Không truy nguồn gốc tài sản quan chức có dấu hiệu tham nhũng thì chống tham nhũng kiểu gì?
Đăng bởi Elvis Ất on Friday, November 3, 2017 | 3.11.17
Không vùng cấm, không nể nang, không ngại đụng chạm, quyết tâm, kiên quyết, quyết liệt, nghiêm minh… là những cụm được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần mỗi khi các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước nói về phòng chống tham nhũng. Những phát ngôn, phát biểu ấy ít nhiều đã ít nhiều khêu gợi lại niềm tin của người dân vào công cuộc chống tham nhũng vốn “bế tắc” hàng chục năm nay. Hàng triệu, hàng triệu người hi vọng, rất hi vọng nhưng rồi qua những vụ việc xử lý tham nhũng gần đây thì đến những người lạc quan nhất cũng phải thở dài, ngao ngán.
Nếu việc bắt Trịnh Xuân Thanh, tử hình Nguyễn Xuân Sơn, chung thân Châu Thị Thu Nga, bỏ tù Phạm Công Danh, giam Trầm Bê, cách chức Nguyễn Xuân Anh được ca ngợi như một thành công rực rỡ của công cuộc chống tham nhũng, thì ngược lại việc xử lý vụ biệt phủ Yên Bái như “gãi ghẻ”, vụ hot girl Trần Vũ Quỳnh Anh rơi vào “im lặng”, thông tin bị cáo Châu Thị Thu Nga khai 30 tỷ chạy vào Quốc hội bị “phớt lờ”, vụ bê bối thuốc giả VN Pharma có liên quan đến người nhà của Bộ trưởng Y tế không được làm sáng tỏ, nạn cả nhà làm quan “đúng quy trình” ở Bắc Ninh, Hà Giang, Nghệ An, Cần Thơ, những dự án BOT đầy mờ ám…giải thích sao đây ? Liệu có hay không việc bao che, dung túng cho tham nhũng.
Nếu chống tham nhũng nhưng luật lại không quy định thanh tra không truy nguồn gốc tài sản quan chức có dấu hiệu tham nhũng (cả đương chức và về hưu) như lời ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thì thanh tra cái gì, chống cái gì đây ? Luật là do con người định ra, nếu thấy không phù hợp thì điều chỉnh, thay đổi.
Cho nên vụ Yên Bái xử lý như thế thì liệu hàng chục vụ khác liên quan đến tài sản lãnh đạo các cấp đang làm dân chúng bất bình nhưng sẽ giải quyết thế nào? Đó là chưa nói trong tương lai sẽ còn nhiều vụ mới bị “lộ”.
Với hoàn cảnh và môi trường ở Việt Nam hiện nay việc kê khai tài sản chỉ làm tốn thời gian, tốn giấy mực. Vì chẳng ai dại gì lại “lạy ông tôi ở bụi này”. Cho nên mới có chuyện khôi hài 1,1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ 3 người thiếu trung thực trong khi tham nhũng nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có.
Qua việc xử lý các vụ tham nhũng nêu trên ta thấy rằng, thực sự cuộc chiến chống tham nhũng là “nữa vời”, nó tựa như một cuộc cách mạng không triệt để vì chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề. Vấn đề của cuộc chiến chống tham nhũng là nguồn gốc tài sản. Theo tôi đây là một thất bại lớn cả về tính nghiêm minh của pháp luật lẫn niềm tin của dân chúng.
Như chúng ta đã biết, thể chế độc tài sản sinh các tệ nạn tiêu cực và tham nhũng. Và càng chống, tham nhũng chẳng những không giảm mà ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn. Chỉ cần quan sát chúng ta sẽ nhận thấy rằng, không có hoạt động nào trong đời sống xã hội lại không có bóng dáng của tham nhũng, từ lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, toà án… cho đến cả lực lượng công an, quân đội. Nhưng cũng đừng nghĩ rằng cứ làm công chức, viên chức ai cũng có thể tham nhũng mà chỉ những ai giữa chức vụ lãnh đạo, quản lý. Mà giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tất phải là Đảng viên. Chính lẽ đó nên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới nói “chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta”.
Phải khẳng định, tham nhũng là sâu mọt hại nước hại dân phải diệt trừ tận gốc. Mất cán bộ là đau, nhưng những u nhọt “ác tính” không cắt sẽ lây lan làm hại cơ thể. Đã có rất nhiều trường hợp sai phạm, tham nhũng bị kiểm điểm, cách chức, nhưng rồi sau đó lại thăng tiến rất nhanh và khi ở chức vụ lớn, sai phạm lớn hơn, tham nhũng lớn hơn.
Cho nên cứ sai phạm, tham nhũng ít nhiều là cách chức chứ không kiểm điểm, rút kinh nghiệm, điều chuyển gì hết, biên chế đang dư, người làm được việc cũng không thiếu. Có như vậy mới ngăn chặn sai phạm mới và tái phạm của quan chức. Còn kiểu sử lý như hiện nay thì lờn thuốc hết. Vì nếu sai phạm, tham nhũng tiền tỷ mà chỉ bị cảnh cáo, khiển trách thì nói thật, ai cũng muốn vi phạm, ai cũng muốn tham nhũng.
Cảnh Điền
(Dân Luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét