại như vậy rồi. Đây lại là lời ai điếu cho một nền đào tạo thiếu thực tế, sinh ra những con người rảnh rỗi, việc cần làm không làm, lo đi làm việc đâu đâu.
(1)https://baomoi.com/tac-gia-cua-ban-de-xuat-cai-tien-chu-tieng-viet-len-tieng/c/24077074.epi
(2)http://video.infonet.vn/thoi-su-24h/tac-gia-luat-zao-zuk-ly-giai-tai-sao-lai-cai-cach-tieng-viet-do090jo3.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét