Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017
Thấy gì từ việc Kho bạc nhà nước mang 160 ngàn tỷ gửi ngân hàng?
Thấy gì từ việc Kho bạc nhà nước mang 160 ngàn tỷ gửi ngân hàng?
Đăng bởi Lê Sơn on Friday, September 15, 2017 | 15.9.17
Chuyện nhỏ mà không nhỏ, bởi nó phản ánh một cái hố phân hóa cực lớn giữa dòng tiền và lưu thông, giữa khu vực tài chính với khu vực sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.
Khi thời gian của năm 2017 đã vụt trôi đến hai phần ba, một báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết Kho bạc Nhà nước đang đẩy mạnh gửi tiền tại các ngân hàng trong thời gian gần đây. Tính đến cuối tháng 8, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại đã lên tới 160.000 tỷ đồng, tăng 68% so với giai đoạn đầu năm.
Nhưng đây không phải lần đầu tiên một báo cáo như trên xuất hiện. Trong những năm gần đây đã hiện ra ngày càng nhiều cảnh báo về hiện tượng Kho bạc nhà nước phát hành trái phiếu cho các ngân hàng thương mại để “đổi” lấy tiền mặt, nhưng khi ôm tiền rồi thì lại chẳng biết làm sao quay vòng vốn, tóm lại là chẳng biết làm gì ngoài việc lại ôm tiền tống vào ngân hàng để… lấy lãi.
Vậy là dòng tiền chỉ luẩn quẩn từ ngân hàng đến Kho bạc nhà nước rồi sau đó quay trở lại ngân hàng. Tất cả chỉ chăm chăm ăn chênh lệch trên đầu nhau.
Hiện tượng trên lại lồng trong khung cảnh chưa bao giờ Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại ngập tiền như hiện thời!
Khối ngân hàng thương mại đang mang trên mình sứ mệnh phải cấp tốc đẩy ra thị trường một lượng tiền khổng lồ lên tới 1,2 triệu tỷ đồng trong năm 2017.
Trong những cuộc họp chính phủ gần đây, ông Nguyễn Xuân Phúc – người vẫn còn là đương kim thủ tướng – đã không giấu được vẻ sốt ruột khi thấy tiền tràn ngập trong Kho bạc nhà nước và trong hệ thống các ngân hàng thương mại nhưng tốc độ đẩy tiền ra lưu thông lại quá chậm chạp.
Một tréo ngoe lớn lao là hiện tượng trên lại ngược phản với các báo cáo của chính phủ mà chính ông Phúc ra rả lặp đi lặp lại về “tốc độ tăng trưởng 6,7% GDP của Việt Nam”. Tiền nhiều như quân nguyên mà không lưu thông được thì làm sao tăng trưởng 6,7% GDP và giữ được thành tích điều hành kinh tế xứng đáng với vị thế ứng cử viên tổng bí thư cho đại hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2018?
Đến một học sinh cấp ba cũng biết rằng chỉ có sức tiêu thụ tăng thì mới kéo theo sức sản xuất tăng và do đó kinh doanh mới có việc làm. Thế nhưng nền kinh tế Việt Nam đã tiến vào năm suy thoái thứ chín liên tiếp khiến giảm sút đáng kể sức tiêu thụ, trong lúc lương và thu nhập của nhiều giới không những không tăng mà còn bị giảm tương đối. Vậy thì lấy cơ sở nào để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% GDP? Hay đó chỉ là “lời nói dối ngọt ngào” – như tựa đề một bộ phim về tình yêu vô vọng?
Dường như chính phủ “liêm chính, kiến tạo và hành động” của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đang bị tiếp biến tình cảm vô vọng ấy. Nếu vào những năm trước một phó thủ tướng là ông Vương Đình Huệ đã phải mát mẻ về “GDP có chân” khi chứng kiến hiện tượng hầu hết các tỉnh thành đều báo cáo GDP địa phương tăng hơn 10%, nhưng tổng quát GDP quốc gia chỉ còn 5-6%, thì nay ông Phúc cũng đang nói dối một cách ngọt ngào về thành tích tăng trưởng kinh tế trong lúc còn hàng triệu tỷ đồng nằm chết dí trong ngân hàng.
Bất chấp việc phần lớn ngân hàng đã thi hành chính sách khoán doanh số cho vay tín dụng đối với nhân viên ngân hàng, tìm nhiều cách khuyến mãi để có thể cho vay được, đa số doanh nghiệp vẫn lắc đầu. Nhiều người than thở “làm ăn thời buổi này khó quá!” và “chẳng biết vay để làm gì”.
Rất nhiều doanh nghiệp vẫn còn nhớ như in “thuốc độc” vào năm 2011. Khi đó, lãi suất cho vay vọt đến 22% – 30%/năm. Trong cơn túng quẫn tiền bạc, không thiếu doanh nghiệp đã phải nhắm mắt sa chân vào ngân hàng để rồi sau đó tự tra đầu mình vào sợi dây thòng lọng. Không chỉ là cái chết theo nghĩa bóng, mà nghe nói còn có cả những vụ quyên sinh theo đúng nghĩa đen vì mất khả năng thanh toán món lãi quá lớn cho ngân hàng…
Chưa kể đến việc ngân hàng, dù đã tồn một đống tiền trong những năm qua, nhưng lại khăng khăng không chịu giảm lãi suất cho vay, trong lúc cố ép lãi suất tiền gửi xuống thấp thấp để hưởng chênh lệch tối ưu đến 5-6%, cao hơn hẳn mức chênh lệch bình quân chỉ 2% trên thế giới. Cái tư duy cực kỳ ích kỷ theo kiểu sống chết mặc bay như thế của ngân hàng đang khiến tất cả đều có nguy cơ chết chùm: cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.
Đầu ra lại càng khốn khổ khi chính phủ bất thần phi mã một chiến dịch đè đầu dân chúng và doanh nghiệp bằng đủ mọi sắc thuế mà khiến dân phải nhớ lại thời Pháp thuộc “chúng bòn rút dân ta đến tận xương tủy”. Ý chí thắt lưng buộc bụng của dân chúng cũng vì thế đang được “nâng lên một tầm cao mới”, càng khiến sức tiêu thụ và kéo theo sức sản xuất trì trệ hơn. Thảm thương thay, lòng tham tăng thuế để “bù đắp khó khăn ngân sách” đang khiến cái khó ló… cái ngu.
Thiền Lâm
(cali today)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét