Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Đốt sách thời Nguyễn Phú Trọng


Ngô Nhân Dụng - Đốt sách thời Nguyễn Phú Trọng

Đăng bởi Ha Tran on Thursday, September 7, 2017 | 7.9.17

Khi nói đến Đốt Sách, người Á Đông nghĩ ngay tới Tần Thủy Hoàng. Nhưng nếu so sánh với đảng Cộng Sản Việt Nam thì Tần Thủy Hoàng chỉ đáng gọi là một anh “ăn cắp vặt,” Cộng Sản mới là một đảng cướp lớn. Bây giờ, sau khi nhiễm được những thói quen văn hóa của người dân đã sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Việt Cộng không còn đốt sách nữa. Nhưng thói quen trộm cướp không dễ gì xóa bỏ được. Các “đỉnh cao trí tuệ” đã sáng tạo ra phương pháp đốt sách mới: Không đốt cả cuốn sách! Đốt từng chút một! Đốt từng chữ, từng dòng; nếu sơ ý sẽ không ai nhìn thấy chúng nó đang đốt sách!






Chính sách đốt sách của Việt Cộng đã được biểu diễn ngay tại Hà Nội sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước. Đó là thời Hồ Chí Minh. Học sinh được Thành Đoàn ra lệnh “Phát động phong trào chống văn hóa nô dịch” bằng cách nộp sách nhà mình và đi truy lùng “bắt sách” của hàng xóm đem đốt. Những quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách khảo cứu, tiếng Việt, tiếng ngoại quốc, được tập trung tại phố Tràng Thi, rồi đốt! Những thứ sách nào bị kết tội là văn hóa nô dịch? Thí dụ, Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, Đôi Bạn của Nhất Linh, Thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Thế Lữ, Xuân Diệu viết trước 1945, đều bị kết tội cực kỳ phản động!


Sau năm 1975, đến lượt Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Giờ đến thời của Lê Duẩn. Trong chiến dịch “Bài trừ văn hóa đồi trụy, phản động,” các nhà in, nhà xuất bản và những tiệm sách, nhà phát hành lớn như Khai Trí, Sống Mới, Độc Lập, Đồng Nai, Nam Cường, Trí Đăng… đều bị niêm phong chờ thanh niên xung phong và bọn trở cờ 30 Tháng Tư đến cướp. Một gia đình giữ cuốn từ điển Larousse toàn tiếng Pháp, vì nghĩ tự điển không có lập trường chính trị nào cả! Chủ nhà vẫn bị đưa đi học tập cải tạo! Một ông chủ tiệm cho thuê truyện tại đường Huỳnh Quang Tiên, kế bên trường Cơ Đốc và nhà thờ Ba Chuông, đã tự sát với một trái lựu đạn! Tội nghiệp các em học sinh vô tội chết oan chỉ vì Việt Cộng bắt đeo băng đỏ đi tịch thu sách!


Việt Cộng theo Mao Trạch Đông lên án giới trí thức đứng đầu các người “phản động,” đốt sách là một mặt của chính sách tiêu diệt trí thức. Từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn, chính sách của “đảng ta” trước sau như một, là độc quyền tư tưởng, độc quyền ngôn luận, độc quyền báo chí, do đó, phải đốt sách. Những sản phẩm văn hóa nào “không do đảng lãnh đạo” đều đáng đốt!


Không biết từ năm nào, Việt Cộng đã ngưng không đốt sách? Không có một văn bản nào cho phép người ta giữ các sách “phản động.” Tức là chính sách của đảng không hề thay đổi. Chỉ “thả lỏng” trong thực tế thôi, có ngày đảng có thể đốt sách lại! Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, một công an cấp phường, cấp xã cũng có thể đi “bắt sách” như cũ. Vì không có luật lệ nào cấm họ.


Xét thành tích đốt sách thì Việt Cộng qua mặt Tần Thủy Hoàng, hàng ngàn, hàng triệu lần!


Mà đúng ra, Tần Thủy Hoàng không phải là người chủ trương đốt sách. Bốn chữ “phần thư, khanh nho” (焚書坑儒) viết trong Sử Ký của Tư Mã Thiên khiến cho ông hoàng đế đầu tiên của nước Tàu mang tội suốt 2,300 năm nay. Người Tàu tin Tư Mã Thiên nên đã kết án Tần Thủy Hoàng đốt sách (năm 213 Trước Công Nguyên) và chôn các nhà Nho (năm 210 TCN) mà không tìm các chứng cớ khác. Năm 210, Thủy hoàng chết, hai năm sau người dâng sớ xin đốt sách là Thừa Tướng Lý Tư cũng chết. Tất cả các sự kiện phần thư, khanh nho đều căn cứ vào lời tường thuật của Tư Mã Thiên.


Lý Tư cũng là người có học, cho nên biết quý sách. Ông ta cho đốt tượng trưng những sách cấm, nhưng những cuốn bị cấm nặng nề nhất như Kinh Thi, Kinh Thư, vẫn lưu giữ hai bản mỗi cuốn, cất trong văn khố. Những học giả được triều đình công nhận vẫn được giữ đủ các thứ sách trong nhà để tham khảo.


Tư Mã Thiên sống vào đời Hán, một triều đại lập nên khi lật đổ nhà Tần, cho nên kể rất nhiều chuyện xấu về Tần Thủy Hoàng! Điều đáng nghi ngờ nhất là trong hơn một trăm năm trước Tư Mã Thiên, không có một tài liệu nào nói đến các biến cố đốt sách và chôn học trò.


Nhưng chúng ta biết chắc rằng dù Tần Thủy Hoàng ác tới đâu cũng không thể nào nghĩ ra những mưu đốt sách quỷ quyệt như Việt Cộng ngày nay.


Biết rằng đốt sách là một hành động bị cả thế giới khinh bỉ, những người kế nghiệp Lê Duẩn và Hồ Chí Minh không dám công khai thi hành nữa. Không những thế, ngày nay họ còn cho phép tái bản các cuốn sách đã từng bị kết tội và bị đốt. Thí dụ các tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn.


Khi nhìn thấy những tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam được bày bán ở các tiệm sách, người ta có cảm tưởng rằng chế độ Cộng Sản đã thay đổi, không kiểm soát văn chương cũ từ thế kỷ trước nữa.


Nhưng không phải như vậy! Tất cả các tác phẩm cũ, xuất bản ở miền Nam trước năm 1975, và trên toàn quốc trước năm 1954, trước khi được in ra đều phải xin phép và đi qua những con mắt kiểm duyệt của Tuyên Huấn. Đó là nơi đưa “lưỡi kéo” cắt, hoặc dùng bút sửa những chữ, những câu nào không đúng đường lối của đảng. Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, Khái Hưng hay Vũ Trọng Phụng, đều được kiểm duyệt như vậy. Nhiều cuốn tiểu thuyết bị đưa lên máy chém, sau khi đã in ra, như sách của Dương Nghiễm Mậu!


Không những vung đao chém các nhà văn gần đây, bọn Tuyên Giáo Cộng Sản còn chém cả tổ tiên, từ thế kỷ 15 nữa! Nhà văn Phạm Xuân Đài mới trình bày một hành động sửa văn bài Bình Ngô Đại Cáo, khi in trong cuốn 3 của bộ Lịch Sử Việt Nam mới ra đời năm 2017.


Trong đoạn chót bài Bình Ngô, Nguyễn Trãi viết: “…Nền vạn thế xây nên chăn chắn, thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu. Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy! Than ôi! Vẫy vùng một mảng nhung y nên công đại định,” theo bản dịch của Bùi Kỷ in trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Học sinh trung học thời Việt Nam Cộng Hòa nhiều em đã thuộc lòng những câu trên khi học lịch sử.


Nhưng, ông Phạm Xuân Đài nhận ra và tố giác, trong cuốn 3 của bộ Lịch Sử Việt Nam, bài Bình Ngô Đại Cáo đã mất hẳn một câu. Đó là câu: “Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy.” Trong tạp chí mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, Phạm Xuân Đài đã kể thêm rằng cuốn lịch sử mới in của Cộng Sản Việt Nam ghi chú rằng họ in bài Bình Ngô Đại Cáo dựa theo bản dịch trong Nguyễn Trãi toàn tập (in lần đầu năm 1980). Như vậy thì không phải ban Tuyên Giáo thời Nguyễn Phú Trọng đã kiểm duyệt văn Nguyễn Trãi, mà nó đã bị cắt, bị thiến từ thời các ông Lê Duẩn, Trường Chinh!


Phạm Xuân Đài thuật lời nhà văn Nguyễn Minh Cần (đã quá cố ở Nga), kể rằng các ông Trường Chinh và Tố Hữu đã cắt bỏ câu “Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy.” Lý do, vì người Cộng Sản họ không tin ở trời đất mà cũng chẳng cần biết đến tổ tông. Đó là thứ “văn hóa phản động” mà dân tộc Việt vẫn “mê tín” suốt mấy ngàn năm, trước khi Hồ Chí Minh “giác ngộ chủ nghĩa Mác Lê Nin!”


Phạm Xuân Đài cũng tìm ra trên trang 261 quyển Lịch sử Việt Nam bản in 1976 thì ở chỗ câu văn Nguyễn Trãi bị cắt đó, họ có in mấy dấu chấm. Tức là báo cho độc giả biết có những chữ bị cắt bỏ; người tò mò có thể tra cứu tìm cho đầy đủ. Đến bản in năm 2017 thì cả mấy dấu chấm đó cũng biến mất! Coi như Nguyễn Trãi bị cắt đứt, mất cả tung tích!


Đó là chính sách “đốt sách” kiểu mới của đảng Cộng Sản thời Nguyễn Phú Trọng, kiểm soát văn hóa tư tưởng một cách kín đáo hơn thời Lê Duẩn, nhưng tàn bạo hơn nhiều!


Ngô Nhân Dụng


(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét