Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017
Bốn ngộ nhận thường thấy về dân chủ
Bốn ngộ nhận thường thấy về dân chủ
Đăng bởi Tiểu Nhi on Thursday, November 2, 2017 | 2.11.17
Không phải lúc nào dân chủ cũng mang lại ổn định và trật tự mà có khi lại còn kém hơn so với cả chế độ độc tài trước đó.
Bà Aung San Suu Kyi bị coi là nỗi thất vọng của những người yêu dân chủ ở Myanmar khi im lặng trước vấn đề diệt chủng người Rohingya. Ảnh: Darren Whiteside/Reuters
Nhắc tới “dân chủ”, hầu hết mọi người liên tưởng về những xứ sở mà ở đó con người sống trong cảnh giàu có, các quyền của họ được bảo vệ, xã hội thì thịnh vượng, việc quản trị quốc gia lại chẳng có gì để phàn nàn. Nhiều cái tên được xướng lên như minh chứng cho giấc mơ ấy: một nước Mỹ tự do, một Tây Âu phồn thịnh, hay một nước Nhật văn minh.
Dĩ nhiên người ta không thể tìm ra nổi một quốc gia độc tài nào đáp ứng được những kỳ vọng ấy. Singapore có thể đem tới cho người dân một cuộc sống sung túc nhưng lại kém tự do. Trung Quốc hùng mạnh nhưng đầy rẫy các vụ bắt bớ, đàn áp và thông tin bị kiểm duyệt đến mức đáng sợ. Bắc Triều Tiên dẫu có là siêu cường hạt nhân song dân chúng phải sống trong cảnh cơ hàn. Những ví dụ ấy càng củng cố thêm niềm tin rằng không có dân chủ thì những giấc mơ kia cũng không thành hiện thực.
Nhưng mặt khác, chúng ta cũng có thể kể ra một loạt vấn đề tồi tệ của các quốc gia dân chủ. Ấn Độ với nền kinh tế trì trệ và nạn tham nhũng nằm ở mức báo động. Philippines nghèo nàn và quản trị kém. Thậm chí cả nước Mỹ cũng có đó những vụ khủng bố triền miên. Rốt cuộc, tại sao những quốc gia được gọi là dân chủ ấy lại chẳng tuyệt vời như ta tưởng?
May thay, vấn đề không nằm ở dân chủ mà do chúng ta đã kỳ vọng quá mức về nó.
Dân chủ không phải là tấm thảm thần
Rõ ràng, để đạt được những kết quả đáng mơ ước, các nền dân chủ như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản đã phải đi qua một con đường dài với những nỗ lực cải cách liên tục. Dân chủ thôi thì chưa đủ.
Dân chủ phải được hiểu như một thủ tục. Trong thủ tục này, người dân có thể bầu chọn, kiểm soát và thay thế người lãnh đạo. Thông qua đó, người dân sẽ tự mình tạo nên một định chế chính quyền mà họ mong muốn.
Như vậy, dân chủ đơn giản là một phương tiện cho phép chúng ta đạt được thành tựu chứ nó không tự động mang đến thành tựu. Chính những nỗ lực của người dân mới có thể giúp lèo lái “tấm thảm không tự bay” ấy đến đích. Bằng không, rất có thể họ sẽ đáp xuống những miền hỗn loạn như Mùa Xuân Ả Rập.
Do đó, ta không nên dành quá nhiều kỳ vọng cho dân chủ, đặc biệt đối với các quốc gia vừa mới dân chủ hóa. Đòi hỏi nó ngay lập tức phải mang đến tự do, thịnh vượng, nhân quyền là điều không tưởng. Rồi ta sẽ sớm thất vọng, chán nản khi dân chủ không thể đem lại ngay những chuyện tốt lành.
Dân chủ không đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế
Thực tế cho thấy thành tích kinh tế thần kỳ thường xảy ra vào giai đoạn độc tài, như Đài Loan thời Chiang Ching-Kuo [Tưởng Kinh Quốc, CTM Media], Hàn Quốc thời Park Chung Hee [Phác Chính Hy] hay Singapore thời Lee Kuan Yew [Lý Quang Diệu].
Khi một quốc gia vừa chuyển đổi sang dân chủ, tăng trưởng kinh tế có thể bị trì hoãn trong một giai đoạn tạm thời. Đứng trước những biến chuyển của thể chế, các thành phần kinh tế chưa kịp thích nghi và vì vậy họ cần có thời gian để điều chỉnh. Thậm chí, các nền dân chủ mới chuyển đổi có khi gặp phải cảnh tăng trưởng ì ạch. Những nhóm người giàu có, vốn được hưởng lợi từ giai đoạn cai trị độc tài trước đó, rất có thể sẽ xù lông lên trước những mối đe dọa mà dân chủ đem tới. Họ sẽ tẩu tán tài sản, cắt giảm đầu tư hoặc phá hoại ngầm. Tiêu biểu, tăng trưởng kinh tế của các nước như Hàn Quốc, Đài Loan đã sụt giảm trong và sau giai đoạn chuyển đổi dân chủ hồi cuối những năm 1980. Nhưng tất cả những chuyện ấy chỉ là tạm thời và bất cứ ai cũng cần phải chuẩn bị sẵn tinh thần cho cái giai đoạn khó khăn đã được tiên liệu.
Về lâu dài, mức phát triển kinh tế dưới chế độ dân chủ sẽ được cải thiện theo thời gian. Xét tổng thể thì thể chế dân chủ thúc đẩy tăng trưởng cao hơn hẳn so với thể chế độc tài, tuy nhiên không nên quá kỳ vọng rằng điều này sẽ xảy ra ngay lập tức. Bạn có thể đọc thêm bài “Dân chủ hay độc tài, chế độ nào thành công hơn về kinh tế” để hiểu rõ vấn đề này hơn.
Dân chủ không có nghĩa là quản trị tốt
Đặc trưng của dân chủ là sẽ có nhiều lực lượng tham gia quá trình ra quyết định. Điều này dẫn tới nhiều hệ quả dễ làm buồn lòng những ai nóng vội.
Thứ nhất, để ra được một chính sách, cần phải chấp nhận mức độ chậm trễ nhất định để các bên có thời gian cân nhắc, thỏa hiệp và tìm kiếm đồng thuận.
Thứ hai, dân chủ khiến cho các chính sách ở quy mô lớn khó được thực thi. Các đảng phái phải phục tùng ý chí của nhiều nhóm cử tri đa dạng mà chính sách càng lớn thì càng dễ bị phản đối bởi nhóm này hay nhóm khác. Khi quyền lực không tập trung vào tay một cá nhân hay một đảng phái thì không thể sử dụng theo cái cách quyết liệt nhát gừng.
Và thứ ba, thể nào cũng có lúc xảy ra bế tắc chính trị khi các bên không thể thống nhất với nhau về chính sách. Chính phủ kém cỏi sẽ nảy sinh từ đây, nếu họ không đủ sức đối phó với những hệ quả hiển nhiên đi kèm theo dân chủ.
Chế độ độc tài có điểm lợi là nó không chịu áp lực của công luận khi làm chính sách, do đó nó có triển vọng đạt được thành công cao hơn so với chế độ dân chủ. Tâm lý so sánh dễ nảy sinh khi chính quyền dân chủ không đạt được hiệu quả như chế độ độc tài cầm quyền trước đó hoặc như các quốc gia độc tài lân cận (chẳng hạn người ta vẫn quen so Ấn Độ với Trung Quốc). Điều này có thể khiến người dân mất niềm tin vào dân chủ rồi quay lại ủng hộ lối cai trị độc tài.
Tuy nhiên, lựa chọn như vậy lại quá dễ dàng. Những ai yêu mến dân chủ hẳn sẽ hiểu rằng bản chất của dân chủ đến từ sự đồng thuận. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho dân chủ hóa, cần phải gạt bỏ cái niềm hi vọng rằng chế độ dân chủ quản trị hiệu quả hơn chế độ độc tài.
Dân chủ không hẳn mang lại ổn định
Không phải lúc nào dân chủ cũng mang lại ổn định và trật tự mà có khi lại còn kém hơn so với cả chế độ độc tài trước đó.
Trong các chế độ độc tài, những tiếng nói khác biệt thường bị đàn áp, do đó nó tạo ra ổn định trong một chừng mực nào đó. Còn trong nền dân chủ, các quyền tự do biểu đạt, hội họp, biểu tình được bảo vệ. Đi cùng với chúng có thể là các khuynh hướng tiêu cực và nguy cơ bất ổn như xung đột tôn giáo và sắc tộc – điều ít khi xảy ra trong các chế độ độc tài. Có thể kể tới trường hợp của các nhóm cực đoan như Ku Klux Klan ở Mỹ hay các bất ổn và phong trào ly khai của người Kurd ở Iraq thời hậu Saddam Hussein.
Bên cạnh đó, đối với các nước mới chuyển đổi qua nền dân chủ, bất đồng sẽ liên tục xảy ra giữa các nhóm khác nhau, như lực lượng của chế độ độc tài cũ và lực lượng dân chủ mới, khi bàn về các quy tắc và thiết chế dân chủ của quốc gia. Nếu không giải quyết ổn thỏa thì chúng có thể đẩy quốc gia đến bất ổn, tiêu biểu như câu chuyện về người tị nạn Rohingya ở Myanmar.
Một lần nữa, thời gian là yếu tố tiên quyết. Cần có thời gian để các lực lượng khác nhau làm quen với các thủ tục dân chủ, học cách thỏa hiệp và đi tới đồng thuận thì dân chủ mới có thể dần dà bước vào ổn định.
Vậy rốt cuộc dân chủ đem lại cho ta điều gì?
Giữa nhiều ưu điểm, có thể kể ra ba mối lợi chính mà thiết chế chính trị dân chủ mang lại: Thứ nhất, nó cho phép cạnh tranh hòa bình trong việc hình thành chính phủ và ảnh hưởng đến chính sách công; Thứ hai, nó có thể giải quyết các xung đột kinh tế và xã hội thông qua các thủ tục thông thường (tranh luận, thỏa hiệp, biểu quyết và bầu cử chứ không phải là bạo lực hay đảo chính); Và thứ ba, trong một nền dân chủ thì chính quyền đại diện cho lợi ích rộng rãi của người dân.
Không như chế độ độc tài, chế độ dân chủ có khả năng điều chỉnh các quy tắc và thiết chế của nó thông qua đồng thuận khi hoàn cảnh đòi hỏi. Nó có thể không tạo ra tất cả các kết quả tốt ngay lập tức nhưng nó để ngỏ mọi cơ hội để thay đổi. Đó là điều mà không chế độ độc tài nào làm được.
Vi Yên
(Luật Khoa Tạp chí)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét