Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017
Hữu nghị Việt - Nga: công ba tội bảy
VNTB - Hữu nghị Việt - Nga: công ba tội bảy1
CMT10 Nga, forums, news, Phùng Hoài Ngọc, VNTB
16.11.17
Phùng Hoài Ngọc (VNTB) Vài tờ báo chí quốc doanh năm nay bỏ công phu tổ chức ồn ào kỷ niệm 100 năm CM tháng Mười Nga 2017 có vẻ hơn mấy năm trước.
Tuy nhiên nội dung thực chất vẫn nghèo nàn, gượng gạo như nhiều năm qua, kể từ sau 1991. Không có bột sao gột nên hồ !
Cuộc hội thảo “khoa học” của giới Tuyên giáo thì không cần bàn tới. Bởi đây vẫn là những báo cáo khoa học cũ rích từ bao năm trước mang ra xào xáo lại.
Đáng chú ý hơn, là những cuộc tranh luận bỏ túi trên mạng xã hội. Việc này là đời sống tự nhiên, thể hiện nhu cầu nhận thức lịch sử đúng đắn của số đông dân chúng. Nhận thức sao cho đúng đắn về hiện tượng CM tháng Mười Nga và Liên Xô còn sôi nổi hơn, vì đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến thực trạng Việt Nam bi đát hiện nay.
Một số hoạt động văn nghệ, chủ yếu của mấy đài truyền hình, cũng vẫn bản cũ soạn lại. Một chục bài hát Liên Xô được các Đài bỏ tiền ra thuê ca sĩ biểu diễn như bao năm trước, đạo diễn sân khấu “làm mới” bằng các loại đèn led đèn lazer và dàn âm thanh hiện đại hơn.
Một số phim Tài liệu cũ lục moi ra chiếu lại (đặc biệt, không có phim nghệ thuật nào được chiếu vì quá lạc hậu).
Một số bài báo kể công lao Liên Xô đã xây cho VN một số nhà máy, công trình, đào tạo cán bộ. v.v…
Một số phim Tài liệu “mới” thì nội dung lại nhàm chán: chạy theo tả những cuộc gặp lại người xưa cảnh cũ cua hai bên Nga -Việt. Cán bộ trí thức già đi du lịch Nga và người Nga già quen cũ sang thăm Việt Nam. Thầy trò già gặp nhau cảm động kể lể tình xưa nghĩa cũ. Chúng tôi tôn trọng những kỷ niệm riêng tư của đời người. Tuy nhiên nó trở thành chất liệu cho đài báo tuyên truyền.
Thực ra hai dân tộc này vốn chẳng thù hằn, đương nhiên quí mến nhau vì tình nhân loại và đặc biệt cảm thông vì đồng cảnh ngộ đau khổ bầm dập với ý thức hệ cộng sản. Những người từng du học hay công tác Liên Xô được mời kể lể tình cảm người dân Nga nhân hậu tốt bụng, thầy cô giáo Nga tận tình dạy dỗ, chăm sóc chu đáo…Đó là những hồi ức riêng của họ có quyền lưu giữ, đem chia sẻ với công chúng cũng được,chẳng sao cả. Tuy nhiên nó được giới tuyên chuyền chuyên nghiệp tranh thủ tán tụng gượng ép, đánh tráo khái niệm, vơ vào cho tình quốc tế vô sản giữa hai nước.
Mỗi giai đoạn lịch sử rất cần được giới sử học tổng kết đánh giá với tinh thần khách quan nhất.
Trung Quốc đã từng đúc kết lịch sử hiện đại của họ qua mấy giai đoạn. Không kể giới lịch sử quốc doanh nghiên cứu theo định hướng, những người trí thức chân chính có cách đánh giá khác. Một trong những cách đánh giá mang tính dân gian truyền thống là xét hai mặt công và tội. Phủ nhận sạch trơn một thể chế cũng là thiếu công bằng. Công trình “Thiên thu công tội Mao Trạch Đông”[1] (千秋功罪毛泽东) của nhà nghiên cứu quân đội Tân Tử Lăng (Hongkong xuất bản 2007- bản dịch tiếng Việt của TTXVN) được sự tán thành theo dõi của đông đảo nhân dân. Tác giả đại tá Tân Tử Lăng đánh giá Mao “công ba tội bảy”. Tỷ lệ 3/7 là con số thành ngữ dân gian, hiểu rằng đó là công ít (3) tội nhiều (7). Tỉ lệ 3/7 không phải con số thống kê thông thường.
Đến chừng nào đó, nhà sử học Việt Nam viết công trình “Liên Xô trăm năm công tội”. Có thể họ đã viết, đang viết, chưa công bố.
Phần luận công, đài báo tuyên huấn đã kể lể coi như đủ rồi, thậm chí còn quá dư thừa. Đặc biệt, họ còn nhầm lẫn định tội với luận công.
Tôi muốn bổ sung phần định Tội theo 7 điểm mà đài báo tuyên truyền lỡ quên hoặc cố tình quên.
Gây hại: 7 phần
Nếu cần phải kể tác hại của Liên Xô gây ra cho Việt Nam thì không hề nhỏ. Hậu quả lâu dài ấy không thể mô tả hết được dù là một bộ tiểu thuyết sử thi trường thiên nhiều tập.
Theo thời gian diễn tiến trước sau, sự can thiệp của Liên Xô ( cùng với Đông Âu và Trung Quốc) diễn ra như sau. Là người làm báo, chúng tôi trọng về sự kiện và thực tiễn, không quan tâm sự tán dương ý nghĩa trừu tượng.
Trong thời gian chiến tranh Việt- Pháp, thế cục chưa ngã ngũ, Liên Xô chưa nhúng tay, chỉ có Trung Quốc cử cố vấn quân sự sang trợ giúp. Liên Xô chỉ cho mấy người làm phim sang quan sát và giúp làm phim tài liệu. Sau khi chiến tranh Đông Dương lần I kết thúc, quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam (1954), Liên Xô mới đặt Việt Nam lên bàn cờ chiến lược thế giới. Chủ trương của họ là nhanh chóng “liên xô hoá” xứ Việt Nam, trước hết là miền Bắc Việt Nam.
1. Cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở móng” 1953-1956 ở Việt Nam với bàn tay lãnh chúa Stalin và Mao Trạch Đông chỉ đạo giục giã chủ tịch HCM từng bước thực hiện. (Cố vấn của Mao trực tiếp thúc ép ráo riết thực hiện vụ xử nạn nhân tử hình mẫu đầu tiên là bà Cát Hanh Long một nhà tư sản yêu nước, sau đó nhân rộng ra đại trà huỷ diệt cả trăm nghìn địa chủ miền Bắc). Liên Xô cũng như Trung cộng không thể vô can với thảm hoạ đánh gục tinh hoa và văn hoá làng quê trên đất nước Việt Nam ta, dọn đường cho công cuộc xây dựng CNXH.
2. Hội nghị Geneva họp từ ngày 8-5 đến 21-7-1954.
Do 4 cường quốc Liên Xô và Anh Pháp Mỹ chủ trì hội nghị bàn việc Đông Dương. Liên Xô cố đưa Trung Quốc và Việt Nam vào hội nghị để tăng vây cánh, và cùng với TQ lèo lái Việt Nam dẫn đến nghị quyết chia đôi nước Việt Nam (và Triều Tiên) để bành trướng hệ thống XHCN ra phía đông. Nghị quyết chia đôi hai nước Việt Nam được ký kết.
3. Xây dựng nhà nước Việt Nam theo mô hình sô viết. Chế độ chính trị an ninh kiểm soát chặt chẽ tư tưởng và phát ngôn của mỗi người dân.
Chế độ kinh tế quan liêu bao cấp. Kinh tế quốc doanh và hợp tác xã phá hoại toàn diện nền kinh tế miền Bắc kéo dài hơn miền Nam hai chục năm..
Chế độ hành chính, chính trị quan liêu bao cấp hoàn toàn rập khuôn Liên Xô.
Năng lực lao động rã rời, đồi truỵ…
Đời sống nhân dân bi đát không kể xiết...
4. Xây dựng nền giáo dục lạc hậu trì trệ, huỷ diệt năng lực người lao động Việt.
Sách khoa học tự nhiên dịch nguyên vẹn của LX, sách xã hội nhân văn biện soạn theo quan điểm Mác Lê nin nhồi nhét ý thức hệ và ca tụng công cụ chuyên chính vô sản. Một nề giáo dục kiểu trại lính XHCN hoàn toàn thui chột năng lực sáng tạo cá nhân.
5. Cố vấn và viện trợ toàn diện cho chủ trương “giải phóng miền Nam”
mở đường đưa quân vào miền Nam tiến hành chiến tranh giành lãnh thổ.
Đào tạo quân nhân sử dụng vũ khí nặng (pháo binh, tên lửa, xe tăng, không quân, hải quân, đặc công, xe tải…).
Cung cấp hầu hết vũ khí sát thương đủ các chủng loại.
Viện trợ không hoàn lại kinh phí lớn (con số bí mật đến bây giờ chưa công bố).
6. Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, áp đặt toàn bộ mô hình XHCN trên toan quốc. Sự huỷ hoại kinh tế, chính trị, xã hội miền Bắc lặp lại ở Miền Nam.
7. Phản bội hiệp định Vác-sa-va, bỏ mặc VN bị TQ tấn công 1979
Năm 1979 lãnh đạo Việt Nam còn đang lo đối phó biên giới Tây Nam bộ với bọn cộng sản biến thái Polpot, yên tâm sau lưng là biên giới Việt- Trung và Liên Xô với hiệp ước quân sự được ký kết tạiWarszawa (Ba Lan). Việc thành lập Khối Warszawa được coi là để bảo đảm hòa bình và an ninh ở các nước cộng sản thành viên, và Liên Xô thành lập và chỉ huy nhằm chống lại khối quân sự NATO, do Hoa Kỳ đứng đầu các biến cố lịch sử cho thấy mục đích chính của khối này là để củng cố sự thống trị của cộng sản ở Đông Âu. Ở Hungary vào năm 1956, và sau đó là ở Tiệp Khắc năm 1968, Liên Xô đã viện dẫn Hiệp ước Warsaw để hợp pháp hóa việc can thiệp nhằm đàn áp các cuộc cách mạng chống cộng. Việt Nam tin tưởng vào cơ quan tình báo Liên Xô lừng lẫy,… Rút cục họ mặc kệ cho quân Trung cộng bất ngờ tấn công 4h sáng ngày tháng 17 tháng 2/1979, tràn sang 6 tỉnh và tắm máu quân dân ta hàng chục vạn người VN, nhất là ở miền bắc (ngày16/3 chúng rút quân sau khi thiệt hại nặng nề cả hai bên).
Cựu TBT Lê Duẩn từng tuyên bố “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho cả Liên Xô Trung Quốc” năm 1979. Như thế, rõ ràng Việt Nam tự nhận và hợp đồng giao làm một tiền đồn phía Đông của Liên Xô chống lại chủ nghĩa tư bản đế quốc.
Trong cuộc chiến tranh “The Vietnam War”, Liên Xô tự coi là hậu phương lớn, chỉ lo rót vũ khí và kỹ thuật, còn Việt Nam đổ vô vàn xương máu, đến nay 4 triệu nạn nhân chất độc da cam còn tồn tại vất vưởng đó. Liên Xô phủi tay vô can.
Rút cục, xin hỏi lịch sử, ai phải là kẻ chịu ơn - hậu phương hay tiền tuyến ?
Câu hỏi này cũng dành cho đồng bào mình và nhất là bộ máy tuyên truyền hiện tại phải trả lời sòng phẳng công minh trước lịch sử.
Kết
Trước ngày kỷ niệm năm nay, sáng 4 tháng 11, bất chợt tôi nghe chương trình VOV1, đang nói về các hoạt động Kỷ niệm 100 năm, phát thanh viên chuyển sang hỏi nhà báo đang thường trú ở Liên bang Nga. Nhà báo Thành Phương thường trú VOV từ Liên bang Nga nhấc điện thoại trả lời đài nhà: “Ở thành phố St.Petersburg*[2] không khí kỷ niệm không được tưng bừng như những ngày lễ khác, chỉ có một số đoàn du lịch đến thăm Cung điện mùa Đông nay là bảo tàng nghệ thuật”.
Bộ máy tuyên truyền Việt Nam cố gắng gượng gạo hâm nóng kỷ niệm CM tháng Mười Nga và thắp nhang cho bóng ma Liên Xô cũ.
Hiệu quả liệu sẽ được bao nhiêu ?!
Chú thích
[1] . “Thiên thu công tội Mao Trạch Đông”: không có nghĩa Mao đã gây ra công- tộitrong vòng nghìn năm, vì Mao chưa đầy trăm tuổi. Câu ấy có nghĩa: công tội Mao còn được nhắc nhớ nghìn năm sau nữa.
[2] . Tên cũ trước CM tháng 10 Nga: Sankt.Petersburg. Sau bị đổi là Leningrad. Sau 1991, buộc phải trả lại tên cũ.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét